backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Nhịp tim nhanh tư thế đứng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 17/08/2023

Nhịp tim nhanh tư thế đứng

Nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) là hiện tượng đặc trưng bởi tình trạng tim đập nhanh khi thay đổi tư thế từ nằm hoặc ngồi sang đứng dậy. Cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này nhé!

Tìm hiểu chung

Nhịp tim nhanh tư thế đứng là gì?

POTS là bệnh gì hay POTS syndrome là gì? Nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) là hội chứng xảy ra khi chỉ cần thay đổi tư thế tim đập nhanh đột ngột, như từ nằm, ngồi sang đứng dậy. Nhịp tim có thể tăng lên 30 nhịp/phút hoặc vượt quá 120 nhịp/phút để đáp ứng đủ nhu cầu máu bị thiếu hụt lên não, tim. Ngoài hiện tượng đứng dậy tim đập nhanh, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khác như chóng mặt, đầu lâng lâng hay thậm chí là ngất xỉu. Bệnh này phần lớn thường gặp ở độ tuổi 15 – 50 tuổi.

Nhịp tim và huyết áp phối hợp với nhau để giữ cho máu lưu thông ở tốc độ nhất định, bất kể cơ thể đang giữ ở vị trí nào. Khi đứng lên, mạch máu sẽ bóp chặt lại và nhịp tim tăng nhẹ để duy trì nguồn cung cấp máu đến tim và não. Người bị nhịp tim nhanh tư thế đứng không thể phối hợp cân bằng giữa hành động thu hẹp mạch máu và phản ứng nhịp tim này, khiến huyết áp không giữ được ở mức ổn định, nhịp tim tăng quá nhanh, tăng hormone epinephrine trong máu và lượng máu đến não bị thay đổi.

Nhịp tim nhanh tư thế đứng có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng phổ biến nhất là:

POTS thần kinh: Sự biến tính ngoại biên (mất phân bố các dây thần kinh) dẫn đến độ bền mạch máu kém, đặc biệt là ở chân và phần thân.

  • POTS tăng giải phóng adrenaline: Kết quả từ việc hệ thống thần kinh giao cảm hoạt động quá mức.

  • POTS thể tích máu thấp: Lượng máu giảm có thể dẫn đến hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng. Loại này có thể gây ra các triệu chứng tương tự giao thoa giữa 2 loại trên.

  • Triệu chứng

    Những dấu hiệu và triệu chứng của nhịp tim nhanh tư thế đứng là gì?

    Nhịp tim nhanh tư thế đứng có nguy hiểm không? Khi huyết áp giảm, tim phải làm việc vất vả hơn có thể làm mất cân bằng các chức năng khác trong cơ thể. Những triệu chứng của hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng có thể diễn biến từ nhẹ đến nặng và thay đổi theo từng thời điểm:

    • Chóng mặt hoặc ngất xỉu, đặc biệt là khi đứng lên, đứng lâu ở một tư thế hoặc đi bộ đường dài

  • Nhìn kém, mờ hoặc chói

  • Buồn nôn hoặc nôn

  • Run rẩy

  • Đổ mồ hôi nhiều

  • Tình trạng trí óc lơ mơ, giảm trí nhớ

  • Mệt mỏi, kiệt sức

  • Tức ngực

  • Cảm thấy nóng hoặc lạnh

  • Lo lắng, hồi hộp hoặc bồn chồn

  • Nhức đầu và đau cổ (có thể cảm thấy giống như bị cúm)

  • Mất ngủ, thường xuyên tỉnh giấc

  • Màu sắc thay đổi khác thường ở tay và chân

  • Tiêu chảy hoặc táo bón, đau bụng, đầy hơi

  • Người bệnh có thể dễ dàng nhận thấy những triệu chứng này khi đang tắm, đứng xếp hàng hoặc cảm thấy căng thẳng. Một số trường hợp xuất hiện triệu chứng sau khi ăn vì ruột cần lưu lượng máu nhiều hơn để tiêu hóa.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân của nhịp tim nhanh tư thế đứng là gì?

    Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân chính xác của hội chứng này. Tuy vậy, khả năng mắc nhịp tim nhanh tư thế đứng sẽ cao hơn đối với những người mắc một số bệnh lý như:

    • Thiếu máu

    • Các bệnh tự miễn như hội chứng Sjogren hoặc lupus

    • Hội chứng mệt mỏi kinh niên

    • Bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường

  • Hội chứng Ehlers-Danlos (bệnh về cơ và khớp)

  • Nhiễm trùng, như bệnh bạch cầu đơn nhân, bệnh Lyme hoặc viêm gan C

  • Đa xơ cứng

  • Hở van tim hai lá

  • Gene di truyền cũng là một yếu tố quan trọng vì tỷ lệ mắc hội chứng này ở người có người thân từng bị có khả năng cao hơn.

    Buồn nôn và nôn cũng có thể là một triệu chứng của hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng
    Buồn nôn và nôn cũng có thể là một triệu chứng của hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán nhịp tim nhanh tư thế đứng?

    Vì có rất nhiều triệu chứng khác nhau, hội chứng này có thể trở nên khó chẩn đoán. Các bác sĩ có thể áp dụng nghiệm pháp bàn nghiêng để xác định tình trạng của người bệnh. Trong quá trình thực hiện nghiệm pháp này, người bệnh được đặt nằm trên một chiếc bàn đặc biệt có thể nâng lên từ 60 – 80 độ trong khi y tá hoặc bác sĩ theo dõi huyết áp và nhịp tim.

    Ngoài nghiệm pháp trên, bác sĩ có thể thực hiện một số loại hình xét nghiệm khác, chẳng hạn như:

    • Xét nghiệm máu và nước tiểu để tìm nguyên nhân và loại trừ những tình trạng có cùng triệu chứng

    • QSART (một xét nghiệm về hệ thần kinh tự trị)

    • Kiểm tra hơi thở tự động để đo mức độ huyết áp và phản hồi áp lực trong khi tập thể dục

    • Sinh thiết dây thần kinh dưới da

    • Siêu âm tim

    • Thăm dò huyết động học.

    Những phương pháp điều trị nhịp tim nhanh tư thế đứng 

    Hiện nay vẫn chưa có cách điều trị triệt để hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng. Tuy nhiên, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp nhằm làm thuyên giảm triệu chứng đứng lên ngồi xuống tim đập nhanh, chẳng hạn như:

    • Dùng thuốc. Bác sĩ có thể kê các loại thuốc như fludrocortisone (cùng với việc cân bằng muối và nước), midodrine, phenylephrine hoặc một loại thuốc gọi là thuốc chẹn beta để giúp lưu thông máu.

    • Đeo vớ (tất) y khoa. Loại vớ này giúp ép máu lưu thông từ chân lên đến tim người bệnh. Vớ y khoa cần có tác dụng ít nhất 30 – 40 phút, có chiều dài đến thắt lưng hoặc ít nhất là lên đến đùi.

    Phòng ngừa

    Người mắc nhịp tim nhanh tư thế đứng cần thay đổi lối sống như thế nào?

    Trong hầu hết các trường hợp, với sự điều chỉnh thích hợp trong chế độ ăn uống, thuốc men và hoạt động thể chất, cuộc sống của người mắc hội chứng này sẽ có cải thiện. Do đó, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống để các triệu chứng bệnh có thể dễ dàng thuyên giảm.

    • Uống nhiều nước. Người bệnh cần uống 2 – 3 lít nước mỗi ngày. Trong trường hợp khẩn cấp có thể uống 2 ly nước để nâng huyết áp và làm nhịp tim chậm lại. Uống nước trước và sau khi tắm và không nên tắm bằng nước quá nóng.

    • Tránh rượu, cà phê và các thức uống chứa caffeine. Chúng có thể khiến các triệu chứng trầm trọng hơn.

    • Chế độ ăn uống. Muối và nước là yếu tố then chốt vì chúng giữ lượng chất lỏng cũng như tăng lượng máu trong cơ thể. Việc bổ sung muối có thể gây nguy hiểm trong một số trường hợp, do đó cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Người bệnh có thể lựa chọn các loại thực phẩm như dưa chua, quả ô liu, các loại hạt. Chia khẩu phần ăn thành các bữa ăn nhỏ, cân bằng hàm lượng protein, rau, trái cây và sữa.

    • Ngủ đủ giấc. Cố gắng giữ thói quen ngủ đúng giờ mỗi ngày. Khi đi ngủ, người bệnh có thể nâng chân lên cao hơn ngực, trước khi ngồi dậy có thể nâng đầu giường để dễ dàng đứng lên.

    • Điều chỉnh nhiệt độ. Tránh để cơ thể quá nóng vì nhiệt độ cao khiến các triệu chứng trở nặng hơn.

    • Rèn luyện thể lực. Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng có thể khiến người bệnh khó vận động. Tuy nhiên, người bệnh nên thử những bài tập nhẹ như đi bộ hoặc tư thế yoga đơn giản. Việc tập có thể bắt đầu từ tư thế ngồi hoặc nằm, sau đó tăng dần thời gian và cường độ. Thói quen này cũng có thể giúp máu lưu thông và giữ cho trái tim khỏe mạnh.

    • Học tập và làm việc. Người bệnh cần thường xuyên vận dụng trí não để tránh hiện tượng gặp khó khăn khi suy nghĩ, đờ đẫn, mau quên.

    • Trò chuyện. Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng có thể cản trở các hoạt động đơn giản thường ngày và gây ra bực bội, căng thẳng cho người bệnh. Người bệnh nên tham gia vào một nhóm hỗ trợ hoặc gặp gỡ nhà trị liệu để kiểm soát các vấn đề về mặt cảm xúc.

    Ngoài ra, người bệnh cần thường xuyên tự kiểm tra chỉ số huyết áp và nhịp tim của bản thân cùng một thời điểm (vào buổi sáng và sau bữa tối). Khi đã được chẩn đoán mắc nhịp tim nhanh tư thế đứng, người bệnh nên điều trị tích cực theo phác đồ của bác sĩ, kết hợp với những thay đổi về lối sống.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 17/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo