Để làm trà ngải cứu bạn có thể pha 1 thìa (1,5g) ngải cứu khô vào 1 cốc (240ml) nước đun sôi, đợi 5 phút và uống khi trà còn ấm.
4. Gừng chữa đầy hơi

Từ thời cổ đại trà gừng đã được sử dụng để trị các bệnh có liên quan đến dạ dày. Việc bổ sung gừng có thể giúp tăng tốc độ làm rỗng dạ dày, nhờ đó giảm đầy bụng, co thắt ruột, đầy hơi.
Trà gừng chứa chất gingerol, chất này có tác dụng trị bệnh tiêu hóa rất tốt. Trà gừng có vị hơi cay, thơm, bạn có thể giảm bớt vị cay bằng cách cho thêm một chút mật ong và 1 lát chanh nhỏ.
Để pha trà gừng bạn có thể dùng khoảng 0,5 – 1g bột gừng khô (tương đương 1 gói trà gừng) pha vào 1 cốc (240ml) nước đun sôi, ngâm trong 5 phút và uống khi trà còn ấm.
5. Thì là chữa đầy hơi

Hạt của cây thì là (Foeniculum vulgare) được sử dụng để pha trà. Trà hạt thì là có hương vị tương tự như cam thảo. Theo y học cổ truyền đây là một vị thuốc được sử dụng để trị một số bệnh tiêu hóa như đau bụng, đầy hơi, táo bón.
Nghiên cứu còn cho thấy dịch chiết từ thì là giúp chống, ngăn ngừa viêm loét, giảm nguy cơ mắc đầy hơi.
Bạn có thể dùng 1 – 2 thìa (2 – 2,5g) hạt thì là pha vào 1 cốc (240ml) nước sôi, ngâm trong 10 – 15 phút.
6. Rễ cây khổ sâm chữa đầy hơi

Cây khổ sâm (Gentiana lutea) là một loại thực vật hoa vàng có rễ lớn và dày. Trà từ rễ cây khổ sung có vị ngọt, hơi đắng. Một số người thích pha khổ sâm vào trà cúc và mật ong. Theo y học cổ truyền, rễ cây khổ sâm được sử dụng như một loại dược liệu và trà thảo dược giúp hỗ trợ chữa đầy hơi và các vấn đề tiêu hóa khác. Thêm vào đó, dịch chiết rễ cây khổ sâm có chứa hợp chất iridoid và flavonoid giúp kích thích giải phóng chất thải, hỗ trợ chữa đầy hơi.
Bạn nên lưu ý tránh dùng rễ cây khổ sâm chữa đầy hơi nếu đang bị viêm loét dạ dày, vì có thể làm tăng độ acid dịch vị, làm nặng hơn vết loét.
Để pha trà rễ cây khổ sâm bạn có thể dùng khoảng 1 – 2g rễ cây khổ sâm khô pha vào 1 cốc (240ml) nước đun sôi, ngâm trong 10 phút.
7. Hoa cúc La Mã chữa đầy hơi

Hoa cúc La Mã (Chamomile) là thành viên trong họ Cúc, có hoa nhỏ màu trắng, được biết đến như một loại thảo dược dùng để trị bệnh khó tiêu, tiêu chảy, buồn nôn, nôn và viêm loét. Nghiên cứu cho thấy hoa cúc La Mã có thể giúp ngăn ngừa lây nhiễm vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori bacterial) – chính là nguyên nhân gây loét dạ dày và đầy hơi. Hoa cúc La Mã cũng là một trong những thành phần của sản phẩm Iberogast được bào chế từ các loại thảo dược giúp giảm đau bụng và loét dạ dày.
Trà hoa cúc La Mã có vị rất dễ chịu, hơi ngọt. Hoa cúc La Mã chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe đặc biệt là flavonoid. Tuy nhiên để đảm bảo mua được trà hoa cúc La Mã chất lượng cao, bạn nên mua trà ở dạng bông hoa khô.
Để pha trà bạn có thể pha 1 thìa (2 – 3g) hoa cúc La Mã khô hoặc 1 túi trà vào 1 cốc (240ml) nước đun sôi, ngâm trong 10 phút và uống khi trà còn ấm.
8. Rễ cây đương quy chữa đầy hơi

Trà rễ cây đương quy có vị đắng, bạn có thể tăng hương vị bằng cách pha cùng với tía tô đất. Rễ cây đương quy có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa và tránh đầy hơi. Thêm vào đó nghiên cứu trên mô hình động vật và trong ống nghiệm cũng cho thấy rễ cây đương quy có thể giúp trị táo bón – một nguyên nhân chính gây đầy hơi.
Bạn nên lưu ý tránh dùng rễ cây đương quy chữa đầy hơi khi đang mang thai hoặc cho con bú.
Để pha trà rễ cây đương quy, bạn có thể dùng 1 thìa (2,5g) pha vào 1 cốc (240ml) nước đun sôi, ngâm trong 5 phút và uống khi trà còn ấm.
Với những loại thảo dược dễ tìm và dễ dàng sử dụng, bạn có thể đẩy lùi chứng đầy hơi một cách tự nhiên ngay tại nhà. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý điều chỉnh cả chế độ dinh dưỡng hàng ngày để cải thiện sức khỏe tiêu hóa nhé!
Hồng Nhung | HELLO BACSI