backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Viêm màng nhĩ bọng nước: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 30/06/2020

    Viêm màng nhĩ bọng nước: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

    Viêm màng nhĩ bọng nước là một dạng viêm tai làm xuất hiện các mụn nước nhỏ hình thành trên màng nhĩ. Các mụn nước này thường gây đau dữ dội trong tai.

    Khác với các dạng viêm tai khác, bệnh không gây tích tụ dịch hoặc mủ sau màng nhĩ. Nếu được điều trị đúng cách, tình trạng viêm sẽ thuyên giảm trong vài ngày.

    Triệu chứng viêm màng nhĩ bọng nước

    Triệu chứng viêm màng nhĩ bọng nước

    Các triệu chứng của viêm màng nhĩ bọng nước khá giống với các bệnh viêm tai khác. Chúng bao gồm:

    • Đau tai dữ dội: Cơn đau xuất hiện đột ngột và kéo dài từ 24-48 giờ.
    • Suy giảm thính lực ở tai bị viêm: Thính giác thường khôi phục sau khi bệnh được chữa khỏi.
    • Sốt.
    • Tai chảy dịch: Hiện tượng này chỉ xảy ra khi các mụn nước trong tai bị vỡ. Viêm màng nhĩ bọng nước không gây ra sự tích tụ dịch hoặc mủ trong tai. Tuy nhiên, đôi khi bạn có thể bị mắc nhiều loại bệnh viêm tai cùng một lúc. Khi đó, hiện tượng tai chảy dịch có thể là do một bệnh viêm tai khác gây ra.
    • Cảm giác đầy trong tai.
    • Cáu gắt: Nếu con bạn bị viêm màng nhĩ, trẻ sẽ quấy khóc và khó chịu vì đau.
    • Thường xuyên chạm hoặc kéo tai: Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ nhỏ chưa biết nói. Bé có thể kéo mạnh dái tai để giảm đau.

    Nguyên nhân gây viêm màng nhĩ bọng nước

    Viêm màng nhĩ bọng nước thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Đây cũng là các loại vi khuẩn và virus gây ra các bệnh nhiễm trùng khác như cúm, cảm lạnh và viêm họng liên cầu khuẩn.

    Ví dụ: Streptococcus pneumoniae, một loại vi khuẩn gây viêm họng liên cầu khuẩn, cũng là nguyên nhân phổ biến gây viêm màng nhĩ bọng nước.

    Các yếu tố rủi ro của bệnh

    Nguyên nhân gây viêm màng nhĩ

    Viêm màng nhĩ bọng nước thường xảy ra những người vừa mới bị hoặc đang bị nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cúm hoặc cảm lạnh. Nguyên nhân là vì các bệnh nhiễm trùng này có thể ảnh hưởng lên hoạt động của các ống eustachian hoặc cản trở việc thoát dịch trong tai. Vi khuẩn hoặc virus trong dịch tích tụ sẽ di chuyển vào tai và gây viêm.

    Ngoài ra, những người bị viêm tai giữa cũng có nhiều khả năng bị viêm màng nhĩ vì cả hai bệnh đều do cùng một loại virus hoặc vi khuẩn gây ra.

    Cũng giống như các dạng viêm tai khác, trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người lớn, đặc biệt là khi các bé bắt đầu đi học.

    Chẩn đoán tình trạng viêm màng nhĩ bọng nước

    Trong trường hợp tình trạng viêm chỉ gây ra một triệu chứng duy nhất là đau tai, bạn có thể theo dõi tại nhà trong 1-2 ngày để xem cơn đau có thuyên giảm không. Nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng hoặc có biểu hiện sốt, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Bên cạnh đó, nếu bạn cảm thấy khó nghe hoặc tai chảy dịch, bạn cũng nên đến bệnh viện để kiểm tra.

    Nếu con bạn có dấu hiệu đau tai, bạn nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt, đặc biệt là khi trẻ có tiền sử bị nhiễm trùng tai.

    Khi đến khám, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng đang gặp phải, thời gian kéo dài của triệu chứng cũng như thông tin về bệnh sử. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng ống soi tai để thăm khám bên trong. Dụng cụ này giúp bác sĩ nhìn vào bên trong tai của bạn và quan sát các dấu hiệu nhiễm trùng.

    Nếu bạn bị viêm tai, bác sĩ sẽ xác định xem đó có phải là bệnh viêm màng nhĩ bọng nước hay không. Trong trường hợp bạn bị viêm màng nhĩ bọng nước, bác sĩ có thể nhìn thấy các mụn nước trên màng nhĩ của bạn. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện một bài kiểm tra thính lực cơ bản để đánh giá tình trạng mất thính lực (nếu có) do nhiễm trùng.

    Điều trị viêm màng nhĩ bọng nước

    Thuốc giảm đau

    Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị tình trạng viêm bao gồm thuốc giảm đau không kê đơn và thuốc kháng sinh. Tùy thuộc vào sở thích và độ tuổi của người bệnh, bác sĩ có thể lựa chọn thuốc viên đường uống hoặc thuốc nhỏ tai.

    Trong trường hợp chưa xác định được nguyên nhân gây viêm là do virus hay vi khuẩn, bác sĩ cũng có thể kê đơn kháng sinh cho bạn. Các triệu chứng của bệnh thường cải thiện trong vòng hai ngày sau khi dùng thuốc.

    Nếu thuốc giảm đau không có tác dụng, bác sĩ sẽ làm thủ thuật phá vỡ các mụn nước trên màng nhĩ để chúng chảy ra ngoài. Điều này không giúp chữa trị bệnh viêm màng nhĩ nhưng nó sẽ giúp giảm đau trong khi bạn dùng thuốc kháng sinh.

    Bệnh có dẫn đến biến chứng nghiêm trọng nào không?

    Viêm màng nhĩ bọng nước có thể dẫn đến tình trạng suy giảm thính giác nhưng triệu chứng này thường biến mất sau khi điều trị khỏi bệnh.

    Trong một số ít trường hợp, nếu bệnh không được điều trị hiệu quả, vi khuẩn hoặc virus có thể lan đến các xương quanh tai, dẫn đến điếc hoặc viêm màng não.

    Các biện pháp phòng tránh

    Vệ sinh nhà cửa

    Như đã đề cập ở trên, các loại vi khuẩn và virus gây viêm màng nhĩ bọng nước cũng gây ra cảm lạnh, nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm trùng tai khác. Bản thân căn bệnh này không phải là bệnh truyền nhiễm.

    Tuy nhiên, các yếu tố gây bệnh lại có tính chất lây lan. Do đó, cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là thực hiện các biện pháp phòng tránh cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng khác.

    Bạn có thể chủ động phòng ngừa viêm màng nhĩ bọng nước bằng các cách sau:

    • Cố gắng tránh tiếp xúc với những người đang bị cảm lạnh hoặc các bệnh truyền nhiễm khác
    • Rửa tay thường xuyên và đúng cách
    • Cố gắng không chạm tay vào mắt, mũi và miệng
    • Ngủ đủ giấc, có chế độ ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức đề kháng
    • Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ mỗi ngày, đặc biệt là các bề mặt mà mọi người thường xuyên chạm vào như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang.

    Viêm màng nhĩ bọng nước có thể gây ra các cơn đau tai rất nghiêm trọng, nhưng các triệu chứng thường hết trong vài ngày sau khi điều trị. Dạng viêm tai này không phải là bệnh truyền nhiễm và hiếm khi gây ra biến chứng lâu dài. Mặc dù vậy, bạn vẫn cần theo dõi các triệu chứng liên tục và điều trị bệnh càng sớm càng tốt.

    Dung Nguyễn / HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 30/06/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo