Tiêu chảy do rotavirus có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường xảy ra nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi do hệ tiêu hóa còn non nớt. Loại virus này có khả năng tồn tại lâu trong môi trường nước, phân cũng như bề mặt các vật dụng, vì thế nên khả năng lây nhiễm rất cao. Chúng tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa của trẻ chủ yếu qua con đường phân – miệng và tay – miệng, gây nên tình trạng tiêu chảy cấp. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mất nước và tử vong.
Sau khoảng thời gian 1-2 ngày ủ bệnh, trẻ sẽ có biểu hiện nôn ói, sốt, đau bụng, sụt cân,… kéo dài từ 2 đến 3 ngày và thường giảm dần khi triệu chứng tiêu chảy xuất hiện. Những ngày sau đó, tần suất tiêu chảy sẽ tăng dần, đi phân lỏng toàn nước, có thể có màu xanh và đờm nhớt.
Đối với trường hợp nhẹ, bệnh thường tự khỏi sau 3-9 ngày và không có biến chứng. Việc điều trị chủ yếu là bù nước và chất điện giải cho bệnh nhân. Tuy nhiên, khi có biểu hiện tiêu chảy ra máu, lúc này cần lập tức đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiễm vi khuẩn
Bên cạnh virus thì các loại vi sinh khác bao gồm vi khuẩn dạng campylobacter, escherichia coli (E. coli), salmonella, shigella, clostridium, khuẩn tụ cầu… đều có thể là tác nhân gây tiêu chảy ra máu. Bệnh chủ yếu lây qua đường ăn uống, khi ăn các thực phẩm không đảm bảo vệ sinh hoặc tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm. Thông thường mầm bệnh sẽ từ bên ngoài đi vào gây viêm nhiễm đường ruột và khiến cơ thể bệnh nhân xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường, đặc trưng nhất là sốt và tiêu chảy.
Ở mức độ nhẹ, những triệu chứng này chỉ tạo cảm giác khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh. Nhưng với những trường hợp nặng thì chúng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác, chẳng hạn như đau dữ dội kèm theo cơn co thắt ở bụng, tiêu chảy ra máu, phân có mùi hôi tanh, nôn ói, chán ăn, mất nước,… Ngoài ra người bệnh cũng có thể cảm thấy khó ngủ, ngủ không yên giấc, đau đầu,…
Ngộ độc thức ăn (trúng thực)

Khi trúng thực, người bệnh sẽ bị nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, mệt mỏi, sốt và ớn lạnh,… Hầu hết các biểu hiện này sẽ tự cải thiện sau vài ngày nghỉ ngơi mà không cần điều trị. Riêng đối với các ca ngộ độc có xuất hiện các triệu chứng nặng như là nôn ra máu, tiêu chảy ra máu, đau bụng dữ dội, mắt trũng, tay chân lạnh, hoa mắt, thở dốc… thì cần phải được nhập viện để điều trị và theo dõi.
Các vấn đề về hậu môn (trĩ, nứt hậu môn)
Bệnh trĩ hay nứt kẽ hậu môn đều có thể dẫn tới tình trạng tiêu chảy ra máu. Nguyên nhân gây bệnh thường là do rặn mạnh trong lúc đi vệ sinh, táo bón mãn tính, stress, ăn ít chất xơ, béo phì, phụ nữ có thai…
Khi mắc bệnh, hậu môn thường bị chảy máu làm cho máu lẫn trong phân, đồng thời khiến bệnh nhân cảm thấy đau nhói và rát sau khi đi đại tiện, có cảm giác rách hoặc ngứa hậu môn. Mặc dù cả 2 trường hợp đều không đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên cũng cần phải điều trị y tế để tránh bệnh tiến triển nặng hơn và giúp người bệnh giảm đi các cảm giác khó chịu.
Ung thư đại tràng
Một trong những dấu hiệu nhận biết sớm ung thư đại tràng là có xuất hiện máu trong phân. Bệnh có thể do khối u ung thư hoặc do các polyp phát triển gây viêm, kích ứng dẫn đến chảy máu.
Đại tràng là cơ quan bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa, nên ở giai đoạn sớm, người bệnh thường hay có biểu hiện của chứng rối loạn đại tiện như táo bón, tiêu chảy thất thường. Bên cạnh đó, khi đi ngoài thường bị đau quặn, mót rặn, phân hình lá lúa (phân bị ép lại do phải đi qua khối u) và có máu đỏ tươi phủ lên phân.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Trường hợp nếu bạn có biểu hiện tiêu chảy ra máu kèm theo bất kỳ triệu chứng nào sau đây, thì nên đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị phù hợp, tránh các biến chứng xấu:
- Tiêu chảy kéo dài trên 24 giờ
- Lượng máu ra nhiều và có màu đỏ sẫm hoặc đen
- Đau bụng dữ dội
- Có dấu hiệu mất nước: khô miệng, khát nước, chóng mặt, rối loạn nhận thức,…
- Nôn ra máu hoặc mảnh đen giống như bã cà phê
- Sốt cao trên 38ºC
- Mạch nhanh, khó thở
- Cơ thể mất sức, mệt mỏi, có thể ngất xỉu
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Sờ thấy bụng căng cứng
Ngoài ra, các đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai cũng cần được theo dõi và điều trị tại cơ sở y tế.
Tiêu chảy ra máu có thể là một hiện tượng không đáng lo ngại, hoặc đôi khi có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Vì vậy, tốt hơn hết là bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra nếu cơ thể có xuất hiện triệu chứng hoặc khi cảm thấy có bất kỳ lo lắng nào về tình hình sức khỏe của bản thân.