backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Liên cầu khuẩn nhóm A: Nguyên nhân gây nhiều tình trạng nhiễm trùng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 14/12/2023

    Liên cầu khuẩn nhóm A: Nguyên nhân gây nhiều tình trạng nhiễm trùng

    Liên cầu khuẩn nhóm A có thể gây ra nhiều tình trạng nhiễm trùng và biến chứng từ nhẹ đến nặng. Việc hiểu về loại vi khuẩn này, con đường lây lan, những vấn đề gặp phải cũng như cách phòng ngừa sẽ giúp bạn hạn chế được nguy cơ phơi nhiễm.

    Trong bài viết dưới đây, mời bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm về liên cầu khuẩn nhóm A nhé.

    Liên cầu khuẩn nhóm A là gì? Lây lan như thế nào? 

    Để biết rõ hơn về liên cầu khuẩn nhóm A, trước hết hãy cùng tìm hiểu liên cầu khuẩn nhóm A là gì và được lây lan qua con đường nào nhé.

    1. Liên cầu khuẩn nhóm A là gì?

    Liên cầu khuẩn nhóm A (Group A Streptococcus – GAS) là một loại vi khuẩn có khả năng gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng và biến chứng từ nhẹ đến nặng. Loại vi khuẩn này còn được gọi là Strep nhóm A, Strep A hay Streptococcus pyogenes.

    Thông thường, liên cầu khuẩn nhóm A sẽ gây nhiễm trùng ở cổ họng (viêm họng), amidan (viêm amidan), sốt tinh hồng nhiệt (sốt Scarlet), lở loét da (bệnh chốc), nhiễm trùng da… Trong một số trường hợp ít gặp, loại vi khuẩn này có thể gây nên một tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng là bệnh liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn (iGAS). Nặng hơn, đây còn là tác nhân dẫn đến các biến chứng như bệnh thận, sốt thấp khớp cấp tính, các vấn đề về da, khớp, tim hay não…

    2. Liên cầu khuẩn nhóm A lây lan như thế nào? 

    Vi khuẩn Streptococcus nhóm A có khả năng lây lan từ người sang người thông qua các con đường như:

    • Hít phải những giọt bắn chứa vi khuẩn bay trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi
    • Tiếp xúc với dịch tiết (nước bọt hoặc chất nhầy) từ mũi hoặc miệng của người bệnh
    • Uống chung ly hoặc dùng chung đồ dùng với người bệnh
    • Chạm vào vết thương bị nhiễm trùng hoặc vết loét trên da của bệnh nhân

    Vi khuẩn dễ lây lan nhất trong giai đoạn người bệnh có biểu hiện các triệu chứng của bệnh.

    Liên cầu khuẩn nhóm A gây ra những vấn đề gì? 

    Liên cầu khuẩn nhóm A gây ra bệnh gì

    Như đã đề cập, liên cầu khuẩn nhóm A có thể gây ra nhiều tình trạng nhiễm trùng. Dưới đây là một số tình trạng nhiễm trùng thường gặp do loại vi khuẩn này:

    1. Viêm họng do liên cầu khuẩn 

    Viêm họng liên cầu khuẩn là tình trạng nhiễm trùng ở cổ họng và amidan do vi khuẩn Streptococcus nhóm A gây ra. Thông thường, người phơi nhiễm với liên cầu khuẩn nhóm A phải mất khoảng 2 – 5 ngày mới có các biểu hiện viêm họng liên cầu khuẩn

    Nhìn chung, viêm họng do liên cầu khuẩn là một bệnh nhẹ nhưng có thể khiến người bệnh khó chịu. Một số triệu chứng phổ biến của bệnh là:

    • Sốt, ớn lạnh
    • Đau khi nuốt
    • Đau họng khởi phát nhanh, họng có thể sưng đỏ
    • Amidan sưng, tấy đỏ
    • Các mảng trắng hoặc vệt mủ xuất hiện trên amidan
    • Những đốm xuất huyết nhỏ, màu đỏ trên vòm miệng
    • Các hạch bạch huyết phía trước cổ sưng lên
    • Đau đầu, đau cơ
    • Nôn mửa, buồn nôn, đau bụng
    • Ăn mất ngon… 

    2. Sốt tinh hồng nhiệt 

    Liên cầu khuẩn nhóm A gây sốt tinh hồng nhiệt

    Một số người phơi nhiễm với liên cầu khuẩn nhóm A có thể bị sốt tinh hồng nhiệt, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi đi học. Các triệu chứng của sốt tinh hồng nhiệt sẽ tương tự như viêm họng do liên cầu khuẩn, đồng thời bao gồm thêm các dấu hiệu:

    • Phát ban da màu hồng hoặc đỏ, thường bắt đầu ở mặt và cổ, sau đó lan xuống cánh tay, chân và khắp cơ thể. Các nốt ban có xu hướng dễ nhận thấy hơn ở quanh các khu vực có nếp gấp da như nách, háng, khuỷu tay hay đầu gối.
    • Khuôn mặt đỏ bừng nhưng vùng miệng nhợt nhạt
    • Lưỡi đỏ tươi và mấp mô, còn gọi là lưỡi dâu tây

    3. Nhiễm trùng da liên cầu khuẩn

    Liên cầu khuẩn nhóm A có thể gây ra một số tình trạng nhiễm trùng da, phổ biến là bệnh chốc lở và viêm mô tế bào.

    Bệnh chốc lở thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi đi học với các biểu hiện như sốt, hạch bạch huyết sưng đau, da ngứa đỏ, có mụn nước đóng vảy, thường xuất hiện ở vùng quanh mũi, miệng và chân… Trong khi đó, triệu chứng của viêm mô tế bào bao gồm da đỏ, ấm, sưng hoặc đau; hạch bạch huyết sưng và đau, sốt…

    4. Bệnh liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn (iGAS) 

    Liên cầu khuẩn nhóm A có thể gây nên một tình trạng nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng khi xâm nhập vào các bộ phận của cơ thể mà bình thường không có vi khuẩn. Dạng nhiễm trùng này gọi là bệnh liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn (iGAS), bao gồm các tình trạng như:

  • Nhiễm trùng phổi (viêm phổi)
  • Nhiễm trùng máu 
  • Nhiễm trùng ở hệ thần kinh trung ương (viêm màng não)
  • Nhiễm trùng xương hoặc khớp (viêm tủy xương hoặc viêm khớp nhiễm trùng)
  • Viêm cân mạc hoại tử
  • Hội chứng sốc nhiễm độc
  • Nhiễm trùng sau sinh.
  • Các triệu chứng của bệnh liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn sẽ khác nhau tùy loại nhiễm trùng, có thể bao gồm sốt, ớn lạnh, khó chịu, chóng mặt, đau đầu, đau cơ, khó thở, đau ngực, cứng cổ, nhạy cảm với ánh sáng, nôn mửa, buồn nôn, vị trí nhiễm trùng bị đỏ, ấm, sưng, đau, chảy máu, chảy mủ hoặc loét…

    Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A có thể gây ra những biến chứng gì? 

    Liên cầu khuẩn nhóm A

    Tình trạng nhiễm trùng do liên cầu khuẩn nhóm A có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng do phản ứng miễn dịch bất thường sau nhiễm trùng gây ra. Các biến chứng phổ biến của tình trạng này là bệnh thận, sốt thấp khớp cấp tính và bệnh thấp tim.

    1. Bệnh thận 

    Một biến chứng hiếm gặp gọi là viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu khuẩn có thể xảy ra do phản ứng miễn dịch bất thường sau khi nhiễm liên cầu. Tình trạng này thường xuất hiện từ 1 – 3 tuần sau lần nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A đầu tiên và phổ biến ở trẻ em hơn người lớn. Các triệu chứng của viêm cầu thận là:

    • Nước tiểu sẫm màu hoặc đổi màu
    • Đi tiểu ít
    • Sưng tấy, đặc biệt ở mặt, quanh mắt, tay và chân
    • Mệt mỏi, suy nhược

    Bệnh thường được chẩn đoán qua khám lâm sàng cũng như xét nghiệm nước tiểu và máu để kiểm tra chức năng thận. Việc điều trị chủ yếu bằng kháng sinh nhằm mục đích kiểm soát tình trạng sưng tấy và huyết áp. Hầu hết các bệnh nhân sẽ phục hồi trong vài tuần nhưng một số khác có khả năng gặp vấn đề về thận lâu dài.

    2. Sốt thấp khớp cấp tính và bệnh thấp tim

    Liên cầu khuẩn nhóm A

    Sốt thấp khớp cấp tính thường xảy ra khi tình trạng nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A không được điều trị dứt điểm. Bệnh gây viêm ở nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm da, khớp, tim và não. Sốt thấp khớp cấp tính có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe lâu dài như bệnh thấp tim.

    Dưới đây là một số biểu hiện giúp bạn nhận biết sốt thấp khớp cấp tính:

    • Sốt
    • Viêm và đau ở khớp, phổ biến nhất là khớp đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay và cổ tay
    • Các triệu chứng suy tim sung huyết, bao gồm đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh
    • Mệt mỏi
    • Chuyển động cơ thể không kiểm soát
    • Xuất hiện các nốt sần (cục u không đau) gần khớp hoặc phát ban với các vòng màu hồng có tâm rõ rệt (hiếm gặp). 

    Phòng ngừa nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A

    phòng ngừa liên cầu khuẩn nhóm A

    Trong đa số trường hợp, nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A không phải là tình trạng đáng ngại và có thể hồi phục khi được điều trị phù hợp. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp mà loại vi khuẩn này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần tìm cách bảo vệ bản thân khỏi bị phơi nhiễm. 

    Dưới đây là một số biện pháp mà bạn có thể thực hiện để hạn chế nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A:

    • Tránh tiếp xúc gần với người bệnh
    • Rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn và nước sạch thường xuyên
    • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
    • Vứt khăn giấy ngay sau khi sử dụng
    • Rửa sạch đồ dùng, đĩa và ly sau khi người bệnh sử dụng
    • Ở nhà nghỉ ngơi nếu cảm thấy ốm
    • Vệ sinh sạch sẽ và băng vết thương cho đến khi lành

    Tình trạng nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A thường không quá nguy hiểm nhưng đôi khi có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe và biến chứng  nặng. Vì vậy, bạn nên cố gắng giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt và tránh tiếp xúc với người bệnh để hạn chế nguy cơ phơi nhiễm.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 14/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo