backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

2

Hỏi bác sĩ
Lưu

Những điều cần biết về tiêm phòng dại cho vật nuôi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 12/12/2019

    Những điều cần biết về tiêm phòng dại cho vật nuôi

    Bệnh dại là căn bệnh nhiễm virus nghiêm trọng nhắm vào não và hệ thần kinh. Nó lây sang người qua nước bọt của động vật bị nhiễm bệnh. Hiện nay, cách tốt nhất để ngăn ngừa dại ở người là tiêm phòng dại cho vật nuôi.

    Các loài vật có khả năng gây bệnh dại cho người

    Chỉ có động vật có vú mới bị bệnh dại. Chim, cá, bò sát và động vật lưỡng cư thì không. Trong những năm gần đây, chó đã trở thành vật nuôi phổ biến nhất bị nhiễm bệnh dại. Điều này là do nhiều chủ sở hữu chó không tiêm phòng cho nó và rất có thể nó đã tiếp xúc với động vật hoang dã bị dại. Bệnh dại cũng xảy ra ở gia súc với số lượng đáng kể mặc dù không phổ biến.

    Những động vật sau đây là nguồn lây nhiễm bệnh dại chính ở người:

    • Chó
    • Dơi
    • Chồn
    • Mèo
    • Bò cái
    • Ngựa
    • Thỏ
    • Hải ly
    • Chó sói
    • Cáo
    • Khỉ
    • Gấu trúc
    • Chồn hôi
    • Chuột chũi

    Trong số các loài vật trên, chó là động vật gây dại nhiều nhất cho con người. Song ở các nước phát triển và nhất là châu Âu, dơi mới là nguồn lây nhiễm chính.

    Những biểu hiện đặc thù ở các động vật dại

    chó bị bệnh dại thường rất dữ

    Khi bị dại, động vật có thể ở 2 dạng:

    1. Dạng “tức giận’: kích động, cắn hoặc chụp vào các vật thể và chảy nước dãi quá mức.
    2. Ở dạng “câm’, động vật hoang dã sẽ thuần hóa và không sợ con người.

    Ngoài ra, còn có những biểu hiện của bệnh dại khác, chẳng hạn như con vật có vẻ say xỉn, chao đảo quá mức, lượn vòng, tê liệt một phần, mất phương hướng hoặc tự cắn xé chính nó. Tuy nhiên, hầu hết các dấu hiệu này cũng là dấu hiệu của những bệnh khác như nhiễm độc chì.

    Nếu một động vật sống về đêm, chẳng hạn như gấu trúc hoặc chồn hôi bị dại, chúng sẽ năng nổ hoạt động vào ban ngày hơn.

    Nếu bạn thấy một con vật không hoạt động như bình thường, hãy tránh xa nó và gọi cho cơ quan kiểm soát động vật ngay lập tức.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bệnh dại lây qua đường nào

    Vì sao phải tiêm phòng cho vật nuôi để ngừa dại?

    tiêm phòng cho vật nuôi để ngừa bệnh dại

    Việc diệt trừ bệnh dại là cách duy nhất để chấm dứt chu kỳ lây truyền căn bệnh này. Sự vắng mặt của bệnh dại ở vật nuôi đồng nghĩa với việc loại bỏ gần như toàn bộ các trường hợp mắc bệnh ở người.

    Tiêm phòng là phương pháp được ưa chuộng để kiểm soát và loại trừ bệnh dại trên thế giới. Để đạt được hiệu quả, các chiến dịch tiêm phòng phải chiếm ít nhất 70% số vật nuôi ở những khu vực có bệnh dại.

    Các chương trình tiêm phòng và kiểm soát động vật đi lạc đã cho thấy hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh dại ở hầu hết các vật nuôi. Vaccine bệnh dại được phê duyệt cho chó, mèo, chồn, ngựa, gia súc.

    Những điều bạn nên làm để bảo vệ thú cưng khỏi bệnh dại

    • Đầu tiên, hãy thường xuyên đưa thú cưng đến bác sĩ thú y và cập nhật tiêm phòng dại.
    • Thứ hai, kiểm soát vật nuôi bằng cách giữ chúng trong nhà. Nếu có đưa chúng ra ngoài, bạn cũng cần để ý kỹ, tránh để thú cưng tiếp xúc với động vật hoang.
    • Thứ ba, đem vật nuôi đi thiến để giúp hạn chế lượng thú sinh ra mà không có khả năng chăm sóc và tiêm phòng thường xuyên.
    • Cuối cùng, gọi cho cơ quan kiểm soát động vật để loại bỏ tất cả các động vật đi lạc trong khu phố nơi bạn ở, bởi những động vật này có lẽ không được tiêm phòng hoặc đã bị bệnh dại.

    Thời gian tiêm vaccine bệnh dại cho vật nuôi

    Chó và mèo được tiêm phòng bệnh dại lần đầu tiên vào lúc 4-6 tháng tuổi. Sau đó, chúng được tiêm vaccine ba năm một lần.

    Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc tiêm phòng cho chó và mèo. Liệu tiêm phòng vaccine có thực sự cần thiết? Tuy nhiên trong nhiều thập kỷ gần đây, ngoài việc tiêm phòng cho thú cưng, chúng ta không có nhiều lựa chọn khác.

    Cần lưu ý gì khi tiếp xúc với vật nuôi để không bị nhiễm virus dại?

    Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh dại gần đây đang giảm đáng kể, nhưng khả năng nhiễm dại vẫn tồn tại và bạn không nên xem nhẹ. Bạn cần thực hiện những việc sau đây khi tiếp xúc với động vật để tránh bị nhiễm dại:

    • Đừng tiếp cận hoặc xử lý xác động vật hoang dã. Liên lạc với cơ quan kiểm soát động vật để họ xử lý vấn đề đó giúp bạn.
    • Tiêm phòng cho thú cưng đúng lịch.
    • Nếu bất cứ ai bị động vật dại cắn, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế hoặc đến bệnh viện ngay lập tức.
    • Nếu thú cưng của bạn bị cắn bởi động vật khác, hãy đưa chúng đến bác sĩ thú y, đồng thời cách ly khỏi gia đình bạn cho đến khi đảm bảo chúng không bị nhiễm dại.
    • Rửa vết cắn động vật ngay lập tức bằng xà phòng và nước, sử dụng thêm thuốc sát trùng nếu có.
    • Khi bị cắn, bạn nên bắt động vật đã cắn mình lại và đưa nó cho các chuyên gia thú y để tìm hiểu xem chúng có bị dại hay không. Nhưng cần lưu ý, không nên tự bắt nó mà phải nhờ đến cơ quan kiểm soát động vật.
    • Nếu thấy dơi trong phòng ngủ sau khi thức dậy, bạn cần đến bệnh viện để tiêm phòng vaccine ngay bất kể có bị dơi cắn hay không, vì vết cắn của dơi thường rất nhỏ và ít gây ra cảm giác cho nạn nhân.

    Điều trị kịp thời sau khi cắn hoặc tiếp xúc với động vật dại sẽ làm tăng hiệu quả ngừa bệnh lên 100%. Nhờ vậy, sẽ có rất ít người chết vì bệnh dại và đa số những người đó là do không được điều trị kịp thời.

    Ngày thế giới phòng chống bệnh dại

    Kể từ khi ra mắt vào ngày 28/9/2007, Ngày thế giới phòng chống bệnh dại đã giúp nâng cao nhận thức cho hơn 200 triệu người và tiêm phòng cho hàng triệu con chó thông qua các sự kiện ở 150 quốc gia.

    Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại rất quan trọng vì hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều xảy ra ở các quốc gia có nguồn lực y tế công cộng không đủ, khả năng tiếp cận điều trị dự phòng hạn chế. Từ năm 1982, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo nên tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó thay vì loại bỏ hết chó hoang để kiểm soát bệnh dại.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 12/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo