backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Ngộ độc trà sữa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 16/10/2023

    Ngộ độc trà sữa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý

    Trà sữa từ lâu đã trở thành thức uống “quốc dân” của giới trẻ và dân văn phòng bởi hương vị thơm ngon, bắt miệng cũng như dễ dàng tìm mua ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, nếu nguyên liệu pha chế không đảm bảo chất lượng hay quá trình bảo quản thành phẩm không đảm bảo, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi có thể khiến người dùng bị ngộ độc trà sữa. 

    Vậy khi bị ngộ độc trà sữa có những dấu hiệu nào, xử lý tình trạng này ra sao để các triệu chứng ngộ độc không trở nặng, người bị ngộ độc không gặp biến chứng? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu kỹ lưỡng qua bài viết dưới đây nhé!

    Nhận diện các dấu hiệu ngộ độc trà sữa 

    Trà sữa rất được nhiều người yêu thích nhưng cũng có thể khiến người dùng bị ngộ độc thực phẩm nếu nguyên liệu pha chế và khâu bảo quản không đảm bảo vệ sinh an toàn. Dưới đây là một số dấu hiệu khi bị ngộ độc trà sữa mà bạn cần lưu ý:

    • Đau bụng và tiêu chảy: Đây là triệu chứng dễ nhận thấy nhất khi bị ngộ độc thực phẩm. Bạn sẽ cảm thấy đau bụng dữ dội, có tiếng sôi ục ục trong bụng hoặc cảm giác đầy hơi và chướng bụng. Một số trường hợp sẽ trải qua tình trạng tiêu chảy nhiều lần, có thể có lẫn máu hoặc chất nhầy trong phân. 
    • Buồn nôn và nôn mửa: Tình trạng ngộ độc trà sữa có thể gây ra chứng buồn nôn và nôn mửa ngay sau khi uống trà sữa hoặc vài giờ sau đó. Nếu bị ngộ độc nặng, bạn sẽ tiếp tục nôn khan, gây ra hiện tượng mất sức lẫn mệt mỏi.
    • Chóng mặt, mệt mỏi: Đây là một trong những dấu hiệu điển hình khi bị ngộ độc thực phẩm nói chung, kể cả ngộ độc trà sữa.

    Trong một số trường hợp nghiêm trọng, ngộ độc trà sữa có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như mất nước, mất cân bằng điện giải, suy thận hoặc thậm chí tử vong.

    Giải đáp thắc mắc: Khi bị ngộ độc trà sữa cần phải làm gì? 

    làm gì khi bị ngộ độc trà sữa

    Nếu bạn nghi ngờ mình bị ngộ độc trà sữa, bạn có thể tham khảo và làm những việc sau để ngăn triệu chứng trở nặng: 

    • Bổ sung nước và chất điện giải: Uống nhiều nước nhằm giải độc và bù nước cho cơ thể. Bạn có thể pha oresol hoặc nước cháo loãng pha với chút muối, đường để bù điện giải. 
    • Không tìm cách kiểm soát cơn nôn hay dùng thuốc cầm tiêu chảy: Việc nôn mửa, đi ngoài có thể giúp đào thải chất độc ra khỏi cơ thể. Do đó, nếu được, bạn có thể tự gây nôn để nôn hết thức ăn bị nhiễm khuẩn đã được đưa vào dạ dày. Tuy nhiên, bạn không nên dùng các cách nguy hiểm như móc họng hay ăn đồ tanh sống, vì có thể gây hít sặc hoặc nhiễm khuẩn thêm.
    • Chú ý đến chế độ ăn: Trong khi bị các triệu chứng ngộ độc trà sữa “làm phiền” và kể cả ở giai đoạn phục hồi, để giảm tải cho đường tiêu hóa, bạn cần kiêng ăn các loại thực phẩm, thức uống khó tiêu hóa, chua, cay, mặn hoặc có chứa caffeine. 

    Cần nhớ

    Khi bị ngộ độc thực phẩm nói chung, ngộ độc trà sữa nói riêng, bạn không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có sự tư vấn từ bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn để tránh làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

    Nguyên nhân gây ngộ độc trà sữa

    nguyên nhân ngộ độc trà sữa

    Tình trạng ngộ độc trà sữa có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

    • Sử dụng nguyên liệu không an toàn: Các nguyên liệu như trà, sữa, đường, trân châu, kem béo, trái cây… có thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm E.coli, virus hoặc độc tố do không được bảo quản đúng cách.
    • Vệ sinh kém: Dụng cụ và quá trình pha chế trà sữa không đảm bảo vệ sinh có thể dẫn đến nhiễm khuẩn, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dùng.
    • Sử dụng hương liệu, phụ gia không an toàn: Một số phụ gia, hương liệu được sử dụng trong trà sữa có thể gây ngộ độc nếu không được sử dụng đúng cách.

    Cách bảo quản và thưởng thức trà sữa để tránh bị ngộ độc

    bảo quản đúng cách tránh ngộ độc trà sữa

    Bạn là “fan cuồng” của trà sữa cũng như có thói quen mua 2 – 3 ly cho mỗi lần cho tiện để uống dần? Nếu rơi vào trường hợp này, hãy tìm cách bảo quản sao cho bảo đảm an toàn nhất có thể, từ đó hạn chế nguy cơ ngộ độc xảy ra, cụ thể như sau:

    • Uống trà sữa mua trong ngày
    • Không uống khi trà sữa xuất hiện mùi lạ, nổi váng trắng hoặc màu sắc bất thường
    • Bọc kín miệng ly trà sữa với màng bọc thực phẩm, màng bọc sáp ong và không để chung với các thực phẩm tươi sống (cá, thịt,…) trong tủ lạnh
    • Nếu có thể lấy hết các topping ở trong trà sữa ra (trân châu, pudding, thạch sương sáo) và bảo quản riêng ở trong 1 chiếc hộp nhỏ có nắp kín.

    Có nên uống trà sữa thường xuyên không? 

    Nhìn chung, trà sữa nên được xem như một loại quà vặt cho những lúc “buồn miệng” hoặc giải tỏa cảm giác thèm ngọt và chỉ nên thưởng thức từ 3 – 4 lần mỗi tháng. Nguyên do là bởi ngoài việc gia tăng nguy cơ bị ngộ độc trà sữa, thói quen sử dụng thức uống này quá thường xuyên có thể gây nên những vấn đề không tốt cho sức khỏe. Cụ thể như sau:

  • Mỡ máu
  • Táo bón
  • Da dễ nổi mụn
  • Rối loạn huyết áp
  • Thừa cân, béo phì 
  • Tiềm ẩn nguy cơ đái tháo đường
  • Lo lắng, bồn chồn, mất ngủ do lượng caffeine bên trong trà quá nhiều.
  • Hello Bacsi tin rằng qua những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã nhận diện được các dấu hiệu khi bị ngộ độc trà sữa, biết cách xử lý và chăm sóc sức khỏe đúng để các triệu chứng không trở nặng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP HCM


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 16/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo