backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bệnh dịch hạch lây qua đường nào? Dấu hiệu nhận biết và phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 26/06/2023

    Bệnh dịch hạch lây qua đường nào? Dấu hiệu nhận biết và phòng ngừa

    Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra. Đây là vi khuẩn lưu hành trong quần thể động vật thuộc loài gặm nhấm, bọ chét ký sinh trên chúng và có thể lây sang người. Trong lịch sử, dịch hạch là một đại dịch nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao. Ngày nay, bệnh đã có thể được điều trị dễ dàng bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, vì đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dễ lây lan nên việc nhận biết dịch hạch lây qua đường nào để phòng ngừa là rất quan trọng.

    Đối với dịch hạch, các loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng đóng vai trò là ổ chứa lâu dài cho vi khuẩn gây bệnh trú ngụ. Ở Việt Nam, dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Vậy, bệnh dịch hạch lây qua đường nào? Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ cung cấp những thông tin về con đường truyền nhiễm của dịch hạch và chia sẻ cách phòng tránh hiệu quả.

    Bệnh dịch hạch là gì?

    Trước khi biết được bệnh dịch hạch lây qua đường nào, cùng tìm hiểu bệnh dịch hạch là gì.

    Dịch hạch là một căn bệnh nghiêm trọng do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra. Yersinia pestis chủ yếu lưu hành trong quần thể các loài gặm nhấm, điển hình như chuột và bọ chét. Trong đó, chuột được xem là mầm bệnh nguy hiểm, còn vết cắn của bọ chét là cách phổ biến nhất để con người mắc bệnh dịch hạch.

    Bệnh dịch hạch có khả năng lây lan nhanh chóng và xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính. Tuy nhiên,bệnh chủ yếu xảy ra ở những người dưới 20 tuổi, những nơi đông đúc, chật chội, có điều kiện vệ sinh kém tạo điều kiện cho chuột sinh sống, có nền đất cát giúp bọ chét cư trú.

    Thông thường, người mắc bệnh dịch hạch có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Nếu không được điều trị, bệnh thường gây tử vong.

    Bệnh dịch hạch lây qua đường nào?

    dịch hạch lây qua đường nào

    Dịch hạch là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và dễ lây lan. Vì vậy, trong việc phòng chống dịch hạch, việc nhận biết được bệnh dịch hạch lây qua đường nào là rất quan trọng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), dịch hạch lây truyền sang người qua những con đường sau:

    1. Đường máu

    Câu trả lời đầu tiên cho vấn đề “Bệnh dịch hạch lây qua đường nào?” là đường máu. Thông qua vết cắn của bọ chét (đặc biệt là loài bọ chét Xenopsylla cheopis), trực khuẩn Yersinia Pestis xâm nhập vào cơ thể người theo đường máu.

    Vi khuẩn dịch hạch thường được truyền qua vết cắn của bọ chét mang mầm bệnh. Chẳng hạn như có một đợt dịch hạch bùng phát và có nhiều loài gặm nhấm nhiễm bệnh chết đi. Lúc này, bọ chét ký sinh trên chúng sẽ bị đói và cần tìm kiếm nguồn máu khác. Trong đó, cả người và động vật đều có nguy cơ bị bọ chét mang mầm bệnh cắn.

    Không những vậy, các loài thú cưng như chó và mèo cũng có thể mang bọ chét nhiễm mầm bệnh dịch hạch vào nhà và tạo điều kiện để chúng lây truyền sang người. Nếu bị bọ chét cắn đốt, vi khuẩn sẽ theo vết cắn vào cơ thể vật chủ mới và dẫn đến sự truyền nhiễm của dịch hạch.

    2. Dịch hạch lây qua đường nào? Đường da, niêm mạc

    Tiếp xúc với dịch lỏng hoặc mô từ động vật nhiễm bệnh có thể khiến một người bị bệnh dịch hạch qua da. Khi bạn tiếp xúc trực tiếp với động vật nhiễm dịch hạch hoặc tiếp xúc với dịch lỏng, mô từ chúng, vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập qua da hoặc qua vết thương do bị động vật cào, cắn (thường gặp nhất là mèo do đây là loài có thể ăn thịt chuột bị nhiễm bệnh).

    Những đối tượng có nguy cơ nhiễm dịch hạch qua con đường này thường là nhân viên phòng thí nghiệm nghiên cứu hay chăm sóc động vật, người có nuôi chó/mèo/thỏ, người làm công việc săn bắt/ giết mổ động vật…

    3. Bệnh dịch hạch lây qua đường nào? Đường hô hấp

    Nếu thắc mắc bệnh dịch hạch lây qua đường nào, hãy chú ý nguy cơ truyền nhiễm bằng đường hô hấp thông qua giọt bắn.

    Đối với một số trường hợp nhiễm dịch hạch thể phổi, vi khuẩn gây bệnh có thể được truyền từ người sang người thông qua những giọt bắn. Điều này thường xảy ra khi người bệnh ho hoặc có tiếp xúc gần gũi với người khác.

    Như vậy, khi một người nào đó hít phải giọt bắn có chứa trực khuẩn Yersinia pestis, họ có thể bị nhiễm dịch hạch thể phổi. Nhìn chung, việc truyền bệnh qua những giọt bắn là cách duy nhất mà dịch hạch có thể lây từ người sang người nhưng trường hợp này là khá hiếm.

    Các triệu chứng tương ứng của bệnh dịch hạch

    Như vậy là bạn đã biết được bệnh dịch hạch lây qua đường nào. Dịch hạch được chia thành 3 loại chính bao gồm thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết và thể phổi. Tùy thuộc vào từng loại thì bệnh sẽ gây ra các triệu chứng tương ứng, cụ thể như sau:

    1. Biểu hiện của bệnh dịch hạch thể hạch

    Đây là thể phổ biến nhất và chiếm hơn 90% ca bệnh. Thời gian ủ bệnh của người mắc thể hạch thường từ 2 đến 8 ngày. Bệnh nhân phát triển các triệu chứng như sốt, nhức đầu, ớn lạnh, đau cơ, suy nhược và có các hạch bạch huyết sưng to (nổi hạch).

    Vậy, bệnh dịch hạch lây qua đường nào nếu đó là thể hạch? Lời đáp là bệnh dịch hạch thể hạch thường lây qua đường máu. Nguyên nhân sưng hạch bạch huyết thường là do vết cắn của bọ chét nhiễm khuẩn. Sau đó, vi khuẩn sẽ sinh sôi trong một hạch bạch huyết gần nơi chúng xâm nhập vào cơ thể. Nếu không được điều trị, vi khuẩn có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

    2. Bệnh dịch hạch thể nhiễm khuẩn huyết có dấu hiệu gì?

    dịch hạch lây qua đường nào

    Khi vi khuẩn gây dịch hạch nhân lên trong máu của bạn thì tình trạng này được xếp vào loại dịch hạch thể nhiễm khuẩn huyết. Thời gian ủ bệnh chưa được xác định rõ ràng nhưng nhìn chung thì có thể xảy ra trong vòng vài ngày sau khi tiếp xúc. Bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như: 

    • Sốt, ớn lạnh
    • Cực kỳ suy nhược
    • Đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa
    • Sốc
    • Chảy máu từ miệng, mũi, trực tràng hoặc xuất huyết dưới da
    • Da và các mô khác có thể chuyển sang màu đen và hoại tử, thường xuất hiện chủ yếu ở ngón tay, ngón chân và mũi.

    Thể nhiễm khuẩn huyết thường là kết quả từ vết cắn của bọ chét hoặc bị động vật nhiễm bệnh cắn, cào… Thể nhiễm khuẩn huyết có thể phát triển đơn lẻ hoặc là một sự tiến triển của thể hạch không được điều trị.

    3. Triệu chứng dịch hạch thể phổi

    Chắc hẳn là bạn không còn thắc mắc bệnh dịch hạch lây qua đường nào. Dịch hạch thể phổi là loại bệnh dịch hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm vì đây là thể duy nhất có thể lây từ người sang người. Thời gian ủ bệnh của thể phổi thường chỉ từ 1 đến 3 ngày. Bệnh sẽ ảnh hưởng đến phổi và gây ra những triệu chứng như:

    • Khó thở
    • Ho, có thể kèm theo đờm lẫn với máu
    • Đau đầu, tức ngực
    • Suy yếu
    • Sốt cao.

    Dịch hạch thể phổi thường tiến triển nhanh chóng, có thể gây suy hô hấp và sốc trong vòng 2 ngày kể từ khi nhiễm bệnh. Do đó, bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt ngay khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện để ngăn chặn nguy cơ tử vong.

    Các giải pháp phòng ngừa dịch hạch lây lan

    dịch hạch lây qua đường nào

    Dịch hạch là bệnh truyền nhiễm có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và dẫn đến tử vong. Sau khi đã nhận biết được dịch hạch lây qua đường nào, bạn cần chú ý phòng ngừa qua một số giải pháp được khuyến nghị sau đây:

    • Thực hành tốt công tác vệ sinh nơi ở để hạn chế sự “xâm nhập” của các loài gặm nhấm như chuột. Bạn nên bố trí nhà ở và nhà kho hợp lý, dọn dẹp, bỏ đi những gì không dùng nữa, đặc biệt là những nguồn cung cấp chỗ trú ẩn cũng như thức ăn cho loài gặm nhấm như củi gỗ, rác, thức ăn thừa…
    • Bạn nên thường xuyên rửa tay với nước và xà phòng. Chú ý mang găng tay nếu bạn cần sơ chế hay giết mổ động vật có nguy cơ nhiễm dịch hạch.
    • Nếu phát hiện chuột chết bất thường trong khu vực sinh sống, bạn cần báo ngay với cơ sở y tế hoặc những người có trách nhiệm. Đồng thời, bạn nên hỏi thêm ý kiến từ cơ sở y tế về việc xử lý động vật chết đúng cách.
    • Bạn nên lưu ý đến hang ổ của chuột tại nơi ở (nếu có) và đặt bẫy diệt chuột. Bên cạnh đó, nếu địa phương bạn có kế hoạch diệt chuột định kỳ hàng năm bằng hóa chất thì nên tuân thủ đầy đủ. Bạn cũng nên chủ động tham gia tập huấn phòng chống dịch hạch của cơ quan y tế địa phương (nếu có).
    • Đối với những vùng từng có dịch hạch bùng phát hoặc có nguy cơ lây lan cao, việc phun hóa chất diệt bọ chét cũng rất cần thiết.
    • Sử dụng thuốc chống bọ chét nếu bạn nghĩ rằng mình có nguy cơ tiếp xúc với bọ chét từ các loài gặm nhấm khi tham gia các hoạt động như cắm trại, đi bộ dài ngày ở nơi hoang dã (go hiking), làm việc ngoài trời…. Trong đó, các sản phẩm có chứa hoạt chất DEET có thể thoa lên da cũng như quần áo, các sản phẩm chứa permethrin có thể thoa lên quần áo. Bạn nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.
    • Vật nuôi hoặc thú cưng được thả rông có nhiều nguy cơ tiếp xúc động vật nhiễm bệnh và mang bọ chét vào nhà. Vì vậy, bạn nên dùng thuốc trị rận, bọ chét cho chúng. Ngoài ra, nếu vật nuôi, thú cưng bị bệnh thì bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ thú y càng sớm càng tốt.

    Lưu ý

    Đối với bệnh nhân mắc dịch hạch thể phổi, họ sẽ cần đeo khẩu trang và cần được cách ly để không lây nhiễm cho người khác qua giọt bắn.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được bệnh dịch hạch lây qua đường nào.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 26/06/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo