backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Giải đáp thắc mắc: Rò luân nhĩ là gì? Có nguy hiểm không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKII Vũ Hải Long · Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 17/07/2023

    Giải đáp thắc mắc: Rò luân nhĩ là gì? Có nguy hiểm không?

    Cái lỗ nhỏ xíu xiu ở ngay cái chỗ mà cái tai “cắm” vào cái đầu, thoạt nhìn thì thấy nó cũng… “duyên duyên” chẳng kém gì cái lúm đồng tiền ở má. Bởi vậy, nhiều người còn nghĩ rằng đó là “quý tướng” vì “trăm người mới có một”, hẳn là vận mệnh “hào quang”. Thực ra, nếu nó cứ như thế từ lúc sinh ra thì cũng “mặc kệ đời”, chẳng có gì đáng nói vì bản chất nó là một dị tật bẩm sinh lành tính mà y học gọi là “rò luân nhĩ”, nhưng nếu nó gây chuyện thì cũng “không đùa được đâu”. Vậy rò luân nhĩ cụ thể là gì và nó có nguy hiểm không?

    Để tìm hiểu xem rò luân nhĩ và gì và những vấn đề xoanh quanh dị tật bẩm sinh này, mời bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

    Rò luân nhĩ là gì? 

    Luân nhĩ là tên gọi của cái gờ viền chu vi của vành tai. Gốc của gờ viền này là chỗ nó “cắm” vào bên đầu và khi có một lỗ rò ở vùng đó thì người ta gọi là “rò luân nhĩ”. Vậy, tại sao lại có lỗ dò đó?

    Qua nghiên cứu về phôi thai học, người ta đã phát hiện ra rằng đó là một khiếm khuyết trong quá trình hợp nhất của cung mang thứ nhất với cung mang thứ hai mà cụ thể là sự ghép “không khít” của các vách khi 6 ụ tai phát triển để tạo nên các phần của vành tai ngay từ tuần thứ 6 của thai kỳ. Sự “không khít” này tạo thành cái khe, nếu khe này thông ra ngoài trên bề mặt da thì sẽ tạo nên lỗ rò. Vị trí của lỗ rò có thể khác nhau ở từng người nhưng chung quy cũng “quanh quẩn” đâu đó trong vùng vành tai ấy mà thôi. Lỗ rò có thể nhìn thấy rõ ràng nhưng đường dò thì khó mà biết được nó “đi đâu và về đâu” ở dưới lớp da kia. Thông thường, đường rò sẽ tận cùng ở màng sụn của xoăn tai phía trong sâu. Có thể rò đơn giản với 1 đường cụt “độc đạo” hoặc rò phức tạp với nhiều nhánh len lỏi. Khiếm khuyết được cho là do gen này có thể ở 1 tai hoặc ở cả 2 tai. Nếu có ở cả 2 tai thì nghĩ nhiều tới kiểu gen trội, di truyền không hoàn toàn, mang tính gia đình. Rò luân nhĩ, đa phần chỉ là “đơn độc”, tuy nhiên, đôi khi nó nằm trong các hội chứng khiếm khuyết bẩm sinh của đa cơ quan, thí dụ như hội chứng Khe mang – tai – thận.

    Trên thế giới, tỷ lệ trẻ sinh ra với lỗ rò luân nhĩ rất thấp, chỉ khoảng 5 – 10 bé trên 1000 ca sinh, tuy nhiên tỷ lệ này ở châu Á có vẻ cao hơn các vùng khác. Người ta cho rằng, ngoài yếu tố về mặt thẩm mỹ thì hầu như lỗ rò luân nhĩ không có tác động nào tới các vấn đề về sức khỏe chung, ngoại trừ nó kết hợp cùng với các dị tật khác nằm trong một hội chứng bẩm sinh nào đó hoặc khi nó bị nhiễm trùng. Do thành của đường rò cũng được “lát” bởi mô da giống như lớp da ở phía ngoài, cho nên nó cũng có tuyến bã nhờn và tiết ra trong lòng ống. Người ta phân chia biểu hiện của rò luân nhĩ thành 3 loại: rò luân nhĩ đơn thuần; rò luân nhĩ tiết dịch; rò luân nhĩ nhiễm trùng. Phân chia theo cấu trúc thì có: rò luân nhĩ đơn giản (khi có 1 nhánh); rò luân nhĩ phức tạp (khi có nhiều nhánh).

    Triệu chứng nhận biết khi lỗ rò luân nhĩ “gây chuyện” là gì?

    lỗ rò luân nhĩ

    Đa phần, các lỗ rò luân nhĩ thường “hiền như đất”, không có biểu hiện gì ngoài việc cứ nằm “tỉnh bơ” ở đó cho tới hết đời. Tuy nhiên, nếu nó tiết dịch thì phải…lau đi, nếu nó bị bít tắc gây nhiễm trùng thì phải xử lý. Cần lưu ý những dấu hiệu “chẳng lành” như sau: 

    • Sưng, nóng, đỏ, đau vùng lỗ rò
    • Cảm giác  ngứa, khó chịu
    • Tiết dịch như bã đậu, có mùi hôi
    • Vùng lỗ rò phình ra tạo thành nang, ổ áp xe

    Xử trí rò luân nhĩ nhiễm trùng như thế nào?

    Nếu lỗ rò luân nhĩ thể “dịu dàng” thì không nên “động thủ” với nó. Tuy nhiên nếu lỗ rò bị vi trùng “thao túng”, dịch tiết kém “thơm tho”, phình ra thành cái kho chứa mủ, gây nhức nhối không yên thì cần phải can thiệp để tránh những biến chứng xa hơn, nguy hiểm hơn như viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng. Để điều trị nhiễm trùng lỗ rò luân nhĩ, tùy theo mức độ, bác sĩ có thể chỉ định một trong các biện pháp sau:

    1. Thuốc kháng sinh 

    Nếu lỗ rò luân nhĩ bị nhiễm trùng, dịch hôi, sưng, đỏ, đau nhưng chưa tạo ổ mủ thì bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh phù hợp. Khi đó, cần lưu ý tuân thủ theo đúng liệu trình điều trị nhiễm trùng ở tai , kết hợp với các biện pháp vệ sinh làm sạch vùng tai.

    2. Chọc hút dịch mủ

    Nếu người bệnh đã được điều trị ngay từ giai đoạn đầu nhưng không đáp ứng tốt với kháng sinh, tình trạng nhiễm trùng vẫn tiến triển dẫn tới hình thành ổ áp xe, hoặc người bệnh tới bệnh viện muộn, khi đã có áp xe thì bác sĩ sẽ phải làm thủ thuật chọc hút dịch mủ. Đôi khi, bác sĩ có thể lấy bệnh phẩm đem đi nuôi cấy để xác định chủng loại vi khuẩn và lựa chọn kháng sinh phù hợp.

    Trong một số trường hợp, phải chích rạch và dẫn lưu mủ nếu ổ áp xe lớn.

    3. Phẫu thuật loại bỏ lỗ rò luân nhĩ 

    Thông thường, khi nhiễm trùng cứ tái đi tái lại, tạo nang hoặc đã có hình thành ổ mủ thì phẫu thuật để lấy bỏ đường rò là cần thiết. Thời điểm tốt nhất để “ra tay” là khi nhiễm trùng đã được khống chế bằng thuốc. Sau khi gây tê hoặc gây mê, toàn bộ đường rò sẽ được nhuộm để đánh dấu bằng xanh methylen. Đường rạch da hình ê líp quanh bờ của lỗ rò sẽ được thực hiện một cách thẩm mỹ, sau đó, theo những dấu chỉ thị màu, đường rò được bóc tách và lấy hết tới tận điểm bám sâu ở màng sụn và sụn xoăn. Khi tất cả các ngóc ngách của đường rò được loại bỏ thì khả năng tái phát sẽ không còn. Vì đường mổ nhỏ và thẩm mỹ nên sẹo sẽ nhỏ và khó thấy.

    Phòng ngừa nhiễm trùng lỗ rò luân nhĩ như thế nào? 

    lỗ rò luân nhĩ

    Rò luân nhĩ không nguy hiểm, trừ khi nó bị nhiễm trùng. Vậy nên, để tránh nhiễm trùng cần chú ý:

  • Không được bóp hay nặn lỗ rò.
  • Không cố dùng tăm bông cũng như que thông đưa sâu vào đường rò.
  • Giữ gìn, làm vệ sinh tai và vùng lỗ rò luân nhĩ hằng ngày. Đơn giản nhất là dùng nước muối sinh lý để vệ sinh.
  • Nếu có dịch nhầy tiết ra, nên dùng tăm bông thấm nước muối sinh lý để lau một cách nhẹ nhàng.
  • Trong trường hợp dịch chảy ra từ lỗ rò có dấu hiệu viêm nhiễm, nặng mùi, xung quanh miệng lỗ viêm tấy đó, sưng phồng phía dưới, đau nhức thì phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng tái phát cũng như hạn chế biến chứng.

    Qua bài viết trên đây, chắc hẳn bạn đã tìm được cho mình lời giải đáp cho những “lăn tăn” về cái lỗ rò “nhỏ nhắn, xinh xinh” ấy. Bất chấp những quan niệm về tướng số hoặc phong thủy gì gì đó, lỗ rò luân nhĩ hoặc “má lúm đồng xu” cho dù có “duyên” thì nó vẫn luôn là một “dị tật bẩm sinh” và không phải lúc nào lỗ rò đó cũng “hiền”. Cho nên, cần phải “chăm chút, nâng niu” nó, đừng để nó “kém tắm” mà “giận dỗi” gây phiền toái.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKII Vũ Hải Long

    Tai - Mũi - Họng · Bệnh viện Nhân dân 115


    Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 17/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo