backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Nhiễm giun đầu gai nguy hiểm nguy hiểm như thế nào, cách điều trị và phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 24/04/2023

Nhiễm giun đầu gai nguy hiểm nguy hiểm như thế nào, cách điều trị và phòng ngừa

Thói quen ăn thực phẩm tái sống từ động vật như các loài thủy sản nước ngọt như cá, lươn, ếch; hải sản cùng các loại thịt như thịt lợn, thịt gà… có thể khiến bạn nhiễm phải một loại ký sinh trùng nguy hiểm là giun đầu gai.

Bệnh nhiễm giun đầu gai (Gnathostoma) thường xảy ra ở các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản, Mỹ Latinh, Trung Quốc, Ấn Độ và châu Phi. Ở Việt Nam, số ca bệnh này được báo cáo đứng thứ 3 châu Á, ở cả người dân địa phương và du khách. Trong một số trường hợp, giun đầu gai có thể xâm nhập vào các mô của cơ thể như gan và mắt và các dây thần kinh, tủy sống hoặc não, dẫn đến dẫn đến đau ở hạ sườn phải, vùng thượng vị, giảm thị lực hoặc mù lòa, đau dây thần kinh, tê liệt, hôn mê, thậm chí là tử vong tử vong.

Để tìm hiểu rõ hơn về loài ký sinh trùng gây bệnh cũng như những triệu chứng gặp phải và cách điều trị, mời bạn đọc tiếp những thông tin mà Hell Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau.

Giun đầu gai là gì bệnh gì?

Giun đầu gai gây ra bệnh gì?

Giun đầu gai thuộc ngành giun tròn Nematoda với các loài thuộc chi Gnathostioma spp.. Trong đó, loài gây bệnh thường thấy ở người là Gnathostioma spinigerum, các loài khác có khả năng gây bệnh lây truyền từ động vật sang người gồm G. hispidum, G. doloresi, G. binucleatum, G. nipponicum.

Loài giun này đặc trưng bởi một đầu tròn hình củ với một viền tròn bao quanh miệng trên trục thẳng đứng. Phần đầu bao phủ bởi những hàng nhú gai nhọn. Bệnh nhiễm giun đầu gai được chẩn đoán phổ biến nhất ở châu Á, đặc biệt là ở Thái Lan, các khu vực khác của Đông Nam Á và Nhật Bản. Tình trạng nhiễm ký sinh trùng này cũng đã được ghi nhận ở các khu vực khác, bao gồm Nam và Trung Mỹ và châu Phi. Người bệnh nhiễm phải do ăn phải thực phẩm bị nhiễm ấu trùng giai đoạn 3 của các loài giun Gnathostioma spp..

Chu kỳ phát triển của giun đầu gai

chu kỳ phát triển giun đầu gai
Nguồn: https://www.cdc.gov/dpdx/gnathostomiasis/index.html

1. Trong các vật chủ chính trong tự nhiên (heo, chó, mèo…), giun trưởng thành cư trú trong thành dạ dày, một số loài còn được tìm thấy ở thực quản hoặc thận. Khi giun giao phối, chúng tạo ra những quả trứng không phôi và theo phân đi ra ngoài cơ thể vật chủ.

2. Trứng bắt đầu có phôi sau 1 tuần ở trong nước và sau đó giải phóng ấu trùng giai đoạn 1 (L1).

3. Khi các loài nhuyễn thể nhỏ – vật chủ trung gian thứ nhất – ăn phải ấu trùng L1 thì các ấu trùng này sẽ lột xác 2 lần để trở thành ấu trùng giai đoạn 3 sớm (EL3).

4. Các nhuyễn thể mang ấu trùng EL3 bị ăn bởi một vật chủ trung gian thứ hai thích hợp (cá, ếch). Khi đó ấu trùng giai đoạn 3 sớm di chuyển vào các mô của vật chủ và phát triển thành ấu trùng 3 tiến triển (AL3).

5. Khi vật chủ trung gian thứ hai bị vật chủ chính ăn phải, ấu trùng AL3 sẽ phát triển thành ký sinh trùng trưởng thành cư trú tại thành dạ dày.

6. Ngoài ra, vật chủ trung gian thứ hai cũng có thể bị ăn bởi một vật chủ chứa (paratenic host) như lươn, rắn, gà, vịt. Tuy nhiên, ấu trùng AL3 không phát triển thêm trong cơ thể vật chủ này nhưng vẫn gây nhiễm.

7. Con người bị nhiễm bệnh giun đầu gai khi ăn phải thịt sống hay chưa nấu chín từ các vật chủ trung gian hoặc vật chủ chứa ấu trùng giai đoạn 3 tiến triển. Trong cơ thể người, ấu trùng AL3 chui qua thành dạ dày, di chuyển đến nhiều mô khác nhau và có thể phát triển đến hình dạng giống con trưởng thành nhưng không có khả năng sinh sản. Khi đó, ấu trùng giun đầu gai trưởng thành này có thể có kích thước từ 2mm đến khoảng 2cm tùy theo loài và mức độ phát triển.

Khả năng nhiễm bệnh ở người khi uống nước hay ăn phải các con giáp xác nhỏ, nhuyễn thể nhiễm ấu trùng giai đoạn sớm vẫn chưa rõ ràng.

Người bị nhiễm giun đầu gai có những triệu chứng nào?

Dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm giun đầu gai

triệu chứng nhiễm giun đầu gai dưới da

Các triệu chứng của bệnh giun đầu gai được cho là có liên quan đến sự di chuyển của loài ký sinh trùng này trong cơ thể. Nếu bạn ăn phải ký sinh trùng:

  • Ở giai đoạn đầu: Giun đầu gai di chuyển qua thành dạ dày hoặc ruột và gan, nhiều người không có triệu chứng nhưng một số bệnh nhân lại có thể bị sốt, mệt mỏi quá mức, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc đau bụng. Giai đoạn này có thể kéo dài 2 – 3 tuần. 
  • Giai đoạn sau: Khi ký sinh trùng di chuyển dưới da, người bệnh có thể có triệu chứng bị sưng dưới da có thể đau, đỏ hoặc ngứa. Các vết sưng thường bắt đầu xuất hiện trong vòng 3 – 4 tuần sau khi ăn phải ký sinh trùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, triệu chứng này cũng có thể xảy ra trong khoảng 10 năm sau khi bạn bị nhiễm trùng. Các vết sưng thường kéo dài vài tuần.
  • Nhiễm giun đầu gai gây ra những triệu chứng gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, người bệnh có thể gặp một trong các biểu hiện lâm sàng sau:

    • Toàn thân: khó chịu nhẹ, sốt, nổi mề đay, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và đau vùng thượng vị.
    • Da và mô mềm: Người bệnh nổi mề đay mạn tính, nổi u cục có kích thước to nhỏ không đều, khi ấn không có biểu hiện lõm, u có khả năng chuyển (hội chứng ấu trùng di chuyển dưới da); có thể đau tại u cục hoặc sưng đau cơ; nổi hạch ở một số vùng, áp xe dưới da do ấu trùng ký sinh gây bội nhiễm…
    • Hệ hô hấp: Ấu trùng giun đầu gai gây đông đặc phổi hoặc xẹp phổi, tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, tràn dịch và khí màng phổi, người bệnh ho, đau ngực, khó thở, ho ra máu.
    • Hệ tiêu hóa: Ấu trùng thường ký sinh ở gan khiến người bệnh đau ở hạ sườn phải, vùng thượng vị, có khối ở vùng hạ sườn phải (biểu hiện qua xét nghiệm hình ảnh). Ở dạ dày gây đau dạ dày. Ấu trùng có thể lạc đến xoang bụng tạo thành các khối u ở bụng, người bệnh có dấu hiệu giống như viêm ruột thừa, viêm túi mật hoặc giả khối tổn thương ở ruột.
    • Hệ tiết niệu: Người bệnh tiểu ra máu, bí tiểu.
    • Nhãn khoa: Người bệnh có thể bị giảm thị lực, sợ ánh sáng, viêm màng bồ đào, đau, viêm mống mắt, xuất huyết nội nhãn, tăng nhãn áp, sẹo/ bong võng mạc, thậm chí là mù lòa.
    • Tai: giảm thính lực và/ hoặc ù tai.
    • Hệ thần kinh trung ương: Tình trạng ấu trùng giun đầu gai xâm nhập vào dây thần kinh hoặc cột sống thường dẫn đến tình trạng viêm tủy rễ thần kinh, viêm não, viêm màng não, đau thần kinh kèm tê liệt hoặc giảm cảm giác trong vài ngày, liệt dây thần kinh sọ.

    Có thể bạn quan tâm

    Dấu hiệu và triệu chứng khi nhiễm giun đầu gai rất đa dạng. Bất kỳ hệ thống cơ quan nào cũng có thể bị ảnh hưởng nhưng biểu hiện thường gặp nhất là sưng cục bộ ở da và mô dưới da, vùng sưng u có thể di chuyển và không xuất hiện liên tục. Các vết sưng thường gây đau, ngứa hoặc có ban đỏ.

    Nguyên nhân nhiễm giun đầu gai là do đâu?

    nguy cơ nhiễm giun ký sinh trùng

    Nguyên nhân gây nhiễm giun đầu gai

    Qua chu kỳ phát triển của giun đầu gai ở trên, một người có thể nhiễm phải loại ký sinh trùng này khi ăn các loại cá nước ngọt, lươn, ếch hay chim chưa được nấu chín kỹ và có mang mầm bệnh. Dù chưa được chứng minh nhưng bạn cũng có khả năng nhiễm bệnh khi nuốt phải những con bọ chét nước, rận nước bị nhiễm bệnh hay qua tiếp xúc với ấu trùng giun trong khi xử lý thịt động vật sống nhiễm bệnh.

    Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy ít có trường hợp nhiễm ký sinh trùng này khi ăn các loại sushi sử dụng cá nước mặn. Các chính sách, quy định nghiêm ngặt về nguồn cung cấp và lưu trữ thực phẩm tươi sống cũng giúp đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dùng.

    Vì con người không phải là vật chủ chính của loài giun này nên ấu trùng không phát triển hoàn toàn thành giun trưởng thành được và không thể sinh sản. Do đó, chúng tạm ký sinh và di chuyển lang thang bên trong cơ thể gây ra những tổn thương tại vị trí đích mà chúng trú ẩn. Do đó, đáp án cho thắc mắc giun đầu gai có lây từ người sang người không là không bạn nhé.

    Yếu tố nguy cơ

    Những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm giun đầu gai:

    • Đi du lịch đến vùng có tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng qua đường ăn uống cao và ăn những món chưa được nấu chín kỹ.
    • Yếu tố nghề nghiệp liên quan đến tiếp xúc với nguồn thực phẩm sống dễ nhiễm bệnh (nhân viên nuôi trồng, chế biến, đóng gói thực phẩm sống…)
    • Một số món ăn truyền thống làm từ cá nước ngọt sống hoặc tái, không được nấu chín, như gỏi, sushi, sashimi…

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Nhiễm giun đầu gai được chẩn đoán như thế nào?

    Bác sĩ sẽ nghi ngờ bạn bị nhiễm giun đầu gai khi thấy có các vùng sưng u ở dưới da, có tính di chuyển khắp cơ thể và mức độ bạch cầu ái toan cao trong máu (thông qua kết quả xét nghiệm). Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ hỏi bạn có thường ăn những thực phẩm sống hay tái, chưa được nấu chín kỹ hay không. Đồng thời, một số xét nghiệm sẽ được thực hiện để đưa ra chẩn đoán:

    • Soi trực tiếp tìm ấu trùng giun đầu gai ở các vết loét
    • Xét nghiệm máu đo hàm lượng bạch cầu ái toan
    • Xét nghiệm miễn dịch học ELISA phát hiện kháng thể khi nhiễm giun đầu gai

    Các phương pháp điều trị giun đầu gai

    tẩy giun cho trẻ em người lớn

    Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn điều trị phù hợp, có thể là sử dụng thuốc trị giun sán hoặc phẫu thuật để loại bỏ ấu trùng giun.

    Thuốc trị giun

    Hai loại thuốc trị giun cho thấy hiệu quả cao ở người bệnh nhiễm giun đầu gai ảnh hưởng đến da là albendazoleivermectin.

    Sử dụng thuốc albendazole cho thấy tỷ lệ chữa khỏi lên đến 94%, có thể dùng hỗ trợ trong trường hợp phẫu thuật. Liều lượng khuyến cáo là:

    • Người lớn: uống 400mg chia làm 1 hoặc 2 lần/ ngày, dùng trong 21 ngày.
    • Trẻ em: uống 15mg/kg/ngày chia làm 1 hoặc 2 lần/ ngày, dùng trong 21 ngày.

    Thuốc ivermectin được dùng ở liều 0,2mg/kg trong 2 ngày. Ở liều cao, thuốc ivermectin cho thấy tỷ lệ chữa khỏi lên đến 100% nhưng kém hiệu quả hơn albendazole khi dùng ở liều thấp.

    Lưu ý, chống chỉ định dùng thuốc trị giun sán cho phụ nữ mang thai.

    Ngoài ra, thuốc corticosteroid cũng có khi được sử dụng để giảm viêm ở thần kinh trung ương do giun đầu gai gây ra.

    Phẫu thuật

    Cách điều trị tốt nhất để tiêu diệt dứt điểm là mổ các khối u để lấy ấu trùng giun ra. Phương pháp này chỉ thực hiện được trong trường hợp nhìn thấy vùng sưng u chứa giun dưới da hay giun chui vào mắt.

    Phòng ngừa

    phòng tránh nhiễm giun đầu gai

    Bạn có thể phòng ngừa bệnh nhiễm giun đầu gai như thế nào?

    Những điều cần ghi nhớ để hạn chế, ngăn ngừa bị nhiễm giun sán nói chung hay giun đầu gai nói riêng là:

    • Tránh ăn thịt, cá, hải sản sống hoặc chưa nấu chín kỹ. Nếu vẫn muốn thưởng thức những món ăn tươi sống, bạn nên lựa chọn nguồn thực phẩm hoặc cơ sở cung cấp uy tín, đảm bảo vệ sinh. Thịt nên được đông lạnh ở nhiệt độ -20ºC trong 3–5 ngày để có thể giết chết ấu trùng giun.
    • Nên uống nước đun sôi để nguội, nhất là khi ở những khu vực có tỷ lệ mắc bệnh nhiễm ký sinh trùng qua đường ăn uống cao. Uống nước đóng chai nếu bạn đi du lịch hay công tác tại những nơi có điều kiện vệ sinh kém.
    • Đeo găng tay hoặc rửa tay thường xuyên khi phải xử lý, tiếp xúc với nguồn nước hay thịt động vật có nguy cơ nhiễm mầm bệnh.

    Bệnh do giun đầu gai thường hiếm khi gây tử vong, trừ những trường hợp giun lên não và gây ra những bệnh ở hệ thần kinh trung ương. Bệnh có khả năng kéo dài dai dẳng do nhiều mô bị tổn thương trong quá trình giun di chuyển. Tốt hơn hết, bạn nên chú ý thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 24/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo