backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Giải đáp thắc mắc: Nên và không nên ăn gì khi bị tiêu chảy?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 19/06/2023

    Giải đáp thắc mắc: Nên và không nên ăn gì khi bị tiêu chảy?

    Người bị tiêu chảy nên ăn gì để nhanh hồi phục hay khi bị tiêu chảy không nên ăn gì để tình trạng không nặng thêm? Hãy cùng Hello Bacsi đi tìm những thực phẩm nên ăn và những thực phẩm cần tránh khi bị tiêu chảy. 

    Đối với người mắc bệnh tiêu chảy, thực phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hồi phục. Có những thực phẩm cung cấp chất dinh dưỡng nuôi dưỡng cơ thể và giúp cơ thể hồi phục lại sau cơn tiêu chảy, nhưng cũng có những thực phẩm khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Vì vậy, lựa chọn thực phẩm nào để làm dịu cơn đau thay vì làm các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn là việc khiến không ít người băn khoăn. Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn chọn cho mình và người thân những thực phẩm phù hợp khi bị tiêu chảy.

    Bị tiêu chảy nên ăn gì, uống gì? Những thực phẩm nên dùng

    Từ lâu, các bác sĩ và y tá đã khuyến cáo bệnh nhân mắc chứng tiêu chảy nên áp dụng chế độ ăn uống BRAT. BRAT là từ viết tắt trong tiếng Anh cho 4 loại thực phẩm sau: chuối (banana), gạo (rice), sốt táo (applesause) và bánh mì nướng (toast). Tất cả những thực phẩm này đều có tác dụng cải thiện hệ tiêu hóa và làm rắn phân lỏng.

    1. Chuối

    quả chuối

    Chuối có thể giúp giảm chứng tiêu chảy và các triệu chứng liên quan. Hàm lượng lớn kali có trong quả chuối giúp cung cấp các chất điện phân cần thiết thường bị mất đi trong quá trình tiêu chảy. Do đó, câu trả lời cho vấn đề bị tiêu chảy nên ăn gì là bạn cần ăn kết hợp chuối với các thực phẩm còn lại, không nên chỉ ăn mỗi chuối vì như vậy sẽ khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

    2. Bị tiêu chảy nên ăn gì? Đừng bỏ qua cơm gạo trắng

    Cơm có vị rất nhạt, dễ tiêu hóa và cũng có tác dụng liên kết phân lỏng. Tuy nhiên, chất xơ trong các loại cơm nấu từ gạo nâu (gạo lứt) có thể khiến tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn, vì vậy bạn cũng nên chú ý lựa chọn loại gạo phù hợp nhé! Mục tiêu ăn kiêng trong suốt thời gian bị tiêu chảy là ăn các loại thực phẩm có chất đạm, vị nhạt và ít chất xơ. Với yêu cầu trên, cơ nấu từ gạo trắng sẽ là sự chọn hoàn hảo nhất cho những người bị bệnh tiêu chảy.

    3. Sốt táo

    Chất pectin chứa trong sốt táo giúp làm chậm quá trình bài tiết đường ruột, đồng thời có thể làm giảm triệu chứng tiêu chảy. Không những thế, lượng đường tự nhiên chứa trong sốt táo còn giúp bổ sung lượng năng lượng bị mất đi khi bị tiêu chảy. Nhờ có tính dịu nhẹ và dễ tiêu hóa nên sốt táo là một trong các thực phẩm có hiệu quả rất cao trong điều trị bệnh tiêu chảy.

    4. Người bị tiêu chảy nên ăn gì? Hãy ăn bánh mì nướng

    Việc ăn bánh mì nướng có thể giúp làm giảm tiêu chảy bằng cách thêm số lượng lớn tinh bột vào hệ tiêu hóa, giúp làm đặc khối phân. Không những thế, bánh mì cũng là một thực phẩm nhạt cung cấp carbohydrate giúp tăng năng lượng cho cơ thể.

    Ngoài bốn loại thực phẩm trên thuộc chế độ ăn uống BRAT, còn có nhiều thực phẩm khác cũng có thể giúp hỗ trợ điều trị chứng tiêu chảy. Hiểu rõ ảnh hưởng của thức ăn sẽ giúp bạn chọn được những thực phẩm thích hợp cũng như biết được những loại thức ăn nào cần tránh để kiểm soát các triệu chứng.

    5. Sữa chua

    bị tiêu chảy nên ăn sữa chua

    Nên ăn gì khi bị tiêu chảy hay khi bị tiêu chảy nên ăn gì? Câu trả lời là nếu nguyên nhân gây tiêu chảy xuất phát từ việc bạn sử dụng kháng sinh thì sữa chua có thể là sự lựa chọn đúng đắn vì sữa chua có chứa lợi khuẩn probiotic giúp giảm bớt hoặc ngăn ngừa tình trạng đi tiêu phân lỏng.

    Một trong các tác dụng phụ của thuốc kháng sinh là làm giảm số lượng vi khuẩn và các vi sinh vật có lợi khác trong đường ruột, khiến phân lỏng dẫn đến tiêu chảy. Khi đó, việc thêm sữa chua vào chế độ ăn có thể giúp bổ sung lại các vi sinh vật này, giúp ngăn ngừa các tác dụng phụ của thuốc kháng sinh.

    Các sản phẩm chế biến từ bơ sữa có thể không tốt cho dạ dày, nhất là khi bạn bị tiêu chảy. Do đó lời khuyên là bạn hãy bắt đầu ăn một thìa nhỏ hoặc một lượng nhỏ sữa chua để xem sữa chua có thích hợp với hệ tiêu hóa của bạn lúc đó hay không trước khi bạn ăn cả hộp nhé!

    6. Bị tiêu chảy nên uống gì?

    nước dừa tươi cung cấp dưỡng chất

    Ngoài việc đi tìm đáp án cho thắc mắc ăn gì khi bị tiêu chảy, nhiều người cũng quan tâm đến việc khi bị tiêu chảy nên uống gì để giảm nhẹ triệu chứng. Theo các chuyên gia sức khỏe, việc bổ sung đủ chất lỏng cũng rất quan trọng để phục hồi. Người bị tiêu chảy phải uống nhiều nước trong suốt cả ngày và nên uống thêm một cốc nước sau mỗi lần đi tiêu lỏng.

    Việc uống nhiều nước giúp ngăn ngừa mất nước và loại bỏ bất kỳ độc tố nào ra khỏi cơ thể.

    Tuy nhiên, cũng như nước, cơ thể cũng mất khoáng chất và chất điện giải do tiêu chảy. Vì thế, bạn nên cố gắng uống chất lỏng có chứa khoáng chất và chất điện giải để bổ sung những thứ đã mất. Nguồn điện giải và khoáng chất bao gồm:

    • Nước canh
    • Nước dừa
    • Nước điện giải như oresol
    • Đồ uống thể thao

    Bị tiêu chảy không nên ăn gì? Các thực phẩm cần tránh

    Khi bị tiêu chảy không nên ăn gì để nhanh hồi phục? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây, bạn đừng bỏ lỡ!

    1. Tránh ăn thực phẩm có nhiều chất xơ

    tránh ăn hoa quả nhiều chất xơ

    Nhiều người thường thắc mắc không nên ăn gì khi bị tiêu chảy? Theo các chuyên gia tiêu hóa, các loại quả hạch, hạt, hoa quả hoặc các sản phẩm làm từ lúa mì nguyên cám là những thực phẩm mà người bị tiêu chảy cần tránh.

    Chất xơ giữ cho ruột kết hoạt động nhiều hơn, do đó chúng không giúp làm giảm triệu chứng tiêu chảy. Thức ăn cay nóng, thức ăn chiên nhiều dầu mỡ và thực phẩm có hàm lượng đường cao cũng có thể kích thích quá trình bài tiết của đường ruột. Ngoài ra, bạn không nên uống các thức uống chứa caffeine hoặc đồ uống giải khát và nước ép trái cây bổ sung năng lượng.

    2. Đồ uống có cồn như rượu, bia và caffeine

    Khi bị tiêu chảy, bạn nên tránh dùng các thức ăn và thức uống có tính chất kích thích hệ bài tiết, vì như vậy sẽ dẫn đến mất nước. Do rượu, bia và thức uống chứa caffeine hoạt động như thuốc lợi tiểu nên dễ gây mất nước nên bạn cần tránh uống các thức uống này khi đang bị tiêu chảy.

    3. Không nên ăn gì khi bị tiêu chảy? Tránh xa sorbitol và các chất ngọt nhân tạo khác

    Một số người nhận thấy rằng chất tạo ngọt nhân tạo có tác dụng nhuận tràng. Do đó, nếu bạn bị tiêu chảy, cách tốt nhất là nên tránh ăn các loại kẹo ngọt, kể cả kẹo cao su không đường và các chất thay thế đường.

    4. Thực phẩm gây chứng đầy hơi

    Để tốt cho sức khỏe, bạn nên ăn nhiều trái cây và rau củ mỗi ngày. Tuy nhiên, khi đang bị tiêu chảy, bạn cần phải tránh ăn những thực phẩm có khả năng làm tăng lượng khí hơi trong ruột như cải bắp, đậu, bông cải xanh và súp lơ cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn.

    5. Bị tiêu chảy không nên ăn gì? Thực phẩm có thể bị ôi, thiu

    Khi đang bị tiêu chảy, bạn nên tránh xa các loại thực phẩm chế biến không đúng cách hoặc không hợp vệ sinh, kể cả những thức ăn lấy ra khỏi tủ lạnh trong thời gian quá lâu hoặc không được bảo quản đúng cách. Các loại thịt, cá sống cũng dễ bị ôi thiu, nếu ăn phải chúng bạn sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe đấy! Để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất bạn nên thực hiện theo châm ngôn: “Khi cảm thấy nghi ngờ, hãy vứt chúng đi”.

    6. Sữa, bơ, kem và phô mai

    bị tiêu chảy không nên ăn gì? Tránh ăn kem

    Khi bị tiêu chảy không nên ăn gì để nhanh hồi phục? Câu trả lời là bạn nên tạm tránh xa sữa, bơ, kem và phô mai… Bởi theo các chuyên gia sức khỏe, ngay cả khi nguyên nhân mắc bệnh tiêu chảy không phải là do cơ thể không hấp thu được lactose (loại đường có trong các sản phẩm làm từ bơ sữa) thì bạn cũng nên tránh xa những thực phẩm có chứa chất này trong thời gian bị tiêu chảy để tránh làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể ăn yogurt giàu probiotic nếu cơ thể không có bất kỳ phản ứng gì.

    Những phương pháp trị tiêu chảy khác

    Một trong những biến chứng nghiêm trọng hơn của tiêu chảy chính là mất nước. Khi bị tiêu chảy trong một thời gian dài, bạn hãy thực hiện các bước sau để tránh bị mất nước:

    • Để giữ nước cho cơ thể, bạn nên uống đủ nước, nếu nước tiểu của bạn không có màu trắng trong hay vàng nhạt có nghĩa là cơ thể bạn đang thiếu nước đấy!
    • Nếu chế độ ăn uống và các biện pháp đơn giản vẫn không hiệu quả và các triệu chứng vẫn kéo dài kèm theo tình trạng đi ngoài chảy máu, ợ và đầy hơi, bạn nên đi khám với bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân mắc bệnh tiêu chảy của bạn có phải là do tình trạng bệnh nghiêm trọng gây ra không, từ đó tư vấn biện pháp điều trị phù hợp.

    Hello Bacsi tin rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã có câu trả lời rõ ràng cho thắc mắc bị tiêu chảy nên ăn gì hay kiêng gì để nhanh hồi phục. Chúc bạn mau khỏe!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 19/06/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo