backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Suy giảm thính lực ở người trẻ: Đừng chủ quan!

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 10/12/2020

    Suy giảm thính lực ở người trẻ: Đừng chủ quan!

    Hiện nay, tình trạng suy giảm thính lực ở người trẻ ngày càng có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân đến từ thói quen hằng ngày trong cuộc sống, chẳng hạn như nghe nhạc âm lượng lớn, hút thuốc, vệ sinh răng miệng kém.

    Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu vì sao suy giảm thính lực, tai nghe không rõ vẫn xuất hiện ở người trẻ tuổi chứ không chỉ riêng ở đối tượng trung niên.

    6 thói quen gây suy giảm thính lực phổ biến ở người trẻ

    Nhiều người vẫn luôn lầm tưởng rằng suy giảm thính lực là tình trạng chỉ gặp phải ở người cao tuổi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều người trẻ cũng đang gặp phải các vấn đề về thính lực. Dưới đây là những nguyên nhân gây suy giảm thính lực ở người trẻ tuổi:

    1. Giảm thính lực do hút thuốc lá

    Nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây suy giảm khả năng nghe. Các chuyên gia cho biết, nicotine và carbon monoxide trong thuốc lá làm giảm nồng độ oxy trong máu đến ốc tai. Thêm vào đó, các chất dẫn truyền dọc theo dây thần kinh thính giác đến não cũng bị gián đoạn bởi nicotine, làm hạn chế chức năng của chúng. Điều này khiến khả năng nghe của bạn bị suy giảm từ từ theo thời gian.

    2. Nghe kém vì uống bia rượu quá nhiều

    Nguyên nhân suy giảm thính lực ở người trẻ

    Thói quen sử dụng thức uống có cồn quá nhiều gây ảnh hưởng đến thính giác của bạn. Khi nồng độ cồn trong máu tăng cao, chúng có thể gây độc, tổn thương các tế bào lông trong ốc tai. Thêm vào đó, việc uống nhiều rượu có thể gây tổn thương não, cản trở khả năng xử lý âm thanh.

    3. Nghe điện thoại trong thời gian dài

    Theo các chuyên gia, việc nghe một cuộc gọi kéo dài 10 phút mỗi ngày khiến tai bạn cảm thấy khó chịu, nghe thấy tiếng u u trong tai. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng điện thoại làm tăng hơn 70% nguy cơ bị suy giảm thính lực ở người trẻ.

    4. Làm sạch tai bằng tăm bông quá kỹ

    Mặc dù điều này có thể không hoàn toàn là thói quen xấu, nhưng sử dụng tăm bông ngoáy tai thường xuyên, không đúng cách có thể làm tổn thương các cơ quan thính giác và gây tình trạng nghe kém, suy giảm thính lực ở người trẻ tuổi.

    5. Đeo tai nghe thường xuyên

    Sử dụng tai nghe liên tục là một trong những thói quen xấu mà đại đa số các bạn trẻ đang mắc phải. Theo giới chuyên gia, đeo tai nghe liên tục nhiều giờ trong ngày có thể làm hỏng các tế bào lông trong ốc tai và khiến thính lực bị suy giảm.

    6. Suy giảm thính lực ở người trẻ do hay tới quán bar

    Âm nhạc trong các quán bar đều có cường độ rất lớn. Với mức độ âm thanh như vậy, nếu nghe thường xuyên thì bạn sẽ rất dễ bị điếc tai, suy giảm thính lực.

    Các nguyên nhân sức khỏe khiến người trẻ nghe không rõ

    Người trẻ nghe không rõ do bệnh lý

    Bên cạnh các thói quen xấu kể trên, suy giảm thính lực ở người trẻ tuổi còn có thể là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe trong cơ thể. Dưới đây là những bệnh lý dễ gây suy giảm thính lực:

    • U dây thần kinh thính giác: Đây là một khối u đè lên dây thần kinh thính giác khiến khả năng nghe bị suy giảm. Thông thường, khối u ở bên tai nào sẽ gây suy giảm khả năng nghe ở bên tai đó.
    • Thủng màng nhĩ: Một lỗ thủng trong màng nhĩ cũng có thể khiến bạn bị nghe kém, suy giảm thính lực. Màng nhĩ bên tai nào bị thủng sẽ gây suy giảm thính lực ở tai bên đó.
    • Viêm tai giữa: Viêm tai giữa là một trong những bệnh về tai phổ biến. Viêm tai giữa không được điều trị đúng cách có thể làm suy giảm khả năng nghe.
    • Suy giảm chức năng thận: Đây là nguyên nhân gây suy giảm thính lực phổ biến nhưng ít được để ý tới. Sở dĩ chức năng thận có liên quan tới điếc một bên tai phải là do theo y học cổ truyền thì: “Thận khai khiếu ở tai”, chức năng thận có mối quan hệ mật thiết tới sức khỏe thính giác. Khi thận yếu thì tai sẽ bị ù, nếu yếu quá thì tai sẽ bị điếc. Do vậy, điếc tai, nghe kém có thể là dấu hiệu của suy giảm chức năng thận.
    • Tuần hoàn máu kém: Tuần hoàn máu đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp oxy và dưỡng chất nuôi tế bào thần kinh tai. Khi tuần hoàn máu kém sẽ khiến quá trình này bị gián đoạn, thần kinh tai không nhận được dưỡng chất cần thiết để hoạt động, cuối cùng sẽ dẫn tới điếc tai, suy giảm thính lực.
    • Các vấn đề khác như: Rối loạn khớp thái dương hàm, bệnh xơ cứng tai, huyết áp cao, đái tháo đường… cũng có thể là nguyên nhân gây điếc tai, suy giảm thính lực ở người trẻ tuổi.

    Dấu hiệu suy giảm thính lực ở người trẻ

    Một số triệu chứng điển hình cho thấy bạn đang gặp phải vấn đề trong việc nghe là:

    • Luôn cảm thấy rằng mọi người dường như đang lẩm bẩm, lời nói của họ không rõ ràng hoặc bạn chỉ nghe thấy một phần của cuộc trò chuyện
    • Bạn thường yêu cầu mọi người nhắc lại những gì họ nói
    • Bạn bè hoặc gia đình nói với bạn rằng bạn dường như không nghe rõ lắm
    • Ít cười khi mọi người nói về điều gì đó hài hước do bạn không nghe được toàn bộ câu chuyện
    • Mọi người phàn nàn bạn luôn bật nhạc hoặc tivi quá to
    • Bạn không nghe thấy tiếng chuông cửa hoặc điện thoại.

    Biện pháp cải thiện tình trạng suy giảm thính lực ở người trẻ tuổi

    Cải thiện tình trạng suy giảm thính lực ở người trẻ tuổi

    Dưới đây là các biện pháp gợi ý cho bạn cách cải thiện tình trạng nghe không rõ, tai nghễnh ngãng nghe câu được câu mất:

    Luyện tập khả năng nghe

    Tai của bạn phát hiện âm thanh và bộ não sẽ diễn giải chúng. Do đó, theo các chuyên gia, những bài tập tăng cường kỹ năng nghe hiểu cho não có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng suy giảm thính lực. Đây là hai hoạt động bạn có thể thử:

    • Đi dạo trong rừng, trên bãi biển hoặc trong một khung cảnh tương tự với tiếng ồn nhỏ do con người tạo ra. Tập trung vào môi trường xung quanh và viết ra tất cả những gì bạn nghe thấy, từ tiếng chim hót líu lo đến tiếng gió thổi. Lặp lại bài tập này vài ngày liên tiếp để bạn dần dần trở nên hòa hợp hơn với tiếng ồn xung quanh.
    • Nhờ ai đó đọc to cho bạn nội dung một cuốn sách hoặc tạp chí về một chủ đề xa lạ. Sau mỗi câu, bạn hãy cố gắng lặp lại chính xác những gì người kia nói. Khi bạn có thể liên tục lặp lại chính xác từng từ, hãy thử lại bài tập này với một vài chương trình truyền hình hoặc trong một môi trường ồn ào.

    Bổ sung vitamin, khoáng chất

    Một số vitamin và khoáng chất đã được chứng minh có khả năng cải thiện chức năng tai và thính giác, hỗ trợ bạn thoát khỏi tình trạng nghe không rõ. Chúng bao gồm:

    • Axit folic: Thúc đẩy quá trình lưu thông máu đến tai, tăng cường sản xuất năng lượng trong các tế bào chịu trách nhiệm về thính giác.
    • Magie: Hỗ trợ chức năng thần kinh trong hệ thống thính giác và giúp ngăn ngừa tổn thương cho lớp lót bên trong của động mạch tai.
    • Kẽm: Bảo vệ các tế bào lông trong tai, đây là bộ phận chịu trách nhiệm phát ra các rung động gửi tín hiệu điện đến não của bạn. Bên cạnh đó, kẽm cũng hỗ trợ hệ thống miễn dịch, giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tai.
    • Các vitamin nhóm B: Cung cấp một loạt các lợi ích tiềm năng cho đôi tai, bao gồm điều chỉnh mức chất lỏng và tối ưu hóa việc sử dụng oxy.

    Qua bài viết, hy vọng bạn đã biết tới nguyên nhân gây suy giảm thính lực ở người trẻ tuổi. Hãy loại bỏ những thói quen có hại cũng như khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm những vấn đề về thính lực, bạn nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 10/12/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo