backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Xét nghiệm folate

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 18/03/2020

    Xét nghiệm folate

    Tìm hiểu chung

    Folate hay axit folic (vitamin B9) là một trong nhiều yếu tố cần thiết cho quá trình sản sinh tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Bên cạnh đó, quá trình thai nhi phát triển cũng không thể thiếu vitamin B9.

    Cụ thể hơn, theo các chuyên gia từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), trước khi mang thai một tháng, phụ nữ nên bắt đầu dùng 400mg folate mỗi ngày. Ngoài ra, việc bổ sung axit folic trong giai đoạn mang thai còn giúp ngăn ngừa rủi ro dị tật bẩm sinh ở trẻ, chẳng hạn như:

    • Nứt đốt sống
    • Sứt môi
    • Hở hàm ếch

    Đây cũng là lý do vì sao phụ nữ có kế hoạch sinh con hoặc đang mang thai cần đặc biệt lưu ý chỉ số folate.

    Xét nghiệm folate là gì?

    Ngày nay, thiếu folate không còn là tình trạng sức khỏe hiếm gặp. Thông thường, bạn có thể không nhận ra bản thân đang thiếu hụt vitamin B9. Tuy nhiên, với những trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể có triệu chứng khó chịu như mệt mỏi hay tiêu chảy.

    Mặt khác, thiếu hụt folate còn là một trong các nguyên nhân chính gây thiếu máu.

    Do đó, để sớm phát hiện cũng như có biện pháp can thiệp kịp thời, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm để đo nồng độ vitamin B9 trong cơ thể. Thủ thuật này còn gọi là xét nghiệm folate.

    Khi nào bạn cần thực hiện xét nghiệm folate?

    Phần lớn trường hợp, xét nghiệm folate sẽ được chỉ định nếu người bệnh có biểu hiện thiếu hụt axit folic hoặc thiếu máu. Ngoài ra, đôi khi bác sĩ cũng chỉ định thực hiện xét nghiệm trên nếu bạn có dấu hiệu thiếu hụt vitamin B12.

    Một người thiếu vitamin B9 hoặc B12 có thể bộc lộ những triệu chứng như:

    • Tiêu chảy hoặc táo bón
    • Lưỡi sưng đỏ
    • Chảy máu nướu răng
    • Mất khẩu vị, chán ăn
    • Dễ mệt mỏi, suy nhược
    • Đau đầu
    • Gặp khó khăn trong việc đi lại
    • Mất trí nhớ

    Mặt khác, nếu thiếu hụt axit folic là do thiếu máu phát sinh, bạn còn có nguy cơ bắt gặp những dấu hiệu gồm:

    • Màu da nhợt nhạt, tái xanh
    • Chóng mặt
    • Nhịp tim nhanh
    • Khó thở
    • Lú lẫn, đờ đẫn

    Bên cạnh đó, trong suốt giai đoạn chữa trị, bạn cũng sẽ cần làm xét nghiệm folate để đánh giá mức độ hiệu quả của liệu trình điều trị.

    Ngoài ra, xét nghiệm trên còn dành cho những người mắc phải chứng rối loạn đường ruột như không dung nạp gluten (bệnh Celiac) hay viêm ruột từng vùng (bệnh Crohn). Nguyên nhân là do các vấn đề sức khỏe này có thể gây cản trở quá trình hấp thụ axit folic của cơ thể.

    Thêm vào đó, mẹ bầu cũng là đối tượng cần làm xét nghiệm folate nhằm đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi.

    Phụ nữ mang thai cần làm xét nghiệm folate
    Phụ nữ mang thai cần lưu ý bổ sung đầy đủ lượng vitamin B9 cần thiết.

    Điều cần thận trọng

    Xét nghiệm folate có nguy hiểm không?

    Nhìn chung, quá trình lấy máu để đo nồng độ axit folic ở một người không có rủi ro đáng kể. Những cảm giác đau nhói, tình trạng bầm tím hoặc sưng ở vị trí rút máu hoàn toàn bình thường. Bạn có thể xoa dịu các triệu chứng bằng phương pháp chườm ấm.

    Tuy nhiên, một số người bị rối loạn chảy máu có nguy cơ xuất huyết quá nhiều sau khi lấy mẫu máu. Vì vậy, bạn cần báo trước cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân.

    Quy trình thực hiện

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Trước khi thực hiện

    Tương tự những thủ thuật xét nghiệm máu khác, bạn cũng cần đảm bảo không ăn uống ít nhất 6 – 8 giờ trước khi làm xét nghiệm folate. Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nhịn từ đêm hôm trước và tiến hành lấy mẫu máu vào sáng hôm sau.

    Mặt khác, nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc, thảo dược hay chất bổ sung nào, hãy nói trước với bác sĩ. Lúc này, họ sẽ quyết định bạn có nên tạm ngưng sử dụng thuốc hay không vì một số chúng có nguy cơ tác động đến kết quả xét nghiệm axit folic.

    Trong khi thực hiện

    Để định lượng vitamin B9 trong cơ thể, các chuyên viên y tế lấy một lượng máu nhỏ để đem đi phân tích. Thông thường, mẫu máu sẽ được rút từ tĩnh mạch ở mặt trong khuỷu tay. Quy trình thực hiện có thể gồm các bước:

    • Khử trùng vị trí lấy máu bằng cồn 70º.
    • Quấn chặt dải thun quanh bắp tay được lấy máu với mục đích tạm thời cản trở máu lưu thông, đồng thời làm tĩnh mạch dưới da hiện rõ.
    • Ghim kim vào mao mạch và bắt đầu rút máu.
    • Sau khi lấy đủ lượng máu cần thiết, sử dụng bông gòn tiệt trùng để cầm máu.

    Trong một số trường hợp, vị trí lấy mẫu máu sẽ được băng lại để tránh chảy máu quá nhiều.

    Mặt khác, nhằm đảm bảo độ tinh sạch của mẫu, quá trình trên thường diễn ra trong môi trường vô trùng.

    Sau khi thực hiện

    Xét nghiệm folate là thủ thuật đơn giản nên bạn thường được phép về nhà sau khi rút máu. Mẫu máu sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích. Bạn có thể nhận kết quả trong vài ngày tới.

    Kết quả của xét nghiệm

    Kết quả của xét nghiệm folate là gì?

    Theo nhiều chuyên gia, kết quả định lượng axit folic rơi vào khoảng 2,7 – 17ng/ml được đánh giá là bình thường. Ngược lại, bạn có thể thừa hoặc thiếu vitamin B9.

    Thừa folate

    Thông thường, nồng độ axit folic cao không gây nên vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, đôi khi điều này có thể là một lời cảnh báo về tình trạng thiếu hụt vitamin B12.

    Thực tế, cơ thể cần loại vitamin trên để có thể sử dụng folate đúng cách. Do đó, nếu hàm lượng vitamin B12 thấp, bạn sẽ không thể sử dụng axit folic hiệu quả như mong đợi.

    Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm khác nhằm xác định liệu nguyên nhân hàm lượng folate cao hơn bình thường có phải do thiếu hụt vitamin B12 hay không.

    Thiếu folate

    Nồng độ axit folic thấp hơn bình thường có khả năng biểu hiện cho tình trạng:

    • Thiếu máu
    • Khả năng hấp thụ dưỡng chất kém
    • Một số vấn đề sức khỏe hoặc thuốc gây thiếu hụt folate, ví dụ như các bệnh về thận hoặc gan

    Sau khi bạn có kết quả, bác sĩ sẽ giải thích cụ thể về ý nghĩa của nó. Đồng thời, các chuyên gia cũng có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm một vài xét nghiệm nếu cần thiết. Điều này giúp họ mau chóng đề xuất hướng điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 18/03/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo