backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Những điều bạn cần biết về chế độ ăn ít chất xơ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 20/05/2022

    Những điều bạn cần biết về chế độ ăn ít chất xơ

    Chất xơ thường có trong rau củ quả và không bị tiêu hóa khi đi qua ruột non. Do đó, chế độ ăn ít chất xơ sẽ bao gồm những thực phẩm dễ tiêu hóa và hấp thụ vào cơ thể. Đây là chế độ ăn dành cho những người mắc một số tình trạng sức khỏe nhất định.

    Từ trước đến nay, chúng ta thường nghe mọi người khuyên rằng nên ăn nhiều chất xơ vì tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, như tiêu chảy hoặc nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện chế độ ăn ít chất xơ. Vậy chế độ ăn này là gì? Và nó sẽ mang lại lợi ích gì cho sức khỏe? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

    Chế độ ăn ít chất xơ là gì?

    Chế độ ăn ít chất xơ, hay còn gọi là chế độ hạn chế chất xơ, sẽ hạn chế lượng thực phẩm giàu chất xơ bạn ăn mỗi ngày để hệ tiêu hóa nghỉ ngơi.

    Thực tế, nhiều người vẫn nghĩ chất xơ có thể được tiêu hóa hết trong cơ thể, nhưng sự thật không phải vậy. Chất xơ gồm hai loại:

    Chất xơ hòa tan hấp thụ nước trong quá trình tiêu hóa, biến thành một chất mềm, giống như gel. Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan gồm táo, đậu Hà Lan hoặc đậu sẽ ít gây kích ứng đường tiêu hóa và thường có thể được ăn với số lượng nhỏ.

    Chất xơ không hòa tan, như lúa mì, ngũ cốc nguyên hạt và rau sống, sẽ không được tiêu hóa hoàn toàn trong dạ dày. Các mẩu nhỏ của thức ăn chưa tiêu hóa còn sót lại có thể gây kích thích ruột.

    Chế độ hạn chế chất xơ sẽ:

    • Giảm lượng thức ăn không tiêu hóa đi qua ruột non và ruột già
    • Giảm bớt khối lượng công việc của hệ tiêu hóa
    • Giảm số lượng phân mỗi lần đi tiêu
    • Giảm đau bụng, tiêu chảy và các triệu chứng khác

    Thông thường, chế độ ăn này chỉ được bác sĩ yêu cầu để điều trị các triệu chứng tiêu chảy và đau thắt bụng, trước khi nội soi đại tràng hoặc sau phẫu thuật. Bạn cũng được yêu cầu ăn ít chất xơ nếu bộc phát các vấn đề đường ruột sau:

  • Hội chứng ruột kích thích
  • Viêm túi thừa
  • Bệnh Crohn
  • Viêm loét đại tràng
  • Táo bón
  • Các vấn đề về tiêu hóa
  • Đường tiêu hóa bị kích thích hoặc tổn thương
  • Hẹp ruột do khối u
  • Trải qua điều trị phóng xạ hoặc các loại phương pháp khác có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa
  • Bạn cũng lưu ý không áp dụng chế độ ăn này để giảm cân vì có thể mắc các tác dụng không mong muốn trong thời gian dài.

    Những thực phẩm nên và không nên ăn

    Chế độ ăn ít chất xơ có thể hạn chế chất xơ được hấp thụ vào cơ thể khoảng 10-15g mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cũng cần hạn chế dùng sữa và các sản phẩm từ sữa.

    Mặc dù sữa không có chất xơ nhưng nó có thể góp phần gây khó chịu trong bụng hoặc tiêu chảy, đặc biệt nếu bạn không dung nạp được lactose.

    Khả năng tiêu hóa thức ăn ở mỗi người không giống nhau. Tùy vào tình trạng sức khỏe và khả năng dung nạp của cơ thể, bác sĩ sẽ đề ra một chế độ hạn chế ít hoặc nhiều chất xơ.

    Một số người sẽ áp dụng chế độ ăn này trong thời gian ngắn, nhưng cũng có người cần phải duy trì trong một thời gian dài. Dù là bao lâu, bạn cũng cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để nhanh hồi phục sức khỏe.

    Sau đây, Hello Bacsi sẽ gợi ý một số thực phẩm nên và không nên có trong chế độ ăn ít chất xơ. Bạn lưu ý, những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo. Để biết chính xác thực phẩm nào phù hợp với mình, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhé.

    Những thực phẩm nên ăn

    • Bánh mì, cơm, mì Ý
    • Ngũ cốc tinh chế
    • Trứng
    • Một lượng nhỏ rau xanh
    • Khoai tây
    • Dầu oliu, mayonnaise và bơ
    • Đậu hũ, gà, cá
    • Bơ đậu phộng
    • Nước ép trái cây
    • Chuối
    • Dưa lưới
    • Dưa bở ruột xanh
    • Dưa hấu
    • Đu đủ
    • Đào
    • Mận
    • Cà rốt
    • Củ cải
    • Măng tây
    • Đậu tây
    • Diếp cá
    • Sốt cà chua
    • Nước ép rau

    Đối với bí ngòi và dưa leo, bạn có thể ăn sau khi đã gọt vỏ và bỏ hạt.

    Những thực phẩm bạn nên tránh

    chế độ ăn ít chất xơ: thực phẩm nên tránh

    • Hành
    • Tỏi
    • Rau sống hoặc chưa nấu chín
    • Trái cây sấy khô
    • Các loại đậu và hạt
    • Thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt
    • Gạo lứt
    • Các món cay, chiên hoặc dai
    • Thịt đóng hộp

    Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về độ ăn, đừng ngần ngại hỏi bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng nên uống nhiều nước để không bị táo bón nhé.

    Khi nào bạn có thể bổ sung chất xơ trở lại?

    Sau khi hệ tiêu hóa đã khỏe mạnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn từ từ quay trở lại chế độ ăn giàu chất xơ. Trong thời gian đầu, bạn có thể phải ăn một lượng nhỏ chất xơ của mỗi loại thực phẩm mỗi ngày. Nếu thực phẩm đó không gây ra bất cứ triệu chứng nào trong vòng 24 giờ, bạn có thể ăn thoải mái.

    Lượng chất xơ cơ thể cần sẽ dựa trên tuổi và giới của mỗi người:

    Từ 50 tuổi trở xuống Trên 50 tuổi
    Nam 38g 30g
    Nữ 25g 21g

    Chế độ ăn ít chất xơ chỉ nên được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ. Bạn không nên tự ý áp dụng vì có thể khiến tình trạng sức khỏe của bản thân nghiêm trọng hơn. Hy vọng với những thông tin trên, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về chế độ ăn này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 20/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo