backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Hướng dẫn giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 17/11/2022

    Hướng dẫn giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp

    Giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp là một việc làm cần thiết để phòng ngừa các biến chứng, cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà ở nước ta hiện nay, số người tử vong do bệnh tăng huyết áp ngày càng cao.

    Đặc điểm của bệnh tăng huyết áp là diễn biến âm thầm và ngày càng nặng dần nếu không được điều trị và chăm sóc tốt. Bệnh nhân và gia đình cần phải biết các yếu tố thuận lợi làm tăng huyết áp cũng như dấu hiệu của chứng tăng huyết áp để giữ được sức khoẻ, sức lao động và tuổi thọ cho người bệnh.

    Các triệu chứng tăng huyết áp cần đến gặp bác sĩ ngay

    Trường hợp khi huyết áp tối đa > 140mmHg và huyết áp tối thiểu > 90mmHg có thể được coi là tăng huyết áp. Nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời, huyết áp cao có thể gây tổn thương đến các động mạch, đặc biệt là ở thận và mắt. Đồng thời, cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như tử vong, đột quỵ, hôn mê do tai biến mạch máu não, liệt nửa người, suy tim, thiếu máu cơ tim, suy thận,…

    Trên thực tế, triệu chứng tăng huyết áp không phải lúc nào cũng rõ ràng. Nhiều người có thể phát triển bệnh trong thời gian dài nhưng không hề có dấu hiệu bất thường nào. Vì lý do đó mà bệnh tăng huyết áp còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi chỉ một số ít bệnh nhân gặp vài triệu chứng gợi ý khiến họ đi khám bệnh như: đau đầu, chóng mặt, mặt đỏ bừng, ù tai…còn lại đa số thường không có dấu hiệu cảnh báo.

    Khi tư vấn giáo dục sức khỏe cho người bệnh tăng huyết áp cần lưu ý rằng cách duy nhất để nhận biết tình trạng tăng huyết áp đó là kiểm tra huyết áp thường xuyên. Hãy đến gặp và xin ý kiến của bác sĩ nếu huyết áp của bạn tăng cao và đi kèm một số biểu hiện điển hình dưới đây: 

  • Đau đầu dữ dội 
  • Choáng và chóng mặt
  • Hoa mắt, ù tai, mất thăng bằng 
  • Đau tức ngực, khó thở, tim đập nhanh
  • Vết máu trong mắt hoặc xuất huyết kết mạc
  • Tầm nhìn mờ (suy giảm thị lực)
  • Mặt đỏ bừng
  • Buồn nôn, ói mửa
  • Tê hoặc ngứa ran các chi
  • Chảy máu cam, tiểu ra máu
  • Mất ngủ, suy nhược cơ thể
  • Những biểu hiện này đôi khi có thể nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên không nên chủ quan, bởi vì thăm khám và phát hiện bệnh sớm kết hợp với các biện pháp giáo dục sức khỏe bệnh tăng huyết áp sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh. 

    giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp

    Giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp tại nhà

    Tăng huyết áp là một bệnh lý rất phổ biến, nhưng đa số chúng ta chưa có sự hiểu biết về bệnh, về các hậu quả nghiêm trọng của nó nên chưa có thái độ đúng với bệnh. Do đó, bên cạnh việc điều trị thì giáo dục sức khỏe bệnh nhân tăng huyết áp là phương pháp hữu hiệu nhất để giúp người bệnh tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

    Tự theo dõi sức khỏe / Sử dụng thuốc an toàn

    Hầu hết với những bệnh nhân tăng huyết áp thì cần phải kiểm soát được huyết áp bằng việc dùng thuốc trước, sau đó mới tiến hành kết hợp với các biện pháp chăm sóc khác. Bên cạnh đó, đôi khi cũng có những trường hợp điều trị không dùng thuốc. 

    Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần nghiêm túc thực hiện theo chỉ định của nhân viên y tế. Sử dụng thuốc đúng theo toa, uống đúng thời gian. Tuyệt đối không được tự ý thay đổi thuốc, ngưng thuốc hoặc bỏ bớt thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ.

    Quan sát các triệu chứng hằng ngày và theo dõi huyết áp thường xuyên, đặc biệt là trước và sau khi dùng thuốc. Nếu có các biểu hiện bất thường như đau tức ngực, chảy máu vết chọc mạch, khó thở, táo bón, tiêu chảy… hoặc các phản ứng bất lợi sau khi dùng thuốc cần phải báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.

    Chế độ dinh dưỡng hợp lý

    Khi giáo dục sức khỏe cho người tăng huyết áp, hãy hướng dẫn chi tiết cho người bệnh về chế độ dinh dưỡng là một nội dung không thể thiếu trong công tác giáo dục sức khỏe bệnh tăng huyết áp. Vấn đề ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến việc kiểm soát huyết áp. 

    Bệnh nhân nên bắt đầu xây dựng chế độ ăn giảm muối. Theo như khuyến cáo, mỗi ngày chúng ta chỉ nên bổ sung thêm khoảng 5g muối hoặc ít hơn là đủ. Lượng muối nạp vào cơ thể càng ít, huyết áp sẽ càng thấp. Chỉ cần ăn muối giới hạn trong khoảng 1,5g/ngày sẽ làm giảm đáng kể huyết áp.

    Hạn chế ăn chất bột đường, chất béo, mỡ động vật. Nên chuyển dần chế độ ăn nhiều thịt sang ăn nhiều cá và hải sản, ưu tiên sử dụng các loại dầu có nguồn gốc từ thực vật. 

    Cố gắng ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và các loại đậu hạt để bổ sung đầy đủ chất xơ. Ngoài ra, ăn nhiều rau quả còn giúp tăng cường khoáng chất như kali, canxi và magie. Đây là các yếu tố vô cùng quan trọng giúp ổn định huyết áp. 

    Đặc biệt, nhiều loại củ quả có hàm lượng kali rất cao như: khoai tây, bơ, dưa hấu, đậu nành và nhất là chuối. Vì vậy, chúng ta vẫn thường được khuyên rằng ăn chuối có tác dụng rất tốt trong việc hạ huyết áp và chống đột quỵ.

    Ở những bệnh nhân có thừa cân, béo phì nên thực hiện giảm cân và điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý bằng chế độ ăn giảm calo.

    Giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân cao huyết áp với chế độ dinh dưỡng hợp lý

    Thay đổi các thói quen xấu

    Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, nếu uống một ít rượu thường xuyên sẽ có tác dụng làm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về tim mạch. Tuy nhiên, lạm dụng và uống quá nhiều rượu là nguyên nhân có thể gây tăng huyết áp. Chính vì thế, khi giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp cần khuyên họ phải hạn chế bia rượu. Nam giới được khuyến khích mỗi ngày chỉ nên đưa vào cơ thể khoảng 30ml ethanol (tức khoảng 330ml bia hoặc 120 ml rượu vang hoặc 30ml rượu whisky). Riêng phụ nữ và người nhẹ cân, lượng rượu nên uống chỉ bằng một nửa nam giới.

    Không giống như việc uống rượu bia, từ trước đến nay hút thuốc lá vẫn luôn được cảnh báo là có hại cho sức khỏe. Ngừng hút thuốc là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp cũng như các bệnh lý khác.

    Ngoài ra, cũng nên thay đổi một số thói quen như dễ kích động hay thường có cảm xúc mạnh để tránh ảnh hưởng đến huyết áp và tim mạch. 

    Vận động, phục hồi chức năng

    Thực hiện các hoạt động như: đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, đạp xe đạp,… là biện pháp cực kỳ hữu hiệu trong việc điều hòa huyết áp. Nhưng cần lưu ý rằng, sau một khoảng thời gian tập luyện có thể là 2 – 3 tháng, huyết áp mới có sự cải thiện rõ rệt. 

    Vậy nên đòi hỏi phải có sự kiên trì, đồng thời phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc chung: tập luyện thường xuyên, liên tục, tăng dần tốc độ và thời gian tập dựa theo tình trạng sức khỏe của mỗi người. 

    Khi mới bắt đầu, nên duy trì thời gian tập luyện từ 20 – 30 phút/mỗi ngày. 

    Bệnh nhân lớn tuổi hoặc có các vấn đề khác về tim mạch, chỉ nên đi dạo và hít thở không khí trong lành, tuyệt đối không vận động mạnh.

    Cuối cùng, một vấn đề cần phải nhấn mạnh trong giáo dục sức khỏe bệnh tăng huyết áp đó là thời gian điều trị. Tăng huyết áp là một bệnh lý có quá trình chữa trị lâu dài. Sự động viên rất cần thiết để bệnh nhân có thêm động lực điều trị và tuân thủ đầy đủ việc thăm khám định kỳ.

    Như vậy, trên đây là các thông tin hữu ích về giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân tăng huyết áp. Bản thân bệnh nhân hoặc người thân có thể áp dụng để góp phần đẩy mạnh hiệu quả điều trị và phòng ngừa biến chứng của bệnh. Mặt khác, đừng quên chủ động kiểm tra sức khỏe thường xuyên để bảo vệ bản thân một cách tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngân Châu · Ngày cập nhật: 17/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo