backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cây chút chít

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 05/05/2020

    Cây chút chít

    Tên thường gọi: Chút chít

    Tên gọi khác: Lưỡi bò, dương đề, thổ đại hoàng…

    Tên khoa học: Rumex wallichii Meisn.

    Họ: Rau răm (Polygonaceae)

    Tổng quan

    Tìm hiểu chung về cây chút chít

    Cây chút chít là một loại cỏ nhỏ, cao chừng 0,4–1,2m, rễ khỏe, dài và có màu nâu. Thân cứng, ít phân nhánh, trên thân có rãnh dọc. Lá mọc so le, phiến lá rộng hình mũi mác, mép nguyên lượn sóng.

    Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc kẽ lá, hoa có màu vàng lục xếp thành vòng sít nhau, nhất là ở ngọn. Quả nhỏ, được bao bọc bởi hoa.

    Mùa hoa vào tháng 3–4, mùa quả khoảng tháng 5–7.

    Cây mọc hoang nhiều nơi, nhất là khu vực ẩm thấp, xung quanh bờ ao hồ, bãi sông, ven suối. Rễ có thể đào quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa thu đông, trong các tháng 8, 9, 10.

    chút chít

    Bộ phận dùng của chút chít

    Người ta thường lấy rễ già của cây chút chít trên 2 tuổi, bỏ rễ con, rửa sạch, thái thành miếng dày khoảng 0,5–1cm, phơi khô để sử dụng.

    Lá cũng được dùng làm thuốc.

    Thành phần hóa học trong cây chút chít

    Nhiều bộ phận của cây chút chít có chứa anthraglycosid. Tỷ lệ anthraglycosid toàn phần trung bình là 3–3,4%, trong đó khoảng 0,47% ở dạng tự do và 2,54% ở dạng kết hợp.

    Ngoài ra, trong dược liệu này có chứa ít tanin và nhựa.

    Tác dụng, công dụng của chút chít

    Cây chút chít có những công dụng gì?

    Cao lỏng và dịch hãm chiết từ rễ chút chít thí nghiệm trên ruột thỏ cô lập có tác dụng làm tăng trương lực, biên độ co bóp và tần số co bóp của ruột.

    Dịch chiết bằng ethanol của cây chút chít cho thấy tác dụng ức chế nấm da đầu, phần tan trong nước không có tác dụng.

    Theo Đông ý, chút chít có vị đắng, tính hàn, quy vào các kinh vị, tràng. Chúng có tác dụng thông đại tiện, thanh nhiệt, sát trùng.

    Liều dùng của chút chít

    Liều dùng thông thường của chút chít là bao nhiêu?

    Rễ chút chít được sử dụng để làm thuốc nhuận tràng hay tẩy xổ, chữa táo bón, bí đại tiện. Liều dùng để nhuận tràng là 1–3g, để tẩy xổ khoảng 4–6g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp cùng các vị thuốc khác.

    Nhân dân còn dùng lá chút chít tươi giã nát rồi bôi ngoài để chữa hắc lào hoặc dùng nước sắc của lá, rễ để rửa các mụn ghẻ lở.

    Một số bài thuốc có chút chít

    Cây chút chít được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

    1. Chữa bí đại tiện:

    Rễ tươi chút chít 8–12g nhai sống hay sắc nước uống.

    2. Thuốc tẩy xổ:

    Chút chít thái mỏng 8g, cam thảo 4g, thêm 400ml nước. Đem sắc còn 150ml rồi chia làm nhiều lần uống trong ngày.

    3. Viên chút chít nhuận tràng:

    Mỗi viên gồm bột chút chít 0,5g, bột cam thảo 0,3g, diêm sinh 0,15g, bột hồi 0,04g. Để nhuận tràng: uống 1–2 viên/ngày, để tẩy: uống 3–6 viên hoặc 8 viên/ngày. Uống vào buổi tối.

    4. Chữa hắc lào và các loại lở ngứa:

    Bột rễ chút chít 100g, rượu 500–600ml. Ngâm 10 ngày rồi lấy ra bôi vào các vết hắc lào đã được vệ sinh sạch sẽ. Có thể dùng bôi ghẻ, trứng cá.

    Cành lá chút chít sắc nước ngâm rửa hoặc lấy rễ chút chít mài với giấm/cồn để bôi ngoài da.

    Lưu ý, thận trọng khi dùng chút chít

    Khi dùng chút chít, bạn nên lưu ý những gì?

    Để sử dụng chút chít một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc Đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.

    Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

    Mức độ an toàn của cây chút chít

    Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng chút chít trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

    Tương tác có thể xảy ra với chút chít

    Chút chít có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 05/05/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo