backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Xét nghiệm myoglobin để chẩn đoán vấn đề về cơ tim

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 16/03/2020

    Xét nghiệm myoglobin để chẩn đoán vấn đề về cơ tim

    Xét nghiệm myoglobin có thể giúp người bệnh chẩn đoán các vấn đề về cơ, đặc biệt là cơ tim. Vậy myoglobin là gì mà có thể phát hiện được các tổn thương này?

    Dưới đây bạn hãy cùng tìm hiểu myoglobin là gì và quá trình xét nghiệm myoglobin nhé!

    Myoglobin là gì?

    Myoglobin là một loại protein được tìm thấy trong các tế bào cơ có chức năng như một đơn vị dự trữ, cung cấp oxy cho cơ bắp làm việc.

    Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy các loài động vật có vú như hải cẩu và cá voi có thể lặn trong thời gian dài vì chúng có lượng myoglobin trong cơ bắp lớn hơn các động vật khác. Hay những người có khả năng nín thở và lặn lâu dưới nước có thể do có nhiều myoglobin hơn người bình thường.

    Myoglobin và hemoglobin có một sự tương đồng về mặt hóa học với nhau. Cả hai đều là protein liên kết oxy của các tế bào hồng cầu và đều chứa một thành phần phân tử gọi là heme, cho phép chúng liên kết thuận nghịch với oxy. Nhóm heme có chứa sắt tạo ra màu nâu đỏ cho protein.

    Myoglobin gắn chặt với oxy nên dùng để dự trữ oxy trong cơ bắp. Việc vận chuyển oxy trong máu chủ yếu nhờ vào hemoglobin vì hemoglobin liên kết với oxy không bền và dễ dàng phân li cung cấp oxy cho các tế bào mô.

    Cấu trúc phân tử và hóa học của myoglobin còn có khả năng giúp ngăn ngừa sự kết hợp với CO (carbon monoxide), do đó giúp cơ tim hoạt động lâu hơn trong trường hợp trúng độc CO. Myoglobin có trọng lượng phân tử là 16.700 daltons, bằng khoảng 25% so với hemoglobin.

    Xét nghiệm myoglobin

    xét nghiệm myoglobin giúp chẩn đoán tổn thương cơ

    Xét nghiệm myoglobin được thực hiện để giúp chẩn đoán các vấn đề gây ra bởi tổn thương cơ. Xét nghiệm kiểm tra hàm lượng myoglobin có thể dựa vào xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước tiểu.

    Myoglobin được tìm thấy trong tim và cơ xương do đây là những vị trí myoglobin thu được oxy mà các tế bào cơ sử dụng làm năng lượng. Khi bạn bị đau tim hoặc tổn thương cơ nghiêm trọng, myoglobin sẽ được giải phóng vào máu.

    Myoglobin sẽ tăng lên trong máu từ 2 đến 3 giờ sau khi có triệu chứng tổn thương cơ đầu tiên và thường đạt mức cực đại khoảng 8 đến 12 giờ sau đó.

    Thận có nhiệm vụ lọc máu để tìm và đưa myoglobin ra khỏi cơ thể bạn qua nước tiểu. Sự gia tăng quá mức myoglobin có thể làm áp lực thận và dẫn đến suy thận. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ sử dụng xét nghiệm nước tiểu cho myoglobin để giúp tìm ra nguyên nhân gây bệnh và bảo vệ sức khỏe thận.

    Khi nào cần xét nghiệm myoglobin?

    Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị tình trạng đau tim gây tổn thương cho cơ tim có thể sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm myoglobin. Xét nghiệm này thường được thực hiện sau mỗi 2 hoặc 3 giờ khi bạn đến phòng cấp cứu với cơn đau ngực hoặc các triệu chứng khác của cơn đau tim.

    Bạn cũng có thể cần xét nghiệm này nếu bị tổn thương cơ nghiêm trọng, chẳng hạn như chấn thương. Các triệu chứng của chấn thương hoặc tổn thương cơ bắp bao gồm:

    • Sốt
    • Đau cơ
    • Mệt mỏi
    • Đau bụng
    • Nước tiểu sẫm màu
    • Buồn nôn và ói mửa

    Nếu mức myoglobin trong cơ thể tăng quá cao, bạn có thể phải truyền dịch hoặc các phương pháp điều trị khác để loại bỏ lượng myoglobin dư ra khỏi cơ thể. Xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ xem xét liệu tình trạng chấn thương của bạn có cần điều trị ngay lập tức hay không.

    Bạn nên lưu ý báo bác sĩ về tất cả các loại thuốc dùng, ngay cả những loại thuốc không kê đơn trước khi thực hiện xét nghiệm myoglobin.

    Chẩn đoán kết quả xét nghiệm myoglobin

    Chẩn đoán kết quả xét nghiệm myoglobin

    Chỉ số xét nghiệm myoglobin bình thường dựa trên giới tính bao gồm:

    • Đối với nam giới: 28 – 72 µg/L.
    • Đối với nữ giới: 25 – 58 µg/L.

    Kết quả xét nghiệm có thể thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tiền sử sức khỏe, phương pháp được sử dụng để xét nghiệm… Nếu chỉ dựa vào kết quả kiểm tra myoglobin sẽ không thể chẩn đoán chính xác liệu sức khỏe của bạn có vấn đề hay không. 

    Nồng độ myoglobin cao hơn có nghĩa là bạn có thể đang bị tổn thương cơ bắp, nhưng xét nghiệm không cho biết vị trí chính xác xảy ra tổn thương.

    Nguyên nhân gây tình trạng myoglobin cao bao gồm:

    • Điện giật
    • Suy thận
    • Phẫu thuật
    • Sốc tuần hoàn
    • Loạn dưỡng cơ
    • Thuốc có độc tính
    • Tập thể dục quá sức
    • Một số bệnh nhiễm trùng
    • Hôn mê hoặc các vấn đề khác khiến bạn không thể di chuyển trong thời gian dài
    • Sốt cao ác tính (Malignant hyperthermia) – một tình trạng di truyền trong đó nhiệt độ cơ thể tăng lên nhanh chóng và cơ bắp co lại, chủ yếu do sử dụng thuốc gây mê toàn thân

    Nguyên nhân gây tình trạng myoglobin thấp bao gồm:

    • Bệnh nhược cơ
    • Viêm khớp dạng thấp
    • Có kháng thể với myoglobin trong máu

    Các xét nghiệm khác đi kèm

    Nồng độ myoglobin cao có thể có nghĩa là dấu hiệu cảnh báo tim tổn thương. Tuy nhiên đây không phải là xét nghiệm duy nhất để chẩn đoán đau tim. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm khác để kiểm tra chính xác tình trạng đau tim bao gồm:

    • Xét nghiệm máu: Một số xét nghiệm máu khác cụ thể cho các dấu hiệu đau tim nhằm kiểm tra troponin và các chất khác có thể được giải phóng khi tim bị tổn thương, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim.

    • Điện tâm đồ: Xét nghiệm này được thực hiện để xem các xung điện trong tim bạn.

    • Xét nghiệm hình ảnh: Các xét nghiệm chẩn đoán thông qua hình ảnh có thể kiểm tra liệu tình trạng tổn thương tim, cục máu đông và các vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim không.

    Bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm này nếu nghi ngờ bạn có dấu hiệu tổn thương cơ bắp:

    • Xét nghiệm creatinin
    • Xét nghiệm nitơ urê máu (BUN)
    • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ
    • Xét nghiệm creatine phosphokinase (CPK)
    • Xét nghiệm canxi, photphat, albumin và axit uric

    Việc xét nghiệm myoglobin giúp mang lại lợi ích loại trừ nguy cơ nhồi máu cơ tim sớm (trong vòng 3 – 4 giờ) sau khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau thắt ngực, do có nhiều yếu tố có thể gây nhầm lẫn, xuất hiện kết quả dương tính giả. Bên cạnh đó, xét nghiệm này còn giúp chẩn đoán các tình trạng nhồi máu cơ tim tái phát sau khi người bệnh gặp các vấn đề về tim mạch ban đầu.

    Hoàng Trí HELLO BACSI

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 16/03/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo