backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Chích xơ tĩnh mạch là gì? Quy trình và những lưu ý quan trọng cho bệnh nhân

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 29/06/2021

Chích xơ tĩnh mạch là gì? Quy trình và những lưu ý quan trọng cho bệnh nhân

Từ lâu, các bác sĩ đã áp dụng kỹ thuật chích xơ tĩnh mạch trong điều trị suy giãn tĩnh mạch. Liệu pháp này ngày càng chứng minh được hiệu quả tích cực, giúp bệnh nhân mau chóng cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa nhiều rủi ro.

Nắm được thông tin chi tiết về cách điều trị suy giãn tĩnh mạch này và những lưu ý khi thực hiện sẽ giúp bệnh nhân chủ động hơn trong khâu chuẩn bị, điều trị và phục hồi sau đó.

Tìm hiểu chung

Chích xơ tĩnh mạch là gì?

Đây là phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng cách tiêm dung dịch thuốc trực tiếp vào tĩnh mạch bị giãn. Thuốc này có tác dụng gây kích ứng niêm mạc mạch máu, làm nó bị viêm và dính vào nhau, dẫn đến tắc lòng mạch và buộc máu phải chuyển hướng sang các tĩnh mạch khỏe mạnh hơn. Tĩnh mạch bị suy sau cùng phát triển thành mô sẹo, được tái hấp thu vào mô cục bộ và mất dần, nhờ vậy mà loại bỏ được các tĩnh mạch đã hỏng. 

Khi chích xơ tĩnh mạch, khoảng 50% đến 80% mạch giãn được tác động sẽ bị tiêu diệt ngay sau lần đầu tiên. Chỉ dưới 10% tĩnh mạch bị xơ cứng bì là hoàn toàn không đáp ứng với thuốc tiêm và cần phải kết hợp thêm phương pháp điều trị khác.

Khi nào cần thực hiện chích xơ?

Chích xơ tĩnh mạch sử dụng để điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới (trừ trường hợp đoạn tĩnh mạch có thể dùng dự phòng cho phẫu thuật bắc cầu động mạch sau này) và tĩnh mạch mạng nhện ở một số vị trí khác. Liệu pháp có hiệu quả tốt nhất với mạch máu có đường kính dưới 3mm, phục hồi trong vòng 3 – 6 tuần. Các tĩnh mạch lớn hơn thì có thể sử dụng dung dịch thuốc xơ hóa dạng bọt để có tác dụng trên diện rộng và cần điều trị khoảng 3 – 4 tháng. 

Rất hiếm khi nào vùng đã tiêm bị tái phát nhưng bệnh nhân vẫn có nguy cơ giãn tĩnh mạch tại vị trí khác.

Thận trọng

Những điều bạn cần biết trước khi chích xơ tĩnh mạch

Một số trường hợp chống chỉ định với liệu pháp này như phụ nữ mang thai, đang cho con bú hoặc bệnh nặng phải nằm liệt giường. Chị em sau sinh cần đợi qua 3 tháng đầu mới có thể tiến hành điều trị.

Ngoài ra, với những người từng bị cục máu đông thì phải xem xét nguyên nhân hình thành, mức độ lớn nhỏ của nó rồi mới quyết định có chích xơ hay không.

Vì vậy hãy chia sẻ với bác sĩ tất cả những bệnh mà bạn đã mắc phải trước đây, tình trạng hiện tại và dự tính có con để họ cân nhắc cụ thể.

Chỉ chích xơ tĩnh mạch cho phụ nữ sau sinh trên 3 tháng

Các biến chứng và tác dụng phụ từ liệu pháp xơ hóa

Dù tỷ lệ thành công rất cao và hiếm khi gặp tác dụng phụ, nhưng vẫn có một vài rủi ro có thể xảy ra khi chích xơ tĩnh mạch.

  • Những tĩnh mạch lớn bị xơ cứng trong vài tháng đầu, sau đó mới đỡ dần
  • Vị trí tiêm nổi mẩn đỏ hay bầm tím khoảng vài ngày
  • Xuất hiện đốm hay các đường vằn màu nâu trên da nơi tiêm, có thể biến mất sau 3 – 6 tháng. Tuy nhiên, ở 5% bệnh nhân, các đốm hoặc vằn này sẽ tồn tại vĩnh viễn. Đây có thể là do sắt trong máu rò rỉ khỏi tĩnh mạch được tiêm
  • Phát triển một số mạch máu nhỏ tạm thời tại nơi tiêm nhưng phần lớn không đáng ngại, chỉ vài ngày cho tới vài tuần là mất đi và hầu như không cần điều trị thêm
  • Dị ứng thuốc tiêm, gây sưng và ngứa, nghiêm trọng nhất là sốc phản vệ cần được cấp cứu ngay nhưng cực kỳ hiếm gặp
  • Nhiễm trùng nơi tiêm khiến bệnh nhân khó chịu, sưng và nóng quanh vết tiêm 
  • Hình thành cục máu đông tại tĩnh mạch được chích xơ và cần điều trị sớm. Vì trong một số trường hợp hiếm gặp, cục máu đông này di chuyển vào các tĩnh mạch sâu và theo hệ tuần hoàn chung đến phổi, gây ra thuyên tắc các động mạch quan trọng của phổi. Đây là biến chứng cực kỳ nghiêm trọng, đe dọa tính mạng nếu không chữa trị kịp thời
  • Có bọt khí nhỏ trong máu với biểu hiện rối loạn thị giác, đau đầu, ngất xỉu và buồn nôn; phần lớn tự mất đi hoặc đôi khi không gây ra triệu chứng khác thường nào cả. 

Nếu bệnh nhân gặp phải tình trạng phù chân đột ngột, bị sưng tại vị trí cách háng dưới 12,7cm, chỗ tiêm có vết loét nhỏ hay nổi vệt đỏ (nhất là tại bẹn), có dấu hiệu thuyên tắc phổi (khó thở, đau ngực, ho ra máu, chóng mặt) hay khó khăn trong cử động tay chân, giảm cảm giác thì nên tới ngay bệnh viện để được hỗ trợ.

Quy trình

Chuẩn bị trước khi chích xơ tĩnh mạch

Thời gian trước khi làm thủ thuật, bệnh nhân cần phải tránh sử dụng một số loại thuốc sau đây:

  • Tetracyclin hoặc minocin: Ngưng sử dụng 2 thuốc này từ 7 – 10 ngày trước đó vì hai kháng sinh này dễ gây sạm da
  • Aspirin, ibuprofen hoặc bất kể loại thuốc chống viêm nào khác: Không dùng các thuốc này trong vòng 48 tiếng trước và sau khi tiêm xơ tĩnh mạch. Bởi vì chúng có thể tăng nguy cơ chảy máu và cản trở hoạt động của thuốc xơ cứng mạch máu
  • Prednisone: cũng ngưng dùng 48 giờ trước thủ thuật do làm giảm tác dụng của thuốc chích xơ
  • Không thoa bất kỳ kem dưỡng da nào lên vị trí cần tiêm kể cả trước và sau khi tiêm

Bên cạnh đó, bệnh nhân nên mang theo vớ nén (nếu có sẵn từ lần điều trị trước) để bác sĩ hướng dẫn sử dụng sau khi chích xơ điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới và mặc quần đùi để quá trình tiêm thuốc dễ dàng hơn.

Mặc quần ngắn giúp chích xơ tĩnh mạch chi dưới thuận lợi hơn

Quá trình chích xơ tĩnh mạch diễn ra như thế nào?

Bệnh nhân nằm ngửa và nâng cao chân lên một chút. Sau đó bác sĩ làm sạch khu vực tiêm bằng cồn rồi đưa mũi kim tiêm vào và tiến hành bơm thuốc. 

Quy trình điều trị diễn ra trong khoảng 15 – 45 phút, tùy thuộc vào kích thước và số lượng tĩnh mạch cần điều trị. Với tĩnh mạch lớn, có thể bệnh nhân cần tiêm nhiều lần hằng tuần hoặc hàng tháng. 

Điều gì xảy ra sau khi tiến hành liệu pháp xơ hóa?

Trong một vài trường hợp, sau khi chích xơ tĩnh mạch, bệnh nhân có hiện tượng chuột rút khoảng 1 – 2 phút, nhưng không đáng ngại. Bác sĩ sẽ xoa bóp vùng vừa điều trị để đẩy máu ứ đọng ra khỏi tĩnh mạch và giúp thuốc khuếch tán tốt hơn. Cùng với đó là dán miếng đệm nén nhỏ để giữ chặt vết tiêm.

Các thành tĩnh mạch được chích thuốc bị viêm và dính lại vào nhau. Sau một thời gian sẽ xơ hóa thành sẹo và biến mất dần.

Phục hồi

Phục hồi sau khi chích xơ hóa tĩnh mạch

Cách điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng chích xơ hóa chỉ là thủ thuật nhỏ, bệnh nhân rất nhanh phục hồi. Ngay khi tiêm thuốc xong tại bệnh viện, họ đã có thể tự lái xe về nhà và sinh hoạt như bình thường. Mỗi người cũng nên đi bộ nhẹ nhàng nhằm giảm rủi ro hình thành cục máu đông, đeo vớ nén để ép những tĩnh mạch được tiêm thuốc lại, giúp cho quá trình xơ teo diễn ra nhanh và thuận lợi hơn.

Tuy nhiên trong vòng 48 giờ sau tiêm vẫn phải lưu ý một số điểm dưới đây:

  • Không dùng aspirin, ibuprofen và các thuốc chống viêm khác. Nếu đau nhiều có thể uống thuốc paracetamol để giảm đau
  • Không tắm nước nóng, ngâm mình trong bồn tắm có tạo sóng hay xông hơi. Tốt nhất bệnh nhân nên tắm dưới vòi hoa sen bằng nước lạnh 
  • Có thể vệ sinh vết tiêm bằng xà phòng dịu nhẹ và nước sạch
  • Không chườm nóng hay đặt bất kỳ vật gì có nhiệt độ cao lên vùng đã tiêm
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời dưới mọi hình thức.

chích xơ tĩnh mạch là thủ thuật khá đơn giản, ít rủi ro nhưng các bệnh nhân không nên chủ quan, cần chọn nơi điều trị uy tín với bác sĩ tay nghề tốt, giàu kinh nghiệm để mau chóng phục hồi.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 29/06/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo