backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

6 triệu chứng đau lưng cấp bạn đừng làm ngơ

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 03/03/2022

    6 triệu chứng đau lưng cấp bạn đừng làm ngơ

    Đau lưng là một tình trạng rất phổ biến, không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em trong độ tuổi đi học cũng có thể gặp phải [1]. Nhiều người thường bỏ qua các triệu chứng đau lưng cấp, từ đó có thể khiến tình trạng đau trở nên trầm trọng hơn.

    Đau lưng có thể ảnh hưởng đến khoảng 10% dân số thế giới tại bất kỳ thời điểm nào [2]. Vì vậy, việc hiểu về đau lưng cấp có thể giúp bạn tìm được cách hạn chế tình trạng này. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu 6 triệu chứng đau lưng cấp mà bạn không nên làm ngơ.

    Đau lưng cấp tính là gì?

    Các triệu chứng đau lưng có thể có cường độ từ nhẹ đến nặng, từ những cơn đau âm ỉ liên tục đến những cơn đau buốt hoặc đau nhói nhanh và thoáng qua. Cơn đau có thể xuất hiện bất chợt do nâng vật nặng hoặc do tai nạn, cũng có thể phát triển theo thời gian khi chúng ta già đi. Tình trạng quá ít luyện tập thể thao nhưng sau đó luyện tập quá sức cũng có thể gây đau lưng [1].

    Khác với đau lưng mãn tính, đau lưng cấp tính hay đau lưng ngắn hạn là tình trạng đau ở vùng lưng kéo dài trong khoảng vài ngày đến vài tuần. Tình trạng này thường có xu hướng biến mất trong vài ngày khi được chăm sóc và không gây ảnh hưởng đến các chức năng khác trong cơ thể. Trong một số trường hợp, tình trạng đau lưng cấp có thể kéo dài lâu hơn, cần mất khoảng vài tháng thì các triệu chứng mới biến mất hoàn toàn [1].

    6 triệu chứng đau lưng cấp bạn không nên làm ngơ

    Cảm giác đau âm ỉ ở phần thắt lưng

    Vì phải chống đỡ phần lớn trọng lượng của phần trên cơ thể nên thắt lưng là vị trí có thể bị đau thường xuyên nhất trên lưng [1, 3]. Những cơn đau thắt lưng thường gây cảm giác khó chịu, căng hoặc cứng cơ tại khu vực xung quanh cột sống thắt lưng [4], kéo dài từ phần phía sau ngực cho đến mông [5].

    Đau âm ỉ dưới thắt lưng có thể là triệu chứng đau lưng cấp
    https://www.shutterstock.com/ – 720045277

    Bạn thường sẽ cảm thấy đau thắt lưng ngay sau khi nhấc một vật nặng, di chuyển đột ngột, ngồi ở một tư thế trong thời gian dài và khi gặp chấn thương hoặc tai nạn. Tình trạng đau thắt lưng cấp tính thường là kết quả của các chấn thương đột ngột xảy ra ở cơ và dây chằng hỗ trợ lưng như căng cơ, rách cơ, giãn hoặc rách dây chằng [3].

    Các nhà nghiên cứu cơ sinh học đã đưa ra giả thuyết rằng nguy cơ đau thắt lưng có thể cao hơn vào buổi sáng vì đĩa đệm lúc này thường khá nhạy cảm do hấp thụ dịch trong một đêm dài. Đồng thời, 40% tình trạng bong gân và căng cơ (một trong những nguyên nhân gây đau lưng) thường xảy ra từ 8 – 11 giờ sáng [2].

    Cảm giác tê, đau lan xuống vùng mông và chân

    Các cơn đau ở lưng có thể lan xuống háng, mông hoặc thậm chí là chân của bạn. Đau thần kinh tọa có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng này [1, 4].

    Đau thần kinh tọa thường xảy ra khi dây thần kinh tọa chạy từ hông đến chân của bạn bị kích thích hoặc chèn ép, có thể do viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, chèn ép cột sống, chấn thương hoặc gãy xương ở lưng [6, 7]. Ngoài cảm giác đau nhói hoặc bỏng rát chạy dọc thắt lưng xuống mặt trước hoặc mặt sau đùi và mông và/hoặc chân, đau thần kinh tọa còn biểu hiện bởi cảm giác tê bì mặt sau chân. Đôi khi bạn còn có thể cảm thấy ngứa ran hoặc/và yếu cơ ở các khu vực này [8].

    Cảm giác tê và đau có thể lan rộng xuống đùi và chân
    https://www.shutterstock.com/ – 1040421694

    Các triệu chứng đau lưng và chân có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn ngồi, cố gắng đứng dậy, cúi người, vặn mình hoặc ho. May mắn thay, triệu chứng này thường chỉ ảnh hưởng đến một bên chân và có thể thuyên giảm khi đi bộ hoặc chườm nóng [8].

    Căng cứng/co cơ ở phần thắt lưng, xương chậu và hông

    Bong gân và căng cơ là hai nguyên nhân có thể gây nên cơn đau ở lưng, đồng thời cũng có thể gây nên tình trạng căng cứng hoặc co cơ kèm theo [6]. Tình trạng này có thể gặp phải ở cả đau lưng trên và đau thắt lưng [4, 9]. Trong một số trường hợp, bạn còn có thể cảm thấy căng cứng ở các vị trí như thắt lưng, xương chậu và vùng hông của mình [10].

    Đau phần trên và giữa lưng lan rộng lên cổ, vai, ngực và cánh tay

    Các triệu chứng đau phần trên và giữa lưng thường không phổ biến như đau thắt lưng hoặc đau cổ vì xương ở những khu vực này ít linh hoạt và không di chuyển nhiều như các vị trí khác. Thay vào đó, chúng liên kết cùng xương sườn để giữ cho lưng ổn định và giúp bảo vệ các cơ quan quan trọng như tim và phổi [11].

    Các cơn đau phần lưng trên thường được mô tả giống cảm giác dao cắt, bỏng rát và dữ đội. Ngoài cảm giác đau, bạn còn có thể cảm thấy ngứa ran, tê hoặc yếu cơ. Các triệu chứng này có thể lan sang các vùng lân cận như cổ, vai hoặc phần thắt lưng và có thể gây ảnh hưởng đến một số chuyển động của cánh tay [9].

    Cơn đau có thể lan rộng lên phần trên cơ thể
    https://www.shutterstock.com/ – 1117729052

    Giảm phạm vi và khả năng vận động

    Tình trạng đau lưng cấp thường không quá trầm trọng nhưng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Khi bị đau lưng cấp, phạm vi chuyển động cột sống và khả năng vận động có thể bị hạn chế đáng kể [12, 13].

    Theo một nghiên cứu cho thấy, những người bị đau lưng (cụ thể là đau thắt lưng) thường gặp khó khăn trong việc cử động thân mình, thắt lưng, khung chậu và giảm phản ứng giãn cơ sau khi gập người. Thêm vào đó, họ cũng mất nhiều thời gian hơn để chuyển động thân mình cũng như chuyển động khung chậu để đạt được góc nghiêng 20° [13].

    Đau trầm trọng hơn khi cúi người, nâng vật nặng, đứng hoặc đi bộ

    Tình trạng đau lưng cấp có thể liên quan đến các chấn thương ở cơ và dây chằng hỗ trợ trên lưng, trong đó thường gặp nhất là căng cơ và bong gân [1, 3]. Vì vậy, nó có thể trở nên trầm trọng hơn khi bạn cúi người, vặn người, nâng vật nặng, đứng thẳng hoặc đi bộ vì tất cả các việc này đều có thể gây tác động lớn đến cơ và dây chằng [14].

    Cơn đau lưng cấp trầm trọng hơn khi cúi người
    https://www.shutterstock.com/ – 169894874

    Thông thường, các triệu chứng đau lưng cấp sẽ tự thuyên giảm theo thời gian [1]. Tuy nhiên, nếu các cơn đau này diễn ra liên tục và không được kiểm soát có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả tâm trạng và khả năng hoạt động [15]. Thêm vào đó, một số nguyên nhân gây đau lưng liên quan đến dây thần kinh và tủy sống, ví dụ như hội chứng chùm đuôi ngựa, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn [1]. Vì vậy, bạn tốt hơn nên kiểm soát và điều trị sớm tình trạng đau lưng cấp. Để giảm các triệu chứng đau lưng cấp, bạn có thể [1]:

  • Sử dụng thuốc: Các loại thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ hoặc thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs) có thể giúp giảm đau và/hoặc giảm viêm.
  • Bạn cũng có thể thực hiện thêm các phương pháp kiểm soát cơn đau đơn giản như chườm đá/chườm nóng và thực hiện một số bài tập tăng cường cơ bụng.
  • Nếu cơn đau trở nên dữ đội hoặc kéo dài, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

    Đau lưng cấp là một tình trạng rất thường gặp và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra [1]. Triệu chứng đau lưng cấp không chỉ khu trú ở lưng mà có thể lan rộng sang các bộ phận khác trên cơ thể [1, 4, 9]. Các triệu chứng này thường sẽ thuyên giảm đáng kể theo thời gian nếu bạn sử dụng thuốc (thuốc giảm đau hoặc thuốc nhóm NSAIDs) và thực hiện các phương pháp kiểm soát cơn đau đơn giản khác [1]. Tuy nhiên, nếu cơn đau trở nên dữ dội hoặc kéo dài, bạn hãy đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

    VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.

    HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.

    PP-CEL-VNM-0475

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 03/03/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo