backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Xạ hình thận bằng DMSA

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 22/05/2020

    Xạ hình thận bằng DMSA

    Tìm hiểu chung

    Xạ hình thận bằng DMSA là gì?

    Xạ hình thận bằng DMSA là 1 kỹ thuật xét nghiệm y học hạt nhân cho phép thu nhận hình ảnh của thận nhằm đánh giá chức năng, vị trí, kích thước, hình dạng và phát hiện sẹo do nhiễm trùng tại thận. DMSA là từ viết tắt của axit dimercaptosuccinic, một loại dược phẩm dùng để điều trị cho nhiễm độc chì, thủy ngân và nhiễm độc asen. Trong xạ hình thận, chúng được đánh dấu phóng xạ với technetium-99m. Sau khi tiêm, DMSA lưu hành trong cơ thể và tập trung tại thận. Những tế bào “hoạt động” mạnh tại thận sẽ hấp thu nhiều DMSA hơn, phát ra nhiều tia gamma (giống tia X) hơn so với những phần ít hoạt động hay không hoạt động.

    Các tia gamma phát ra từ bên trong cơ thể ghi nhận lại bằng gamma camera, biến đổi thành tín hiệu điện và được chuyển vào một máy tính. Máy tính này sẽ tạo ra hình ảnh có màu sắc hay độ xám khác nhau tương ứng với những tín hiệu thu nhận có cường độ khác nhau. Ví dụ, những vùng mô cơ quan đích phát ra nhiều tia gamma có thể được biểu diễn bằng những điểm màu đỏ (“vùng nóng”) trên hình ảnh từ máy tính. Những vùng mô cơ quan đích phát tia gamma thấp có thể được biểu diễn bằng màu xanh dương (“vùng lạnh”). Nhiều màu sắc khác có thể được dùng trong “khoảng giữa” tùy theo mức độ tia gamma phát ra.

    Khi nào bạn cần thực hiện xạ hình thận bằng DMSA?

    quả thận
    Ghép thận là phương pháp đem lại nhiều triển vọng nhất cho người bệnh

    Xạ hình thận bằng DMSA được dùng để:

    • Kiểm tra cấu trúc, kích thước và hình dáng của thận

  • Thường được chỉ định ở trẻ đã từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu

  • Cho thấy vùng nào của thận còn hoạt động tốt và vùng nào bị sẹo, vốn có thể gây ra do nước tiểu từ bàng quang chảy ngược về thận hay còn gọi là trào ngược bàng quang niệu quản

  • Cho thấy tổn thương sau chấn thương hoặc do giảm tưới máu thận

  • Có thể giúp bác sĩ khảo sát được chức năng của nhu mô thận

  • Theo dõi bất cứ thay đổi nào do viêm thận

  • Nhìn chung, kỹ thuật này ngoài dùng đánh giá chức năng thận 2 bên (cả trái và phải) còn có thể hỗ trợ chẩn đoán, đánh giá những bệnh lý về thận như:

    • Viêm đài bể thận

    • Thận lạc chỗ

    • Nhồi máu thận

  • Bệnh thận móng ngựa

  • Suy thận cấp

  • Thận loạn sản đa nang

  • Chấn thương

  • Điều cần thận trọng

    Xạ hình thận bằng DMSA có nguy hiểm không?

    Các chất phóng xạ dùng trong xạ hình thận bằng DMSA được xem là an toàn và có thể đào thải ra ngoài nhanh chóng qua nước tiểu. Tuy nhiên, cũng như các loại tia xạ khác (như tia X trong chụp X-quang), tia gamma có nguy cơ nhỏ tác động lên thai nhi. Vì vậy, nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ trước khi thực hiện xạ hình.

    Trong trường hợp hiếm gặp, một vài người có thể gặp phản ứng dị ứng với thuốc được tiêm vào hoặc bị quá liều thuốc.

    Quy trình thực hiện

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Trước khi thực hiện

    Người bệnh sẽ được hướng dẫn trước khi thực hiện xạ hình. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần tránh sử dụng vài loại thuốc. Ngoài ra, người bệnh không cần chuẩn bị đặc biệt và vẫn có thể ăn hoặc uống như bình thường. Người bệnh cũng có thể cần uống nhiều nước để đi vệ sinh nhiều lần nhằm giúp hình ảnh của thận thu được rõ hơn.

    Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể được chỉ định lấy mẫu nước tiểu khảo sát để đảm bảo không bị nhiễm trùng đường tiết niệu vào thời điểm làm xạ hình. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng gần đây, người bệnh sẽ không được tiến hành xạ hình vì nhiễm trùng có thể làm thay đổi kết quả của kỹ thuật.

    Trong khi thực hiện

    Sau khi được tiêm đồng vị phóng xạ vào tĩnh mạch tay, người bệnh có thể cần chờ 3-4 giờ tiếp theo trước khi tiến hành chụp xạ hình. Thời gian chờ này giúp cho chất DMSA lưu hành trong cơ thể và tập trung tại thận. Sau thời gian chờ, người bệnh được ghi hình thận bằng gamma camera. Quá trình ghi hình có thể kéo dài đến 30 phút. Người bệnh cần nằm yên trong suốt thời gian camera đang ghi hình.

    Đối với trẻ em, bố mẹ nên giải thích cho bé hiểu việc thực hiện xạ hình không nguy hiểm hay đáng sợ. Bố mẹ cũng nên mang theo đồ chơi hay vật dụng mà trẻ yêu thích để giữ trẻ nằm yên vì camera có thể rất to sẽ áp rất sát vào bụng trẻ trong khi ghi hình. Bố mẹ thường được cho phép ở cạnh trẻ trong suốt thời gian thực hiện xạ hình.

    Sau khi thực hiện

    Chất phóng xạ hay đồng vị phóng xạ đã tiêm vào cơ thể người bệnh sẽ được thải ra ngoài qua nước tiểu. Vì lý do đó, người bệnh nên uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên sau khi hoàn tất. Màu của nước tiểu sẽ không bị ảnh hưởng bởi xạ hình thận bằng DMSA. Tuy nhiên, do có chứa chất phóng xạ nên người bệnh cần rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh.

    Trong trường hợp trẻ làm xạ hình thận bằng DMSA có mang tã sẽ có một lượng nhỏ chất phóng xạ trong nước tiểu dính vào tã. Chất phóng xạ không gây ảnh hưởng đến da trẻ nhưng người chăm sóc cần lau rửa mông trẻ như bình thường và rửa tay trẻ kỹ lưỡng. Tã vải cần được giặt kỹ lưỡng, tã dùng một lần cần được cho vào túi nhựa, đóng kín trước khi vứt đi.

    Nếu người bệnh cần tiếp xúc với trẻ em hoặc phụ nữ mang thai, hãy thông báo cho bác sĩ biết. Mặc dù mức độ phóng xạ dùng trong xạ hình rất nhỏ, người bệnh cũng cần có ý thức phòng ngừa. Hãy tham vấn thêm ý kiến từ các chuyên viên y tế.

    Kết quả của xét nghiệm

    Kết quả của xạ hình thận bằng DMSA là gì?

    Sau khi hoàn tất xạ hình thận bằng DMSA, hình ảnh kết quả sẽ được đánh giá chất lượng. Nếu đạt, người bệnh có thể rời phòng chụp để quay về các hoạt động bình thường. Bác sĩ khoa chẩn đoán y học hạt nhân sẽ đánh giá kết quả, gửi báo cáo về cho bác sĩ chuyên khoa đã chỉ định xạ hình.

    Xạ hình thận bằng DMSA thường được khuyến cáo thực hiện cùng với các khảo sát về thận khác nhằm giúp bác sĩ củng cố chẩn đoán.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 22/05/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo