backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Giải đáp thắc mắc: Tại sao đắp mặt nạ bị rát?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh · Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 12/12/2022

Giải đáp thắc mắc: Tại sao đắp mặt nạ bị rát?

Đắp mặt nạ từ lâu là bước chăm sóc da cần thiết cho một làn da mịn màng, căng bóng. Tuy nhiên, một số người gặp tình trạng đắp mặt nạ bị rát nhưng không biết nguyên nhân gây ra là gì?

Cùng tìm hiểu tại sao đắp mặt nạ bị rát và cách xử lý để có một làn da khoẻ mạnh qua bài viết dưới đây!

Tình trạng đắp mặt nạ bị rát

Thông thường đắp mặt nạ là một cách vừa thư giãn, vừa giúp cung cấp độ ẩm cho da. Ngoài ra, một số loại mặt nạ còn có thêm những công dụng khác như tẩy tế bào chết, trị mụn trứng cá, giảm nếp nhăn hay làm sáng da, tùy thuộc vào thành phần bên trong nó.

Mặt nạ giúp các dưỡng chất thẩm thấu tốt hơn vào da trong khoảng thời gian ngắn. Mặt nạ đa phần là lành tính, nhưng cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như:

  • Da bị nóng rát như bỏng
  • Da bị châm chích, ngứa ngáy
  • Kích ứng, mẩn đỏ
  • Da khô nứt, bong tróc
  • Đau và phồng rộp
  • Nổi mụn

Nếu những phản ứng này xảy ra trong thời gian dài bạn cần tìm đến bác sĩ da liễu để được điều trị kịp thời. 

>>> Đọc thêm: Giải đáp: Da mụn có nên tẩy tế bào chết?

Tại sao đắp mặt nạ bị rát?

Có nhiều nguyên nhân khiến đắp mặt nạ bị rát, từ chất lượng sản phẩm, tình trạng da của bạn và quy trình chăm sóc da,…

Mặt nạ kém chất lượng hoặc hết hạn

Một số sản phẩm mặt nạ chứa thành phần không được phép sử dụng trong mỹ phẩm. Đây có thể là yếu tố gây kích ứng hay rát da. Ngoài ra, mặt nạ có thể hết hạn sử dụng, hoặc bạn vô tình mở sản phẩm nhưng một thời gian dài sau mới sử dụng có thể ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Để tránh đắp mặt nạ bị rát, bạn cần đảm bảo rằng sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc và hạn sử dụng rõ ràng trước khi áp dụng lên da. 

Phản ứng dị ứng

Bạn có thể bị dị ứng với một số thành phần của mặt nạ, gây ra ngứa ngáy mà bạn không biết. Hơn nữa hiện nay, trên thị trường có nhiều loại mặt nạ chứa rất rất nhiều chất tạo hương, thuốc nhuộm và paraben,… Những chất này đều có khả năng làm da bị kích ứng, đặc biệt là da nhạy cảm.

Bạn nên đọc thông tin sản phẩm trước khi sử dụng như: Không chứa hương liệu, không chứa chất tạo màu và paraben. Việc sử dụng hóa chất mạnh, chất bảo quản có thể gây ra rất nhiều vấn đề cho da.

Ngoài ra, mỗi loại mặt nạ sẽ có thêm các chất như ceramide, acid amin, glycerin, acid hyaluronic,… tùy vào tác dụng mà mặt nạ đó hướng tới là gì. Bạn cũng có nguy cơ bị dị ứng với một trong các thành phần đó và gặp tình trạng đắp mặt nạ bị rát. Đặc biệt với lứa tuổi thanh thiếu niên, những người có làn da nhạy cảm hơn. Đối với những người nghi ngờ mình bị dị ứng với các thành phần trong mỹ phẩm, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ da liễu. Họ sẽ kiểm tra khả năng dị ứng và hướng dẫn tránh các sản phẩm gây phản ứng như vậy.

Da chưa được làm sạch trước đó

Làm sạch da là bước chăm sóc da đầu tiên, không những giúp da loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, dầu nhờn dư thừa mà còn là bước đệm giúp các dưỡng chất được thẩm thấu tốt hơn vào da. Nếu không làm sạch da, vi khuẩn có thể xâm nhập da gây viêm, cũng như kích ứng hay bị bít tắc lỗ chân lông gây mụn ở da mặt.

Tuân thủ các bước chăm sóc da dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế được tình trạng đắp mặt nạ bị rát, ngứa:

  • Bước 1: Rửa tay thật sạch
  • Bước 2: Tẩy trang
  • Bước 3: Rửa mặt bằng sữa rửa mặt
  • Bước 4: Thoa toner
  • Bước 5: Serum (nếu có)
  • Bước 6: Đắp mặt nạ
  • Bước 7: Kem dưỡng ẩm hoặc để mặt nạ qua đêm thay cho kem dưỡng ẩm.

Bạn có thể rửa mặt lại với nước thường sau khi đắp mặt nạ.

đắp mặt nạ bị rát

>>> Tìm hiểu: Chuyên gia giải đáp: Vì sao da tiết nhiều dầu?

Da đang bị tổn thương

Tuỳ vào tình trạng da mà bạn có thể áp dụng mặt nạ cho da hay không. Những trường hợp không nên đắp mặt nạ khi:

  • Da đang bị tổn thương vì mới được thực hiện các phương pháp điều trị như bắn laser, mài da vi điểm, peel da… 
  • Da vừa mới nặn mụn, mụn viêm, chảy mủ
  • Da đang sưng đỏ, đau rát
  • Da có những vết xước trên mặt và chảy máu

Những tình trạng trên nên đợi một thời gian để da được phục hồi, tránh đắp mặt nạ bị rát.

Sản phẩm không đúng loại da

Mỗi loại da có những loại sản phẩm phù hợp và tần suất sử dụng khác nhau như:

  • Da dầu nhờn nên sử dụng mặt nạ có chứa than hoạt hoặc có tính kiềm dầu
  • Trong khi da khô nên sử dụng mặt nạ có chứa axit hyaluronic và glycerin giúp bổ sung thêm độ ẩm cho da 
  • Da có dấu hiệu nếp nhăn, da ngăm muốn dưỡng trắng nên ưu tiên mặt nạ có chứa chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E. Tuy nhiên, da mụn và da nhạy cảm lại dễ bị ngứa ngáy khi sử dụng mặt nạ chứa vitamin C.
  • Đối với da mụn và có vết thâm nên chọn mặt nạ dưỡng ẩm chứa axit salicylic nồng độ thấp.

Nếu bạn thuộc loại da dầu nhưng sử dụng sản phẩm chứa nhiều dưỡng chất sẽ khiến da bị bít tắc gây mụn. Vì vậy để đạt hiệu quả cao và đảm bảo an toàn cho da, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để được hỗ trợ tìm loại mặt nạ phù hợp với loại da của mình.

Lưu ý nếu là mặt nạ tự làm ở nhà, bạn nên tránh các sản phẩm có tính axit như chanh hoặc giấm táo. Vì những sản phẩm này có độ pH thấp và có thể khiến bạn gặp tình trạng đắp mặt nạ bị rát.

đắp mặt nạ bị rát

>> Tìm hiểu thêm: Cách xác định loại da giúp bạn chăm sóc da mặt thật “chuẩn”

Đeo mặt nạ quá lâu

Khi để trên mặt quá lâu, một số thành phần trong mặt nạ dưỡng da có thể gây bỏng rát và ngứa.

Nếu đắp mặt nạ bị rát bạn cần xem lại xem đó có phải là mặt nạ gel hay không và thời gian sử dụng đã phù hợp hay chưa. Vì gel khi để lâu sẽ bị khô đi tạo thành lớp màng bám chặt vào da, lúc bạn lột rất dễ kéo luôn cả lớp lông tơ ra ngoài, gây ra rát ngứa, thậm chí là viêm nang lông.

Da sử dụng các sản phẩm điều trị mạnh

Nếu da bạn mới sử dụng các sản phẩm điều trị có hoạt tính mạnh như nhóm retinoids, AHA/BHA cũng sẽ nhạy cảm hơn và dễ bị rát khi đắp mặt nạ.

Cách xử lý khi đắp mặt nạ bị rát

Đắp mặt nạ bị rát là phản ứng không hay xảy ra, tuy nhiên nếu không may gặp phản ứng này, bạn nên:

  • Bạn nên tháo bỏ mặt nạ
  • Rửa mặt với nước sạch 
  • Không trang điểm hay chạm, chà xát, gãi mặt
  • Bạn có thể lấy khăn sạch, bọc đá lạnh sau đó chườm lên da
  • Không ra ngoài để tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khiến da mẩn đỏ
  • Uống nước và bổ sung các chất dinh dưỡng qua chế độ ăn uống lành mạnh để da được phục hồi khỏe mạnh trở lại.

Nếu phản ứng đắp mặt nạ bị rát và kích ứng da kéo dài, bạn nên tới thăm khác bác sĩ da liễu để được điều trị kịp thời trước khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.

Sau này, hãy kiểm tra xem trên bao bì có thành phần nào mình bị dị ứng không để lưu ý lần sau tránh thành phần đó. Hơn thế nữa, khi muốn sử dụng một loại mặt nạ mới, hãy thử trên một vùng da nhỏ ở quai hàm xem có kích ứng hay không trước khi đắp lên mặt.

>>> Tìm hiểu thêm: Bạn sẽ muốn đắp mặt nạ ngay vì những công dụng tuyệt vời sau

Dưỡng da bằng mặt nạ mang lại nhiều lợi ích cho da. Nếu đắp mặt nạ bị rát, bạn nên kiểm tra lại sản phẩm và quy trình chăm sóc da đã phù hợp và  đúng chưa, để có những cách xử lý giúp da phục hồi nhanh, lấy lại làn da khỏe mạnh, tươi tắn.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 12/12/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo