backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Phẫu thuật tim hở (Mổ tim hở)

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thu Anh Nguyen · Ngày cập nhật: 17/08/2023

Phẫu thuật tim hở (Mổ tim hở)

Phẫu thuật tim hở là một trong những ca phẫu thuật lớn (đại phẫu) và khá phức tạp. Vậy, quy trình thực hiện ra sao và thời gian hồi phục sau khi mổ tim hở mất bao lâu?

Tìm hiểu chung

Phẫu thuật tim hở là gì?

Mổ hở là gì? Phẫu thuật tim hở (phẫu thuật tim truyền thống hay mổ tim hở) bao gồm tất cả phẫu thuật được thực hiện trên cơ tim, van, động mạch, động mạch chủ và các mạch lớn có sự kết nối với tim. Khi phẫu thuật, lồng ngực của bệnh nhân được cắt mở rộng để dễ dàng tiếp cận tim.

Theo Viện tim phổi và máu quốc gia (Mỹ), các dạng phẫu thuật tim hở đã được thực hiện trên thế giới bao gồm:

  • Bắc cầu động mạch vành (ghép động mạch vành – CABG) là loại phẫu thuật tim phổ biến nhất
  • Thay van tim
  • Ghép tim
  • Phẫu thuật động mạch chủ.
  • Ngày nay, sự phát triển của y học đã giúp cho các bác sĩ phẫu thuật không cần mở rộng lồng ngực của bệnh nhân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì bắt buộc phải mổ tim hở.

    Khi nào thì bệnh nhân cần được phẫu thuật tim hở?

    Khi nào bệnh nhân cần phẫu thuật tim

    Bạn có thể được bác sĩ chỉ định điều trị bằng phẫu thuật tim hở nếu mắc một trong những bệnh tim sau:

    Phẫu thuật tim hở cũng thường được thực hiện với các mục đích sau đây:

    • Sửa chữa hoặc thay van tim
    • Sửa chữa các khu vực tim bị hư hỏng hoặc có dấu hiệu bất thường
    • Bắc cầu động mạch vành
    • Cấy ghép các thiết bị y tế giúp tim đập đúng nhịp
    • Thay thế một trái tim có vấn đề bằng một trái tim khỏe mạnh khác (ghép tim).

    Thận trọng

    Những rủi ro và biến chứng có thể gặp do phẫu thuật tim hở

    So với các bộ phận khác trên cơ thể, phẫu thuật tim hở có mức độ phức tạp cao nhất. Giống như tất cả các cuộc phẫu thuật, phẫu thuật tim hở cũng đều có rủi ro. Nguy cơ biến chứng lớn hơn nếu bạn có:

    • Các vấn đề sức khỏe như tiểu đường hoặc béo phì
    • Các tình trạng phổi mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
    • Hút thuốc lá.

    Những rủi ro hậu phẫu thường gặp nhất là:

    Rủi ro của phẫu thuật tim

    • Nhiễm trùng vết mổ (tỷ lệ rủi ro cao hơn ở những bệnh nhân đồng thời bị béo phì hoặc tiểu đường)
    • Nhịp tim không đều
    • Suy thận
    • Viêm phổi
    • Đau ngực
    • Sốt nhẹ
    • Mất trí nhớ
    • Mờ mắt
    • Đông máu
    • Khó thở
    • Đau tim
    • Đột quỵ.

    Quy trình

    Chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật tim hở?

    • Thuốc: Trước phẫu thuật, bạn cần nói cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, vitamin và thảo dược. Bạn có thể cần ngừng dùng một số loại thuốc trong một hoặc hai tuần trước khi phẫu thuật. Bệnh nhân thường phải ngừng dùng thuốc làm loãng máu (aspirin, warfarin hoặc các loại thuốc khác ngăn ngừa cục máu đông và đột quỵ) và thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Những loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
    • Thức ăn và đồ uống: Bác sĩ phẫu thuật sẽ yêu cầu bạn nhịn ăn (không ăn hoặc uống) trước khi phẫu thuật. Gây mê an toàn hơn khi bụng đói.
    • Hút thuốc và uống rượu: Cắt giảm rượu và bỏ thuốc lá trước khi phẫu thuật. Cả hai đều có thể làm chậm quá trình lành vết thương sau phẫu thuật và tăng nguy cơ biến chứng.

     Phẫu thuật tim hở được thực hiện như thế nào?

    Phẫu thuật tim hở

    Phẫu thuật tim mất bao lâu hay ca mổ tim kéo dài bao lâu? Theo Viện sức khỏe quốc gia (Mỹ), trung bình một ca phẫu thuật tim hở mở rộng lồng ngực thường mất từ ​3 – 6 giờ hoặc thậm chí lâu hơn. Nhìn chung, các ca phẫu thuật hở cho người bị tim được thực hiện theo các bước cơ bản sau đây:

    • Bệnh nhân được gây mê toàn thân
    • Bác sĩ thực hiện vết cắt dài khoảng 15cm ở ngực trái bệnh nhân
    • Bác sĩ dùng dao phẫu thuật cắt xuyên qua một phần xương ức của bệnh nhân
    • Khi toàn bộ trái tim đã được nhìn thấy, bác sĩ sẽ dùng máy chuyển máu ra khỏi tim để có thể nhìn rõ hoạt động của tim
    • Tiến hành sữa chữa hoặc thay thế tùy theo loại bệnh tim
    • Phục hồi lưu lượng máu đến tim để tim đập trở lại
    • Bác sĩ đóng xương ức bằng chỉ khâu chuyên dụng
    • Vết cắt được khâu lại bằng chỉ phẫu thuật.

    Trường hợp bệnh nhân đã phẫu thuật tim nhiều lần, bác sĩ có thể thực hiện kỹ thuật mạ xương ức. Lúc này, xương ức của người bệnh được nối lại bằng các tấm titan nhỏ sau khi phẫu thuật.

    Điều gì xảy ra sau phẫu thuật tim hở?

    Phẫu thuật tim hở được xếp vào những cuộc đại phẫu, vì vậy, bạn sẽ bị gây mê toàn thân. Tỉnh dậy sau phẫu thuật, bạn sẽ có 2 hoặc 3 ống thông ở trong ngực. Các ống này giúp chất lỏng từ khu vực quanh trái tim bạn có thể thoát ra ngoài.

    Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có đường truyền tĩnh mạch từ cánh tay để truyền nước biển và ống thông trong bàng quang. Sau ca đại phẫu, bạn sẽ cần thời gian để có thể bước xuống giường và tiểu tiện như bình thường.

    Đêm đầu tiên của bệnh nhân mổ tim hở là ở phòng chăm sóc đặc biệt. Sau đó, người bệnh sẽ được chuyển đến phòng bệnh thông thường để được theo dõi tiếp tục trong 3 – 7 ngày.

    Sau khi phẫu thuật, bạn có thể gặp một số vấn đề như:

    • Táo bón (một tác dụng phụ thường gặp của thuốc giảm đau mạnh)
    • Trầm cảm hoặc thay đổi tâm trạng
    • Mất ngủ hoặc khó ngủ
    • Ăn mất ngon
    • Các vấn đề về trí nhớ
    • Đau cơ vùng ngực
    • Đau, bầm tím và sưng nhẹ tại vết mổ.

    Phục hồi

    Quá trình và thời gian hồi phục sau khi mổ tim hở

    Nhiều bệnh nhân có thể thắc mắc rằng mổ tim bao lâu thì lành hay mổ tim bao lâu xuất viện? Thời gian hồi phục và được xuất viện sau khi mổ tim thay đổi tùy thuộc vào loại phẫu thuật, biến chứng và sức khỏe tổng thể của bạn trước khi phẫu thuật. Có thể mất từ ​​6 đến 12 tuần (và đôi khi lâu hơn) để hồi phục sau phẫu thuật tim hở.

    Bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ cho bạn biết khi nào bạn có thể trở lại làm việc và các hoạt động khác. Thông thường, bạn không nên lái xe hoặc nâng bất cứ vật gì nặng trong sáu tuần đầu tiên sau phẫu thuật. Một số người cần dùng thuốc làm loãng máu sau khi phẫu thuật tim để ngăn ngừa cục máu đông.

    Giai đoạn hồi sức sau mổ tim hở, người nhà và bệnh nhân cần lưu ý thực hiện theo những bước sau đây để phục hồi nhanh chóng:

    Chăm sóc vết mổ

    Việc chăm sóc vết thương là vô cùng quan trọng. Vì vậy, vết mổ của bệnh nhân phải luôn được ấm bên trong và khô ở bên ngoài. Tất cả mọi sự tiếp xúc trực tiếp vào vết mổ đều phải được khử trùng. Sau một thời gian, miệng vết thương sẽ bắt đầu lành lại, lúc này bệnh nhân có thể tắm.

    Lưu ý, người bệnh cần được tắm với nước ấm từ 5 – 10 phút và đảm bảo vị trí vết mổ không chạm trực tiếp vào nước. Bệnh nhân cũng cần được kiểm tra vết thương thường xuyên để phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm trùng, bao gồm:

    • Sốt cao, mê sảng
    • Vết mổ bị rỉ nước
    • Da xung quanh vết mổ đỏ lên
    • Sờ vào vết mổ thấy nóng.

    Kiểm soát cơn đau

    Những cơn đau từ vết mổ và bên trong lồng ngực là khó tránh khỏi sau phẫu thuật tim hở. Sự kiểm soát cơn đau có tác dụng tăng tốc độ phục hồi và giảm biến chứng như máu khó đông hoặc viêm phổi.

    Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ cảm thấy đau cơ, đau họng và đau tại các vị trí vết mổ, đau ống ngực. Bác sĩ thường kê toa thuốc giảm đau, người bệnh cần uống đúng và đủ liều. Theo đó, bác sĩ khuyên người bệnh dùng thuốc giảm đau cả trước và sau khi vận động, trước khi đi ngủ.

    Ngủ đủ giấc

    Giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với quá trình hồi phục. Theo thống kê, nhiều bệnh nhân gặp khó khăn khi ngủ trong giai đoạn hậu phẫu. Điều quan trọng là họ cần được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Dưới đây là những mẹo giúp người bệnh có giấc ngủ ngon hơn:

    • Uống thuốc giảm đau nửa giờ trước khi ngủ
    • Đặt những chiếc gối mềm dưới cổ, bàn chân, bàn tay để tránh tình trạng căng cơ
    • Tránh dung nạp caffeine, đặc biệt là vào buổi tối

    Một số bệnh nhân bị suy giảm tinh thần sau ca phẫu thuật. Những giấc ngủ ngon, đủ giờ sẽ giúp sức khỏe tinh thần của người bệnh tốt hơn.

    Một số người mắc chứng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu sau phẫu thuật tim. Người nhà cần đưa họ đến gặp chuyên gia trị liệu hoặc nhà tâm lý học để có thể quản lý những tình trạng đáng lo ngại này.

    Phục hồi chức năng tim

    Trái tim là một bộ phận vô cùng quan trọng của cơ thể. Vì vậy, người đã trải qua mổ tim hở sẽ gặp vấn đề trong nhiều chức năng. Để phục hồi, người nhà cần liên hệ với chuyên gia tim mạch để thiết lập các chương trình vận động. Quá trình phục hồi chức năng tim của bệnh nhân thường kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.

    Phẫu thuật tim hở rất cần thiết để mang lại một hệ tim mạch khỏe mạnh cho người bệnh. Có thể phải mất đến nửa năm để bệnh nhân có thể cảm nhận được đẩy đủ những lợi ích của ca mổ.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thu Anh Nguyen · Ngày cập nhật: 17/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo