backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Xuất huyết dưới nhện: Cơn đau đầu dữ dội, đừng chủ quan!

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 06/05/2022

Xuất huyết dưới nhện: Cơn đau đầu dữ dội, đừng chủ quan!

Xuất huyết dưới nhện là tình trạng chảy máu vào giữa não và màng não. Vì thế còn thường được gọi là xuất huyết dưới khoang màng nhện. Nếu không được cấp cứu kịp thời, tình trạng này rất nguy hiểm, có thể đẫn dến tử vong. 

Tìm hiểu chung

Xuất huyết dưới nhện là bệnh gì?

Xuất huyết dưới khoang nhện hay còn gọi là xuất huyết dưới nhện. Đây là sự chảy máu đột ngột vào khoang trống (khu vực dưới màng nhện) ở giữa não và lớp màng bao phủ não. Nguyên nhân thường do một động mạch bị phình ở não đứt vỡ. Tình trạng này rất nguy hiểm. Theo thống kê, lên đến 10-15% người bệnh tử vong trước khi vào đến bệnh viện. Và đến 40% chết trong tuần đầu tiên sau khi bệnh khởi phát. Khoảng một nửa tử vong trong 6 tháng đầu. Ngoài ra hơn một phần ba người sống sót có những di chứng thần kinh nặng nề.

Bạn có thể xem thêm: Xuất huyết não

Những ai thường mắc xuất huyết dưới nhện?

Bệnh xuất huyết dưới khoang nhện thường gặp ở người lớn hơn 50 tuổi và ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt là ở những người từng bị chấn thương đầu. Bởi vì việc tìm ra mạch máu bị phình nhưng chưa vỡ ở người không có triệu chứng khá khó nên hầu hết trường hợp xuất huyết dưới nhện không thể phòng ngừa được.

Triệu chứng và dấu hiệu

xuất huyết khoang dưới nhện

Những dấu hiệu và triệu chứng của xuất huyết dưới nhện là gì?

Triệu chứng phổ biến nhất của xuất huyết dưới khoang nhện là đau đầu đột ngột và dữ dội. Cơn đau thường nặng hơn gần phía sau đầu. Nhiều bệnh nhân cho biết đó là cơn đau đầu tồi tệ nhất và không giống bất cứ cơn đau đầu nào họ từng bị trước đây.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Giảm mức độ tỉnh táo;
  • Mất khả năng vận động hay cảm giác;
  • Thay đổi khí sắc và nhân cách, kể cả lú lẫn và dễ kích động;
  • Đau cơ;
  • Buồn nôn, nôn;
  • Đau mắt;
  • Sợ ánh sáng;
  • Co giật;
  • Cứng cổ;
  • Vấn đề về thị lực.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

Nguyên nhân

nguyên nhân gây xuất huyết dưới nhện

Nguyên nhân gây ra xuất huyết dưới nhện là gì?

Các nguyên nhân gây xuất huyết dưới nhện bao gồm:

  • Chảy máu từ túi phình mạch bị vỡ hoặc vỡ dị dạng động tĩnh mạch;
  • Dùng thuốc làm loãng máu;
  • Rối loạn xuất huyết.

Trong một số trường hợp, bệnh có thể xuất hiện mà không có nguyên nhân rõ ràng (vô căn).

Nguy cơ mắc bệnh

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc xuất huyết dưới nhện?

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết dưới khoang nhện, bao gồm:

  • Phình mạch ở các mạch máu khác;
  • Loạn sản sợi cơ và các bệnh lý mô liên kết khác;
    • Tăng huyết áp;
    • Có tiền sử mắc bệnh thận đa nang;
    • Hút thuốc lá;
    • Tiền sử gia đình có người thân mắc phình mạch máu não.

    Chẩn đoán & Điều trị

    chẩn đoán xuất huyết dưới nhện

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

    Những phương pháp nào dùng để điều trị xuất huyết dưới nhện?

    Mục tiêu điều trị là giảm sưng đau và giảm mức độ co thắt mạch máu não, giảm buồn nôn và nôn, ngăn ngừa động kinh và tái xuất huyết cũng như cứu sống bệnh nhân. Việc điều trị cũng cố gắng làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng như tổn thương não vĩnh viễn (đột quỵ). Bạn thường được nằm ở phòng săn sóc đặc biệt trong bệnh viện.

    Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để điều trị phình mạch, loại bỏ khối máu tụ lớn hoặc giảm áp lực nội sọ. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm: phẫu thuật kẹp cổ túi phình mạch và phương pháp thả cuộn kim loại.

    Ngoài ra, bạn phải được nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường và tránh các hoạt động có thể làm tăng áp lực bên trong đầu (cúi xuống, căng người).

    Các loại thuốc bác sĩ có thể yêu cầu bạn sử dụng là thuốc làm mềm phân hay thuốc nhuận tràng giúp bạn không phải gắng sức khi đại tiện, thuốc điều chỉnh huyết áp, thuốc giảm đau và thuốc chống lo âu, co giật. Ngoài ra bạn còn được thở oxy và truyền dịch.

    Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán xuất huyết dưới nhện?

    Bác sĩ đưa ra chẩn đoán sơ bộ dựa trên bệnh sử và khám lâm sàng, đặc biệt là hệ thần kinh và mắt.

    Nếu nghi ngờ bạn bị chảy máu dưới nhện, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT phần đầu (không có thuốc cản quang) ngay lập tức để phát hiện xuất huyết. Nếu chụp CT không cho thấy xuất huyết dưới nhện, bác sĩ có thể tiến hành chọc dò tủy sống. Bệnh nhân bị xuất huyết khoang dưới nhện thường có máu trong dịch não tủy. Một số xét nghiệm khác bao gồm:

    • Chụp mạch não đồ;
  • Chụp CT động mạch (có sử dụng chất cản quang);
    • Siêu âm Doppler xuyên sọ, để quan sát các dòng máu trong động mạch não;
    • Chụp cộng hưởng từ (MRI) và cộng hưởng từ mạch máu (MRA) (đôi khi).

    Phong cách sống và thói quen sinh hoạt

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của xuất huyết dưới nhện?

    Xuất huyết dưới khoang nhện có thể được hạn chế nếu bạn:

    • Tìm hiểu tất cả những gì có thể về chấn thương của bạn. Tham gia nhóm hỗ trợ nếu bạn thấy có ích;
    • Tiếp tục tái khám định kỳ với bác sĩ. Tuân thủ tất cả hướng dẫn của bác sĩ. Bạn cũng có thể cần vật lý trị liệu, trị liệu nghề nghiệp và trị liệu ngôn ngữ;
    • Nhận diện và điều trị phình mạch đúng mức để ngăn ngừa bệnh;
    • Ngừng hút thuốc;
    • Điều trị cao huyết áp nếu cần;
    • Không sử dụng ma túy hoặc bất kỳ chất kích thích nào khác.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về xuất huyết dưới màng nhện, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 06/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo