backup og meta
Chuyên mục

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Hiện tượng ngủ không dậy được: Nguyên nhân và cách khắc phục

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung · Tâm thần · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Trần Cẩm Tú · Ngày cập nhật: 26/12/2023

Hiện tượng ngủ không dậy được: Nguyên nhân và cách khắc phục

Nếu đã trải qua tình trạng ngủ nửa tỉnh nửa mơ, hay biết mình đang mơ nhưng không tỉnh được, bạn chắc chắn sẽ rất trăn trở hiện tượng ngủ không dậy được này có nguy hiểm không. 

Hiện tượng ngủ không dậy được này nguyên nhân do đâu và có thể khắc phục được không? Bài viết sẽ mang đến cho bạn thông tin đầy đủ về triệu chứng, nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng này.

1. Hiện tượng ngủ không dậy được là gì?

Hiện tượng ngủ không dậy được có khả năng xảy ra ở hai trường hợp: liệt trong giấc ngủ (sleep paralysis) và thức tỉnh giả (false awakening) . Các nghiên cứu cho thấy rằng cả hai tình trạng đều diễn ra lúc bắt đầu vào hoặc sắp kết thúc giai đoạn giấc ngủ REM. Tuy có nhiều điểm tương đồng nhưng sự khác biệt của hai tình trạng này là khá rõ ràng.

1.1. Liệt trong giấc ngủ

Hiện tượng liệt trong giấc ngủ (sleep paralysis) trong dân gian thường gọi là “ bóng đè”, là tình trạng bạn không thể di chuyển hoặc nói mặc dù bạn cảm thấy tỉnh táo. Thậm chí, bạn có thể di chuyển mắt và có nhận thức về môi trường xung quanh nhưng không thể cử động cơ thể được. Bạn có cảm giác như mình đang bị ai đó giữ chặt và không thể kháng cự được.

Người gặp phải hiện tượng này có thể cố la hét nhưng chỉ phát ra được những tiếng thì thầm. Một số người có thể mô tả cảm giác nghẹt thở, chỉ thở lại được khi sự kiện đã đi qua. Họ thường mô tả một cảm giác lo sợ mạnh mẽ về sự diệt vong sắp xảy ra, bị truy đuổi hoặc phải thoát khỏi nguy hiểm sắp xảy ra. Trong một số trường hợp, ảo thính và ảo xúc có thể đi kèm, do đó người bị ảnh hưởng bởi tình trạng này có thể kể lại những câu chuyện sống động trong giấc mơ ấy và nhớ được nhiều năm sau đó.

Các cơn tê liệt khi ngủ kéo dài bao lâu? Hiện tượng này có thể kéo dài trong vài giây, nhưng cũng có thể là vài phút, thường xảy ra ngay sau khi vào giấc ngủ hoặc trước khi thức dậy.Tình trạng này thường kết thúc sau khi bệnh nhân được ai đó đánh thức hoặc lay gọi.

Liệt trong giấc ngủ có cảm giác như thế nào?

Trong khi bị tê liệt khi ngủ, bạn có thể gặp các triệu chứng như:

  • Tỉnh táo nhưng không thể cử động
  • Cảm giác bị thắt chặt quanh cổ họng, không thể nói chuyện, đôi lúc có cảm giác nghẹt thở.
  • Ảo giác có kẻ đột nhập, nhận thức về một sự nguy hiểm đang hiện diện trong phòng ngủ
  • Ảo giác áp lực ở ngực, cảm giác nghẹt thở hoặc cảm giác ai đó đang đè lên lồng ngực 
  • Ảo giác tiền đình – vận động, chẳng hạn như bay hoặc cảm giác thoát xác.

Hiện tượng thức tỉnh giả hay thức giấc nhầm là khi bạn tin rằng mình đã tỉnh dậy sau giấc ngủ, nhưng thực tế vẫn đang trong trạng thái mơ. Tình trạng ngủ nửa tỉnh nửa mơ này có thể cực kỳ sống động và chân thực.

Tình trạng này có thể khiến bạn nghĩ mình đã thức giấc, thực hiện những thói quen buổi sáng và bắt đầu ngày mới. Thế nhưng trên thực tế, bạn vẫn còn trong giấc ngủ.

Có nhiều điểm tương đồng giữa liệt trong giấc ngủ (bóng đè) và thức giấc giả. Cả hai trải nghiệm đều có vẻ rất thực tế và có thể gây lo lắng.Tuy nhiên, những người trải qua thức tỉnh giả có cảm giác rằng họ có thể di chuyển tự do trong giấc mơ của mình. Trong khi đó, tình trạng liệt trong giấc ngủ khiến bản thân người trải nghiệm không thể di chuyển, mặc dù họ đang thức.

2. Hiện tượng ngủ không dậy được xảy ra khi nào?

Chứng tê liệt khi ngủ (hiện tượng bóng đè): xảy ra giữa giấc ngủ REM và sự tỉnh giấc. Điều này diễn ra khi cơ thể đang ở chế độ ngủ nhưng bộ não lại hoạt động. Cụ thể, hai trường hợp thường diễn ra hiện tượng nửa tỉnh nửa mơ là:

Giai đoạn mới bắt đầu chìm vào giấc ngủ (từ trạng thái thức sang ngủ). Lúc này, ý thức giảm dần não bộ sẽ dần bước vào trạng thái nghỉ, các cơ giãn ra dần. Tình trạng liệt trong giấc ngủ sẽ xảy ra khi não bộ đột ngột hoạt động trong khi các cơ đã giãn hoàn toàn.

Giai đoạn chuẩn bị thức giấc (từ trạng thái ngủ sang thức): Hiện tượng ngủ không dậy được sẽ xảy ra khi não bộ thức tỉnh  trước khi cơ thể kịp tỉnh dậy hoàn toàn (các cơ hoạt động trở lại bình thường).

Chứng thức giấc giả thường diễn ra khi cơ thể chuyển từ trạng thái ngủ sang trạng thái tỉnh giấc. 

Khi bạn chuẩn bị tỉnh dậy từ giấc ngủ: Khi này, bạn có thể bị nhầm tưởng bản thân đã tỉnh giấc và bắt đầu chuẩn bị cho ngày mới với các thói quen như: vệ sinh cá nhân, đánh răng, hay mở điện thoại di động.

Khi bạn tin đã thức dậy nhiều lần liên tiếp sau giấc ngủ: Điều này có thể tạo ra sự bối rối và khó khăn trong phân biệt giữa thực tế và giấc mơ, tạo ra một trạng thái mơ màng và không chắc chắn về trạng thái hiện tại gây ra sự lo lắng và hoang mang, thậm chí là hoảng loạn thường trực. 

3. Ngủ không dậy được có nguy hiểm không?

Ngủ không dậy được có nguy hiểm không?

Thức giấc giả có nguy hiểm không? Về tổng quan, hiện tượng này không gây nguy hiểm cho sức khỏe về mặt vật lý và hiếm khi diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, hiện tượng ngủ không dậy được thường dẫn đến trạng thái bất an, khó chịu và sợ hãi đối với người gặp phải.

Theo ước tính, có khoảng 10% số người có thể bị liệt trong giấc ngủ lặp lại hoặc khó chịu, hoảng sợ hơn trong lần tái phát. Điều này dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và gia tăng lo lắng khi đi ngủ. Hậu quả gián tiếp của hiện tượng ngủ không dậy được là khó chìm vào giấc ngủ, thiếu ngủ hoặc mất ngủ do căng thẳng.

Thức giấc giả, ngủ mơ không dậy được nguy hiểm không? Tương tự, câu trả lời là không ảnh hưởng đến sức khỏe vật lý. Tuy nhiên, thường xuyên ngủ nửa tỉnh nửa mơ có thể gây nhầm lẫn và khó chịu vì ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như đi trễ và có ký ức giả. 

Ngoài ra, tình trạng thức giấc giả cũng có thể xảy ra nhiều lần liên tiếp, điều này có thể gây khó chịu nếu người ngủ cảm thấy như họ không thể thức dậy. 

4. Nguyên nhân gây nên hiện tượng ngủ không dậy được

Nguyên nhân chính xác của hiện tượng này hiện nay vẫn chưa được biết rõ. Các nghiên cứu liên quan đến việc tăng nguy cơ xuất hiện tình trạng này dẫn đến nhiều kết quả khác nhau. 

Một số yếu tố liên quan có thể khiến bạn tê liệt trong giấc ngủ bao gồm:

  • Rối loạn giấc ngủ, bao gồm: chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, mất ngủ kinh niên và rối loạn nhịp sinh học. 
  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý 
  • Rối loạn lo âu lan tỏa
  • Rối loạn hoảng sợ
  • Chứng ngủ rũ (narcolepsy)– tình trạng khiến một người đột nhiên ngủ thiếp đi
  • Giấc ngủ bị gián đoạn – ví dụ, do làm việc theo ca hoặc đi máy bay
  • Tiền sử gia đình bị tê liệt khi ngủ
  • Uống rượu 

Đối với hiện tượng thức giấc nhầm hay tỉnh giấc giả, không có nhiều nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực này. Một số chuyên gia tin rằng tình trạng thức giấc giả là do hưng phấn quá mức trong giấc ngủ REM. Ngoài ra, hiện tượng này cũng được cho là liên quan chặt chẽ với chứng liệt trong giấc ngủ và chứng mất ngủ, đặc biệt là chứng mất ngủ ngắn hạn. 

5. Cách khắc phục tình trạng ngủ không dậy được

Cách khắc phục ngủ không dậy được

Nếu bạn cảm thấy bị làm phiền bởi chứng tê liệt khi ngủ hoặc tình trạng ngủ nửa tỉnh nửa mơ, bạn nên thay đổi thói quen ngủ. Những biện pháp ngăn ngừa và giảm nhẹ tình trạng này bao gồm:

  • NÊN ngủ đủ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày
  • NÊN duy trì lịch ngủ và thức dậy nhất quán, tức là đi ngủ và thức giấc trong khung giờ cố định, dù là vào ngày nghỉ hay cuối tuần để thiết lập một lịch trình giấc ngủ cố định. 
  • NÊN tạo một môi trường ngủ thoải mái tối và yên tĩnh: tắt các thiết bị điện và đèn khi đi ngủ, đảm bảo không có tiếng ồn làm gián đoạn giấc ngủ.
  • NÊN thư giãn trước khi đi ngủ bằng cách tắm, đọc sách hoặc nghe nhạc êm dịu.
  • NÊN tập thể dục thường xuyên, nhưng không tập 2 4 tiếng  trước khi đi ngủ
  • KHÔNG NÊN ăn một bữa ăn quá nhiều dinh dưỡng và lượng lớn thức ăn, hút thuốc, uống rượu hoặc caffeine ngay trước khi đi ngủ
  • KHÔNG NÊN nằm ngửa khi ngủ – điều này có thể khiến tình trạng tê liệt khi ngủ dễ xảy ra hơn
  • KHÔNG NÊN dùng điện thoại, máy tính bảng, thiết bị đọc sách điện tử và máy tính trước khi đi ngủ 30 phút .

Khi nào bạn nên đi khám?

Hãy đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán  và điều trị nếu bạn thường xuyên bị tê liệt khi ngủ và bạn cảm thấy:

  • Rất lo lắng hoặc sợ đi ngủ
  • Lúc nào cũng mệt mỏi vì thiếu ngủ hoặc cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng sau khi thức giấc dù đã ngủ đủ thời lượng
  • Khó đi vào giấc ngủ, kéo dài hơn 30 phút để vào giấc được 
  • Luôn có tâm trạng lo lắng, sợ hãi hoặc hoảng loạn, lo lắng cả những vấn đề nhỏ trong cuộc sống
  • Khó tập trung, hay quên vào ban ngày, ảnh hưởng đến hiệu suất và hiệu quả học tập, làm việc
  • Thường xuyên buồn ngủ, ngủ gật vào ban ngày dù đã ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi ngày
  • Tình trạng thức giấc giả làm bạn thường xuyên đi muộn, cảm giác hoang mang bối rối

Như vậy, bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin cần thiết liên quan đến hiện tượng ngủ không dậy được. Tìm hiểu về hiện tượng tê liệt khi ngủ (bóng đè) và thức tỉnh giả có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về những trạng thái đáng kỳ lạ trong giấc ngủ và giảm bớt lo lắng căng thẳng không cần thiết.

Thông thường, cả hai tình trạng trên đều không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất của bạn. Tuy vậy, nếu bạn trải qua hiện tượng ngủ không dậy được diễn ra thường xuyên và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, bạn hãy đi khám để được tư vấn và hỗ trợ.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Dương Thị Thùy Dung

Tâm thần · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Trần Cẩm Tú · Ngày cập nhật: 26/12/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo