- Bắt tay với người bệnh.
- Đứng gần người nhiễm bệnh khi họ đang ho hoặc hắt hơi.
- Chạm tay lên bề mặt đồ vật dính nước bọt hoặc dịch của người nhiễm Enterovirus.
- Thay tã cho em bé bị nhiễm virus.
Đặc biệt, rủi ro virus tấn công càng cao nếu bạn không rửa tay ngay sau đó và để tay chạm vào mắt, mũi hoặc miệng mình.
Ngoài ra, Enterovirus còn có khả năng xâm nhập cơ thể nếu bạn ăn nhầm thực phẩm nhiễm virus.
Đối tượng nào dễ nhiễm Enterovirus?
Theo các chuyên gia, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm do Enterovirus gây nên. Tuy nhiên, rủi ro mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn những người khác nếu bạn đáp ứng bất kỳ yếu tố nào như sau:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, do hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện.
- Khả năng hoạt động của tế bào bạch cầu kém.
- Có tiền sử mắc bệnh phổi hoặc hen suyễn.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nhiễm Enterovirus có nguy hiểm không?
Hầu hết các bệnh lý phát sinh bởi virus Entero không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn có thể chậm trễ trong việc điều trị.
Nếu không được chữa trị kịp thời, Enterovirus có khả năng tấn công một loạt bộ phận, cơ quan nội tạng như não, gan, tim, lá lách, tủy xương… từ đó kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm các bệnh về tim, não, viêm phổi hoặc viêm gan.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán nhiễm Enterovirus ?
Nếu bác sĩ nghi ngờ Enterovirus là tác nhân đứng sau những dấu hiệu bất thường, họ sẽ chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm chuyên sâu trước khi đưa ra kết luận chẩn đoán cuối cùng. Chúng có thể bao gồm:
- Kiểm tra sự hiện diện của các chủng vi sinh vật này trong mẫu bệnh phẩm, có thể là dịch nhầy trong mũi, họng hoặc mẫu phân của người bệnh.
- Xét nghiệm chọc dò tủy sống.
Những phương pháp điều trị nhiễm Enterovirus
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị dùng cho chi Enterovirus nên việc điều trị chủ yếu tập trung vào:
- Kiểm soát tốt các triệu chứng đang diễn ra.
- Kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật bằng thuốc kháng virus (chỉ có tác dụng với một số chủng chứ không bao gồm toàn bộ chi Enterovirus).
Thêm vào đó, mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm virus Entero thường không cao nên trong trường hợp này, người bệnh có thể nhận được nhiều lợi ích từ các biện pháp khắc phục tại nhà, chẳng hạn như:
- Chủ động nghỉ ngơi nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho các tế bào bạch cầu chống lại virus.
- Truyền dịch.
- Sử dụng thuốc OTC (không kê đơn) nhằm xoa dịu triệu chứng khó chịu, ví dụ như ibuprofen hoặc paracetamol.
Mặt khác, bạn cần lưu ý không dùng kháng sinh để trị bệnh do Enterovirus gây ra, vì thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn. Ngoài ra, tự ý dùng kháng sinh có nguy cơ kéo theo một loạt tác dụng phụ gây tổn hại đến sức khỏe.
Tuy nhiên, đối với trường hợp nghiêm trọng, các phương pháp trên không đem lại hiệu quả như mong đợi. Lúc này, bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế từ các chuyên gia.
Đặc biệt, trẻ sơ sinh hoặc người có tiền sử hen suyễn hay bệnh phổi cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu có triệu chứng nhiễm Enterovirus. Người gặp vấn đề hô hấp nghiêm trọng có khả năng cần nhập viện điều trị nội trú.
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa nhiễm Enterovirus ?
Mặc dù nhiễm Enterovirus có nhiều triệu chứng tương đồng với bệnh cúm nhưng thực tế, đây là hai vấn đề sức khỏe hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, bạn không thể dùng vắc xin cúm để phòng ngừa các chủng vi sinh vật gây bệnh này.
Tuy nhiên, hiện nay các chuyên gia vẫn chưa tìm ra loại vắc xin hiệu quả cho chi virus trên. Do đó, nhằm ngăn chặn Enterovirus lây lan từ người này sang người khác, bác sĩ thường khuyến nghị mọi người nên tập và áp dụng các thói quen sinh hoạt lành mạnh dưới đây, bao gồm:

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt vào những thời điểm trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và vừa bước vào nhà. Đừng quên hướng dẫn trẻ thực hiện tương tự.
- Hạn chế đưa tay lên mặt, chạm vào mắt, mũi hoặc miệng, đặc biệt nếu bạn chưa rửa tay.
- Hãy ở nhà nếu bạn có dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp trên. Trẻ nhỏ cũng cần tạm ngưng đến trường một thời gian nếu rơi vào trường hợp này.
- Dùng mặt trong của khuỷu tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi nhằm bảo vệ những người xung quanh, đồng thời tránh để dịch cơ thể dính lại trên tay. Đừng quên tập cho trẻ thói quen tốt này nhé.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân, đặc biệt nếu bạn có biểu hiện nhiễm bệnh.
- Khử trùng toàn bộ bề mặt của những đồ vật mà người bệnh có thể đã chạm vào, ví dụ như đồ chơi, bàn phím, điện thoại, tay nắm cửa, nút ấn xả nước bồn cầu…
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.