backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Tìm hiểu chi tiết về viêm da mủ để điều trị đúng, hiệu quả

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh · Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 18/10/2023

Tìm hiểu chi tiết về viêm da mủ để điều trị đúng, hiệu quả

Viêm da mủ là tên gọi chung của nhiều loại bệnh da liễu do các loại vi khuẩn như tụ cầu và liên cầu gây ra. Chúng thường sống ở các nang lông, nếp gấp da. Khi ở điều kiện thích hợp như thời tiết thay đổi, sức đề kháng cơ thể yếu, vệ sinh kém, da có vết xước, chúng sẽ phát triển, gây tình trạng viêm da mủ.

Những loại viêm da mủ nào phổ biến? Bệnh có nguy hiểm không? Mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết ngay sau đây!

Viêm da mủ là gì?

Da là môi trường sống lý tưởng của các vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm. Chúng vô hại cho đến khi gặp điều kiện thuận lợi như thời tiết, vết thương hở trên da, vệ sinh da kém để sinh sôi, phát triển và gây nhiễm trùng trên da.

Viêm da mủ còn gọi là viêm da nhiễm khuẩn. Thông thường, có 2 loại vi khuẩn phổ biến gây viêm da nhiễm khuẩn là tụ cầu (staphylococcus) và liên cầu (streptococcus). Người bệnh thường gặp các triệu chứng điển hình như nổi mẩn đỏ, sưng tấy, ngứa ngáy, đôi lúc là đau nhức khó chịu,…

1. Viêm da mủ do tụ cầu khuẩn

Tụ cầu khuẩn thường là vi khuẩn S.aureus có khả năng gây nhiễm trùng da có mủ ở nang lông và các cơ quan khác. Nhiễm trùng da do tụ cầu khuẩn thường gặp ở những người thường xuyên bị tổn thương da.

Các loại viêm da mủ do tụ cầu khuẩn bao gồm:

1.1. Viêm nang lông nông

Tại vị trí bị viêm nang lông nông, mụn nước nhỏ hình thành dưới nang lông, gây sưng đau. Các nốt mụn này sau khi khô, bong tróc và lành lại không để lại sẹo. Ngoài ra, viêm nang lông nông thường khiến lông mọc ngược gây khó chịu, thậm chí là đau đớn.

viêm da mủ

1.2. Viêm nang lông sâu

Viêm nang lông sâu thường do vi khuẩn Staphylococcus vàng gây nên, biểu hiện với những mụn mủ màu đỏ hoặc trắng trên da. Bệnh viêm da mủ do nhiễm khuẩn tụ cầu sâu bên trong lỗ chân lông, có mủ gây cảm giác đau nhức khi vỡ ra. Tổn thương có thể để lại sẹo nếu có kích thước lớn hoặc nổi từng cụm.

1.3. Nhọt

Mụn nhọt là bệnh viêm da có mủ do nhiễm tụ cầu khuẩn phổ biến nhất. Mụn mủ phát triển trong nang lông hoặc tuyến dầu, đồng thời, vùng da xung quanh cũng trở nên đỏ và sưng tấy. Nếu nhọt vỡ ra, mủ sẽ chảy ra.

Nhọt ở gần miệng, theo dân gian được gọi là mụn đinh râu. Bên cạnh đó, nhọt còn thường xuất hiện ở dưới cánh tay, xung quanh vùng háng hoặc mông.

Viêm da mủ

1.4. Nhọt ổ gà

Nhọt ổ gà là tình trạng viêm nang lông kèm theo viêm tuyến tuyến bã ở vùng nách, gây đau đớn và có thể tái phát ở những vùng cơ thể có tuyến mồ hôi. Bệnh thường phát triển mạnh vào mùa nắng nóng.

Các bộ phận cơ thể thường dễ bị nhọt bao gồm: Nách, hậu môn, mông, háng, gáy cổ, thắt lưng. Hiện chưa có cách chữa trị bệnh, nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa mụn nhọt và sẹo mới.

1.5. Viêm mô tế bào

Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm trùng ở các lớp sâu hơn của da, gây mẩn đỏ và sưng tấy trên bề mặt da. Ngoài ra, các vết loét còn có thể nổi mủ trên da, thậm chí chảy mủ khi bị vỡ.

2. Viêm da mủ do liên cầu khuẩn

Viêm da mủ do liên cầu thường xảy ra do điều kiện vệ sinh kém, môi trường sống có nhiệt độ và độ ẩm cao hoặc da có vết thương hở.

Các loại viêm da mủ do liên cầu khuẩn bao gồm:

2.1. Chốc loét

Ban đầu, chốc loét hình thành từ các vết loét mụn mủ trên vùng da bị viêm, sau đó đóng vảy màu vàng. Dưới lớp vảy đó là vết loét màu đỏ, rỉ mủ và có thể để lại sẹo sau khi lành. Chốc loét thường xuất hiện ở các vị trí mông, đùi, chân, mắt cá chân và bàn chân.

Điều trị 

  • Kháng sinh tại chỗ: Thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ axit fusidic, mupirocin.
  • Thuốc sát trùng tại chỗ: Povidone iốt, dung dịch siêu oxy hóa, mật ong Manuka kháng khuẩn hoặc kem hydro peroxide.
  • Kháng sinh đường uống: Penicillin, dicloxacillin hoặc flucloxacillin.

2.2. Viêm quầng (erysipelas)

viêm da mủ

Viêm quầng cũng là một tình trạng viêm da mủ liên cầu do vi khuẩn streptococcus gây ra. Bệnh viêm da nhiễm trùng này có thể xuất hiện cả trẻ em và người lớn. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh viêm quầng như mụn nước, các đường viền nổi lên da, da sưng đỏ, đau khi nhiễm trùng lan rộng. Bệnh thường xuất hiện ở các vị trí như chân, cánh tay hoặc mặt.

Điều trị:

  • Thuốc kháng sinh Penicillin đường uống
  • Sử dụng erythromycin, roxithromycin hoặc pristinamycin cho những bệnh nhân dị ứng với penicillin.
  • Vancomycin được dùng điều trị viêm quầng ở mặt do MRSA.
  • Thuốc cần được sự hướng dẫn sử dụng và kê đơn của bác sĩ da liễu để điều trị dứt điểm bệnh viêm quầng.

    2.3. Bệnh chốc lở

    viêm da mủ

    Bệnh chốc lở là bệnh viêm da mủ dễ lây lan, gây ngứa và đau đớn. Bệnh phát triển do vi khuẩn xâm nhập thông qua các vết xước trên da gây viêm và nhiễm trùng, cùng với các triệu chứng như:

    • Mụn nước lớn, rỉ dịch
    • Da sưng đỏ, các mụn nước vỡ ra, đóng vảy nhưng không để lại sẹo nếu tình trạng bệnh nhẹ
    • Bệnh chốc lở nghiêm trọng hơn có thể do vết loét sâu, nhiễm trùng sâu dưới da và để lại sẹo
    • Bệnh chốc lở có thể xuất hiện trên miệng, mũi, da đầu, chân, cánh tay và có thể ở bất cứ nơi nào trên cơ thể.

    Điều trị

    • Thuốc mỡ bôi ngoài da mupirocin
    • Thuốc kháng sinh đường uống như cephalosporin, clindamycin và sulfamethoxazole
    Thông tin về những loại thuốc điều trị các loại viêm da mủ do liên cầu khuẩn chỉ mang tính tham khảo. Các loại thuốc cần có toa đơn và hướng dẫn của bác sĩ. Bạn không nên tự ý sử dụng thuốc để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

    Viêm da mủ có nguy hiểm không?

    Da bị viêm, nổi nhọt có mủ do vi khuẩn tấn công. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ tấn công của vi khuẩn mà bệnh viêm da mủ sẽ biểu hiện những triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viêm da mủ đều có thể gây hại cho chức năng và tính thẩm mỹ của da nếu không được điều trị dứt điểm, kịp thời.

    Hơn nữa, viêm da mủ không được điều trị đúng cách, điều trị muộn, trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.

    Phòng ngừa bệnh viêm da mủ

    • Luôn giữ vệ sinh da: Để phòng ngừa bệnh viêm da mủ, bạn nên tắm mỗi ngày, đồng thời vệ sinh da đều đặn hạn chế vi khuẩn phát triển.
    • Đi gặp bác sĩ: Ngay khi có dấu hiệu viêm da mủ, bạn cần đi thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
    • Không cạy gỡ hay gãi: Việc cào xước vùng bị viêm có thể khiến vùng da tổn thương nghiêm trọng hơn.
    • Chế độ ăn uống: Tăng cường ăn thực phẩm giàu các loại vitamin và đạm, protein để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
    • Không tự ý dùng thuốc: Không nên tự ý đắp lá theo dân gian hay uống thuốc kháng sinh. Bạn cần có sự hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị.

    Hy vọng bạn đọc đã có thêm thông tin về các bệnh lý viêm da mủ. Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh, do đó nếu có bất kỳ triệu chứng nào về da như trên, bạn nên tìm sự giúp đỡ từ bác sĩ.

    Bạn có thể quan tâm:

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

    Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


    Tác giả: Trần Thùy Linh · Ngày cập nhật: 18/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo