backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp? Nên ăn bao nhiêu muối là tốt?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 14/03/2023

    Tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp? Nên ăn bao nhiêu muối là tốt?

    Tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp? Những tác hại của việc ăn mặn đến sức khỏe tim mạch là gì, lượng muối an toàn cho sức khỏe ở từng độ tuổi là bao nhiêu? Cùng tìm hiểu nhé!

    Tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp?

    tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp

    Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc tiêu thụ quá nhiều muối (hơn 5g muối mỗi ngày) sẽ làm tăng huyết áp đáng kể và tăng nguy cơ các biến cố tim mạch.

    Tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp thì phải kể đến những cơ chế sau đây:

    • Thành phần chính của muối là natri clorid. Cơ chế chính của ăn mặn gây tăng huyết áp là do nồng độ ion natri (Na+) tăng lên, cơ thể phải giữ nước và bạn sẽ uống nước nhiều hơn để cố gắng làm loãng nồng độ ion này. Kết quả là tổng thể tích dịch trong cơ thể tăng lên, tim bơm máu mạnh hơn, tạo ra nhiều áp lực lên mạch máu. Theo thời gian, áp lực này dẫn đến tăng huyết áp và khiến mạch máu xơ cứng. Từ đó, nguy cơ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay suy tim cũng tăng lên. Đó là lý do người bị cao huyết áp mà ăn quá mặn dễ gặp tai biến.
    • Ăn nhiều muối kết hợp với những yếu tố sang chấn tâm lý sẽ làm tăng hoạt động hệ thần kinh giao cảm, tăng khả năng hấp thu natri ở ống thận. Lượng lớn ion Na+ đi vào trong tế bào cơ trơn gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và dẫn tới tăng huyết áp.
    • Muối cũng làm tăng độ nhạy của tim mạch và thận với adrenalin – một chất có khả năng làm huyết áp tăng lên.

    Tác hại của việc ăn mặn đến sức khỏe

    tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp? Các tác hại của việc ăn mặn

    Muối là một chất cần thiết cho cơ thể nhưng nếu ăn quá nhiều có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, cả ngắn hạn và dài hạn.

    Tác động ngắn hạn

    Ăn quá nhiều muối trong cùng một bữa hay trong một ngày có thể dẫn đến một số tác động ngắn hạn như:

    • Giữ nước dẫn đến các dấu hiệu như sưng phù, thường thấy ở bàn tay, bàn chân và tăng cân.
    • Tăng huyết áp tạm thời do cơ thể giữ nước. Tuy nhiên, mức độ nhạy cảm với muối ở mỗi người không giống nhau nên không phải ai cũng bị tăng huyết áp khi ăn mặn. Thường người cao tuổi và người béo phì dễ bị tăng huyết áp hơn khi ăn nhiều muối.
    • Cảm giác khát nhiều.
    • Nếu tăng natri máu nhanh có thể gây bồn chồn, khó thở, khó ngủ, giảm đi tiểu.

    Tác động dài hạn

    Thói quen ăn nhiều muối trong thời gian dài có thể gây ra một số vấn đề về sức khỏe.

    • Bệnh tăng huyết áp.
    • Làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Một số nghiên cứu cho rằng có sự liên hệ giữa chế độ ăn nhiều muối với nguy cơ ung thư dạ dày cao hơn nhưng chưa rõ cơ chế. Nhiều quan điểm cho rằng ăn mặn có thể gây viêm loét dạ dày, từ đó tăng nguy cơ ung thư.
    • Nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong sớm. Khi đã hiểu tại sao ăn mặn tăng huyết áp, bạn cũng thấy nguy cơ biến cố tim mạch tăng khi nạp nhiều muối. Đột quỵ, nhồi máu cơ tim đều đe dọa tính mạng của người bệnh.

    Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: [Hỏi đáp bác sĩ] Ăn mặn có tốt không?

    Nên ăn bao nhiêu muối để tránh ăn mặn bị tăng huyết áp?

    tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp, ăn bao nhiêu muối là đủ

    Khi đã biết tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp và những ảnh hưởng cụ thể của việc ăn mặn đến sức khỏe, bạn nên biết mình cần ăn muối bao nhiêu là đủ.

    Tùy theo từng độ tuổi mà lượng muối tiêu thụ có thể khác nhau như sau:

    • Người trưởng thành: dưới 6g muối (tương đương khoảng 2,4g natri) một ngày.
    • Trẻ em: theo từng độ tuổi
      • Từ 1–3 tuổi: dưới 2g muối (tương đương 0,8g natri) mỗi ngày.
      • Từ 4–6 tuổi: dưới 3g muối (tương đương 1,2g natri) mỗi ngày.
      • Từ 7–10 tuổi: dưới 5g muối (tương đương 2g natri) mỗi ngày.
      • Từ 11 tuổi trở lên: dưới 6g muối (tương đương 2,4g natri) mỗi ngày.
  • Trẻ sơ sinh: Sữa mẹ hay sữa công thức và thực phẩm tự nhiên đã cung cấp đủ natri, không cần thêm muối hay bất kì gia vị nào cho bé.
  • Nhìn chung, khi đã hiểu tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp, bạn nên chú ý đến lượng muối sử dụng và kiểm tra cả thành phần có chứa natri (sodium) trên nhãn thực phẩm tiêu thụ.

    Muối có trong rất nhiều thực phẩm chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội, thức ăn nhanh, mì ăn liền, bánh mì và ngũ cốc đã qua chế biến…; một số gia vị hay chất phụ gia khác, chẳng hạn như bột ngọt (natri glutamate), nước mắm, bột canh, bột nêm… chứ không riêng muối iod.

    Hi vọng bạn đã giải đáp được thắc mắc tại sao ăn mặn lại tăng huyết áp và những tác hại của việc ăn mặn đến sức khỏe để biết cách quản lý chế độ ăn tốt hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 14/03/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo