backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Da sần sùi mụn ẩn: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

Thông tin kiểm chứng bởi: Đài Trương


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 21/12/2023

Da sần sùi mụn ẩn: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

Da sần sùi mụn ẩn là tình trạng da xảy ra khá phổ biến. Không chỉ khiến da yếu đi, dễ nhiễm khuẩn mà tình trạng này còn gây ảnh hưởng lớn đến tính thẩm mỹ trên làn da của một người.

Nguyên nhân nào khiến da bị sần sùi mụn ẩn? Làm thế nào để khắc phục, lấy lại làn da khỏe mạnh, mịn màng?

Thế nào là da sần sùi mụn ẩn?

Da sần sùi mụn ẩn là tình trạng da đang gặp phải 2 vấn đề: Da mặt khô sần sùi (dry skin)da mặt bị nổi mụn ẩn (hidden acne).

Chất bã nhờn tự nhiên (sebum) có công dụng cấp ẩm và giữ ẩm cho da. Tuy nhiên, nếu da sản xuất quá nhiều dầu nhờn sẽ gây mụn. Ngược lại, nếu lượng dầu nhờn trên da quá ít sẽ khiến da mặt bị khô ráp, kém mịn màng.

Tình trạng da khô sần sùi có kèm theo nhiều mụn ẩn thì khả năng cao có liên quan đến chất bã nhờn tự nhiên. Nếu bã nhờn tiết quá nhiều sẽ làm cho lỗ chân lông bị bịt kín dẫn đến nổi mụn bên dưới da hay còn gọi là mụn ẩn.

Nguyên nhân khiến da mặt bị sần sùi nhiều mụn ẩn

Ngoài nguyên nhân khiến da mặt sần sùi và nổi mụn ẩn do bã nhờn, dưới đây là một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng này:

Mất cân bằng nội tiết tố

Mất cân bằng nội tiết tố là nguyên nhân khiến da mặt bị nổi mụn ẩn. Những thời điểm nội tiết tố trong cơ thể thay đổi là tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, phụ nữ đến tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh…

Vệ sinh da mặt không sạch

Các hoạt động hàng ngày khiến cơ thể tăng tiết mồ hôi, nếu bạn không giữ da mặt sạch sẽ thì có thể dẫn đến tình trạng tích tụ bụi bẩn và vi khuẩn ở nang lông. Theo thời gian da mặt sẽ bắt đầu xuất hiện các mụn ẩn, gây ngứa và dẫn đến tình trạng khô ráp, bong tróc.

Các yếu tố môi trường

Một trong các nguyên nhân phổ biến khiến cho da mặt bị sần sùi mụn ẩn là do các yếu tố bên ngoài môi trường bất lợi.

  • Khí hậu: Nhiệt độ môi trường có thể ảnh hưởng đến quá trình hydrat hóa làn da, nhất là vào mùa đông. Lúc này khí hậu trở nên hanh khô, thiếu ẩm nên dễ khiến cho da mặt bị khô và dễ trong tróc.
  • Do tính chất nghề nghiệp: Do tính chất công việc yêu cầu bạn phải làm việc ngoài trời hoặc tiếp xúc với hóa chất… Về lâu dài, những yếu tố này khiến da mặt dễ bị khô, sần sùi, nổi nhiều mụn ẩn.

Tuổi tác

Càng lớn tuổi, chức năng trao đổi chất của cơ thể càng suy giảm. Lúc này, lượng nước và các chất lỏng nạp vào cơ thể để nuôi dưỡng các tế bào cũng chuyển hóa chậm chạp hơn. Sự suy giảm chức năng theo độ tuổi khiến cho các tuyến dầu hoạt động yếu và chậm hơn, khiến da dễ bị khô, mỏng và ít đàn hồi hơn.

Di truyền / Tiền sử gia đình

Thông tin tham khảo từ Hệ thống Y tế – Cleveland Clinic cho biết, bạn có khả năng mắc các vấn đề da mặt tương tự, nếu cha mẹ hoặc người thân trong gia đình từng mắc phải. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chưa thể xác định chính xác tỷ lệ di truyền là bao nhiêu phần trăm.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc corticosteroid có thể kéo theo các tác dụng phụ khiến da mặt bị sần sùi, khô và nổi mụn ẩn. Hoặc nó sẽ khiến cho tình trạng da sần sùi mụn ẩn trở nên nghiêm trọng hơn.

Căng thẳng, lo lắng thường xuyên

Tình trạng căng thẳng và lo lắng kéo dài là tín hiệu để cơ thể liên tục tiết ra cortisol. Khi nồng độ cortisol trong cơ thể luôn ở mức cao thì khả năng cao sẽ kéo theo một số tình trạng: Vấn đề về tiêu hóa, căng thẳng, khó ngủ hay thậm chí là gây ra một số vấn đề da.

Theo kết quả nghiên cứu được đăng tải trên Đại học Y Harvard – Harvard Health Publishing, tình trạng căng thẳng và lo lắng kéo dài có thể gây ra một số tình trạng về da như: Bệnh vẩy nến, bệnh chàm, mụn trứng cá, da khô… Các vấn đề này rất có thể kéo theo tình trạng da sần sùi nổi mụn ẩn.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng da mặt bị sần sùi và mụn ẩn

Tình trạng da bị sần sùi nổi mụn ẩn thường rất dễ nhận biết, bạn có thể nhận diện thông qua các dấu hiệu điển hình sau:

  • Ngứa trên bề mặt
  • Da bị lão hoá với các nếp nhăn li ti
  • Da nổi nhiều mẩn đỏ, sưng đau, ngứa ngáy
  • Khi chạm vào da có cảm giác sần sùi, không mịn màng
  • Mụn ẩn xuất hiện nhiều, phân bố li ti bên dưới da
  • Da khô, căng, thường xuyên bong tróc như vảy
  • Lỗ chân lông to, đặc biệt là vùng chữ T và hai bên má
  • Xuất hiện nhiều mụn đầu đen do tích tụ bụi bẩn ở nang lông.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng da mặt sần sùi và mụn ẩn

Cách điều trị tình trạng da mặt sần sùi và mụn ẩn

Dùng kem dưỡng ẩm

Kem dưỡng ẩm giúp cân bằng độ pH và giữ ẩm cho da. Sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên sẽ giúp cải thiện tình trạng da khô sần sùi mụn ẩn. Tuy nhiên, nếu làn da của bạn là da dầu thì bạn nên tham khảo qua 10 loại kem dưỡng ẩm dành cho da dầu, để có thể lựa chọn được đúng loại kem dưỡng ẩm phù hợp với loại da.

Thuốc kháng sinh

Để cải thiện hoặc điều trị triệt để tình trạng da mặt sần sùi nổi mụn ẩn, bạn nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và kê đơn một số loại thuốc kháng sinh để giúp cải thiện làn da.

Sử dụng retinol

Retinol là một dẫn xuất của vitamin A. Chúng hoạt động bằng cách trung hòa các gốc tự do trong da, những gốc có thể gây tổn thương đến tế bào collagen. Retinol có công dụng cấp ẩm, tăng độ đàn hồi, làm chậm quá trình sản xuất sắc tố melanin, đồng thời giúp giảm viêm và phòng ngừa tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông.

Alpha hydroxy acids (AHAs)

Alpha Hydroxy Acids (AHAs) là axit tẩy tế bào da chết giảm bã nhờn, vi khuẩn và các yếu tố hình thành mụn ẩn khác, đồng thời thúc đẩy sự thẩm thấu của các loại thuốc trị mụn khác.

Thuốc tiêm corticosteroid

Ngoài ra, một cách khác giúp loại bỏ các mụn ẩn dưới da là gặp bác sĩ da liễu để tham khảo ý kiến về việc tiêm cortisone cho da. Những mũi tiêm này sẽ được đưa trực tiếp vào mụn, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành và cải thiện tình trạng viêm da. 

Sau khi tiêm khoảng từ 24 – 48 tiếng thì các nốt mụn ẩn sẽ dần biến mất. Nếu mụn ẩn vẫn tiếp tục xuất hiện sau đó thì bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng thêm 1 số loại thuốc uống như: Thuốc kháng sinh, viên cân bằng nội tiết tố và kiểm soát bã nhờn trên da.

Điều trị da mặt sần sùi mụn ẩn bằng các liệu pháp tự nhiên

Bạn có thể sử dụng tinh dầu tràm trà để điều trị mụn ẩn dưới da, nhờ vào khả năng chống viêm và kháng khuẩn tự nhiên. Ngoài tinh dầu cây tràm trà, bạn cũng có thể thử sử dụng mật ong nguyên chất để thoa lên mặt. Mật ong sẽ giúp giảm viêm, diệt khuẩn và giảm tình trạng sưng tấy trên da mặt.

Cách điều trị da sần sùi mụn ẩn

Cách phòng ngừa tình trạng da mặt sần sùi mụn ẩn

Trong quá trình điều trị, để tăng hiệu quả cũng như phòng ngừa tình trạng tái phát, bạn hãy lưu ý và tuân thủ các điều sau:

  • Tuân thủ các chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị
  • Dùng kem chống nắng, mặc áo chống nắng để bảo vệ da mặt khỏi ánh nắng mặt trời
  • Uống đủ nước và sử dụng kem dưỡng ẩm để da luôn trong trạng thái mềm mại, không bị khô ráp
  • Rửa mặt 2 lần/ngày đồng thời tẩy trang và tẩy tế bào chết đối với những ai thường xuyên sử dụng mỹ phẩm
  • Tuyệt đối không tự ý nặn mụn, không chạm tay lên mặt khi chưa rửa tay
  • Xây dựng lối sống tích cực, ăn uống lành mạnh và đồng thời hạn chế sử dụng các chất kích như: Thuốc lá, rượu, bia, hóa chất…

Kết luận

Hy vọng nội dung đã giúp bạn giải đáp thắc mắc da mặt sần sùi mụn ẩn là gì và làm cách nào để cải thiện và điều trị. Chúc bạn điều trị thành công và sớm khôi phục lại làn da mịn màng.

Bạn có thể quan tâm:

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Thông tin kiểm chứng bởi:

Đài Trương


Tác giả: Phong Huỳnh · Ngày cập nhật: 21/12/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo