backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Giải đáp: Nhồi máu cơ tim sống được bao lâu?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 12/07/2023

    Giải đáp: Nhồi máu cơ tim sống được bao lâu?

    Cơn nhồi máu cơ tim cấp là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở các nước phát triển, tỷ lệ mắc lên tới gần 3 triệu người trên toàn thế giới với hơn một triệu ca tử vong hàng năm. Vì vậy, nhiều người lo lắng không biết bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim sống được bao lâu.

    Cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp trong bài viết ngay sau đây!

    Nhồi máu cơ tim sống được bao lâu?

    Nhồi máu cơ tim cấp tính có tỷ lệ tử vong cao từ 5-30%. Phần lớn các trường hợp tử vong xảy ra trước khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện. Ngoài ra, trong năm đầu tiên sau cơn nhồi máu cơ tim, tỷ lệ tử vong tăng thêm từ 5-12% và gần 50% trường hợp tái nhập viện để điều trị trong cùng năm đó.

    Không ai có thể cho bạn câu trả lời chính xác là người bị nhồi máu cơ tim sống được bao lâu, bởi tiên lượng sống còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Cụ thể như sau:

    Mức độ tổn thương cơ tim

    Nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến tổn thương cơ tim không hồi phục do cơ tim bị hoại tử sau khi thiếu oxy và chất dinh dưỡng kéo dài. Từ đó, chức năng co bóp của cơ tim suy giảm, khiến bệnh nhân dễ bị rối loạn nhịp tim. Ngoài ra, nhồi máu cơ tim cũng có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng khác, chẳng hạn như:

    • Suy tim
    • Rối loạn chức năng tâm thất trái
    • Các vấn đề về van tim
    • Ngừng tim đột ngột (Đột tử do tim)
    • Trầm cảm
    • Sốc tim
    • Vỡ tim.

    Bệnh nhồi máu cơ tim sống được bao lâu? Nếu mức độ tổn thương cơ tim nặng và xuất hiện nhiều biến chứng thì nguy cơ tử vong cũng càng cao. Bệnh nhân vẫn còn giữ nguyên chức năng tâm thất trái sẽ có tiên lượng tốt hơn.

    Bạn có thể quan tâm: Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không?

    Điều trị kịp thời hay không?

    Nhồi máu cơ tim sống được bao lâu sẽ còn tùy thuộc vào việc bệnh nhân có được điều trị kịp thời hay không. Bệnh thường khởi phát triệu chứng đột ngột, nếu không được sớm đưa đi cấp cứu thì mức độ tổn thương càng nghiêm trọng, nguy cơ tử vong hoặc để lại biến chứng sẽ càng cao. 

    Nghiên cứu cho thấy điều trị sớm trong 6 giờ đầu tiên thì tiên lượng càng tốt. Tốt nhất là trong vòng 30 phút từ khi nhập viện hoặc 90 phút từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Do đó, trước các bệnh nhân nhồi máu cơ tim, bác sĩ cần phải chạy đua với thời gian để thực hiện các biện pháp tái tưới máu, bao gồm việc dùng thuốc tiêu sợi huyết, chụp và can thiệp mạch vành qua da (đặt stent) hoặc phẫu thuật bắt cầu. Các phương cách này cần được sớm đặt ra và thực hiện cấp cứu, không chỉ cứu vãn vùng đang thiếu máu mà còn hạn chế vùng cơ tim có thể hoại tử lan rộng ra. 

    Đồng thời, tỷ lệ sống sót của người bệnh sẽ cao hơn nếu phân suất tống máu được bảo tồn và bệnh nhân bắt đầu dùng các thuốc chống đông máu, kháng tiểu cầu, giảm mỡ máu, thuốc chẹn beta và thuốc ức chế men chuyển/ chẹn thụ thể angiotensin II để điều trị kịp thời.

    Do đó, ngay khi xuất hiện các dấu hiệu nhồi máu cơ tim, người bệnh cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt.

    Nhồi máu cơ tim sống được bao lâu tùy thuộc vào tuổi tác

    nhồi máu cơ tim sống được bao lâu tùy vào tuổi tác

    Tiên lượng sống nói chung thường là tốt ở những bệnh nhân trẻ tuổi. Một số thống kê cho thấy tỷ lệ tử vong tại bệnh viện và sau 6 tháng lần lượt là 0,7% và 3,1%.

    Trong khi đó, tỷ lệ tử vong ở những người lớn tuổi trong bệnh viện và sau 6 tháng lần lượt là 8,3% và 12%.

    Tuy nhiên, sau 5 năm mắc bệnh, tỷ lệ sống sót ở những bệnh nhân trẻ giảm đáng báo động. Tỷ lệ tử vong trên 15% sau 7 năm và từ 25-29% sau 15 năm.

    Giới tính

    Phụ nữ trẻ hoặc tuổi trung niên chưa mãn kinh có tiên lượng tốt hơn so với nam giới ở cùng độ tuổi. Các nhà khoa học tin rằng điều này là do tác dụng bảo vệ tim mạch của nội tiết tố nữ estrogen. Sau khi mãn kinh, lượng estrogen giảm mạnh nên lợi ích bảo vệ này không còn nữa.

    Phụ nữ 45-65 tuổi bị nhồi máu cơ tim có nhiều khả năng tử vong trong vòng một năm sau khi triệu chứng xuất hiện. Con số này ở phụ nữ trên 65 tuổi chỉ là vài tuần.

    nhồi máu cơ tim sống được bao lâu tùy vào giới tính

    Nhồi máu cơ tim sống được bao lâu tùy vào tình hình sức khỏe tổng thể

    Tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tiên lượng sống. Các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến tiên lượng sống của bệnh nhân bao gồm:

    • Bệnh tiểu đường
    • Rối loạn chức năng thất trái sẵn có
    • Đã từng bị nhồi máu cơ tim, bệnh mạch máu ngoại vi (PVD), hoặc đột quỵ trước đây
    • Chậm phục hồi dòng máu đến cơ tim đang thiếu máu
    • Phân suất tống máu giảm
    • Suy tim sung huyết (CHF)
    • Sự gia tăng nồng độ protein phản ứng C và peptide lợi niệu loại B (BNP)
    • Trầm cảm.

    Làm sao để tăng tuổi thọ cho người từng bị nhồi máu cơ tim?

    Nhồi máu cơ tim sống được bao lâu còn tùy thuộc vào việc bạn có biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân sau bệnh hay không. Để sống khỏe mạnh hơn và duy trì sức khỏe tim mạch, bạn nên:

    • Uống thuốc và tuân thủ theo chỉ định điều trị của bác sĩ
    • Tái khám đúng lịch hẹn, lên lịch thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần
    • Kiểm soát các bệnh lý nền bao gồm huyết áp cao, tiểu đường, tăng cholesterol máu
    • Bỏ hút thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia và chất kích thích
    • Tập thể dục thường xuyên khoảng 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày/một tuần
    • Ăn một chế độ ăn lành mạnh với ít chất béo, nhiều chất xơ, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau xanh mỗi ngày
    • Duy trì cân nặng hợp lý, cố gắng giảm cân lành mạnh qua tập luyện và ăn uống nếu đang thừa cân
    • Tập yoga, hít thở sâu và thiền định để giảm căng thẳng.

    Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc nhồi máu cơ tim sống được bao lâu để bớt lo lắng nhé! Chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe tim mạch của mình ngay từ hôm nay là chìa khóa giúp bạn sống khỏe mạnh hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

    Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 12/07/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo