backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Ngón tay vồ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 17/04/2020

    Ngón tay vồ

    Tìm hiểu chung

    Ngón tay vồ là gì?

    Tình trạng chấn thương ở gân duỗi tại các đầu ngón tay được gọi là ngón tay vồ (mallet finger) hay ngón tay bóng chày (baseball finger). Nếu gặp phải thương tổn này, ngón tay của bạn sẽ:

    • Đầu ngón tay cong xuống
    • Trông như bị bầm tím và sưng
    • Có thể cảm thấy đau

    Bạn cũng không thể duỗi thẳng ngón tay ra.

    Trong loại chấn thương này, gân có thể bị rách hoặc tách ra khỏi xương ngón tay. Nếu một mảnh xương cũng bị tách rời, tình trạng đó được gọi là gãy xương do giật (avulsion fracture).

    Ngón tay vồ là một chấn thương phổ biến và có thể xảy ra ở bất kỳ ngón tay nào.

    Triệu chứng

    Những dấu hiệu và triệu chứng ngón tay vồ

    Bạn có thể cảm thấy đau ở ngón tay sau khi bị chấn thương và đầu ngón tay sẽ cong, gập xuống. Tuy nhiên, bạn vẫn có khả năng cử động bàn tay. Cơn đau thường liên quan đến gãy xương.

    Các triệu chứng khác khi bị ngón tay vồ là:

    • Đỏ
    • Sưng
    • Bầm tím
    • Nhạy cảm
    • Không có khả năng duỗi thẳng đầu ngón tay trừ khi bạn dùng tay còn lại để giữ chúng thẳng ra

    Nếu móng tay cũng bị ảnh hưởng và tách ra khỏi giường móng hoặc có máu tụ ở bên dưới, đó có thể là dấu hiệu của một vết cắt hoặc gãy xương. Khi đó, bạn nên đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt vì nhiễm trùng có nguy cơ xảy ra.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân ngón tay vồ là gì?

    Trong thể thao, bất kỳ một lực tác động mạnh nào trực tiếp đến ngón tay đang mở rộng (chơi bóng chày, bóng đá, bóng rổ hay bóng chuyền) đều có thể gây rách, đứt gân duỗi ở đầu ngón tay. Những tác động khác với cường độ nhẹ hơn cũng có thể gây ra hậu quả tương tự.

    Khi gân duỗi bị tổn thương, bạn sẽ mất khả năng duỗi thẳng đầu ngón tay.

    chấn thương gân duỗi ngón tay

    Gân được cấu tạo từ các sợi collagen (protein) giúp kết nối cơ với xương. Khi một chấn thương tác động đến ngón tay có thể chỉ làm rách các mô mềm của gân hoặc khiến gân bị đứt (tách ra khỏi xương đầu ngón tay). Đôi khi, đứt gân sẽ kéo theo một mảnh xương (gãy xương do giật).

    Ngón tay vồ thường xảy ra ở nam giới trẻ tuổi trong khi chơi thể thao. Ở trẻ em, chấn thương này hay xảy ra do một tác động lực trực tiếp như bị kẹp ngón tay ở cửa.

    Dù hiếm khi xảy ra nhưng một lực nhỏ cũng có khả năng gây tổn thương gân. Chấn thương được gây ra bởi lực tác động yếu thường xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi, trong các hoạt động như mang vớ (tất) hay trải ga giường.

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán ngón tay vồ?

    Trước hết, bác sĩ sẽ kiểm tra các đầu ngón tay bị chấn thương. Sau đó, họ có thể yêu cầu bạn đi chụp X-quang, có khi cần chụp MRI hoặc siêu âm để đánh giá mức độ tổn thương đối với gân và xương.

    Kết quả chụp X-quang cho thấy các vấn đề đang xảy ra bên trong như đứt gân, gãy xương và cấu trúc của xương có bị sai lệch hay không. Siêu âm và chụp MRI sẽ nhạy hơn trong việc phát hiện các mảnh xương vỡ có liên quan đến chấn thương.

    Những phương pháp điều trị ngón tay vồ

    Để giảm đau và sưng khi bị chấn thương gân duỗi, hãy:

    • Chườm đá lên khu vực bị ảnh hưởng
    • Đưa bàn tay lên cao hơn tim
    • Uống thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID)

    Tuy nhiên, tốt hơn hết là bạn vẫn phải đến gặp bác sĩ để được kiểm tra càng sớm càng tốt. Tình trạng ngón tay vồ thường được điều trị mà không cần phẫu thuật, trừ khi tổn thương mạn tính.

    Cho dù không cảm thấy đau đớn và bàn tay vẫn có khả năng hoạt động tốt, bạn vẫn nên điều trị sớm nhất có thể. Tuy vậy, việc điều trị dù hơi trễ bằng nẹp ngón tay vẫn có thể mang lại hiệu quả tốt.

    Nếu không điều trị, ngón tay sẽ trở nên cứng, khó cử động hoặc gây ra biến dạng cổ thiên nga (tình trạng quá ưỡn ở khớp đốt gần và cong gập xuống ở khớp đốt xa của ngón tay).

    Ngón tay vồ xảy ra ở trẻ em thường gây ra những vấn đề đáng lo ngại khác. Chấn thương có thể gây ảnh hưởng đến sụn ở ngón tay, tác động đến sự phát triển của xương. Do đó, nếu không được điều trị, quá trình phát triển các cơ xương khớp ở ngón tay của trẻ sẽ bị ảnh hưởng xấu.

    Nẹp ngón tay

    Sử dụng nẹp ngón tay là lựa chọn đầu tiên cho tình trạng ngón tay vồ. Mục đích là giúp giữ cho đầu ngón tay duỗi thẳng bằng nẹp cho đến khi gân lành lại.

    Thông thường, ngón tay bị chấn thương gân duỗi sẽ được nẹp trong ít nhất 6 tuần. Sau đó, bạn chỉ cần đeo nẹp vào ban đêm trong khoảng 2 tuần tiếp theo. Trong khoảng thời gian này, bác sĩ cũng khuyến cáo nên sử dụng nẹp khi có những hoạt động gây rủi ro cao như chơi thể thao hay làm các công việc thủ công.

    Hãy tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình dùng nẹp giúp duỗi thẳng ngón tay, nhất là khi tháo nẹp để vệ sinh sạch sẽ. Nếu các khớp liên quan (khớp đốt ngón tay xa) bị cong lại trong 6 tuần đầu, bạn sẽ phải thực hiện lại quá trình nẹp ngón tay từ đầu.

    Những lưu ý khi làm vệ sinh nẹp ngón tay (thực hiện ít nhất 1 lần/ngày):

    • Đặt ngón tay lên mặt bàn phẳng, cắt băng dính cố định và trượt nẹp ra khỏi ngón tay.
    • Rửa sạch và lau khô cả ngón tay và nẹp bằng xà phòng với nước. Hãy nhớ, luôn giữ cho khớp ngón tay duỗi thẳng bằng cách đặt bàn tay lên mặt bàn. Nếu có thể, hãy nhờ trợ giúp từ người thân trong khi vệ sinh nẹp vì bất kì chuyển động nào ở đầu ngón tay đều ảnh hưởng đến quá trình chữa lành gân, thậm chí có khả năng gây ra thương tổn vĩnh viễn.
    • Trượt nẹp lại vào ngón tay như lúc đầu, vẫn giữ ngón tay thẳng trên mặt bàn.
    • Thay băng dính cố định mới.

    Phẫu thuật

    Phẫu thuật thường là phương án điều trị cho những trường hợp chấn thương gân duỗi ngón tay phức tạp, như:

    • Các khớp bị sai lệch khỏi vị trí
    • Cần phải lấy mô gân từ một vị trí khác trên cơ thể để ghép gân tại ngón tay bị chấn thương

    Bác sĩ có thể phẫu thuật mở (rạch một đường ở da để nhìn thấy gân bên trong) hoặc tiến hành phương pháp phẫu thuật xuyên qua da.

    Tuy nhiên, phẫu thuật thường liên quan đến nhiều biến chứng như nhiễm trùng, cứng khớp hay viêm xương khớp. Do đó, bác sĩ chỉ đưa ra quyết định phẫu thuật mở khi đánh giá thấy lợi ích cao hơn các rủi ro có thể xảy ra.

    Phục hồi

    Ngón tay vồ thường mất bao lâu để phục hồi trở lại?

    Thời gian phục hồi cho chấn thương gân duỗi ngón tay thường là 8 tuần. Thời gian này có thể kéo dài hơn nếu bạn không thực hiện đúng các chỉ dẫn trong khi nẹp ngón tay.

    Hầu hết trường hợp đều hồi phục tốt. Lúc đầu, bạn có thể vẫn chưa duỗi thẳng được ngón tay hoàn toàn và tình trạng đỏ, sưng, đau vẫn còn hiện diện. Tuy nhiên, những vấn đề này thường không còn sau khoảng 3–4 tháng.

    Đôi khi, trên khớp ngón tay bị chấn thương sẽ tồn tại một khối u nhỏ trên đỉnh khớp và bạn không thể duỗi thẳng khớp hoàn toàn. Hình dạng ngón tay có thể không giống như trước khi bị thương nhưng nhìn chung, chúng vẫn hoạt động tốt.

    Trong quá trình hồi phục, bạn nên nghỉ làm một thời gian nếu công việc có liên quan đến sử dụng tay nhiều. Đồng thời, tránh tham gia các môn thể thao trong lúc này. Bác sĩ có thể hướng dẫn một vài bài tập ở nhà để phòng ngừa tình trạng cứng khớp xảy ra sau này.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 17/04/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo