backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

6 lý do bạn còn triệu chứng ho dù đã hết cảm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 29/04/2023

Bạn đang cần các sản phẩm này? Hãy đặt mua thông qua đường dẫn trên trang nhé! Hoàn toàn không thêm phụ phí và bạn cũng giúp chúng tôi có một khoản hoa hồng nhỏ. Tìm hiểu ngay về hệ thống liên kết của chúng tôi tại đây!

    6 lý do bạn còn triệu chứng ho dù đã hết cảm

    Bạn có thể xem toàn bộ thông tin về bệnh COVID-19 do coronavirus tại đây!

    Trong mùa dịch bệnh Covid-19, những cơn ho dù đã hết cảm kéo dài khiến mọi người xung quanh lo lắng. Vậy nguyên nhân do đâu mà bạn vẫn còn triệu chứng ho ngay cả khi đã hết cảm?

    Một trong những triệu chứng phổ biến nhất khi bị cảm lạnh là ho. Tình trạng này kèm theo triệu chứng sổ mũi, hắt hơi, đau họng và mệt mỏi. Thông thường khi bạn hết bị cảm lạnh, các triệu chứng do tình trạng này gây ra sẽ biến mất. Tuy nhiên, một số người sẽ có triệu chứng ho kéo dài hơn một chút.

    Vậy tại sao triệu chứng ho vẫn xuất hiện dai dẳng ngay cả khi bạn đã hết cảm? Bạn hãy cùng tìm hiểu 6 lý do dưới đây nhé!

    1. Ho do phản xạ bảo vệ

    Ho dù đã hết cảm

    Cơ thể con người là một bộ máy hoàn hảo với nhiều cơ chế khác nhau để bảo vệ sức khỏe. Ho cũng là một trong những cơ chế nhằm giúp loại bỏ những thứ trong phổi gây kích ứng hay dịch nhầy làm khó chịu cổ họng. Một cách khác, ho giúp bảo vệ đường thở của bạn khỏi mọi thứ đi vào phổi để bạn không bị tắc nghẽn đường thở.

    Chẳng hạn như một số trường hợp vô tình thức ăn hoặc thức uống lọt đường thở, cơ thể sẽ tự động kích thích ho, đẩy ra từ mũi hoặc miệng. Ho là một cơ chế phản xạ mà cơ thể phát triển để bảo vệ đường thở nên thường khiến bạn ho dù đã hết cảm.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: Ho khan kéo dài là bệnh gì?

    2. Ho do nhiễm trùng đường hô hấp trên

    Ho dù đã hết cảm do nhiễm trùng hô hấp

    Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên dù đã điều trị khỏi, nhưng đôi lúc bạn vẫn có nguy cơ bị sót lại một số tình trạng viêm bên trong. Vì vậy, bạn vẫn có thể bị ho ngay cả sau khi bệnh đã được chữa khỏi và bạn đã bắt đầu cảm thấy các triệu chứng hồi phục. Phổi khá nhạy cảm nên một khi bộ phận này bị viêm và kích thích thì sẽ dễ dàng gây ho ngay lập tức.

    Khi bạn bị những bệnh liên quan đến hô hấp, bạn nên bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể để giúp làm loãng chất nhầy trong phổi và xoang, từ đó dễ dàng loại bỏ chúng khỏi cơ thể. Nếu dịch nhầy quá đặc và dính sẽ rất khó để bạn loại bỏ khỏi phổi. Do đó, việc bổ sung nước sẽ giúp cơ thể hoạt động hiệu quả vì khi dịch nhầy lỏng hơn sẽ giúp bạn hít thở dễ dàng.

    Nếu bạn bị nhiễm trùng đường hô hấp như bị viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra thì một trong những cách hiệu quả nhất là luôn uống nhiều nước. Hiện nay, dịch Covid-19 là một trong những bệnh về hô hấp lây trực tiếp từ người sang người, thậm chí bệnh còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng tính mạng. Các triệu chứng coronavirus chủng mới này thường là ho, sốt, khó thở…

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: Phòng ngừa Covid-19: Những điều nên và không nên

    3. Ho do viêm xoang

    Ho dù đã hết cảm do viêm xoang

    Bạn bị nhiễm trùng đường hô hấp trên với các triệu chứng gây tắc nghẽn, viêm xoang hoặc chảy nước mũi. Khi bạn nằm xuống giường, chất nhầy chảy xuống phía sau cổ họng đường thở trên, khiến bạn bị ho dù đã hết cảm.

    Ho vào ban đêm sẽ gây khó chịu hơn vì bạn sẽ gặp khó khăn khi ngủ. Nếu ho vào ban ngày, bạn vẫn có thể tiếp tục với các hoạt động thường ngày. Tuy nhiên khi vào cuối ngày, ho có thể khiến bạn khó chịu, mệt mỏi và mất ngủ.

    Đối với một số bệnh nhân, ho có thể nghiêm trọng đến mức gây mất ngủ kéo dài làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động trong ngày cũng như sức khỏe tổng thể. Trong trường hợp này, bạn có thể cân nhắc thảo luận cùng bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm ho với codein để giảm bớt phản xạ ho và hỗ trợ giấc ngủ.

    4. Ho do tình trạng viêm mãn tính

    Ho do tình trạng viêm mãn tính

    Ho xảy ra do các tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp thường sẽ kéo dài dai dẳng. Tuy nhiên, đây chỉ là một phản xạ bình thường giúp tự bảo vệ cơ thể. Nếu bạn vẫn còn ho và cảm thấy đuối sức sau 3 tuần, bạn cần thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán rõ hơn về nguyên nhân gây ho.

    Khi thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra liệu bạn có phải đang bị ho mãn tính hay không, tức là triệu chứng ho đã kéo dài hơn 3 tuần. Điều này thường sẽ xảy ra đối với hầu hết các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc bất kỳ bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nào khác. Các nguyên nhân phổ biến mà bạn thường thấy là:

    • Hen suyễn
    • Dị ứng động vật và môi trường
    • Trào ngược axit dạ dày (do gây kích thích đường hô hấp trên khi ngủ)
    • Tác dụng phụ của thuốc, bao gồm một số thuốc huyết áp và thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen và aspirin

    Bệnh liên quan đến đường hô hấp có thể lây lan sang người khác nếu bạn bị ho do nhiễm virus corona. Dù không biết triệu chứng ho của bạn có nguy hiểm và có lây lan không nhưng bạn cũng nên cách ly tại nhà trong mùa dịch, tránh tiếp xúc gần với cộng đồng để không gia tăng cơ hội cho virus lây lan.

    5. Ho do viêm phế quản phổi

    Ho do viêm phế quản phổi

    Mặc dù các triệu chứng cảm cúm như sổ mũi và đau họng đã hết nhưng bạn vẫn có thể bị ho dai dẳng do viêm phế quản. Triệu chứng ho có thể tăng lên, có đờm màu trong, vàng, xanh hoặc có thể có máu, có thể có sốt hoặc không. Viêm phế quản thường phát triển từ các tình trạng cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác.

    Nếu bạn bị viêm phế quản nhiều lần, đó có thể là vấn đề y tế mãn tính và cần được chăm sóc y tế. Viêm phế quản mãn tính là một trong những yếu tố gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

    6. Ho do triệu chứng bệnh nghiêm trọng

    Dịch bệnh covid-19

    Ho kéo dài kèm theo những triệu chứng khác nhau có thể cảnh báo nhiều chứng bệnh nghiêm trọng bao gồm:

    Ung thư phổi

    Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong những trường hợp ho dai dẳng, ung thư phổi là nguyên nhân gây ra dưới 2% trong số đó. Người có tiền sử hút thuốc lá có thể tiềm ẩn yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ung thư phổi. Những dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng về ung thư phổi kèm theo bao gồm giảm cân, khó thở, ho ra máu.

    Lao phổi

    Ho có thể là một trong những triệu chứng cảnh báo bạn bị nhiễm bệnh lao (TB). Một số triệu chứng bạn có thể mắc kèm bao gồm đổ mồ hôi đêm, giảm cân đột ngột và sốt nhẹ.

    Khi triệu chứng ho xuất hiện trong thời gian nhạy cảm với dịch bệnh, nhiều người thường dễ bị nhầm lẫn các chứng bệnh khác nhau. Để phân biệt các triệu chứng gây ra do Covid-19 và do các tình trạng khác, bạn có thể tham khảo bảng phân biệt các triệu chứng bệnh sau đây:

    Bảng phân biệt bệnh
    Nguồn tham khảo: Business Insider

    Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn lý do tại sao bạn vẫn ho dù đã hết cảm. Trong mùa dịch bệnh Covid-19, các triệu chứng bệnh thường dễ khiến bạn bị nhầm lẫn và lo lắng nhiều hơn. Do đó, bạn cần bình tĩnh xem xét các triệu chứng đáng nghi ngờ và gọi sự trợ giúp y tế khi cần nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 29/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo