backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Top 12 nguyên nhân bị loét trong cánh mũi và cách xử trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 27/11/2023

    Top 12 nguyên nhân bị loét trong cánh mũi và cách xử trí

    Khi bị loét trong cánh mũi, nếu quan sát từ bên ngoài có thể thấy niêm mạc trong mũi có cục u hoặc đóng vảy, kèm theo màu sắc ửng đỏ, vàng hoặc trắng.

    Mặc dù gây nhiều khó chịu, nhưng loét trong cánh mũi thường do nguyên nhân không đáng lo ngại như chấn thương, thói quen ngoáy mũi, một vấn đề thoáng qua về da… Trong một số trường  hợp hiếm gặp, loét trong cánh mũi cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý nghiêm trọng hơn cần được chú ý. Nếu đang bị loét trong cánh mũi, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu về vấn đề này qua những thông tin tổng hợp được trong bài viết sau! 

    Bị loét trong cánh mũi: 12 nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng này

    Việc lỗ mũi bị lở, mũi bị loét hay mũi bị trầy bên trong khiến lỗ mũi bị đóng vảy, đau rát thường do các nguyên nhân phổ biến sau:

    1. Chấn thương

    Hiện tượng bị loét trong cánh mũi thường là phản ứng của niêm mạc đáp lại các tổn thương. Thói quen ngoáy mũi có thể gây rách da, kích ứng dẫn đến lở loét, đóng vảy. Tình trạng này đôi khi cũng xuất hiện ở những người đang điều trị bằng các loại thuốc bột hít vào qua đường mũi.

    Nếu nguyên nhân gây tổn thương là một chấn thương nghiêm trọng như bị ngã hoặc đánh vào mặt, bạn sẽ nhận thấy sưng đau rõ rệt quanh mũi, mặt.

    2. Nhiễm trùng gây loét trong cánh mũi

    Tại sao lỗ mũi bị lở loét, đóng vảy? Câu trả lời là rất có thể mũi bạn đang bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng là một nguyên nhân phổ biến khác dẫn đến bị loét trong cánh mũi, thường gặp nhất là tình trạng viêm tiền đình mũi bởi vi khuẩn. Thói quen ngoáy mũi, nhổ lông mũi, hỉ mũi quá mạnh và thường xuyên, xỏ khuyên mũi… đều có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công niêm mạc mũi trước. Các triệu chứng viêm tiền đình mũi nổi bật bao gồm đau, sưng, tấy đỏ và nhạy cảm ở khu vực cánh mũi.

    Một tác nhân khác cũng gây bị loét trong cánh mũi, tuy hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm là vi khuẩn lao tuberculosis (TB), lây qua không khí. Khi nhiễm phải, người bệnh có thể có hoặc không có các triệu sau: ho dai dẳng trên 3 tuần, đau ngực, ho ra máu hoặc đờm từ đường hô hấp dưới, mệt mỏi, chán ăn, ớn lạnh, có thể kèm theo sốt, đổ mồ hôi đêm.

    3. Áp xe trong cánh mũi

    Vi khuẩn xâm nhập vào sâu bên dưới niêm mạc qua các tổn thương, trầy xước có thể dẫn đến tình trạng áp xe và bị loét trong cánh mũi, khiến lỗ mũi bị lở. Có thể nhận biết áp xe là một ổ chứa mủ (tập hợp của xác vi khuẩn, bạch cầu và tế bào chết) ẩn bên dưới bề mặt niêm mạc đang bị sưng, đỏ, đau. Ngoài ra, áp xe có thể gây sốt, ớn lạnh và mỏi mệt toàn thân.

    4. Mụn nhọt

    bị loét trong cánh mũi

    Đôi khi nguyên nhân gây loét trong cánh mũi, lỗ mũi bị đóng vảy lại có thể là do mụn nhọt. Tình trạng lỗ chân lông bị tắc nghẽn do bã nhờn, vi khuẩn và tế bào chết… có thể tạo thành mụn nhọt bên trong mũi như những nơi khác trên cơ thể. Tình trạng này dễ gặp hơn ở các đối tượng trong tuổi dậy thì và những người có làn da dầu. Nốt mụn dễ nhận biết với biểu hiện tấy đỏ, hơi nhô lên, sau vài ngày có thể thấy ngòi mủ.

    5. Viêm mũi dị ứng mạn tính gây loét trong cánh mũi 

    Đối với những người có cơ địa viêm mũi dị ứng, các tác nhân vô hại trong không khí như phấn hoa, nấm mốc, bụi… có thể khiến họ bị hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa mắt, ngứa họng… Các triệu chứng có thể bắt đầu từ lúc nhỏ, bất kỳ độ tuổi nào hoặc khi chuyển nơi sinh sống và thường tái đi tái lại.

