backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Viêm đường hô hấp cấp tính: Căn bệnh này nguy hiểm như thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 30/11/2022

    Viêm đường hô hấp cấp tính: Căn bệnh này nguy hiểm như thế nào?

    Viêm đường hô hấp cấp tính là một căn bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em và người lớn tuổi. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị đúng cách.

    Thời tiết thay đổi chính là yếu tố thuận lợi khiến bạn và người thân dễ mắc phải các bệnh về hô hấp, đặc biệt là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính. Nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cùng với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen suyễn… là 3 trong những nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất trên thế giới. Theo ước tính, những bệnh nhiễm trùng này có thể là nguyên nhân gây ra gần 4 triệu ca tử vong mỗi năm và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.

    Viêm đường hô hấp cấp tính là gì?

    Nhiều người thường thắc mắc viêm đường hô hấp cấp là gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, viêm đường hô hấp cấp tính là một căn bệnh nhiễm trùng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hô hấp của người bệnh. Bệnh thường ảnh hưởng đến đường hô hấp trên (mũi, xoang, hầu – họng, thanh quản) hoặc đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản, tiểu phế quản, các phế nang).

    Tình trạng viêm cấp tính này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em, người lớn tuổi và những người mắc phải các chứng rối loạn hệ miễn dịch.

    Viêm đường hô hấp cấp tính có những dấu hiệu gì?

    bệnh viêm đường hô hấp do Covid-19

    Bệnh viêm đường hô hấp cấp có những triệu chứng gì? Theo các chuyên gia các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp thường khác nhau và tùy thuộc vào việc bạn bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên hay dưới. Những triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm:

    • Ho
    • Đau cổ họng
    • Đau nhức toàn thân
    • Mệt mỏi
    • Chứng viêm long đường hô hấp như chảy nước mũi, tăng tiết đờm
    • Tắc nghẽn ở các xoang mũi hoặc ở phổi
    • Sốt cao trên 39˚C và ớn lạnh
    • Chóng mặt, khó thở
    • Ngất xỉu…

    Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp cấp tính

    Đọc đến đây hẳn bạn sẽ thắc mắc vậy nguyên nhân gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp là do đâu? Câu trả lời là viêm đường hô hấp có thể xảy ra do bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây các bệnh về đường hô hấp như adenovirus, phế cầu, rhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV)… Các tác nhân gây bệnh này có khả năng lây lan qua các dịch tiết như nước bọt hay tồn tại trên các bề mặt trong thời gian nhất định.

    Một số tình trạng viêm đường hô hấp trên bao gồm:

    Các vấn đề viêm đường hô hấp dưới bao gồm:

    • Viêm phế quản
    • Viêm phổi
    • Viêm tiểu phế quản.

    Những đối tượng có nguy cơ bị viêm đường hô hấp cấp tính

    Ai cũng có nguy cơ mắc phải các bệnh lý này bởi vì việc phòng tránh tiếp xúc với các loại virus hay vi khuẩn gây bệnh là một điều tương đối bất khả thi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ và người cao tuổi là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất bởi vì hệ miễn dịch của họ thường dễ bị vi khuẩn, virus tấn công.

    Những người mắc bệnh tim mạch, các bệnh lý về phổi hay bất kỳ ai có hệ miễn dịch yếu cũng đều dễ mắc phải bệnh này. Ngoài ra, việc hút thuốc lá thường xuyên cũng là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh viêm đường hô hấp ở người lớn.

    Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính được chẩn đoán như thế nào?

    chẩn đoán bệnh viêm đường hô hấp

    Bệnh viêm đường hô hấp được chẩn đoán như thế nào? Câu trả lời là để chẩn đoán bệnh, bác sĩ thường tập trung vào việc kiểm tra hơi thở bằng cách dùng ống nghe để phát hiện ra những âm thanh bất thường trong phổi khi bạn thở. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ quan sát kỹ lưỡng mũi, tai và cổ họng của bạn. Nếu bạn có dấu hiệu mắc bệnh viêm đường hô hấp dưới thì bác sĩ sẽ yêu cầu bạn chụp X-quang ngực hoặc CT-scan để kiểm tra tình trạng phổi.

    Các xét nghiệm kiểm tra chức năng phổi cũng đem lại nhiều lợi ích cho việc chẩn đoán bệnh. Việc sử dụng các thiết bị kiểm tra độ bão hòa của oxy trong máu sẽ giúp các bác sĩ xác định được lượng oxy mà phổi đã hấp thu. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ lấy mẫu đờm sau khi bạn ho để tiến hành xét nghiệm, xác định loại virus hoặc vi khuẩn gây bệnh.

    Điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính

    Viêm đường hô hấp cấp tính chủ yếu là do virus gây ra. Do đó, hầu hết các phương pháp điều trị bệnh đều tập trung vào việc điều trị các triệu chứng.

    Nếu nguyên nhân gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp là do vi khuẩn gây ra, bác sĩ sẽ kê cho bạn các loại thuốc kháng sinh để điều trị.

    Biến chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp

    Những biến chứng của bệnh viêm đường hô cấp tính thường rất nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Sau đây là những biến chứng thường gặp:

    • Ngưng hô hấp: Xảy ra khi phổi dừng hoạt động
    • Suy hô hấp: Xảy ra khi nồng độ CO2 trong máu quá cao do phổi không còn hoạt động tốt
    • Bệnh suy tim sung huyết.

    Phòng ngừa bệnh hiệu quả

    Bạn có thể tiêm phòng các loại vắc xin như MMR (vắc xin tổng hợp phòng sởi, quai bị và rubella) hoặc pertussis (vắc xin phòng bệnh ho gà) để hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp.

    Ngoài ra, trong các hoạt động hằng ngày, bạn nên tránh dùng tay chạm vào mặt, đặc biệt là mắt và miệng để ngăn ngừa các vi trùng xâm nhập vào cơ thể. Bạn cũng nên đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và xây dựng thói quen rửa tay đúng cách để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh.

    Việc từ bỏ thói quen hút thuốc lá (nếu có) cũng là một điều quan trọng giúp bạn phòng tránh bệnh này một cách hiệu quả.

    Đừng chủ quan, viêm đường hô hấp cấp tính nếu không được điều trị dứt điểm có thể dẫn đến viêm đường hô hấp mạn tính. Điều này sẽ khiến cho việc điều trị bệnh trở nên khó khăn và kéo dài hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 30/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo