backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Điều trị thiếu máu thiếu sắt bằng những cách nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Lê Hương · Huyết học · Bệnh viện truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh


Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 26/08/2021

    Điều trị thiếu máu thiếu sắt bằng những cách nào?

    Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng cơ thể bị thiếu chất sắt nên không thể sản xuất đủ hemoglobin – một chất trong tế bào hồng cầu giúp chúng vận chuyển oxy. Điều trị thiếu máu thiếu sắt thường là bằng cách bổ sung sắt và một số phương pháp bổ sung khác.

    Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu các cách điều trị thiếu máu thiếu sắt hiệu quả và thường được sử dụng nhất trong bài viết ngay sau đây nhé!

    Làm sao biết mình bị thiếu máu thiếu sắt?

    Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng mà bạn không thể tự chẩn đoán hoặc điều trị mà cần phải có bác sĩ chuyên khoa. Việc tự ý điều trị bằng cách nạp quá nhiều sắt vào cơ thể có thể nguy hiểm vì sự tích tụ sắt dư thừa có thể làm hỏng gan và gây ra các biến chứng khác.

    Muốn điều trị thiếu máu thiếu sắt hiệu quả thì việc chẩn đoán bằng các xét nghiệm là cực kỳ cần thiết. Điều này giúp bác sĩ xác định mức độ bệnh, nguyên nhân và những vấn đề liên quan khác.

    Dưới đây là những xét nghiệm giúp bác sĩ biết được có phải bạn đang bị thiếu máu do thiếu sắt hay không:

    • Phết máu ngoại vi giúp quan sát kích thước và màu sắc hồng cầu. Khi bị thiếu máu do thiếu sắt, các tế bào hồng cầu nhỏ hơn và có màu nhạt hơn so với hồng cầu bình thường.
    • Hematocrit. Kiểm tra xem tổng thể tích hồng cầu trong máu có đạt mức bình thường hay không (tức là trong khoảng từ 35,5 đến 44,9% đối với phụ nữ và 38,3 đến 48,6% đối với nam giới). Các giá trị này có thể thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi.
    • Huyết sắc tố. Nồng độ hemoglobin thấp hơn bình thường gợi ý cho thấy bạn bị thiếu máu thiếu sắt, vì sắt là thành phần để tổng hợp nên hemoglobin. Phạm vi hemoglobin bình thường thường trong khoảng từ 13,2 đến 16,6g/dL đối với nam giới và 11,6 đến 15g/dL đối với phụ nữ.
    • Ferritin. Protein này giúp lưu trữ sắt trong cơ thể. Mức độ ferritin thấp thường cho thấy mức độ dự trữ sắt thấp.

    chẩn đoán và điều trị thiếu máu thiếu sắt

    Nếu chẩn đoán bệnh nhân bị thiếu máu thiếu sắt, bác sĩ có thể chỉ định thử nghiệm điều trị bằng thuốc bổ sung chất sắt. Nếu vẫn không cải thiện được tình trạng thiếu máu, có thể có các xét nghiệm xác định nguyên nhân sẽ được chỉ định:

  • Nội soi dạ dày để tìm xem có tình trạng xuất huyết tiêu hóa hay không
  • Nội soi đại tràng nhằm quan sát bên trong ruột kết và trực tràng, tìm nguồn chảy máu tại đây.
  • Siêu âm vùng chậu cho nữ giới để tìm kiếm nguyên nhân gây chảy máu trong kỳ kinh nguyệt quá nhiều, chẳng hạn như u xơ tử cung.
  • Các phương pháp điều trị thiếu máu thiếu sắt

    Để điều trị thiếu máu thiếu sắt, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên bổ sung chất sắt. Ngoài ra, việc điều trị có thể được bổ sung thêm, tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng thiếu sắt trong cơ thể.

    Các phương pháp điều trị bao gồm:

    Thuốc điều trị thiếu máu thiếu sắt: Chất bổ sung sắt

    Bác sĩ có thể khuyên dùng viên sắt nhằm bổ sung lượng sắt dự trữ trong cơ thể. Đây là phương pháp điều trị thiếu máu thiếu sắt phổ biến nhất. Họ sẽ cho bạn biết liều lượng chính xác cần dùng. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường được kê đơn sắt dạng nước khá tiện dụng.thuốc điều trị thiếu máu thiếu sắt

    Để cải thiện khả năng cơ thể hấp thụ sắt được bổ sung, bạn nên:

    • Uống viên sắt khi bụng đói. Tuy nhiên, nếu sắt gây khó chịu cho dạ dày của bạn thì chuyển sang uống ngay trong bữa ăn.
    • Không bổ sung sắt với thuốc kháng axit. Các loại thuốc kháng axit giúp làm giảm các triệu chứng ợ chua có thể cản trở quá trình hấp thụ sắt. Bạn nên uống sắt trước khi uống thuốc kháng axit khoảng 2 giờ hoặc sau 4 giờ.
    • Uống viên sắt cùng với vitamin C giúp cải thiện sự hấp thu sắt. Bạn nên uống sắt cùng với một ly nước cam hoặc bổ sung vitamin C thông qua chế độ ăn uống, dùng thuốc.

    Thuốc bổ sung sắt có thể gây táo bón, vì vậy, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thuốc làm mềm phân. Bên cạnh đó, khi uống sắt phân của bạn sẽ có màu đen, đây là điều hoàn toàn bình thường, không cần lo lắng.

    Việc điều trị bằng thuốc bổ sung sắt cần kéo dài trong vài tháng đến một năm hoặc thậm chí có thể lâu hơn để cơ thể nhận được đủ sắt dự trữ. Đừng tự ý ngừng dùng mà không tham khảo ý kiến bác sĩ. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn gặp các tác dụng phụ như vị kim loại khó chịu trong miệng, nôn mửa, tiêu chảy, táo bón hoặc đau bụng.

    Điều trị từ nguyên nhân cơ bản

    Nếu tình trạng thiếu máu thiếu sắt là do có nguồn chảy máu trong cơ thể hoặc rối loạn hấp thụ sắt thì bác sĩ sẽ cần phải bổ sung thêm phương pháp điều trị khác. Tùy thuộc vào nguyên nhân, việc điều trị thiếu máu do thiếu sắt có thể bao gồm:

  • Sử dụng các loại thuốc khác: Thuốc tránh thai để làm giảm lượng kinh nguyệt ra nhiều gây thiếu máu ở nữ giới. Ngoài ra, thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác có thể được kê đơn để điều trị loét dạ dày tá tràng gây chảy máu nếu có.
  • Phẫu thuật: Tiến hành phẫu thuật để cắt polyp chảy máu, cắt khối u, nội soi dạ dày hoặc đại tràng nhằm cầm máu.
  • Tiêm tĩnh mạch sắt: Nếu thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng, bệnh nhân có thể cần truyền sắt thông qua đường tĩnh mạch để bổ sung lượng sắt một cách nhanh chóng. Bệnh nhân có thể bị nôn, đau đầu hoặc các phản ứng phụ khác ngay sau khi tiêm sắt, tuy nhiên, những tác dụng này thường biến mất trong vòng một hoặc hai ngày.
  • Truyền hồng cầu lắng: Chỉ định cho những người bị thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng để giúp tăng nhanh lượng hồng cầu và sắt trong máu. Ngoài ra, phương pháp này cũng cần thiết nếu bạn có các biến chứng nghiêm trọng của thiếu máu do thiếu sắt, chẳng hạn như đau ngực.
  • Điều trị thiếu máu thiếu sắt tại nhà bằng chế độ ăn uống

    Ngoài việc sử dụng các phương pháp điều trị y tế, bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt cũng nên quan tâm đến chế độ ăn uống hàng ngày.

    Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt

    điều trị thiếu máu thiếu sắt bằng cách quan tâm đến chế độ ăn uống

    Bạn có thể phòng ngừa và điều trị thiếu máu thiếu sắt bằng cách chọn thực phẩm giàu chất sắt.

    Thực phẩm giàu chất sắt bao gồm:

  • Thịt đỏ như thịt lợn và thịt gia cầm
  • Hải sản
  • Các loại đậu như đậu Hà Lan
  • Các loại rau lá xanh đậm, chẳng hạn như rau bina
  • Trái cây khô, chẳng hạn như nho khô và mơ
  • Ngũ cốc, bánh mì và mì ống tăng cường chất sắt
  • Cơ thể hấp thụ nhiều sắt từ thịt hơn so với các nguồn khác. Nếu là người chọn chế độ ăn thuần chay, bạn cũng có thể cần tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt có nguồn gốc từ thực vật để cơ thể có thể hấp thụ lượng sắt đầy đủ nhất.

    Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hấp thu sắt

    Bạn có thể tăng cường khả năng hấp thụ sắt của cơ thể bằng cách uống nước cam, ăn quýt hoặc ăn các thực phẩm giàu vitamin C. Vitamin C trong nhiều nước ép các loại trái cây có múi như nước cam, chanh, bưởi… sẽ giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn chất sắt trong chế độ ăn. Ngoài ra, vitamin C cũng được tìm thấy trong bông cải xanh, quả kiwi, rau lá xanh, dưa, ớt, dâu tây, cà chua…

    Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về các phương pháp điều trị thiếu máu thiếu sắt và chủ động hơn trong cách phòng ngừa, cũng như điều trị căn bệnh này nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Lê Hương

    Huyết học · Bệnh viện truyền máu huyết học Thành phố Hồ Chí Minh


    Tác giả: Trúc Phạm · Ngày cập nhật: 26/08/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo