backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Các biến chứng rối loạn lipid máu nguy hiểm như thế nào?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương · Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 20/12/2021

    Các biến chứng rối loạn lipid máu nguy hiểm như thế nào?

    Nhiều người thắc mắc rằng rối loạn lipid máu có nguy hiểm không? Bởi số người được chẩn đoán tăng lipid máu ngày càng nhiều. Phần lớn họ vô tình phát hiện bệnh khi làm xét nghiệm máu tổng quát nhưng cũng có người đã gặp phải biến chứng rối loạn lipid máu.

    Rối loạn lipid máu là sự mất cân bằng của các thành phần lipid như LDL cholesterol, HDL cholesterol và triglyceride trong máu. Tình trạng này nếu không được điều chỉnh kịp thời có thể dẫn đến các bệnh lý tim mạch thực thể cùng với các biến chứng khác. Tìm hiểu về các biến chứng rối loạn lipid máu sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc liệu tình trạng này có nguy hiểm không và nguy hiểm như thế nào.

    Các biến chứng rối loạn lipid máu

    Triệu chứng rối loạn lipid máu không rõ rệt ở giai đoạn đầu nên hầu hết bệnh nhân thường không biết mình mắc bệnh từ sớm, chỉ phát hiện một cách tình cờ khi làm xét nghiệm máu tổng quát hay khi để chẩn đoán bệnh lý khác.

    Rối loạn lipid máu có nguy hiểm không? Nếu người bệnh chủ quan không sớm phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là làm tăng nguy cơ đột quỵ và tử vong.

    Các biến chứng rối loạn lipid máu có thể bao gồm:

    Xơ vữa động mạch là biến chứng rối loạn lipid máu phổ biến

    biến chứng rối loạn lipid máu trực tiếp nhất là xơ vữa động mạch

    Lipid máu hay chất béo trong máu, bao gồm cholesterol và triglyceride (chất béo trung tính). Cholesterol và triglyceride cần được liên kết với protein để tạo thành lipoprotein, để chúng được vận chuyển trong máu đến tất cả các cơ quan trong cơ thể.

    Có hai loại lipoprotein chính là lipoprotein mật độ thấp (LDL cholesterol) và lipoprotein mật độ cao (HDL cholesterol). LDL giúp di chuyển lipid từ gan đến khắp cơ thể. Tuy nhiên, khi có quá nhiều LDL cholesterol lưu thông trong máu, kết hợp với việc lớp nội mạc trong lòng mạch máu bị tổn thương, lipid sẽ cùng với một số chất khác từ từ tích tụ trên thành mạch máu, hình thành mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa này khiến mạch máu trở nên xơ cứng và làm lòng mạch bị hẹp dần hoặc tắc nghẽn hoàn toàn. Đây được gọi là chứng xơ vữa động mạch.

    Xơ vữa động mạch có thể hình thành ở bất cứ mạch máu nào của cơ thể. Nếu mạch vành tim bị tổn thương thì sẽ gây ra bệnh động mạch vành. Nếu ở mạch cảnh đưa máu lên não, bệnh động mạch cảnh và đột quỵ sẽ xảy ra…

    Ngoài ra, xơ vữa động mạch do rối loạn lipid máu cũng có thể làm hạn chế dòng máu cung cấp máu nuôi dưỡng cho các cơ quan ở xa như chân hay bàn chân. Khi động mạch cung cấp máu đến chân bị tắc nghẽn sẽ dẫn đến bệnh động mạch ngoại vi. Bệnh gây cảm giác đau và tê chân, đặc biệt là khi đi bộ. Hơn thế nữa, khi mạch máu cung cấp máu cho chân bị tổn thương sẽ có thể dẫn đến viêm tắc động mạch chi, tăng khả năng nhiễm trùng ở chân và bàn chân, góp phần gây hoại tử chi.

    Nhồi máu cơ tim

    Như đã nói ở trên, biến chứng rối loạn lipid máu đầu tiên chính là gây xơ vữa động mạch. Khi các mảng xơ vữa này hình thành ở mạch vành tim và trở nên lớn hơn, hoặc xuất hiện cục máu đông sẽ gây tắc nghẽn lòng mạch hoàn toàn, làm ngừng dòng chảy của máu đến tim. Lúc này, một phần hoặc toàn bộ cơ tim đột ngột mất đi nguồn máu nuôi dưỡng, gây ra cơn nhồi máu cơ tim, thậm chí là đột tử nếu không được can thiệp kịp thời.

    biến chứng rối loạn lipid máu ảnh hưởng đến tim mạch

    Đột quỵ

    Rối loạn lipid máu gây ra xơ vữa động mạch tại mạch cảnh sẽ có nguy cơ tắc nghẽn mạch cảnh tương tự như với mạch vành. Khi dòng chảy của máu lên não bị nghẽn đột ngột sẽ dẫn đến đột quỵ. Cấp cứu không kịp, người bệnh phải đối diện với nhiều biến chứng nghiêm trọng như hôn mê, liệt nửa người và thậm chí là tử vong.

    Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

    Bệnh tiểu đường tuýp 2 không hoàn toàn là một biến chứng rối loạn lipid máu nhưng cũng thuộc hội chứng chuyển hóa. Cụ thể là quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể đều liên quan mật thiết với nhau nên rối loạn mỡ máu kéo dài sẽ dễ dàng kéo theo rối loạn đường huyết và ngược lại.

    Bệnh tiểu đường có thể xảy ra sau hoặc trước cả khi bị rối loạn lipid máu. Đặc biệt, trong những trường hợp bệnh nhân rối loạn lipid máu có huyết áp cao, béo phì, mỡ bụng nhiều, lối sống thụ động kết hợp cũng sẽ làm tăng nguy cơ hình thành và tiến triển bệnh tiểu đường.

    Hầu hết các nghiên cứu cho thấy rằng rối loạn lipid máu ở bệnh nhân tiểu đường làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ và bệnh lý tim mạch khác như xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim….

    Viêm tụy

    Viêm tụy là một trong những biến chứng rối loạn lipid máu khá nguy hiểm. Nguyên nhân của biến chứng này là do hàm lượng triglyceride rất cao, gây phù nề tuyến tụy. Bệnh nhân sẽ có những triệu chứng như: đau bụng, đi ngoài thường xuyên, sốt, nôn, thở nhanh, nhịp tim nhanh. Nếu trường hợp dịch tiêu hóa bị rò bên ngoài tuyến tụy, dẫn đến viêm tụy hoại tử xuất huyết thì có thể gây đe dọa đến tính mạng.

    Biến chứng rối loạn lipid máu: Bệnh gan nhiễm mỡ

    Rối loạn lipid máu với hàm lượng triglyceride tăng cao cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Theo thời gian, gan nhiễm mỡ sẽ tiến triển thành viêm gan, xơ gan và ung thư gan.

    Hiểu về biến chứng rối loạn lipid máu để biết cách phòng ngừa bệnh tiến triển

    phòng ngừa biến chứng rối loạn lipid máu

    Sau khi tìm hiểu, bạn cũng đã nhận thấy rằng đây là một căn bệnh tiến triển âm thầm nhưng gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

    Muốn ngăn ngừa các biến chứng rối loạn lipid máu và kiểm soát bệnh hiệu quả, bạn nên thực hiện một số thay đổi lối sống sau đây:

  • Tập thể dục thường xuyên
  • Duy trì một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh, hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo xấu nguồn gốc động vật, thực phẩm chế biến sẵn đóng hộp hay dầu ăn tái chế; ăn nhạt. Bổ sung nhiều trái cây tươi và rau xanh, cá nước lạnh, ngũ cốc nguyên hạt, đậu các loại…
  • Giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì. Điều này được thực hiện thông qua chế độ ăn uống và tập luyện
  • Bỏ hút thuốc lá
  • Uống nhiều nước hơn và hạn chế bia rượu
  • Tuân thủ việc dùng thuốc điều trị rối loạn lipid máu theo chỉ định của bác sĩ.
  • Hãy chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ và áp dụng một lối sống cùng chế độ ăn uống lành mạnh để phòng ngừa biến chứng rối loạn lipid máu càng sớm càng tốt.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Ngô Võ Ngọc Hương

    Tim mạch · Bệnh viện Nhân dân 115


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 20/12/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo