backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

8 triệu chứng sỏi thận bạn không thể bỏ qua

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Châu Hồ Minh Quân · Khoa nội tiết · Phòng khám đa khoa SIM Med


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 23/08/2023

    8 triệu chứng sỏi thận bạn không thể bỏ qua

    Các triệu chứng sỏi thận thường rất giống với các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, nếu bạn hiểu rõ dấu hiệu của sỏi thận và phát hiện bệnh sớm, việc phòng ngừa và điều trị cũng hiệu quả hơn.

    Sỏi thận là các tinh thể được tạo thành từ muối và khoáng chất. Các tinh thể này hình thành trong thận và có thể di chuyển đến những phần khác của đường tiết niệu. Sỏi thận có rất nhiều kích thước, chẳng hạn như sỏi thận 4mm hoặc sỏi thận 5,5mm. Một số sỏi thận nhỏ có thể tự đào thải ra ngoài, những sỏi lớn hơn cần phải được điều trị y tế để lấy sỏi. Một số sỏi thận lớn đến mức có thể chiếm diện tích toàn bộ thận.

    Hiểu rõ các triệu chứng sỏi thận sẽ giúp bạn nhận biết bệnh sớm hơn, từ đó việc điều trị cũng hiệu quả và ít tốn kém hơn. 

    8 triệu chứng sỏi thận bạn cần lưu ý

    Dưới đây là dấu hiệu bị sỏi thận dễ nhận thấy nhất, bạn có thể tham khảo và cảnh giác để sớm xử lý được sỏi thận (nếu có) nhé!

    1. Nhận biết biểu hiện cơn đau sỏi thận

    triệu chứng sỏi thận là đau

    Theo các chuyên gia, cơn đau sỏi thận là một trong những loại đau nghiêm trọng nhất. Biểu hiện của cơn đau do sỏi thận giống như đau đẻ hoặc đau khi bị dao đâm.

    Thông thường, cơn đau bắt đầu khi sỏi thận di chuyển vào vùng niệu quản hẹp, gây tắc nghẽn và tạo áp lực lên thận. Áp lực này kích hoạt các sợi dây thần kinh truyền tín hiệu đau đến não. Khi sỏi di chuyển, vị trí và mức độ đau cũng sẽ thay đổi.

    Cơn đau có thể xuất hiện theo từng đợt do niệu quản co thắt để cố đẩy sỏi ra ngoài. Mỗi đợt đau quặn thận thường kéo dài khoảng vài phút.

    Bạn có thể cảm nhận cơn đau sỏi thận dọc theo sườn và lưng, dưới xương sườn. Cơn đau có thể lan rộng ra vùng bụng và háng khi sỏi di chuyển đến đường tiết niệu. 

    Sỏi lớn có thể khiến bạn cảm thấy đau hơn sỏi nhỏ, nhưng mức độ nghiêm trọng của cơn đau không nhất thiết liên quan tới kích thước sỏi. Thậm chí, một viên sỏi nhỏ cũng có thể gây đau khi chúng di chuyển hoặc gây tắc nghẽn.

    Cơn đau quặn thận thường xuất hiện dữ dội ở hai bên lưng dưới và lan rộng sang bụng và háng theo hướng di chuyển của viên sỏi.

    2. Đau hoặc rát khi đi tiểu

    Một triệu chứng của sỏi thận thường thấy ở phụ nữ là đau hoặc rát khi đi tiểu do sỏi đi đến vị trí nối giữa bàng quang và niệu quản. Cơn đau có thể rõ ràng và bỏng rát. Triệu chứng sỏi thận này dễ nhầm lẫn thành nhiễm trùng đường tiết niệu. Đôi khi, bạn cũng có thể bị nhiễm trùng thận cùng với sỏi thận.

    3. Tiểu gấp là biểu hiện sỏi thận

    Nếu bạn thường xuyên bị tiểu gấp thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy sỏi thận đã di chuyển vào phần dưới của đường tiết niệu. Khi bị tiểu gấp, bạn có thể cảm thấy cần phải đi tiểu liên tục suốt ngày.

    Tiểu gấp cũng tương tự với triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu, do vậy bạn có thể dễ nhầm lẫn hai tình trạng.

    4. Dấu hiệu có thể do sỏi thận: Tiểu ra máu

    Tiểu ra máu là triệu chứng phổ biến ở những người bị sỏi đường tiết niệu nói chung và sỏi thận nói riêng. Nước tiểu có thể có màu đỏ, hồng hoặc nâu. Đôi khi, bác sĩ chỉ quan sát thấy tế bào máu bằng kính hiển vi chứ màu sắc nước tiểu không thay đổi, bởi vì chúng quá nhỏ.

    5. Nước tiểu đục hoặc có mùi là biểu hiện sỏi thận ở nữ

    Triệu chứng sỏi thận qua màu nước tiểu

    Nước tiểu ở người khỏe mạnh thường trong và không có nặng mùi. Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi là dấu hiệu của nhiễm trùng ở thận hoặc phần khác của đường tiết niệu. Đây là một trong những dấu hiệu bị sỏi thận phổ biến ở nữ.

    Theo một nghiên cứu, khoảng 8% người bị sỏi thận cấp tính bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

    Vì vậy, các biểu hiện của nhiễm trùng tiểu đồng thời cũng là biểu hiện nguy cơ của sỏi thận. Chẳng hạn như nước tiểu đục là dấu hiệu của mủ trong nước tiểu. Nước tiểu có mùi hôi có thể là do vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu.

    6. Lượng nước tiểu ít

    Các sỏi thận lớn đôi khi có thể mắc kẹt trong niệu quản, làm chậm hoặc ngưng dòng chảy nước tiểu. Dấu hiệu này được gọi là bí tiểu. Nếu dòng chảy nước tiểu bị tắc hoàn toàn, bạn cần phải đi cấp cứu ngay.

    7. Buồn nôn và nôn mửa cũng 

    Buồn nôn và nôn mửa là những triệu chứng phổ biến ở người bị sỏi thận. Những triệu chứng này xuất hiện do thận và đường tiêu hóa có kết nối thần kinh với nhau. Các viên sỏi trong thận có thể kích hoạt các dây thần kinh trong đường tiêu hóa, làm dạ dày khó chịu.

    Ngoài ra, buồn nôn và nôn cũng là cách cơ thể phản ứng lại với cơn đau dữ dội do sỏi gây ra.

    8. Sốt và ớn lạnh

    Dấu hiệu sỏi thận có nhiễm trùng

    Sốt và ớn lạnh là những dấu hiệu cho thấy bạn có nhiễm trùng ở thận hoặc đường tiết niệu. Nó cũng có thể là một biến chứng nghiêm trọng của sỏi thận hoặc liên quan đến các tình trạng nguy hiểm khác. Nếu bị sốt kèm với đau, bạn hãy ngay lập tức đi cấp cứu. Bạn có thể bị sốt cao do nhiễm trùng, từ 38°C trở lên. Ớn lạnh hoặc run rẩy thường đi kèm với sốt.

    Chẩn đoán và điều trị sỏi thận

    Nếu nhận thấy các triệu chứng của sỏi thận, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm sau để chẩn đoán bệnh:

    • Xét nghiệm máu giúp bác sĩ xác định nồng độ canxi và axit uric trong máu, sức khỏe của thận và các tình trạng y tế khác.
    • Xét nghiệm nước tiểu trong 24 giờ có thể giúp bác sĩ xác định xem liệu trong cơ thể bạn có phải chứa quá nhiều chất kích thích hình thành sỏi hay quá ít chất ngăn ngừa sỏi hình thành hay không. Đối với xét nghiệm này, bạn cần cung cấp mẫu nước tiểu hai lần trong hai ngày liên tiếp.
    • Xét nghiệm hình ảnh giúp bác sĩ nhìn thấy sỏi thận (nếu có) trong đường tiết niệu khi bạn có triệu chứng sỏi thận. Một số loại xét nghiệm bác sĩ thường chỉ định như X-quang bụng (không thể phát hiện sỏi thận nhỏ), chụp CT năng lượng cao hoặc kép (có thể phát hiện những viên sỏi nhỏ), siêu âm, xét nghiệm không xâm lấn, chụp niệu quản tĩnh mạch.
    • Phân tích các mẫu sỏi tự tiêu biến ra ngoài trong phòng thí nghiệm để xác định thành phần của sỏi. Thông tin này giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây sỏi thận và có biện pháp ngăn ngừa sỏi thận hình thành nhiều hơn.

    Sau khi chẩn đoán sỏi thận, xác định kích cỡ và vị trí của sỏi, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị sỏi thận phù hợp. Nếu sỏi nhỏ và không có các triệu chứng của sỏi thận thì chưa cần can thiệp. Nhưng khi sỏi lớn, gây ra dấu hiệu sỏi thận rõ ràng, bạn cần được tán sỏi hoặc lấy sỏi ra ngoài.

    Hy vọng các thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về dấu hiệu sỏi thận để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh lý này. Nếu bạn đã từng bị sỏi thận, hãy thử kết hợp thêm các cách chữa bệnh sỏi thận tại nhà bên cạnh chỉ định của bác sĩ để nâng cao hiệu quả điều trị nhé!

    Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin và đặt khám ngay tại: Phòng khám Đa khoa Sim Med – Đặt lịch hẹn khám với BS.CKI Châu Hồ Minh Quân

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Châu Hồ Minh Quân

    Khoa nội tiết · Phòng khám đa khoa SIM Med


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 23/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo