- Chụp MRI vùng khớp cùng chậu và cột sống: là phương pháp giúp phát hiện tổn thương trên khớp sớm nhất trong bệnh lý viêm cột sống dính khớp. Cũng là phương pháp thường được sử dụng trên lâm sàng để chẩn đoán bệnh
- Chụp CT khớp cùng chậu và cột sống
- Siêu âm khớp cùng chậu
Xét nghiệm máu

Bên cạnh các chẩn đoán hình ảnh, bạn cũng có thể cần thực hiện thêm một vài thủ thuật xét nghiệm máu với mục đích:
- Xác nhận chẩn đoán viêm cột sống dính khớp
- Loại trừ các vấn đề sức khỏe khác
Ngoài tổng phân tích tế bào máu (CBC), bác sĩ còn chỉ định một số xét nghiệm như:
Xét nghiệm CRP và xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR)
Mục tiêu của xét nghiệm CRP là tìm kiếm các protein phản ứng C được tổng hợp ở gan khi cơ thể bị viêm. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn chưa thể kết luận một người bị bệnh viêm cột sống dính khớp khi nồng độ CRP trong máu cao vì có rất nhiều tác nhân có khả năng kích hoạt phản ứng viêm. Tương tự, chỉ số máu lắng (ESR) thường tăng lên khi cơ thể bị viêm. Mặc dù cả hai xét nghiệm CRP và ESR không phải là xét nghiệm đặc hiệu giúp chẩn đoán bệnh viêm cột sống dính khớp, tuy nhiên khi bệnh nhân đau lưng kèm theo chỉ số máu lắng hay CRP cao mà không có một bệnh lý đi kèm nào khác gây tăng CRP hoặc máu lắng sẽ gợi ý bác sĩ lâm sàng nghĩ tới bệnh viêm cột sống dính khớp để cho thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu hơn.
Ngoài ra các bác sĩ còn chỉ định một số xét nghiệm tổng quát như tổng phân tích tế bào máu, chức năng gan thận giúp đánh giá sức khoẻ chung và kê toa thuốc phù hợp với từng bệnh nhân.
Xét nghiệm yếu tố di truyền HLA-B27
Khoảng 85 – 95% người mắc bệnh viêm cột sống dính khớp có yếu tố di truyền HLA-B27. Vì vậy, nếu nghi ngờ bạn bị loại viêm khớp này, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm tìm kiếm HLA-B27.
Mặc dù vậy, trong vài trường bạn có thể sẽ không cần làm phương pháp xét nghiệm này. Các bác sĩ nội cơ xương khớp sẽ tư vấn cụ thể khi bạn đến thăm khám.
Bạn nên làm gì sau khi được chẩn đoán mắc bệnh viêm cột sống dính khớp?

Nhìn chung, bạn không cần phải quá lo lắng nếu được chẩn đoán mắc bệnh viêm cột sống dính khớp. Tuy bệnh có thể gây gù lưng, tàn phế và ảnh hưởng đến tim hoặc phổi, nhưng nếu điều trị bệnh sớm và hiệu quả ngay từ đầu, bạn hoàn toàn có khả năng ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm này. Lúc này, những điều bạn cần lưu ý thực hiện là:
- Sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị để kiểm soát tốt các triệu chứng, đồng thời hạn chế bệnh tiến triển.
- Không tự ý mua thuốc theo toa cũ sau khi dùng hết thuốc. Thay vào đó, bạn nên tái khám đúng hẹn để bác sĩ kiểm tra một số yếu tố như số lượng khớp bị sưng và đau, cường độ đau, phạm vi vận động của khớp và cột sống…, từ đó bác sĩ sẽ quyết định toa thuốc cũ có cần phải thay đổi gì hay không.
- Chủ động báo với bác sĩ khi bạn gặp bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc để được thay đổi thuốc khác phù hợp và an toàn hơn.
Chẩn đoán viêm cột sống dính khớp sớm có thể giúp điều trị bệnh hiệu quả ngay từ đầu, từ đó góp phần duy trì sự linh hoạt và khả năng vận động của khớp. Vì vậy, nếu nghi ngờ bản thân mắc bệnh, bạn nên mau chóng đến các khoa nội cơ xương khớp ở các bệnh viện lớn để được thăm khám và chẩn đoán đúng cách nhé.
Nội dung được tham vấn y khoa bởi Liên Chi Hội Thấp Khớp Học TP.HCM với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Novartis Việt Nam.
VN2011273947