    Viêm mũi dị ứng tái đi tái lại (mạn tính) không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến:

    • Thoái hóa niêm mạc mũi gây phù nề
    • Bị loét trong cánh mũi (vùng tiền đình mũi)
    • Cuống mũi quá phát hình thành polyp
    • Viêm xoang
    • Đau đầu
    • Nhiễm trùng tai
    • Viêm phế quản.

    6. Viêm đa sụn tái diễn

    Đây là một bệnh gây viêm đa cơ quan hiếm gặp và nguy hiểm. Bệnh gây viêm, phá hủy các sụn khớp, trong đó có tai và mũi, dẫn đến bị viêm loét trong cánh mũi tiếp diễn không tự khỏi. Ngoài ra bệnh có thể ảnh hưởng đến mắt, hệ thống phế quản, các van tim, thận, khớp, da và mạch máu.

    Để điều trị thường sử dụng các thuốc NSAID và steroid. Bạn cần đi khám khi thấy có các triệu chứng nhẹ của bệnh.

    7. Lupus gây loét trong cánh mũi

    bị loét trong cánh mũi

    Việc mũi bị lở loét có phải do bệnh lupus gây ra không?

    Lupus là một bệnh tự miễn gây viêm, đau, một số ít trường hợp có thể gây suy đa cơ quan. Triệu chứng ở mỗi bệnh nhân không giống nhau và có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể, bao gồm các nốt loét trong miệng và bị loét trong cánh mũi tái đi tái lại, cũng như các triệu chứng thường thấy khác như:

    • Cực kỳ mệt mỏi
    • Khớp sưng, đau nhức
    • Bàn tay và bàn chân sưng tấy
    • Sưng quanh mắt
    • Đau đầu
    • Đau ngực
    • Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và ánh sáng huỳnh quang

    8. Viêm mạch máu

    Bệnh gây viêm bên trong thành mạch máu, dẫn đến oxy và chất dinh dưỡng không được vận chuyển đến vùng cánh mũi đầy đủ. Viêm mạch thường xuất hiện đồng thời ở nhiều vị trí: mũi, các xoang, họng, phổi, thận, với triệu chứng lan rộng ở mắt, tai, hệ hô hấp. Khi mạch máu ở mặt bị ảnh hưởng, có thể gây các vết loét trong cánh mũi hoặc miệng.

    Các triệu chứng bệnh bao gồm:

    • Đau cơ
    • Đau khớp
    • Sốt
    • Chán ăn và sút cân
    • Đau đầu
    • Người mệt mỏi, yếu

    9. Chốc lở

    chốc lở khiến trẻ bị loét bên trong cánh mũi

    Các bậc cha mẹ có con nhỏ từng thắc mắc viêm loét mũi ở trẻ hay mũi bé bị lở là do đâu hay không? Theo các chuyên gia, tình trạng này có thể có liên quan mật thiết đến bệnh chốc lở, đây là một bệnh lý về da tương đối phổ biến ở trẻ nhỏ.

    Bệnh xảy ra khi vi khuẩn liên cầu bám vào da, được đặc trưng bởi các vết loét khắp mặt và miệng. Nếu tình trạng nghiêm trọng, vết loét có thể lan vào bên trong mũi. Sau đó, chúng sẽ biến thành mụn nước chứa đầy chất lỏng gây cảm giác khó chịu và dính.

    10. Mũi bị khô

    Một lý do phổ biến khác khiến mũi bị lở loét có thể là do niêm mạc mũi quá khô. Việc niêm mạc mũi quá khô không chỉ có thể xảy ra khi không khí khô và thời tiết nóng mà ngay cả khi bạn sinh hoạt trong các không gian có sử dụng các thiết bị làm mát như điều hòa. Việc niêm mạc mũi bị khô có thể dẫn tới nứt, gây lở loét và chảy máu.

    11. Nhiễm herpes

    bị loét bên trong cánh mũi do nhiễm herpes

    Nguyên nhân khiến lỗ mũi bị lở bên trong gây đau rát là do đâu? Theo các chuyên gia sức khỏe, trong một số trường hợp, việc lỗ mũi bị đóng vảy hay viêm loét có liên đến tình trạng nhiệm virus herpes.

    Virus herpes có thể xâm nhập vào mũi của bạn qua không khí khi bạn hít thở. Nếu mũi bị loét và bạn nhận thấy một cụm mụn đỏ thì khả năng cao thủ phạm gây ra tình trạng là chính là herpes.

    12. Ung thư

    Ngoài các nguyên nhân kể trên thì việc mũi bị trầy bên trong thường xuyên hay mũi bị loét là do đâu? Theo các chuyên gia, mặc dù hiếm gặp nhưng tình trạng bị loét trong cánh mũi không tự khỏi có thể phát xuất từ ung thư khoang mũi hoặc xoang cạnh mũi. Các triệu chứng báo hiệu có thể bao gồm:

    • Mũi nghẹt liên tục, kéo dài
    • Mũi hầu như lúc nào cũng chảy dịch
    • Nhiễm khuẩn xoang không thuyên giảm hoặc tái đi tái lại
    • Đau đầu, xoang, mặt, mắt hoặc tai
    • Mặt bị sưng
    • Chảy nước mắt sống
    • Nhìn mờ
    • Đau hoặc tê ở răng, mất răng. 

    Cần làm gì khi bị loét trong cánh mũi?

    bị loét trong cánh mũi

    Như vậy có thể thấy bị loét trong cánh mũi có nguy hiểm hay không và xử trí như thế nào phụ thuộc vào nguyên nhân gây loét. Tình trạng loét do trầy xước, chấn thương thường tự khỏi sau một vài ngày nếu được giữ vệ sinh tốt và cần tránh cào gãi trong khi chúng đang lành.

    Cách xử lý một số nguyên nhân bị loét trong cánh mũi khác có thể tóm tắt như sau:

    • Vết loét bị nhiễm trùng: Điều trị bằng kháng sinh do bác sĩ chỉ định
    • Nhiễm vi khuẩn lao: Có thể gây tử vong. Để trị lao, bác sĩ cần phối hợp nhiều loại thuốc đặc trị kéo dài 6 – 9 tháng.
    • Áp xe: 
      • Áp xe nhỏ: Vết mủ có thể tự gom lại và thoát ra ngoài. Việc chườm ấm sẽ giúp quá trình này diễn ra dễ dàng hơn.
      • Áp xe lớn: Cần được điều trị để tránh gây hoại tử mô và nhiễm khuẩn lan rộng. Việc điều trị bao gồm: làm vệ sinh sạch sẽ bên trong ổ áp xe và dùng kháng sinh tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn. Việc này cần thực hiện tại cơ sở y tế.
  • Mụn nhọt: Ngoài vấn đề gây mất thẩm mỹ, mụn nhọt cũng gây đau, khó chịu. Nếu mụn xuất hiện thường xuyên, bạn nên gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn cách chăm sóc, điều trị thích hợp.
  • Bệnh lý tiềm ẩn gây bị loét trong cánh mũi cần được thăm khám, điều trị kịp thời

    bị loét trong cánh mũi

    Nếu bị loét trong cánh mũi do những nguyên nhân bệnh lý dưới đây, bạn cần được điều trị, kiểm soát để tránh hệ lụy xấu hoặc nguy hiểm cho sức khỏe:

    • Viêm mũi dị ứng được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu và xét nghiệm dị ứng da. Mặc dù cơ địa dị ứng là bẩm sinh, không thể chữa được nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát, phòng tránh cơn dị ứng bằng các loại thuốc kháng histamin, corticosteroid và liệu pháp miễn dịch.
    • Là bệnh tự miễn mạn tính, lupus không có thuốc điều trị dứt điểm. Các triệu chứng thường xuất hiện và biến mất, rồi lặp lại. Bệnh được kiểm soát bằng steroid và các thuốc ức chế miễn dịch khác.
    • Điều trị viêm mạch bằng cách ức chế miễn dịch để kiểm soát bệnh trước mắt và lâu dài.
    • Ung thư được chẩn đoán và điều trị bằng hóa trị, xạ trị, phẫu thuật… theo phác đồ cụ thể bởi bác sĩ chuyên khoa ung thư.

    Để giảm bớt sự khó chịu khi bị loét trong cánh mũi

    Đối với vết loét có khả năng tự lành, bạn có thể giảm nhẹ sự khó chịu bằng cách:

    • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn
    • Sử dụng các loại thuốc xịt, thuốc mỡ, gel… có công dụng xoa dịu, sát khuẩn, hỗ trợ lành vết thương và phù hợp với niêm mạc nhạy cảm của mũi
    • Không dùng tay hay vật gì khác đụng chạm vào vết thương, tránh kích ứng thêm.

    Bị loét trong cánh mũi – Khi nào cần đi khám?

    Nếu vết loét kéo dài một vài ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc biến mất nhưng sau đó tái đi tái lại nhiều lần, bạn nên đi khám, trao đổi với bác sĩ để xác định chính xác tình trạng và có cách chữa trị kịp thời.

    Đi khám là việc cực kỳ cần thiết nếu ngoài triệu chứng bị loét trong cánh mũi, bạn còn gặp phải những dấu hiệu bất thường khác báo hiệu một bệnh tiềm ẩn.

    Tóm lại, niêm mạc bên trong mũi rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương hoặc kích ứng, dẫn đến triệu chứng bị loét trong cánh mũi. Nếu các tình trạng bất thường không biến mất, bạn cần gặp bác sĩ ngay. Không nên kéo dài để tránh những hệ lụy cho sức khỏe và khó khăn cho việc điều trị.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 27/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo