backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Hiện tượng Koebner trong bệnh vảy nến

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 29/11/2021

    Hiện tượng Koebner trong bệnh vảy nến

    Tìm hiểu chung

    Hiện tượng Koebner là gì?

    Tình trạng các dấu hiệu bệnh da liễu, ví dụ như vảy nến, bạch biến hay liken phẳng (lichen planus)… phát sinh ngay tại vết thương trên da gọi là hiện tượng Koebner. Hiện tượng này có thể xảy ra ở những người đang gặp vấn đề da liễu hoặc chưa từng có tiền sử mắc bệnh.

    Tuy nhiên, theo thống kê, khoảng 25% người mắc bệnh vảy nến gặp phải hiện tượng Koebner. Tình trạng này có thể xuất hiện trong vòng 10-20 ngày sau khi da bị tổn thương, nhưng triệu chứng kèm theo có nguy cơ kéo dài từ 3 ngày đến 2 năm.

    Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng khả năng xảy ra hiện tượng Koebner sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân thay vì loại tổn thương mà người bệnh gặp phải. Chẳng hạn như, người đã từng bị vảy nến ở vết thương do dao cắt sẽ có nhiều khả năng tiếp tục bắt gặp hiện tượng này tái diễn trên vết thương ngoài da do bỏng hoặc côn trùng cắn.

    Triệu chứng

    Những dấu hiệu và triệu chứng hiện tượng Koebner

    Hiện tượng Koebner trong bệnh vẩy nến sẽ có triệu chứng tương tự căn bệnh da liễu này, bao gồm các mảng sưng đỏ, có vảy gây ngứa hoặc đau. Đôi khi, triệu chứng nứt da và chảy máu cũng có thể xảy ra.

    Bên cạnh đó, phần lớn trường hợp, vết thương càng nghiêm trọng thì các lớp vảy xuất hiện càng nhiều. Ngoài ra, khác với tình trạng vảy nến thông thường hay phát sinh ở đầu gối, khuỷu tay, da đầu và vùng lưng dưới, vảy nến do Koebner có khả năng xảy ra ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, chỉ cần ở đó xuất hiện vết thương.

    Hiện tượng Koebner

    Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

    Các chuyên gia khuyến khích mọi người nên nhanh chóng tìm gặp bác sĩ nếu bắt gặp một trong số những biểu hiện như sau:

    • Da thay đổi bất thường không rõ nguyên nhân.
    • Lớp vảy bắt đầu hình thành xung quanh vị trí vết thương.
    • Tình trạng vảy nến xuất hiện ở những khu vực chưa từng xảy ra trước đây.

    Trường hợp lớp vảy cần thời gian dài để phát triển (có thể nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm), việc xác định nguyên nhân sẽ gặp nhiều khó khăn.

    Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra một số vấn đề như:

    • Liệu lớp vảy ở xung quanh hoặc ngay tại vết thương có giống bệnh vảy nến hoặc bất kỳ bệnh da liễu nào khác hay không.
    • Xác định nguyên nhân hình thành lớp vảy không đến từ những vấn đề như nhiễm trùng hoặc do bệnh lý khác gây nên.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân gây ra hiện tượng Koebner là gì?

    Tính đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia vẫn không thể chắc chắn nguyên nhân chính xác gây nên hiện tượng Koebner. Tuy vậy, một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng một vài yếu tố dưới đây có thể góp phần dẫn đến tình trạng sức khỏe này, bao gồm:

    • Hệ miễn dịch
    • Hệ tuần hoàn
    • Đặc tính da
    • Hệ thần kinh
    • Yếu tố gây kích ứng

    Đối với người có tiền sử mắc bệnh vảy nến, hiện tượng Koebner có thể là hệ quả co một loạt phản ứng dây chuyền liên quan đến nhiều hệ thống cơ quan khác nhau trong cơ thể. Những yếu tố có khả năng đứng sau chuỗi phản ứng này bao gồm:

    • Các hoạt chất kích thích hoặc gây dị ứng da mà người bệnh vô tình tiếp xúc trong công việc hoặc môi trường xung quanh.
    • Vết thương ngoài da, ví dụ như vết dao cắt, vết trầy xước, vết thương do côn trùng cắn hoặc đốt, vết bỏng…
    • Tiếp xúc nhiều với tia bức xạ.
    • Cháy nắng.

    Bên cạnh đó, một số nhà khoa học cũng tin rằng phản ứng viêm xảy ra ở vết thương cũng có nguy cơ kích hoạt chuỗi phản ứng trên. Các phản ứng viêm là một phần trong quá trình chữa lành thương tổn hoặc xử lý tình trạng vật thể lạ xâm nhập cơ thể của hệ miễn dịch.

    Mặt khác, theo nghiên cứu, hiện tượng Koebner cũng phổ biến hơn ở những người có tiền sử mắc bệnh vảy nến. Ngoài ra, tình trạng này còn có khả năng phát sinh ở những vết thương do tiêm vắc xin hoặc xăm mình.

    Nhấn vào và xem sơ đồ giải phẫu bệnh bệnh vảy nến để hiểu rõ hơn

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hiện tượng Koebner?

    Đối với hiện tượng Koebner trong bệnh vảy nến, bác sĩ có thể đưa ra kết luận chẩn đoán dựa trên những triệu chứng đang xảy ra và tiền sử mắc bệnh da liễu của người bệnh. Đôi khi, một buổi kiểm tra thể chất tổng quát cũng có thể cần thiết.

    Những phương pháp điều trị hiện tượng Koebner

    Ngày nay, hiện tượng Koebner có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cơ bản của người bệnh. Với trường hợp bệnh vẩy nến, các lựa chọn chữa trị thường bao gồm:

    • Giải pháp sử dụng thuốc thoa ngay tại vết thương, có thể là thuốc mỡ và thuốc kê toa dạng kem.
    • Liệu pháp ánh sáng.
    • Uống hoặc tiêm thuốc.

    Đối với một số dạng vảy nến hoặc trường hợp biểu hiện phát triển nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê toa thuốc sinh học (biologic). Nhóm thuốc mới này sẽ tập trung kiểm soát vào từng thành phần cụ thể trong hệ miễn dịch, từ đó đem lại hiệu quả trong việc giảm nguy cơ bùng phát cũng như mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.

    Phòng ngừa

    Những biện pháp nào giúp phòng ngừa hiện tượng Koebner?

    Theo các chuyên gia, bạn không thể hoàn toàn ngăn chặn hiện tượng Koebner phát sinh hay phòng ngừa những vết thương ngoài da xuất hiện. Tuy vậy, mọi người vẫn có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách tập một số thói quen như sau, bao gồm:

    • Tránh bị cháy nắng: Bạn nên tập thói quen sử dụng kem chống nắng khi ra ngoài. Đồng thời, đừng quên đội nón và mặc áo khoác chống nắng nếu phải ở ngoài trời trong thời gian dài nhé.
    • Hạn chế tiếp xúc với các hoạt chất gây kích ứng: Một số sản phẩm chăm sóc da, làm đẹp hoặc hóa mỹ phẩm gia đình có thể chứa thành phần gây kích ứng da. Bạn nên đọc kỹ thành phần hoạt chất trước khi chọn mua bất kỳ sản phẩm dùng trên da nào.
    • Không gãi: Đối với cảm giác ngứa khó chịu do vảy nến đem lại, bạn nên dùng thuốc thoa để thuyên giảm thay vì dùng tay gãi.
    • Tránh bị côn trùng cắn: Bạn nên mặc quần áo dài tay khi đi cắm trại hoặc đến những khu vực có nhiều cây cối rậm rạp.
    • Đừng chà xát da: vì da lúc này rất nhạy cảm nên việc dùng sữa tắm, xà phòng bình thường có thể gây kích ứng. Do đó, bạn nên sử dụng những sản phẩm dịu nhẹ do bác sĩ da liễu khuyên dùng. Hãy tắm bằng nước ấm và lau người bằng cách dùng khăn vỗ nhẹ thay vì chà mạnh.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 29/11/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo