backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Viêm tai giữa uống thuốc gì? Lưu ý khi điều trị bệnh viêm tai giữa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 18/09/2023

    Viêm tai giữa uống thuốc gì? Lưu ý khi điều trị bệnh viêm tai giữa

    “Người bị viêm tai giữa uống thuốc gì?” luôn là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh, do trẻ em có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nhiều so với người lớn.

    Viêm tai giữa là tình trạng viêm nhiễm, tích tụ dịch mủ xảy ra ở trong tai giữa do vi khuẩn, virus hoặc nấm gây ra. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng viêm tai giữa có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như giảm thính lực, thủng màng nhĩ, tê liệt thần kinh, thậm chí là có nguy cơ tử vong do vi khuẩn lây lan lên não, gây viêm não. Vậy có cách nào điều trị viêm tai giữa hay không? Viêm tai giữa uống thuốc gì để nhanh khỏi bệnh? Người bệnh có thể không cần dùng thuốc không? Tất cả thắc mắc trên sẽ được Hello Bacsi giải đáp qua bài viết bên dưới, nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này và không cảm thấy bối rối khi bé yêu nhà mình mắc bệnh. 

    Giải đáp thắc mắc: Viêm tai giữa uống thuốc gì?

    Khi bị viêm tai giữa uống thuốc gì là thắc mắc rất thường gặp, nhất là các bậc cha mẹ có con nhỏ. Theo các chuyên gia sức khỏe, phương pháp điều trị viêm tai giữa phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh, nhưng phổ biến nhất vẫn là sử dụng thuốc. Một số loại thuốc được chỉ định sẽ có khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng, từ đó giúp giảm đau, giảm sưng và giảm sốt, cụ thể như: 

    1. Thuốc giảm đau

    Khi bị viêm tai giữa, các cơn sốt và đau nhức tai có thể khiến người bệnh cảm thấy khó chịu và bị gián đoạn giấc ngủ. Vậy nên, một số thuốc giảm đau thường được kê toa để giải quyết các cơn đau này như paracetamol, ibuprofen hoặc opioid. Kèm theo đó là các loại thuốc nhỏ tai có chứa hai thành phần Antipyrine và Benzocain cũng được chỉ định để giảm sưng, viêm tại chỗ. 

    2. Thuốc kháng sinh

    viêm tai giữa uống thuốc gì

    Bên cạnh việc dùng thuốc giảm đau thì thuốc kháng sinh sẽ chiếm phần lớn phác đồ điều trị bệnh viêm tai giữa. Các loại thuốc này sẽ được kê đơn cho người lớn hoặc trẻ mắc bệnh viêm tai giữa từ 6 tháng tuổi trở lên và xuất hiện những triệu chứng nghiêm trọng, ví dụ như đau tai ở mức độ vừa hoặc nặng; đau tai và sốt hơn 39°C trong vòng nhất 48 giờ và không có dấu hiệu thuyên giảm. Sau đây là một số loại thuốc kháng sinh phổ biến trong điều trị viêm tai giữa: 

    • Amoxicillin: Đây là một loại kháng sinh nhóm β-lactam, thường được chỉ định đầu tiên trong liệu trình điều trị với kháng sinh. Tuy nhiên, thuốc này chỉ được sử dụng khi người bệnh không có dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào. Ưu điểm khi dùng amoxicillin liều cao và chi phí thấp, hương vị dễ uống và hiệu quả ổn định. Đồng thời, amoxicillin cũng hạn chế trường hợp vi khuẩn gây viêm tai giữa kháng lại các thuốc kháng sinh mạnh và tăng độ khó cho những đợt điều trị nhiễm trùng về sau, nếu bệnh tái phát. 
    • Amoxicillin – clavulanate: Đây là thuốc chứa kháng sinh bán tổng hợp amoxicillin và chất ức chế β-lactamase, được chỉ định điều trị viêm tai giữa. Liều dùng thuốc này sẽ phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng và vi khuẩn gây bệnh. Thời gian điều trị cơ bản của loại thuốc này là 7 ngày, nhưng nếu điều trị kéo dài hơn 48 giờ mà các triệu chứng không cải thiện rõ rệt thì phải thay đổi liệu pháp kháng sinh.
    • Thuốc kháng sinh quinolon: Đây là thuốc bôi tại chỗ, gồm ofloxacin và ciprofloxacin, giúp giảm tình trạng tiết dịch khi bị viêm tai giữa chảy mủ
    • Amoxicillin và acid clavulanic: Nếu tình trạng viêm tai giữa không giảm, kèm theo viêm kết mạc mủ thì nhóm kháng sinh amoxicillin và acid clavulanic – sự kết hợp giữa kháng sinh β-lactam và chất ức chế β-lactamase (Kali Clavulanate) – sẽ được chỉ định. Với một số người bệnh bị dị ứng với penicillin, thì có thể thay thế bằng thuốc kháng sinh cefdinir hoặc cefpodoxim…

    3. Phương pháp khác

    Ống thông , còn được gọi là grommet, là một phương pháp có thể giúp giảm sự tái phát của viêm tai giữa. Phương pháp này thường dành cho những bệnh nhân mắc từ 3 đến 4 đợt viêm tai giữa cấp tính trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Khi đó, ống thông nhĩ được đưa vào màng nhĩ để giúp giảm tỷ lệ tái phát bệnh viêm tai giữa trong thời gian 6 tháng. 

    Phương này khá ít tác dụng phụ và không ảnh hưởng quá nhiều đến thính lực của người bệnh. Tuy nhiên, một số người có thể bị chảy dịch từ tai, hay còn gọi là chảy nước tai, do đặt ống. Khi đó, bác sĩ điều trị có thể chỉ định thuốc nhỏ tai kháng sinh tại chỗ, thay cho dùng kháng sinh đường uống, vì hiệu quả hơn và ít xảy ra nhiễm trùng. 

    Lưu ý khi điều trị bệnh viêm tai giữa

    viêm tai giữa uống thuốc gì

    Chỉ cần được điều trị kịp thời và tuân thủ theo phát đồ của bác sĩ, bệnh viêm tai giữa có thể trị dứt điểm và không gây nhiều biến chứng. Sau đây là một số lưu ý khi điều trị viêm tai giữa cần nhớ: 

    • Viêm tai giữa có thể gây ra các triệu chứng như đau tai, sốt, khó chịu, giảm thính lực… và ngay khi xuất hiện dấu hiệu bệnh, cần đi khám ngay với bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
    • Các loại thuốc kháng sinh có thể xuất hiện tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, nôn… Khi đó, người bệnh cần báo cho bác sĩ ngay để được điều chỉnh thuốc thích hợp. 
    • Thuốc kháng sinh sẽ không phát huy hiệu quả tối đa, nếu không dùng đủ liều lượng và thời gian. Hơn nữa, nếu dùng kháng sinh ngắt quãng liên tục, các vi khuẩn, virus sẽ có khả năng kháng kháng sinh và gây phản tác dụng. Vậy nên, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và không tự ý ngưng thuốc khi chưa hết liệu trình.
    • Người bệnh cũng cần lưu ý một số vấn đề sau để giúp bệnh nhanh khỏi như nghỉ ngơi đầy đủ; uống nhiều nước để đào thải độc tố ra khỏi cơ thể; vệ sinh tai sạch sẽ và hạn chế đưa vật lạ vào trong ống tai; hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá vì có thể khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn.
    • Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, cha mẹ cần đưa bé đến kiểm tra định kỳ khi đã từng mắc viêm tai giữa và điều trị bằng kháng sinh hoặc nếu có dấu hiệu cảnh báo tình trạng thính lực ngày càng giảm sút. 

    Vậy là qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đã biết “viêm tai giữa uống thuốc gì?” đúng không. Hy vọng các thông tin Hello Bacsi cung cấp sẽ bổ ích và giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 18/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo