backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Mâm xôi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung · Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 13/06/2023

Mâm xôi

Mâm xôi là loài cây dễ trồng, phù hợp với khí hậu nóng ẩm, thậm chí nó còn là loài cây mọc dại phổ biến ở miền Bắc và miền Trung nước ta. Tuy vậy không phải ai cũng biết đến tác dụng của loại cây thuốc quý này đối với sức khỏe con người. Ngày nay, quả mâm xôi được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, làm đẹp…

Vậy tác dụng của mâm xôi là gì? Bạn hãy  cùng Hellobacsi tìm hiểu về loại cây này nhé!

Tên thường gọi: Mâm xôi

Tên gọi khác: Đùm đũm, đũm hương, mác hủ (Tày), co hu (Thái), ghìm búa (Dao)

Tên nước ngoài: Ronce rampante (Pháp)

Tên khoa học: Rubus moluccanus Hook f.

Họ: Hoa hồng (Rosaceae)

Tổng quan

Tìm hiểu chung về cây mâm xôi

Cây mâm xôi là cây bụi nhỏ, thân leo có gai to và dẹt. Cành mọc vươn dài, nhiều lông.

Lá đơn, mọc so le. Phiến lá hình bầu dục, hình trứng hoặc gần tròn; chia thùy nông không đều. Gân lá hình chân vịt. Mép lá khía răng. Mặt trên lá màu lục sẫm, phủ lông lởm chởm. Mặt dưới lá có nhiều lông mềm, mịn, màu trắng xỉn. Cuống lá dài, có gai, có lá kèm nhưng rụng từ sớm.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành thành chùm ngắn. Lá bắc giống lá kèm. Hoa màu trắng. Lá đài 5 thùy, có lông, 2 – 3 cái ở phía ngoài chẻ ra ở đầu còn các lá khác nguyên. Cánh hoa mỏng, hình tròn. Nhị rất nhiều và thường dài bằng cánh hoa, chỉ nhị dẹt. Lá noãn nhiều.

Quả kép, hình cầu gồm nhiều quả hạch tụ lại giống như mâm xôi, khi chín có màu đỏ cho tới đen và ăn được.

Mùa hoa vào tháng 2 – 3, mùa quả vào tháng 5 – 7.

Bộ phận dùng làm thuốc của cây mâm xôi

 Cành, lá và quả mâm xôi đều được dùng làm thuốc.

 Cành lá thu hái quanh năm, thái thành đoạn ngắn, phơi khô, bảo quản dùng dần. 

 Quả thu hái khi chín, bảo quản lạnh, làm mứt, ngâm rượu hoặc phơi khô. 

Thành phần hóa học trong mâm xôi

Quả mâm xôi chứa một chất rất có ích cho sức khoẻ là axit ellagic (một dạng tannin), được xem là chất dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật (phyto-nutrients) chống oxy hóa hiệu quả nhất. Nó giúp bảo vệ màng tế bào và các cấu trúc cơ thể bằng cách trung hòa các gốc tự do.

Ngoài ra quả mâm xôi  còn chứa nhiều hợp chất flavonoid như kaempferol, quercetin, anthocyanin. Quả mâm xôi có hàm lượng cao vitamin C (53,7%), mangan (41%), Mg, Cu, Zn, K, acid folic, omega-3, vitamin K, vitamin E, chất xơ (31%).

mâm xôi chứa tanin.

Tác dụng, công dụng

lá và quả mâm xôi có tác dụng gì

Cây mâm xôi có tác dụng gì?

Tác dụng dược lý của cây mâm xôi

  1. Chống oxy hóa

Quả mâm xôi có lượng vitamin dồi dào, cụ thể là 26,2 mg/ 100 g quả tươi. Theo nghiên cứu, hàm lượng vitamin C trong quả mâm xôi cao gấp đôi dâu tây, gấp 3 lần kiwi và gấp 10 lần so với cà chua. Nhờ đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ của vitamin C nên loại quả này có tác dụng ngăn ngừa và làm chậm quá trình oxy hóa trong cơ thể. Cụ thể là:

  • Bảo vệ não, ngăn ngừa tổn thương não và mất trí nhớ theo tuổi.
  • Tốt cho người bệnh tiểu đường, bảo vệ mạch máu và thần kinh. Người tiểu đường ăn được thường xuyên vì quả này có chỉ số đường huyết thấp và đường trong mâm xôi là đường fructose.
  • Tốt cho sức khỏe tim mạch
  • Tăng cường sức khỏe cho đôi mắt, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, tránh khô mắt, bổ sung vitamin cho mắt sáng khỏe: Ngoài vitamin C thì trong thành phần của quả mâm xôi có chứa một hàm lượng lớn chất chống oxy hóa khác như: Carotenoid, vitamin A, E và các khoáng tố vi lượng như CU, Zn , loại chất này khi vào cơ thể sẽ có tác dụng phòng ngừa sự oxy hóa của võng mạc và loại trừ những gốc tự do gây hại đến võng mạc.
  1. Tăng cường hệ thống miễn dịch, tránh nhiễm trùng, làm đẹp da:

 Trong quả mâm xôi có một hàm lượng lớn chất flavonoid, bởi vậy, chúng có khả năng kháng khuẩn, tiêu viêm, hạ áp, chống dị ứng…Đặc biệt, trong quả mâm xôi có hàm lượng vitamin E, carotenoid có tác dụng giải dị ứng, tiêu viêm, thải độc, bảo vệ da chống lại các tia cực tím giảm các vết thâm nám trên da, giúp đàn hồi, tăng cường tuần hoàn ở các mao mạch ngoại vi, thúc đẩy các tế bào collagen mới giúp da  sáng đẹp và ngăn sự rụng tóc và bạc tóc.

  1. Tác dụng chống viêm, đặc biệt là trên tiêu hóa, hỗ trợ tiêu hóa: 

Quả mâm xôi chứa lượng rất cao chất xơ, đây là một trong các loại quả đứng đầu trong thế giới trái cây về hàm lượng chất xơ. Theo tính toán, một vốc tay quả mâm xôi chứa khoảng 8g chất xơ, theo khuyến cáo về dinh dưỡng nên bổ sung 25g chất xơ mỗi ngày để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt. Chất xơ cũng giúp cải thiện sức khỏe bằng cách giảm lượng cholesterol có trong máu.

  1. Tăng cường sinh lực, cải thiện ham muốn cho nam giới.

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã nghiên cứu và đưa ra chứng minh, quả mâm xôi giúp cải thiện vi tuần hoàn ở dương vật, giúp thần kinh hưng phấn ở dương vật được nâng cao hơn. Từ đó, cho thấy rằng quả mâm xôi có tác dụng tốt trong phòng chữa những trường hợp liệt dương hoặc suy giảm ham muốn. Bạn có thể dùng cây mâm xôi chữa hiếm muộn ở nam vì nó hỗ trợ cải thiện chất lượng tinh trùng.

Nhiều người cho rằng lá mâm xôi chữa tắc vòi trứng nhưng hiện tại chưa tìm được tài liệu chứng mình điều này.

Tác dụng của cây mâm xôi theo y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, quả mâm xôi phơi khô được gọi là vị thuốc phúc bồn tử. Phúc bồn tử có vị ngọt chua, tính bình, có công dụng bổ can thận, sáp niệu, trợ dương, cố tinh, minh mục, thường được dùng để chữa các chứng liệt dương, di tinh, muộn con, lao lực, thị lực kém… 

 Lá, cành và rễ loài cây này đều có vị ngọt, nhạt và tính bình. Công dụng là hoạt huyết, thanh nhiệt, tán ứ, chỉ huyết, kích thích tiêu hóa, giúp tăng cảm giác ngon miệng.

Theo một số tài liệu nước ngoài, lá cây có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, gây sảy thai. Vỏ thân và lá có tác dụng làm se. Quả có tác dụng bồi bổ, cường dương.

Mâm xôi được dùng bồi bổ cho phụ nữ sau sinh bị mất sức, trị đầy bụng do ăn không tiêu, viêm gan mạn tính, viêm tuyến vú, viêm miệng, thận hư, liệt dương, di tinh, tiểu són, tiểu buốt. Tuy nhiên đối với phụ nữ có thai thì chưa có nghiên cứu nào chứng minh sự an toàn của phúc bồn tử đối với thai nhi nên bạn cần cẩn thận khi sử dụng phúc bồn tử cho phụ nữ có thai. 

Ở Ấn Độ, người ta dùng quả mâm xôi chữa đái dầm ở trẻ em; nước sắc từ lá và vỏ thân chữa tiêu chảy.

Liều dùng

Liều dùng thông thường của mâm xôi là bao nhiêu?

Liều từ 10 – 30g quả, từ 30 – 40g cành lá hằng ngày tùy theo từng bài thuốc.

Một số bài thuốc có vị mâm xôi

bài thuốc từ cây mâm xôi

Cây mâm xôi được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?

1. Phụ nữ sau sinh mất sức, ăn không tiêu (đầy bụng)

Cành lá phơi khô 10 – 20g, sao thơm rồi hãm hoặc sắc nước uống trong ngày.

Dùng riêng hoặc phối hợp với lá khổ sâm trong trường hợp lạnh bụng, đi ngoài phân sống. 

2. Viêm gan mạn tính, viêm tuyến vú, viêm miệng

Lá và cành 20 – 30g, mộc thông 15g, ô rô 15g đem sắc cùng 400ml nước cho đến khi còn 100ml, chia thành 2 lần uống trong ngày.

3. Thận hư, liệt dương, di tinh, tiểu són, tiểu buốt

Cây mâm xôi phơi khô 20 – 30g, sắc nước uống.

Dùng riêng hoặc phối hợp với ba kích, kim anh mỗi vị 10 – 15g.

Lưu ý, thận trọng khi dùng

Khi dùng cây mâm xôi, bạn nên lưu ý những gì?

Để sử dụng dược liệu mâm xôi một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này. 

Nếu bạn hái quả mâm xôi ở vùng cây mọc dại, bạn cần rửa sạch thật kỹ trước khi ăn vì có thể sẽ có nọc độc của các loài côn trùng dính vào quả. 

Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.

Mức độ an toàn của mâm xôi

Bạn không dùng mâm xôi cho phụ nữ mang thai vì có thể gây sảy thai. Phụ nữ sau sinh có thể dùng được dược liệu này.

Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng thảo dược này.

Tương tác có thể xảy ra với vị thuốc mâm xôi

Vị thuốc mâm xôi có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ loại dược liệu nào.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Lương Lan · Ngày cập nhật: 13/06/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo