backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Muốn da khỏe mạnh: 5 điều nhất định phải biết

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh · Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


Tác giả: Thanh Ly · Ngày cập nhật: 16/07/2021

    Muốn da khỏe mạnh: 5 điều nhất định phải biết

    Hầu như phụ nữ nào cũng muốn mình có làn da khỏe mạnh. Yếu tố quan trọng để bạn có được điều ấy là hiểu rõ tình trạng da của bản thân, nắm được những kiến thức cơ bản về da, các bệnh da liễu và cách chữa trị phù hợp.

    1. Cấu tạo của da

    Da có ba lớp chính, bao gồm:

    Lớp thượng bì

    Đây là lớp da ngoài cùng có chứa lông mà chúng ta có thể thấy bằng mắt thường. Lớp thượng bì rất mỏng, tuy nhiên độ dày mỏng của nó còn phụ thuộc vào vùng da trên cơ thể. Ví dụ ở hầu hết các phần da trên cơ thể, lớp thượng bì có độ mỏng như tờ giấy nhưng lại dày hơn ở lòng bàn tay và gót chân.

    Lớp trung bì

    Lớp trung bì nằm dưới và dày hơn lớp thượng bì. Lớp này có tính đàn hồi và chắc chắn. Nó cũng chứa các nang tóc, các tuyến dầu và mồ hôi. Ngoài ra, lớp trung bì được cung cấp nhiều mạch máu và đầu mút dây thần kinh.

    Lớp hạ bì

    Đây là lớp thứ ba và là lớp trong cùng, hay còn được gọi là mô dưới da. Lớp hạ bì có chức năng liên kết da với mô sợi bên dưới xương và cơ.

    2. Chức năng của da

    Làm sao để có làn da khoẻ mạnh

    Da có chức năng quan trọng đối với sức khỏe. Trước hết, da đóng vai trò như lớp rào chắn đầu tiên chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi-rút và hạn chế những chấn thương vật lý.

    Da giúp điều hòa thân nhiệt, như tiết mồ hôi làm dịu mát cơ thể khi nhiệt độ môi trường quá nóng. Bên cạnh đó, da giúp chúng ta cảm nhận được nhiệt độ, kết cấu bề mặt, cảm giác đau.

    Cuối cùng và không kém phần quan trọng, da tạo ra vitamin D cần thiết cho sự chắc khỏe của xương.

    3. Có bao nhiêu loại da?

    Về cơ bản, có năm loại da khác nhau, bao gồm:

    1. Da dầu

    Da dầu là loại da có tuyến dầu hoạt động mạnh hơn bình thường. Da dầu thường có một lớp dầu mỏng trên bề mặt và có lỗ chân lông lớn hơn. Loại da này thường dễ nổi mụn nhọt hay mụn đầu đen.

    2. Da khô

    Da khô thường bị bong tróc, xỉn màu và dễ bị kích ứng. Đồng thời, da khô thường có lỗ chân lông từ rất nhỏ đến gần như không thấy được.

    3. Da hỗn hợp

    Theo các chuyên gia da liễu, da hỗn hợp là loại da có cả đặc tính khô và nhờn tùy vào những vùng da khác nhau trên cơ thể. Ví dụ, bạn có da nhờn ở vùng trán và mũi nhưng da vùng má lại khô. Da hỗn hợp còn thay đổi trạng thái theo mùa, ví dụ da nhờn vào mùa khô và khô vào mùa mưa.

    4. Da nhạy cảm

    Da nhạy cảm là loại da dễ bị sưng viêm. Người có da nhạy cảm cần sử dụng các sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ vì da dễ bị ửng đỏ và kích ứng.

    5. Da thường

    Theo các chuyên gia da liễu, không có khái niệm về “da thường” trong y khoa. Định nghĩa về da thường khác nhau tùy vào quan niệm của mỗi người. Nhìn chung, da thường là da khoẻ mạnh, có độ ẩm và độ nhờn cân đối.

    4. Thế nào là da khỏe mạnh?

    Nhìn chung, một làn da khỏe mạnh là khi không có hiện tượng kích ứng trên bề mặt, không bị khô hoặc bong tróc, mềm mại, đều màu và có tính đàn hồi tốt.

    Làn da khỏe mạnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lối sống, chế độ dinh dưỡng, cấp ẩm cho da, hiểu biết về tình trạng bệnh lý thường gặp ở da và cách chăm sóc phù hợp.

    5. Những bệnh ở da thường gặp

    Da phản ứng với những thay đổi bên trong và bên ngoài dẫn đến nhiều bệnh lý về da, bao gồm:

    Mụn

    làm sao để có làn da khoẻ mạnh

    Mụn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở thanh thiếu niên. Mụn thường xuất hiện khi nang lông bị tắc nghẽn do dầu hoặc tết bào da chết. Khi đó, da sẽ xuất hiện mụn trứng cá, mụn đầu đen, mụn nhọt, mụn mủ (các nốt sần nhỏ) hoặc mụn bọc (các nốt sần có kích thước lớn).

    Mức độ nghiêm trọng của mụn sẽ diễn tiến từ nhẹ đến nặng. Hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ da liễu để có phương pháp điều trị thích hợp.

    Bệnh viêm da tiết bã

    Dấu hiệu viêm da tiết bã dễ nhận biết là mảng hồng ban tróc vảy vùng tiết bã (nếp mũi má, chân mày, mang tai, trước ngực, da đầu…) 

    Viêm da tiết bã làm cho da đỏ, khô hơn và bong ra. Triệu chứng có thể diễn tiến nặng hơn nếu căng thẳng về thể chất và tinh thần, thay đổi nội tiết tố, chất kích thích, cơ thể mệt mỏi, suy giảm miễn dịch…Bệnh cũng có thể nhầm với nấm da, lupus ban đỏ, nên khi xuất hiện triệu chứng nặng hơn cần được bác sĩ thăm khám và tư vấn cách chăm sóc, điều trị. 

    Bệnh chàm và viêm da

    Viêm da cơ địa là bệnh lý thường gặp của bệnh chàm hay viêm da cơ địa dị ứng. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là ngứa ngáy, nứt nẻ, khô và mẫn đỏ.

    Bệnh chàm ảnh hưởng đến nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể như khuỷu tay, đầu gối, bàn tay, cổ, hai bên má và da đầu. Dù là bệnh mãn tính nhưng bạn có thể kiểm soát triệu chứng bệnh bằng nhiều cách.

    Nhiễm trùng do nấm, vi khuẩn và vi-rút

    Nhiễm trùng do nấm, vi khuẩn, vi-rút thường gây ra các tình trạng sau:

    Vết loét lạnh

    Vết loét lạnh trông giống như mụn nước hoặc vết loét bọng nước trên môi, do virus HSV gây ra. Người bị vết loét lạnh thường cảm thấy nóng rát, ngứa ran hoặc cảm giác ngứa ngáy quanh miệng. Bệnh có thể được chữa trị trong vòng 7 – 10 ngày bằng kem bôi kháng vi-rút.

    Nấm ngoài da

    Nấm ngoài da là tình trạng thường gặp ở da do nhiễm trùng nấm. Biểu hiện là những mảng tròn màu đỏ hoặc đôi khi những vết ban tròn với vảy trắng xuất hiện ở vùng da cánh tay, chân và ở bất cứ vùng da nào trên cơ thể. Bệnh có thể được điều trị bằng kem bôi kháng nấm.

    Viêm mô tế bào

    Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm khuẩn da thường gặp. Thông thường, bệnh ảnh hưởng đến vùng da bàn tay, bàn chân hoặc cẳng chân. Viêm mô tế bào làm cho da bị đỏ tấy và sờ vào cảm thấy nóng ấm. Bệnh thường được điều trị bằng kháng sinh.

    Mụn cóc

    Mụn cóc là tình trạng rất thường gặp do da nhiễm virus. Mụn có hình dạng là những cục u nhỏ trên da và xuất hiện ở bất kỳ vùng da bào trên cơ thể nhưng nhiều nhất là ở bàn tay và bàn chân. Hầu hết mụn cóc đều vô hại và sẽ tự biến mất ngay cả khi không điều trị. Tuy nhiên, nên thăm khám bác sĩ nếu xuất hiện triệu chứng đau nghiêm trọng hoặc cảm thấy khó chịu.

    Lão hóa da

    làm sao để có làn da khoẻ mạnh

    Theo thời gian, da có thể xuất hiện đồi mồi, bị khô, có nếp nhăn, thô ráp và chảy xệ. Để làm chậm lại quá trình lão hóa da, bạn có thể áp dụng biện pháp chăm sóc da đơn giản để giúp da khoẻ mạnh. Khi phụ nữ mang thai, lượng hóc-môn trong cơ thể tăng cao cũng ảnh hưởng và làm da thay đổi.

    Theo các chuyên gia da liễu, để có làn da khỏe mạnh cần kết hợp nhiều yếu tố như có chế độ dinh dưỡng hợp lý, không hút thuốc lá, bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời, sử dụng sản phẩm chăm sóc da dịu nhẹ và uống thật nhiều nước. Nếu làm tốt những điều này, làn da của bạn không chỉ khỏe mạnh mà còn tươi sáng, xinh đẹp.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

    Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


    Tác giả: Thanh Ly · Ngày cập nhật: 16/07/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo