backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Nhận biết và điều trị viêm đa khớp dạng thấp theo từng giai đoạn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 20/02/2022

    Nhận biết và điều trị viêm đa khớp dạng thấp theo từng giai đoạn

    Viêm đa khớp dạng thấp là một bệnh rối loạn tự miễn có thể tiến triển theo thời gian. Dựa trên những thương tổn do bệnh gây ra, các chuyên gia chia quá trình tiến triển này thành 4 giai đoạn cụ thể. Mỗi giai đoạn sẽ có cách nhận biết và mục tiêu điều trị khác nhau. 

    Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận biết một số triệu chứng viêm khớp dạng thấp cũng như hướng điều trị bệnh theo từng giai đoạn. 

    Nhận biết 4 giai đoạn của bệnh viêm đa khớp dạng thấp

    Cơ thể sẽ có nhiều thay đổi khi bệnh phát triển. Cụ thể hơn, bạn có thể có một số triệu chứng viêm khớp dạng thấp từng giai đoạn như:

    Giai đoạn 1

    Trong giai đoạn này, tuy xương chưa có triệu chứng bị tổn thương nhưng lớp bao hoạt dịch quanh khớp đã có dấu hiệu viêm gây đau nhức và sưng khớp khó chịu. 

    Tình trạng trên dễ xảy ra ở các khớp nhỏ như khớp bàn tay, ngón tay hoặc bàn chân. Ngoài ra, cường độ đau nhức đặc biệt tăng lên vào sáng sớm, sau khi thức dậy và có xu hướng giảm sau một vài hoạt động nhẹ.

    Giai đoạn 2

    Lúc này, lớp sụn khớp đã chịu thương tổn bởi tình trạng viêm bao hoạt dịch. Điều này không chỉ kéo theo các cơn đau, nhức khó tả mà còn hạn chế phạm vi cử động của người bệnh. Thậm chí, bạn còn có nguy cơ mất khả năng vận động. 

    Đồng thời, người mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp giai đoạn 2 còn có thể mắc một số vấn đề như:

    • Viêm ở nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau (phổi, mắt, da, tim…) 
    • Các nang dạng thấp (nốt thấp khớp) phát triển ở khuỷu tay

    Giai đoạn 3

    Khi bệnh viêm khớp dạng thấp phát triển đến giai đoạn 3, số lượng khớp bị ảnh hưởng tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, lớp sụn khớp và xương cũng chịu thương tổn do khớp bị bào mòn khiến hai đầu xương cọ xát với nhau ở mỗi cử động của cơ thể, dẫn đến tổn thương. 

    Vì vậy, lúc này người bệnh sẽ có những triệu chứng viêm khớp dạng thấp như:

    • Sưng và đau khớp dữ dội
    • Yếu cơ
    • Khớp biến dạng
    • Đau do rễ thần kinh bị tổn thương (đau kèm theo cảm giác ngứa ran, tê buốt…)
    • Ngón tay cong vẹo

    triệu chứng viêm đa khớp dạng thấp

    Giai đoạn 4 (giai đoạn cuối)

    Tuy tình trạng viêm có xu hướng giảm ở giai đoạn này, nhưng người bị viêm đa khớp dạng thấp vẫn sẽ có triệu chứng đau, sưng và cứng khớp. Không những vậy, các khớp bị tổn thương hầu như mất khả năng hoạt động và có xu hướng dính lại với nhau. Khi đó, tàn phế là điều khó tránh khỏi. 

    Thông thường, bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ phát triển đến giai đoạn 4 sau nhiều năm. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể ngăn chặn điều này nếu biết cách kiểm soát, điều trị bệnh hiệu quả. 

    Các biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp theo từng giai đoạn

    Bên cạnh cơ địa của người bệnh, mức độ tiến triển của viêm đa khớp dạng thấp cũng là yếu tố mà bác sĩ cần cân nhắc để xây dựng phác đồ chữa trị hiệu quả. Nhìn chung, các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp theo từng giai đoạn có thể kể đến như sau:

    Giai đoạn 1 (viêm đa khớp dạng thấp nhẹ)

    Ngăn ngừa tổn thương khớp bằng cách kiểm soát các phản ứng viêm là mục tiêu chủ yếu của việc điều trị khi bệnh vẫn còn ở giai đoạn nhẹ. Do đó, bác sĩ có thể đề nghị:

    • Sử dụng thuốc một số loại thuốc kê toa như:
  • Thuốc steroid liều thấp
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD)
  • Thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID)
  • Thay đổi các thói quen sống lành mạnh (bỏ thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý…)
  • Giai đoạn 2 (viêm khớp dạng thấp có xu hướng tiến triển)

    Ở giai đoạn này, người bệnh dễ cảm thấy mệt mỏi và gặp khó khăn với các công việc thường ngày. Để khắc phục tình trạng trên, bác sĩ có thể yêu cầu:

    kiểm soát tình trạng viêm bằng thuốc

    • Kết hợp nhiều loại thuốc thuộc nhóm DMARD với nhau, chẳng hạn như methotrexate với sulfasalazine và hydroxychloroquine
    • Kê toa các thuốc DMARD sinh học, ví dụ như certolizumab pegol, etanercept …
    • Chỉ định bạn dùng thuốc ức chế Januskinase (JAK) (baricitinib, tofacitinib hoặc upadacitinib)

    Mặt khác, nếu tình trạng viêm ở một khớp cụ thể trở nặng, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm steroid tại chỗ để thuyên giảm. Sau đó, bạn có thể tiếp tục kiểm soát bệnh bằng cách tập thể dục phù hợp hoặc tập vật lý trị liệu nếu cần thiết. 

    Giai đoạn 3 và 4 (viêm đa khớp dạng thấp nặng)

    Nếu được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp nặng, bạn sẽ cần dùng kết hợp nhiều loại thuốc ức chế TNF hoặc thuốc sinh học để kiểm soát tình trạng viêm. Trong trường hợp thuốc không đem lại hiệu quả như mong đợi, phẫu thuật sẽ là lựa chọn điều trị cuối cùng. Các loại phẫu thuật thường dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp gồm:

    Thực tế, quá trình tiến triển của bệnh viêm đa khớp dạng thấp ở mỗi người không giống nhau. Kiểm soát, điều trị bệnh hiệu quả ngay từ đầu có thể giúp làm chậm hoặc thậm chí là ngăn chặn sự tiến triển của tình trạng sức khỏe này. Đây cũng là lý do vì sao bạn nên nắm rõ cách nhận biết triệu chứng viêm khớp dạng thấp của từng giai đoạn, từ đó sớm có biện pháp can thiệp phù hợp. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 20/02/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo