backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Viêm da liên cầu là bệnh gì? Cách nhận biết và điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trương Phạm Mỹ Tuyền · Da liễu · Clover Clinic


Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 26/09/2023

Viêm da liên cầu là bệnh gì? Cách nhận biết và điều trị

Viêm da liên cầu có thể xuất hiện cả ở trẻ em và người lớn, do liên cầu khuẩn gây bệnh. Bệnh gây lở loét, đau đớn, thậm chí để lại các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Vậy viêm da liên cầu là bệnh gì?

Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân, chẩn đoán bệnh và điều trị viêm da liên cầu qua bài viết dưới đây.

Viêm da liên cầu là gì?

Viêm da liên cầu là bệnh viêm da do vi khuẩn liên cầu gây ra. Liên cầu khuẩn được phân loại là cầu khuẩn gram dương. Dưới kính hiển vi, chúng có dạng hình cầu hoặc hình trứng và thường tạo thành chuỗi với nhau. Liên cầu khuẩn thường trú ở những vùng da có nhiều lông, chất bã, mồ hôi. Khi gặp điều kiện thuận lợi (vết thương, tiếp xúc môi trường bẩn,…) chúng sẽ sinh sôi và gây bệnh.

Trong da liễu, viêm da liên cầu có thể được chẩn đoán thành các bệnh về da như:

  • Chốc loét (Ecthyma)
  • Viêm mô tế bào (Cellulitis)
  • Viêm quầng (Erysipelas)
  • Chốc lây (impetigo)
  • Viêm cân mạc hoại tử (necrotising fasciitis).
  • Nguyên nhân gây viêm da liên cầu

    Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến viêm da liên cầu là do vi khuẩn xâm nhập cơ thể qua vết cắt hoặc chấn thương ở da. Ngoài ra, các nguyên nhân khác có thể gây viêm da liên cầu như:

    • Côn trùng cắn
    • Vết cắt, vết xước hoặc vết bỏng
    • Điều kiện sống đông đúc, vệ sinh kém
    • Môi trường sống có nhiệt độ và độ ẩm cao ở vùng nhiệt đới.

    Dấu hiệu và chẩn đoán các loại bệnh viêm da liên cầu

    1. Chốc lở (impetigo)

    Bệnh chốc lở là bệnh nhiễm trùng da, gây ngứa, thậm chí là đau đớn. Bệnh chốc lở cũng là một dạng viêm da liên cầu, do vi khuẩn xâm nhập và phát triển trên da thông qua vết cắt, vết xước, phát ban hoặc vết côn trùng cắn, gây viêm và nhiễm trùng. Bệnh gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn.

    Các yếu tố kích thích gây bệnh

    • Bị nhiễm trùng ghẻ
    • Sống tiếp xúc gần gũi với người mang bệnh
    • Tham gia các môn thể thao tiếp xúc với da khiến da có vết cắt và vết trầy xước
    • Sống ở vùng khí hậu nhiệt đới có mùa hè nóng ẩm và mùa đông ôn hòa nhưng điều kiện vệ sinh kém
    • Da có vết xước, vết thương hở khiến vi khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng.

    Triệu chứng bệnh

    • Xuất hiện vết loét và mụn nước trên miệng, mũi hoặc có thể ở bất cứ nơi nào trên cơ thể.
    • Da đỏ, sưng nơi vết loét bị vỡ .
    • Các mụn nước trong suốt, mềm nhũn rồi vỡ ra, các vết loét đóng vảy mà không để lại sẹo.
    • Triệu chứng nghiêm trọng hơn là mụn nước biến thành vết loét sâu, hở và để lại sẹo do nhiễm trùng ăn sâu ở da.
    • Viêm da liên cầu cũng có thể xuất hiện trên da đầu, chân và cánh tay ở người lớn và trẻ em.

    chốc lở là một dạng viêm da liên cầu cần được điều trị sớm

    2. Viêm quầng (erysipelas)

    Viêm quầng cũng là một tình trạng viêm da liên cầu, do vi khuẩn streptococcus nhóm A gây ra. Bệnh có thể ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn.

    Yếu tố gây bệnh

    • Loét da
    • Vết cắt trên da
    • Các vấn đề về tĩnh mạch hoặc hệ bạch huyết.

    Triệu chứng bệnh

    • Sốt, ớn lạnh
    • Xuất hiện đường viền nổi lên sắc nét
    • Mụn nước có thể hình thành
    • Khi nhiễm trùng lan rộng, da sẽ đau, đỏ, sưng
    • Nhiễm trùng xuất hiện ở chân, cánh tay hoặc mặt và trên cơ thể.

    viêm da liên cầu

    3. Chốc loét (ecthyma)

    Chốc loét (ecthyma) là một bệnh nhiễm trùng da, xuất hiện vết loét đóng vảy. Đây cũng là một dạng bệnh chốc lở sâu do cùng loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Chốc loét ăn mòn sâu hơn vào lớp hạ bì của da.

    Nguyên nhân gây chốc loét tương tự như các bệnh viêm da liên cầu khác:

    • Điều kiện vệ sinh kém
    • Nhiệt độ và độ ẩm cao ở vùng nhiệt đới
    •  Vết thương nhỏ, vết côn trùng cắn hoặc viêm da.

    Triệu chứng bệnh

    • Bắt đầu xuất hiện mụn nước nhỏ hoặc mụn mủ trên vùng da bị viêm
    • Sau đó lớp vỏ cứng sẽ bao phủ vết phồng rộp
    • Sau khi mất đi lớp vỏ để lộ vết loét cứng có kích thước đường kính 0,5–3 cm, màu đỏ, sưng tấy, rỉ mủ và để lại sẹo
    • Vị trí xuất hiện ở mông, đùi, chân, mắt cá chân và bàn chân.

    4. Viêm mô tế bào (Cellulitis)

    Viêm mô tế bào là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở phần sâu của da (mô dưới da và hạ bì), do vi khuẩn streptococcus pyogenes gây ra, còn được gọi là streptococcus nhóm A. Bệnh viêm da liên cầu này thường ảnh hưởng đến cẳng chân, cũng có thể xảy ra ở mặt, cánh tay và vùng khác. Đặc biệt, nhiễm trùng xảy ra khi có vết thương hở ở da, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

    Triệu chứng thường gặp viêm mô tế bào

    Vùng bị viêm có thể lan rộng kèm với các triệu chứng:

    • Sốt, ớn lạnh
    • Đau đầu
    • Rộp
    • Bầm tím
    • Sưng tấy, đau đớn
    • Các vệt đỏ từ vị trí ban đầu của viêm mô tế bào.

    Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể lan đến các hạch bạch huyết, gây nhiễm trùng huyết, thậm chí đe dọa tính mạng.

    viêm da liên cầu

    5. Viêm cân mạc hoại tử (necrotising fasciitis)

    Viêm cân mạc hoại tử là bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng, lây lan nhanh chóng và có thể gây tử vong. Các triệu chứng ban đầu thường giống với bệnh cúm như: nhức mỏi, sốt, ớn lạnh, buồn nôn, tiêu chảy.

    Sau đó bệnh tiến triển với các dấu hiệu:

  • Da đỏ hoặc đổi màu
  • Huyết áp thấp
  • Nhiễm trùng huyết
  • Sưng ở các mô bị ảnh hưởng
  • Lưu lượng máu không ổn định
  • Các mụn nước chứa chất lỏng có máu hoặc màu vàng
  • Hoại tử (mô không có khả năng phục hồi và tái tạo).
  • Điều trị viêm da liên cầu

    Hiện nay, về mặt lâm sàng khó phân biệt giữa các bệnh nhiễm trùng da do liên cầu khuẩn và các vi khuẩn khác như Staphylococcus aureus. Vì vậy, kháng sinh thường là lựa chọn để điều trị các vi khuẩn trên.

    Viêm da liên cầu

    Flucloxacillin

    Flucloxacillin thích hợp hơn penicillin đơn giản vì nó điều trị cả Staphylococcus (staph) và strep.

    Kháng sinh penicillin

    Nếu đã được chẩn đoán bệnh do nhiễm liên cầu khuẩn, loại kháng sinh thích hợp nhất để điều trị thường là penicillin. Bởi tất cả các liên cầu khuẩn trong nhóm lancefield đều rất nhạy cảm với penicillin.

    Erythromycin hoặc cephalosporin 

    Những bệnh nhân bị dị ứng penicillin có thể dùng erythromycin hoặc cephalosporin (ví dụ ceftriaxone) để thay thế. Các kháng sinh này đều có hiệu quả chống lại hầu hết các streptococci.

    Clindamycin

    Trong trường hợp nhiễm trùng S. pyogenes rất nghiêm trọng, như viêm cân mạc hoại tử, bác sĩ có thể thêm kháng sinh clindamycin cùng với penicillin để tăng hiệu quả, vì số lượng vi khuẩn rất lớn có thể lấn át cơ chế hoạt động của penicillin.

    Viêm da liên cầu là bệnh da liễu có thể lây lan, do đó để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khác, bạn nên gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

    Bạn có thể quan tâm:

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Trương Phạm Mỹ Tuyền

    Da liễu · Clover Clinic


    Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 26/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo