backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Thuốc điều trị béo phì nào an toàn với sức khỏe? Cách điều trị béo phì hiệu quả

Tham vấn chuyên môn: Chuyên gia dinh dưỡng Vũ Thị Mai Hương · Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống · Eatsy


Tác giả: Thu Hiền · Ngày cập nhật: 05/01/2022

    Thuốc điều trị béo phì nào an toàn với sức khỏe? Cách điều trị béo phì hiệu quả

    Béo phì là một trong những nguyên nhân làm giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Bệnh béo phì đang ngày càng trở nên phổ biến và thuốc điều trị béo phì là chủ đề được nhiều người quan tâm, tìm hiểu.

    Cách điều trị bệnh béo phì ở người lớn

    Cắt giảm calo trong chế độ ăn thường ngày

    Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý cân nặng. Vì vậy, điều trị béo phì bằng việc điều chỉnh chế độ ăn là một trong những phương pháp đầu tiên được áp dụng để giảm lượng mỡ thừa, giảm năng lượng đưa vào cơ thể. Ở những bệnh nhân béo phì có BMI trên 35 hoặc BMI trên 30 kèm theo bệnh tiểu đường thì mục tiêu là giảm lên tới 15 – 20% trọng lượng cơ thể khi xây dựng chế độ ăn.

    Thuốc điều trị béo phì

    Hiện nay, có nhiều chế độ ăn để điều trị béo phì ở người lớn:

    Theo những nghiên cứu mới nhất hiện nay, một chế độ ăn kiêng đúng đắn có hiệu quả giảm cân cao khi phối hợp chế độ ăn vừa giảm năng lượng vừa giảm chất béo khẩu phần.

    Chế độ ăn giảm năng lượng

    Năng lượng tiêu hao – năng lượng ăn vào phải đạt tối thiểu 500 Calo/ngày mới có tác dụng giảm cân. Chế độ ăn giảm chất béo khẩu phần tức là giảm nguồn năng lượng từ chất béo: chất béo nên ở mức thấp. Với người Việt Nam nên tiêu thụ chất béo ở ngưỡng thấp của nhu cầu khuyến nghị: Khoảng 15% năng lượng khẩu phần từ chất béo. Trong đó có ít acid béo no (từ mỡ động vật), nhiều acid béo không no có 1 nối đôi và nhiều nối đôi (từ dầu thực vật).

    Chế độ ăn rất thấp năng lượng

    Năng lượng tiêu hao – Năng lượng ăn vào = 500-1000Kcal/ngày. Điều này sẽ dẫn tới giảm 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng. Phương pháp cần chú ý giảm năng lượng của khẩu phần từng bước một, mỗi tuần giảm khoảng 300 Calo so với khẩu phần ăn hiện tại cho đến khi giảm năng lượng tương ứng với mức BMI.

    Khi một khẩu phần có sự giảm năng lượng giữa tiêu hao và ăn vào >1000Kcal được gọi là chế độ ăn rất thấp năng lượng.

    Chế độ này phải cung cấp cho cơ thể đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết: Vitamin, khoáng chất, đủ các acid amin và các acid béo thiết yếu: cần cung cấp đủ 0,8 – 1,5g đạm/kg cân nặng lý tưởng/ngày, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của đối tượng để duy trì sức khỏe và khả năng lao động.

    Việc thực hiện chế độ ăn năng lượng rất thấp chỉ nên kéo dài 12-16 tuần để đạt hiệu quả giảm cân, sau đó tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, mức độ béo phì cần khám tư vấn bác sĩ dinh dưỡng để có hướng điều trị tiếp.

    Chế độ ăn năng lượng rất thấp có hiệu quả giảm cân rất nhanh. Tốc độ giảm trung bình trong 12-16 tuần khoảng 20kg, người càng béo thì sẽ giảm cân càng nhiều.

    Tuy nhiên việc thực hiện chế độ ăn năng lượng rất thấp có những mặt hạn chế:

    • Khó thực hiện, cần có ý chí cao, trong giai đoạn ăn kiêng này phải không chịu áp lực công việc cao.
    • Có thể có các tác dụng phụ của giảm cân nhanh: Tăng acid uric máu, bệnh gout, sỏi bàng quang và các biến chứng ở tim mạch.

    Do vậy chỉ dùng chế độ ăn rất thấp năng lượng cho bệnh nhân béo phì (BMI>30) và đặc biệt những người có các bệnh rối loạn kèm theo như: đái tháo đường typ 2, có cơn ngừng thở khi ngủ cần có có sự theo dõi của bác sĩ.

    Hãy đọc thêm: 8 nguyên nhân gây béo phì khiến bạn gặp nhiều rủi ro

    Vận động thể lực

    Bên cạnh năng lượng nạp vào thì năng lượng tiêu hao cũng rất quan trọng với người bị béo phì. Đối với những bệnh nhân béo phì, không hoạt động thể lực hay ít vận động rất dễ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như: tim mạch và đái tháo đường. Vận động thể lực, tập thể dục thường xuyên kết hợp với chế độ ăn khoa học sẽ làm tăng hiệu quả giảm cân. Hiệu quả giảm cân của việc vận động thể lực thay đổi tùy vào mức độ và thời gian tập luyện.

    Vận động thể lực và chế độ ăn uống cắt giảm calo có ưu điểm là tương đối an toàn với sức khỏe, không phải phẫu thuật và ít gặp phải các tác dụng phụ.

    Ngoài ra nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc tăng hoạt động thể lực ở những người trưởng thành quá cân, béo phì làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch mà không phụ thuộc vào việc giảm được bao nhiêu cân nặng. 

    Giấc ngủ cũng là một điều cần chú ý: ngủ đủ giấc, đảm bảo 7-9 tiếng/ngày. Với người béo phì không nên ngủ quá ít (nhất là ở trẻ em vì người ta thấy có mối liên quan giữa ngủ ít và tăng cân nhiều) nhưng cũng không nên ngủ quá nhiều.

    Hãy đọc thêm: Thức khuya gây béo phì

    Dùng thuốc trị béo phì

    Sử dụng Thuốc điều trị béo phì

    Vì thị trường thuốc giảm cân rất phức tạp nên chúng ta nên điều trị theo quyết định của bác sĩ chuyên khoa và phải tuân thủ đúng chỉ định dùng thuốc. Người đang điều trị béo phì cần luôn ghi nhớ: 

    • Thuốc điều trị phải được dùng cùng với việc áp dụng một lối sống khoa học về ăn uống và vận động. Thuốc chỉ nhằm giúp người bệnh thực hiện được chế độ ăn kiêng thích hợp, luyện tập thể dục và những nguyên tắc thay đổi hành vi.
    • Thuốc điều chỉnh cân nặng không điều trị được béo phì, một khi ngừng thuốc, cân nặng sẽ trở lại. Phải dùng theo chỉ định của bác sĩ và sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. 
    • Thuốc phải được cân nhắc ở từng giai đoạn của một quá trình dài điều trị, phải được bác sĩ chỉ định riêng từng cá thể. Các yếu tố nguy cơ của thuốc điều trị thuốc phải được cân nhắc phòng chống trong những trường hợp béo phì trong thời gian dài.
    • Thuốc điều trị béo phì ở người lớn chỉ được tiếp tục nếu cân nhắc thấy an toàn và hiệu quả trên người bệnh đó. Theo các nhà khoa học Anh quốc thì điều kiện để tiếp tục nếu dùng thuốc > 3 tháng cho hiệu quả giảm cân tối thiểu là 10%.

    Chỉ định dùng thuốc (WHO 2000): Cần cân nhắc điều trị béo phì bằng thuốc khi người bệnh:

    • Có BMI  ≥ 30 và điều trị bằng chế độ ăn, luyện tập, thay đổi hành vi không thành công.
    • Hoặc có BMI  ≥  25 có bệnh tật đi kèm như rối loạn dung nạp glucose, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, hoặc nhiều biến chứng do béo phì đã xuất hiện như viêm xương khớp, cơn ngừng thở khi ngủ…

    Hãy đọc thêm: Không ai ngờ cằm 2 ngấn có thể ảnh hưởng đến tính mạng

    Thuốc trị béo phì Orlistat

    Orlistat là gì?

    Orlistat là thuốc điều trị béo phì chứa hợp chất ức chế lipase – enzyme thủy phân chất béo trong dạ dày và tuyến tụy để làm giảm sự hấp thu  của cơ thể đối với chất béo trong chế độ ăn uống. Từ đó, chất béo trong thức ăn (dạng triglycerid) không bị thủy phân nên cơ thể không hấp thu được. Cơ thể hạn chế lượng calo nạp vào từ chế độ ăn, đem lại hiệu quả tích cực trong việc giảm cân, kiểm soát cân nặng. Orlistat không ngăn chặn sự hấp thụ calo từ đường và các thực phẩm không chứa chất béo. Vì vậy bạn vẫn cần hạn chế tổng lượng calo nạp vào cơ thể.

    Thuốc điều trị béo phì Orlistat thường được chỉ định kết hợp cùng với chế độ ăn giảm nhẹ calo trong điều trị béo phì và ngừa tăng cân trở lại ở bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 30kg/m² hoặc bệnh nhân thừa cân (BMI ≥ 28kg/m²) kèm theo các yếu tố nguy cơ (như cao huyết áp, tiểu đường, tăng lipid huyết).

    Liều dùng và cách dùng thuốc Orlistat

    Thuốc điều trị béo phì Orlistat

    Người mắc bệnh béo phì nên dùng thuốc Orlistat trước khi ăn. Thuốc dùng 3 lần/ngày, nếu điều trị với thuốc sau 12 tuần nhưng không mang lại kết quả tích cực, không giảm tối thiểu là 5% cân nặng thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ để cân nhắc việc ngưng điều trị. Lưu ý thuốc chỉ dành cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.

    Tác dụng phụ thường gặp

    Khi điều trị với thuốc Orlistat, người bệnh có thể sẽ gặp các tác dụng phụ sau:

    – Rối loạn tiêu hóa

    – Tiêu chảy, đại tiện không kiểm soát

    – Đầy hơi và phân có mỡ

    – Buồn nôn, đau bụng, nước tiểu sẫm màu, vàng mắt, vàng da.

    – Các triệu chứng của sỏi thận như đau lưng, đau khi đi tiểu, nước tiểu màu hồng, có máu…

    – Cũng có khả năng bị dị ứng nghiêm trọng nhưng cũng rất hiếm khi xảy ra bao gồm các dấu hiệu như: Phát ban, ngứa, sưng ở mặt, lưỡi, cổ họng, chóng mặt nghiêm trọng, khó thở,…

    – Đau đầu, lo lắng, mệt mỏi, chảy máu trực tràng và kinh nguyệt không đều. Tuy nhiên đây là những tác dụng phụ hiếm gặp.

    Nếu bạn nhận thấy một trong các tác dụng ở trên thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ để đảm bảo an toàn.

    Lời khuyên khi dùng thuốc

    Bạn nhất định phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc điều trị béo phì Orlistat.

    Thuốc điều trị béo phì này không dùng cho người có mẫn cảm Orlistat và các thành phần của thuốc. Sản phẩm không dùng với người mắc hội chứng kém hấp thu mạn tính hoặc bệnh ứ mật hoặc bệnh nhân có tiền sử tăng oxalat niệu, sỏi calci oxalat ở thận, suy tuyến giáp, có một số rối loạn ăn uống (chán ăn tâm thần/ hội chứng ăn vô độ), nhiễm HIV, co giật,… Thuốc này không dùng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú. Người bệnh cũng nên tránh dùng thuốc cùng với cyclosporin.

    Bên cạnh việc dùng Orlistat, người mắc bệnh béo phì nên bổ sung các vitamin tan trong dầu bao gồm A, D, E, K để cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Bởi Orlistat có thể làm giảm sự hấp thu của các vitamin tan trong chất béo. Bệnh nhân béo phì nên uống vitamin bổ sung tối thiểu 2 giờ trước hoặc sau khi uống thuốc Orlistat.

    Trong khi sử dụng thuốc điều trị béo phì Orlistat, bệnh nhân nên thực hiện chế độ cân bằng dinh dưỡng và giảm calo nhẹ. Người bệnh cần phân bố lượng chất béo carbohydrate và protein được phép ăn một cách đồng đều trong 3 bữa. Mỗi bữa ăn không nên có quá 30% calo đến từ chất béo để hạn chế những tác dụng phụ có thể có khi sử dụng thuốc.

    Cách xử trí khi quên liều hoặc quá liều

    Trong trường hợp người bệnh quên liều, hãy uống ngay trừ khi đã quá 1 – 2 giờ kể từ khi ăn bởi hầu hết chất béo từ bữa ăn của bạn đã được hấp thụ và thuốc sẽ không có tác dụng. Nếu đã quá hơn từ 1-2 giờ sau bữa ăn cuối cùng thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống thuốc vào thời gian định kỳ tiếp theo. Lưu ý là tuyệt đối không uống gấp đôi liều ở lần uống sau.

    Nếu lỡ sử dụng quá liều và xuất hiện các triệu chứng như ngất hoặc khó thở, hãy đến cơ sở y tế gần nhất và mang theo vỏ thuốc để được xử lý kịp thời.

    Ngoài ra, nếu bữa ăn của người bệnh không chứa chất béo hoặc bỏ bữa thì không cần sử dụng thuốc cho bữa ăn đó.

    Hãy đọc thêm: 4 nguyên tắc cơ bản của chế độ ăn kiêng eat clean

    Chế độ ăn khoa học, cắt giảm calo và tập thể dục vận động cơ thể là phương pháp điều trị béo phì an toàn. Vì vậy, người béo phì nên bắt đầu với chương trình ăn kiêng và tập thể dục trước khi bắt đầu sử dụng thuốc Orlistat hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác để điều trị béo phì. Trong quá trình dùng thuốc, người béo phì vẫn nên tiếp tục thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và vận động cơ thể.

    Với những thông tin vừa rồi, rất mong bạn đã có thêm những thông tin hữu ích để điều trị bệnh béo phì hoặc thuốc điều trị béo phì và có được cân nặng phù hợp. Chúc bạn giảm cân an toàn và sớm có một vóc dáng như mong muốn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn chuyên môn:

    Chuyên gia dinh dưỡng Vũ Thị Mai Hương

    Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống · Eatsy


    Tác giả: Thu Hiền · Ngày cập nhật: 05/01/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo