backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Xét nghiệm hồng cầu lưới

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 28/07/2021

Xét nghiệm hồng cầu lưới

Hồng cầu lưới là những tế bào đang trọng giai đoạn biệt hóa cuối cùng trong tủy xương, trước khi trở thành hồng cầu trưởng thành và lưu thông vào dòng máu. Xét nghiệm hồng cầu lưới đo nồng độ của tế bào máu này, nhằm đánh giá chức năng của tủy xương trong việc tạo hồng cầu.

Xét nghiệm có ý nghĩa đặc biệt để điều trị thiếu máu, nhất là thiếu máu tán huyết và thiếu máu hồng cầu hình liềm.

Tìm hiểu chung

Xét nghiệm hồng cầu lưới là gì?

Máu người bao gồm nhiều loại tế bào, nhưng hồng cầu chiếm số lượng nhiều nhất. Vì các tế bào hồng cầu chỉ sống được khoảng 4 tháng, nên cơ thể sẽ liên tục tạo ra những tế bào mới, được gọi là hồng cầu lưới – giai đoạn đầu (1-2 ngày) của các tế bào hồng cầu trưởng thành. Bạn cũng có thể hiểu đơn giản rằng hồng cầu lưới là hồng cầu chưa trưởng thành. Thành phần này chiếm tỷ lệ khoảng 0,5 – 1,5% số hồng cầu trong máu ngoại vi. Xét nghiệm hồng cầu lưới được bác sĩ thực hiện để đo mức độ (số lượng) hồng cầu lưới trong máu.

Xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ biết mức độ sản xuất hồng cầu cũng như đánh giá hoạt động của tủy xương (mô bên trong xương chịu trách nhiệm tạo tế bào máu). Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán nhiều tình trạng khác nhau, chẳng hạn như thiếu máu và suy tủy.

Khi nào bạn cần làm xét nghiệm hồng cầu lưới?

Xét nghiệm hồng cầu lưới được chỉ định khi bác sĩ cần nắm tình trạng hoạt động của tủy xương hoặc chẩn đoán và phân biệt các loại bệnh thiếu máu khác nhau. Nếu người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, xanh xao, khó thở, đau đầu, đau ngực, rất có thể đó là triệu chứng của thiếu máu mạn tính.

Xét nghiệm này cũng có thể được sử dụng để theo dõi tiến trình điều trị sau hóa trị, xạ trị, ghép tủy xương hoặc thiếu máu do thiếu sắt. Kết quả sẽ giúp bác sĩ có định hướng điều chỉnh lại cho phù hợp với người bệnh. Đôi khi, xét nghiệm hồng cầu lưới cũng là 1 mục trong xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC).

Thận trọng

Xét nghiệm hồng cầu lưới có nguy hiểm không?

Để xét nghiệm hồng cầu lưới, người bệnh sẽ được trích máu. Nhìn chung đây là một thủ thuật phổ biến và an toàn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, người bệnh có thể cảm thấy hơi đau hoặc chảy máu và bầm tím tại vị trí lấy mẫu máu. Trong những trường hợp hiếm gặp hơn, một số rủi ro có thể xảy ra như:

  • Ngất xỉu
  • Mất nhiều máu
  • Tụ máu
  • Nhiễm trùng da
  • Viêm tĩnh mạch

Thận trọng khi xét nghiệm hồng cầu lưới

Quy trình

Trước khi thực hiện

Xét nghiệm hồng cầu lưới không yêu cầu chuẩn bị đặc biệt. Tuy nhiên, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số bước nhất định trước khi lấy mẫu máu của người bệnh. Người bệnh có thể cần nhịn ăn uống hay tránh sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc làm loãng máu (chống đông máu). Hãy thông báo cho bác sĩ nếu có tiền sử băng huyết, ngất xỉu hoặc bất kỳ tình trạng sức khỏe nào cũng như các loại thuốc (kê toa và không kê toa) đang dùng.

Trong khi thực hiện

Bác sĩ, y tá hoặc kỹ thuật viên sẽ lấy mẫu máu của người bệnh để xét nghiệm. Vị trí phổ biến nhất để trích máu là từ tĩnh mạch ở khuỷu tay trong hoặc trên mu bàn tay của người bệnh.

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể không cần rút máu bằng kim. Thay vào đó, người bệnh sẽ được lấy máu ở đầu ngón tay. Kỹ thuật này thường nhanh và ít đau đớn hơn, cũng như cần ít lượng máu hơn.

Đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, thay vì sử dụng kim để trích máu, bác sĩ có thể tạo một vết cắt nhỏ trên da (thường ở vị trí gót chân) và lấy mẫu rồi băng lại nếu cần.

Sau khi thực hiện

Người bệnh có thể quay về trong ngày nếu không có chỉ định đặc biệt từ bác sĩ. Mẫu máu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Thông thường, số lượng hồng cầu lưới được đếm bằng một công cụ tự động (máy phân tích huyết học).

Kết quả xét nghiệm

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Kết quả của xét nghiệm hồng cầu lưới là gì?

Kết quả của xét nghiệm hồng cầu lưới cần được giải thích cẩn thận và kết hợp với kết quả từ các xét nghiệm khác. Những điều bạn cần quan tâm về kết quả là số lượng hồng cầu trong 1 thể tích máu (RBC), huyết sắc tố – hemoglobin (Hb), hematocrit – tỷ lệ thể tích hồng cầu trên thể tích máu toàn phần (Hct) hoặc xét nghiệm máu tổng quát (CBC).

Kết quả xét nghiệm hồng cầu lưới được tính bằng đơn vị số lượng hoặc tỷ lệ phần trăm. Nếu tính bằng phần trăm với ký hiệu hồng cầu lưới là RET, công thức sẽ là %RET = (RET/ số lượng hồng cầu toàn phần) x100. Phạm vi tham chiếu hoặc kết quả bình thường của tỷ lệ hồng cầu lưới ở người trưởng thành khỏe mạnh là 0,5 -1,5%. Phạm vi này sẽ cao hơn nếu hemoglobin thấp, do bị xuất huyết hoặc các tế bào hồng cầu bị phá hủy. Kết quả xét nghiệm hồng cầu lưới có thể khác nhau tùy vào quy trình, điều kiện của phòng xét nghiệm cũng như nồng độ hemoglobin trong máu.

Ý nghĩa kết quả của xét nghiệm hồng cầu lưới

Nếu số lượng hồng cầu lưới cao với các chỉ số RBC, Hb, Hct thấp, đó có thể là một dấu hiệu của:

  • Xuất huyết cấp tính. Khi bị chảy máu (xuất huyết), số lượng hồng cầu lưới sẽ tăng lên một vài ngày sau đó nhằm bù đắp cho số tế bào hồng cầu đã thất thoát.
  • Thiếu máu mạn tính
  • Chứng thiếu máu tán huyết. Do sự phá hủy hồng cầu gia tăng, tủy xương tăng sản xuất hồng cầu để bù đắp, dẫn đến số lượng hồng cầu lưới cao.
  • Tan máu bẩm sinh ở trẻ sơ sinh – một bệnh về rối loạn máu có thể gây tử vong ở trẻ

Số lượng hồng cầu lưới thấp với các chỉ số RBC, Hb, Hct thấp có thể chỉ ra những bệnh như:

  • Thiếu máu do thiếu sắt
  • Thiếu máu không tái tạo (thiếu máu bất sản)
  • Thiếu axit folic
  • Thiếu vitamin B12
  • Suy tủy xương do độc tính của thuốc, nhiễm trùng hoặc ung thư
  • Bệnh thận
  • Xơ gan
  • Bệnh nội tiết
  • Tác dụng phụ của hóa trị hoặc xạ trị

Xét nghiệm hồng cầu lưới có thể cho thấy dấu hiệu của một bệnh hoặc tình trạng sức khỏe nhưng không chẩn đoán trực tiếp bất kỳ bệnh cụ thể nào. Bác sĩ có thể đề xuất các xét nghiệm bổ sung nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác hơn để có phác đồ điều trị phù hợp.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 28/07/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo