backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không? Biến chứng và phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 20/12/2021

    Bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không? Biến chứng và phòng ngừa

    Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn con mình khỏe mạnh và bình an. Bởi vậy, khi con được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh, tất cả phụ huynh đều có chung nỗi lo liệu bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không, liệu con có thể lớn lên như bạn bè cùng trang lứa.

    Một số dị tật tim bẩm sinh có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu nào cho đến khi trưởng thành. Tuy nhiên, bệnh nghiêm trọng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng.

    Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu các biến chứng của bệnh tim bẩm sinh là gì, liệu nó có nguy hiểm hay không và cách phòng ngừa hiệu quả nhé!

    Bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không? Các biến chứng thường gặp

    Bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không thì câu trả lời chắc chắn là CÓ. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào loại dị tật là gì, mức độ bất thường và có thể tiến triển biến chứng theo thời gian hay không. Dị tật đơn giản thường ít nguy hiểm, trẻ có thể được chữa khỏi bằng thủ thuật, phẫu thuật một cách nhanh chóng nhưng nhiều trường hợp dị tật nặng có thể khiến trẻ tử vong khi vừa chào đời, nếu như không được phát hiện trong giai đoạn mang thai và chuẩn bị cấp cứu tim mạch sơ sinh chuyên sâu quanh lúc chuyển dạ.

    Các biến chứng bệnh tim bẩm sinh có thể phát triển trong nhiều năm sau khi đã được điều trị, bao gồm:

    Các vấn đề phát triển ở trẻ em

    bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không? bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

    Những vấn đề phát triển về mặt thể chất của trẻ nên được quan tâm hàng đầu khi tìm hiểu bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không. Nhiều trẻ em mang dị tật nghiêm trọng có thể bị chậm phát triển. Trẻ sẽ mất nhiều thời gian hơn để biết đi hoặc biết nói và gặp nhiều vấn đề về việc phối hợp vận động trong suốt cuộc đời.

    Một số trẻ bị tim bẩm sinh phải đối diện với nhiều khó khăn trong học tập. Nguyên nhân được cho là do tim cung cấp oxy kém lên não trong những năm đầu đời, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trí não. Trẻ có thể bị suy giảm trí nhớ, khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ và hiểu ngôn ngữ, ít chú ý, khó tập trung, kiểm soát hành vi kém,…

    Nhiễm trùng đường hô hấp

    Những trẻ sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như viêm phổi tái đi tái lại. Các triệu chứng có thể bao gồm:

    • Ho khan, ho có đờm
    • Thở khò khè
    • Thở nhanh
    • Tức ngực.

    Bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không khi chỉ gây rối loạn nhịp tim?

    Trẻ em hoặc người lớn mắc bệnh tim bẩm sinh có nguy cơ mắc các vấn đề về rối loạn nhịp tim như tim có thể đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều.

    Rối loạn nhịp tim nghiêm trọng như rung nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp nhanh trên thất có thể gây đột quỵ hoặc đột tử do tim nếu không được điều trị kịp thời. Mô sẹo trong tim do các cuộc phẫu thuật trước đây có thể góp phần gây ra biến chứng nguy hiểm này.

    Nhiễm trùng tim (Viêm nội tâm mạc)

    Những người mắc bệnh tim bẩm sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm nội tâm mạc cao. Đây là tình trạng nhiễm trùng màng trong của tim hoặc van tim, hoặc cả hai.

    Nguyên nhân viêm nội tâm mạc thường là do nhiễm trùng ở một bộ phận khác của cơ thể như trên da, nướu răng,… rồi xâm nhập theo đường máu và di chuyển đến tim. Nếu không được điều trị, ổ nhiễm có thể gây tổn thương tim, làm hỏng hoặc phá hủy van tim, tăng nguy cơ đột quỵ và đe dọa đến tính mạng.

    Tăng huyết áp động mạch phổi

    Bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không phải kể đến biến chứng này. Một số loại bệnh tim bẩm sinh có thể khiến huyết áp bên trong các động mạch đi ra từ tim phải và vào hệ tuần hoàn phổi cao hơn bình thường. Nguyên nhân là do một số dị tật tim bẩm sinh có luồng thông từ trái sang phải, gây ra tình trạng tim đưa máu đến phổi quá mức làm tăng áp lực trong động mạch phổi. Lúc này, tăng huyết áp động mạch phổi có thể khiến suy tim phải trầm trọng, người bệnh bị phù chân, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, tím tái tứ chi.

    Suy tim

    Bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không? Gây suy tim

    Một số dị tật tim bẩm sinh có thể gây suy tim – tình trạng tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Biến chứng này có thể xảy ra ngay sau khi một đứa trẻ sinh ra với dị tật tim bẩm sinh nặng, hoặc ngay cả khi bệnh tim bẩm sinh đã được điều trị.

    Biến chứng do cục máu đông

    Bệnh tim bẩm sinh có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông bên trong tim và di chuyển đến não hoặc phổi. Tình trạng này có thể dẫn đến thuyên tắc phổi nếu cục máu đông làm giảm hoặc chặn nguồn cung cấp máu cho phổi; gây đột quỵ nếu nguồn cung cấp máu lên não bị tắc nghẽn.

    Bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không đối với phụ nữ mang thai?

    Người mắc bệnh tim bẩm sinh có sinh con được không? Một số phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh thể nhẹ vẫn có cơ hội mang thai và sinh con thành công. Tuy nhiên, một số phụ nữ bị dị tật tim bẩm sinh phức tạp thường được khuyên không nên sinh con hay cần phải sửa chữa tim trước khi mang thai.

    Bởi cả nam giới và phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh đều có nguy cơ cao di truyền một số dạng bệnh tim bẩm sinh cho con cái của họ, nếu bạn mong muốn có con, nên tiến hành tư vấn hoặc sàng lọc di truyền trước khi mang thai để tránh những rủi ro có thể xảy ra cho thế hệ tiếp theo.

    Phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh đang mang thai cần thăm khám thường xuyên và siêu âm tim cho thai nhi trong khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ. Xét nghiệm này giúp xác định nguy cơ thai nhi sinh ra có mắc bệnh tim bẩm sinh hay không.

    Hiểu bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không để biết cách phòng ngừa biến chứng

    Bệnh tim bẩm sinh có nguy hiểm không và phòng ngừa

    Nếu bạn là người lớn mắc bệnh tim bẩm sinh, bạn sẽ có nguy cơ phát triển các biến chứng ngay cả khi đã phẫu thuật để điều trị bệnh khi còn nhỏ. Vì vậy, việc thăm khám sức khỏe định kỳ và theo dõi trong suốt quãng đời còn lại với bác sĩ tim mạch là rất quan trọng.

    Ngoài ra, khi có nguy cơ cao mắc biến chứng viêm nội tâm mạc, hãy dùng thuốc kháng sinh một giờ trước khi thực hiện các thủ thuật răng miệng, giữ gìn vệ sinh răng miệng và khám nha khoa định kỳ. Nướu và răng khỏe mạnh sẽ làm giảm nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào máu và đi đến tim.

    Cuối cùng, bạn cũng nên tránh thực hiện bất kỳ quy trình thẩm mỹ nào có xâm lấn, chẳng hạn như xăm hình, xỏ khuyên để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

    Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 20/12/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo