backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Phác đồ điều trị HP mới nhất của Bộ Y tế bao gồm những gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 07/10/2022

    Phác đồ điều trị HP mới nhất của Bộ Y tế bao gồm những gì?

    Phác đồ điều trị HP đối với mỗi người bệnh là không giống nhau. Tuy nhiên để việc điều trị vi khuẩn HP được hiệu quả, dù là phác đồ nào thì người bệnh cũng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng chỉ định của bác sĩ. 

    Việc sử dụng không đúng thuốc, liều dùng và thời gian chữa trị có thể làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, gây khó khăn trong điều trị. Những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu biết thêm về phác đồ điều trị HP mới nhất của Bộ Y tế.

    Vi khuẩn HP là gì?

    Trước khi tìm hiểu về phác đồ điều trị HP mới nhất của Bộ Y tế, bạn cần hiểu rõ về vi khuẩn này. Vi khuẩn HP có tên đầy đủ là Helicobacter pylori, đây là một dạng xoắn khuẩn gram âm thường sinh sống, phát triển trong dạ dày và được xem là tác nhân chính gây ra các bệnh viêm dạ dày cấp và mạn tính, loét dạ dày tá tràngung thư dạ dày. Chúng có thể tồn tại được trong môi trường axit đậm đặc như dạ dày nhờ có khả năng tiết ra enzyme (urease) để trung hòa môi trường axit xung quanh

    vi khuẩn HP

    Loại vi khuẩn này có khả năng lây nhiễm cao giữa người và người thông qua các con đường khác nhau, tiêu biểu như:

    • Đường miệng khi ăn uống, dùng chung bát đũa.
    • Đường phân – miệng nếu không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh hay tiếp xúc với bề mặt có chứa vi khuẩn nhưng lại đưa tay lên miệng. 
    • Sử dụng dụng cụ y tế không đảm bảo vô khuẩn trong quá trình thăm khám nội soi dạ dày.
    • Lây truyền qua các con vật trung gian như chuột, gián, ruồi… khi chúng bám vào thức ăn.

    Theo các chuyên gia sức khỏe, có khoảng 50% dân số thế giới có mang vi khuẩn HP trong cơ thể. Tuy nhiên không phải tất cả người nhiễm HP đều có biểu hiện của các bệnh lý về dạ dày, bởi vì vi khuẩn này có thể không hoạt động, không gây ra các biến đổi trong dạ dày. Ngược lại khi ở trạng thái hoạt động, chúng sẽ tấn công lớp niêm mạc dạ dày gây tổn thương, thời gian lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng dạ dày bị xung huyết, viêm, hình thành vết lở loét. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày và ung thư dạ dày.

    Để có được phác đồ điều trị HP tận gốc là điều không hề đơn giản vì chúng có tốc độ sinh sôi phát triển rất nhanh, có khả năng đề kháng với thuốc kháng sinh và đặc biệt là rất dễ lây lan.

    Do đó, nếu thường xuyên gặp phải các triệu chứng liên quan đến dạ dày như đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, nôn ói,… bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được xét nghiệm, chẩn đoán bệnh và điều trị sớm để nâng cao cơ hội phục hồi. Từ kết quả thăm khám cũng như biểu hiện cụ thể của từng người, bác sĩ sẽ đưa ra liệu pháp phù hợp và hiệu quả nhất.

    Phác đồ điều trị hp mới nhất của Bộ Y tế: 5 phác đồ điều trị HP được đề nghị sử dụng hiện nay

    Có hai câu hỏi luôn được đặt ra khi bắt đầu một phác đồ điều trị HP là: Sử dụng loại thuốc nào? Thời gian điều trị vi khuẩn HP bao lâu? 

    Để trả lời cho hai câu hỏi trên, chúng ta nên biết trong điều trị HP dạ dày, ngoài việc loại trừ tác nhân chính là vi khuẩn HP thì cần phải làm giảm yếu tố khác gây bất lợi (là axit dạ dày) cũng như làm tăng các yếu tố bảo vệ và tái tạo niêm mạc dạ dày. Đồng thời điều trị hỗ trợ triệu chứng, nâng đỡ sức khỏe cho bệnh nhân.

    Các nhóm thuốc được dùng trong phác đồ điều trị vi khuẩn HP thường là:

    • Thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn HP: amoxicillin, clarithromycin, metronidazole, tinidazole, tetracycline, levofloxacin, furazolidone, rifabutin
    • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Thuốc có tác dụng làm hạn chế lượng axit tạo ra trong dạ dày: omeprazole, esomeprazole, lansoprazole, pantoprazole, rabeprazole
    • Bao phủ và bảo vệ niêm mạc dạ dày: Muối Bismuth subsalicylate được chỉ định dùng nhằm bao phủ và bảo vệ niêm mạc dạ dày.
    • Các thuốc hỗ trợ làm giảm triệu chứng đau, khó chịu ở dạ dày như: thuốc giảm đau co thắt, thuốc trung hòa axit dịch vị…

    Thữ tế, thời gian điều trị vi khuẩn HP bao lâu tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, thông thường các phác đồ điều trị HP dạ dày có thời gian dùng thuốc từ 7 đến 14 ngày. 

    Hiện nay với mục tiêu diệt được > 80% vi khuẩn HP, việc phối hợp các thuốc để tạo thành phác đồ điều trị được đề nghị như sau:

    phác đồ điều trị HP

    1. Phác đồ 3 thuốc chuẩn

    Phác đồ điều trị HP mới nhất này áp dụng với những bệnh nhân mới điều trị lần đầu hoặc mức độ nhiễm khuẩn nhẹ. Thời gian dùng thuốc liên tục từ 7 đến 14 ngày.

    • PPI: (2 lần/ ngày)
    • Clarithromycin (500mg x 2 lần/ ngày) 
    • Amoxicillin (1g x 2 lần/ ngày) hoặc metronidazole (500mg x 2 lần/ ngày)

    2. Phác đồ 4 thuốc chuẩn

    Áp dụng khi liệu pháp 3 thuốc không hiệu quả hoặc trước đó bệnh nhân đã dùng kháng sinh nhóm macrolide (clarithromycin). Thời gian dùng thuốc liên tục từ 7 đến 14 ngày. 

    • PPI (2 lần/ngày)
    • Tetracyclin (500mg x 4 lần/ngày)
    • Metronidazole (500mg x 2 lần/ ngày) hoặc amoxicillin (1g x 2 lần/ngày) 
    • Bismuth (4 lần/ngày)

    3. Phác đồ điều trị HP nối tiếp

    Dùng cho trường hợp không đạt hiệu quả điều trị ở liệu pháp trên. Thời gian dùng thuốc được rút ngắn còn liên tục trong 10 ngày.

    • 5 ngày đầu: 
      • PPI (2 lần/ngày) 
      • Amoxicilin (1g x 2 lần/ngày)
    • 5 ngày tiếp theo: 
      • PPI (2 lần/ngày) 
      • Clarithromycin (500mg x 2 lần/ngày) 
      • Tinidazole (500mg x 2 lần/ngày)

    4. Phác đồ điều trị hp dạ dày có levofloxacin

    Vẫn là liệu pháp 3 thuốc nhưng điểm khác biệt ở chỗ, phác đồ này có kèm theo kháng sinh levofloxacin. Được sử dụng khi phác đồ 4 thuốc và phác đồ nối tiếp không có tác dụng loại bỏ HP hoặc gặp thất bại trong điều trị. Thời gian dùng thuốc liên trục trong 10 ngày.

    • PPI (2 lần/ngày)
    • Levofloxacin (500mg x 2 lần/ngày)
    • Amoxicillin (1g x 2 lần/ ngày)

    5. Phác đồ cứu vãn

    Liệu pháp này có chứa thuốc furazolidone và rifabutin, được đề nghị sau cùng khi các phác đồ điều trị HP nêu trên không thể mang lại kết quả điều trị tốt cho người bệnh. Tuy nhiên, cũng có điểm hạn chế đó là thuốc rifabutin có thể chọn lọc một số chủng Mycobacterium tuberculosis kháng thuốc. Từ đó, gây cản trở cho quá trình tiêu diệt vi khuẩn HP. 

    • PPI + Levofloxacin + Rifabutin (150mg x 2 lần/ngày)
    • PPI + Amoxicillin + Rifabutin  (150mg x 2 lần/ngày)
    • PPI + Amoxicillin + Furazolidone (100mg x 4 lần/ngày)
    • PPI + Amoxicillin (Liều cao 1g x 3 lần/ngày) 
    • PPI + Bismuth + Tetracycline + Furazolidone (100mg x 4 lần/ngày)

    Sau mỗi đợt dùng thuốc, để xác định hiệu quả của mỗi phác đồ điều trị HP, bệnh nhân sẽ được kiểm tra thông qua xét nghiệm hơi thở, xét nghiệm phân hoặc nội soi dạ dày. Với các bệnh nhân không được loại trừ vi khuẩn HP sẽ được bác sĩ chỉ định với một liệu pháp khác. 

    Tuy rằng loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn HP trong dạ dày không phải điều dễ dàng, nhưng không phải là không thể. Muốn đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng đều giữa bác sĩ và bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng và có chế độ ăn uống sinh hoạt điều độ để nhanh khỏi bệnh. Đặc biệt là không được tự ý ngưng sử dụng thuốc, nếu không tuân thủ điều trị rất dễ xảy ra hiện tượng kháng thuốc, lờn thuốc, gây khó khăn trong việc điều trị.

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 07/10/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo