Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?
Hiện tượng bị chảy máu hậu môn có thể do rất nhiều nguyên nhân. Ở một vài trường hợp nhẹ, tình trạng sẽ tự thuyên giảm khi bệnh nhân thực hiện các biện pháp điều trị tại nhà. Chẳng hạn như đối với các trường hợp có nguyên nhân do táo bón lâu ngày, phân to cứng gây trầy xước dẫn đến chảy máu hậu môn hoặc do các vết nứt nông ở kẽ hậu môn.
Bên cạnh đó, hậu môn bị chảy máu cũng có thể là dấu hiệu cho thấy các vấn đề nghiêm trọng hơn ở đường tiêu hóa. Đặc biệt khi cơ thể có các triệu chứng sau đây:
- Sốt cao, khó hạ sốt
- Đau tức dạ dày
- Chướng bụng, đau quặn bụng dưới
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Tình trạng chảy máu diễn ra liên tục và trầm trọng hơn
- Giảm cân bất thường, không rõ lý do
- Thay đổi thói quen đi ngoài, tiểu tiện không tự chủ
- Tiêu chảy nặng hoặc kéo dài
- Phân có kích thước mỏng như bút chì
- Phân có màu đen, màu hạt dẻ hoặc có lẫn nhầy
- Chóng mặt, suy nhược hoặc ngất xỉu do mất máu nhiều
- Đau hoặc chấn thương trực tràng
- Nôn ra máu hoặc các vùng khác trên cơ thể có hiện tượng chảy máu, bầm tím
- Khó thở, nhịp tim nhanh hoặc không đều
Nếu biểu hiện chảy máu hậu môn đi kèm với một hoặc nhiều triệu chứng nêu trên, thì bạn nên đến ngay cơ sở y tế và nhờ sự can thiệp của các bác sĩ để có thể phát hiện cũng như điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Điều trị chảy máu hậu môn theo từng nguyên nhân
Đối với người bị chảy máu hậu môn, sau khi bác sĩ thăm khám và tìm ra lý do thì việc điều trị hoàn toàn dựa vào nguyên nhân. Vì thông thường, tình trạng hậu môn bị chảy máu thực chất là biểu hiện của bệnh lý khác, do đó cần phải chữa trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh mới có thể khắc phục được triệu chứng ở hậu môn.
Bệnh trĩ
Trĩ là nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu hậu môn, bệnh được hình thành khi các đám rối tĩnh mạch xung quanh hậu môn bị phì đại quá mức tạo thành búi trĩ. Bệnh trĩ có thể được ngăn ngừa và cải thiện hơn bằng việc thay đổi lối sống, người bệnh cần uống nhiều nước và ăn nhiều chất xơ để tránh bị táo bón. Nên dùng khăn ướt hoặc giấy vệ sinh ướt để lau sạch hoàn toàn và giảm kích ứng sau khi đi vệ sinh. Hạn chế việc nhịn đi ngoài, cũng như đừng căng thẳng hoặc ép bản thân phải đi ngoài vì áp lực có thể làm cho tình trạng trĩ trở nên tệ hơn.
Bên cạnh đó, các thuốc mỡ không kê đơn và thuốc đặt hydrocortisone có thể giúp làm giảm bớt sự khó chịu. Búi trĩ dai dẳng có thể lòi ra ngoài hậu môn, đặc biệt là những người thường xuyên bị táo bón hoặc mót rặn, lúc này hãy rửa bằng nước ấm sau khi đi ngoài để giúp chúng co lại nhanh hơn. Nếu búi trĩ có kích thước lớn, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật thu nhỏ hoặc cắt bỏ chúng.