backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Cảm cúm uống thuốc gì? 5 nhóm thuốc cảm cúm thường dùng

Tham vấn chuyên môn: Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương · Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 04/03/2024

Cảm cúm uống thuốc gì? 5 nhóm thuốc cảm cúm thường dùng

Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra. Ở Việt Nam, bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa, phổ biến nhất trong những tháng mùa thu và mùa đông. Hầu hết người mắc cúm sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, các triệu chứng của cảm cúm như: sốt, ho, đau họng, đau cơ, sổ mũi, mệt mỏi có thể khiến người bệnh khó chịu. Vậy, cảm cúm uống thuốc gì nhanh khỏi, giảm triệu chứng khó chịu? 

Cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây!

Cảm cúm uống thuốc gì?

Nếu bạn không thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh nặng thì chỉ cần dùng thuốc điều trị triệu chứng, cơ thể sẽ tự loại trừ virus trong vài ngày. Bạn có thể dùng một số loại thuốc sau đây để giảm nhẹ triệu chứng:

1. Thuốc giảm đau, hạ sốt

Bị sốt, đau đầu, đau họng, đau cơ do cảm cúm uống thuốc gì? Bạn có thể uống paracetamol hoặc ibuprofen là một loại thuốc kháng viêm không steroid

  • Paracetamol là thuốc không kê đơn khá an toàn giúp giảm đau, giảm sốt hiệu quả. Thuốc có thể dùng được cho người lớn và trẻ em trên 1 tháng tuổi. Khi dùng thuốc cho trẻ, cần lưu ý tính liều dùng thuốc dựa trên cân nặng để không bị quá liều.
  • Ibuprofen có thể giúp giảm đau hạ sốt ở người lớn và trẻ em từ 3 tháng tuổi trở lên. Liều dùng ibuprofen cho trẻ em cũng được tính dựa vào cân nặng của trẻ. Trường hợp bị hen suyễn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Đọc và làm theo hướng dẫn trên nhãn một cách cẩn thận. Nếu không chắc chắn hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

2. Thuốc giảm ho

Cảm cúm uống thuốc gì? Nguyên nhân chủ yếu gây ho khi bị cảm cúm là do phản ứng tăng tiết dịch nhầy mũi sau để chống lại sự xâm nhập của virus. Dịch nhầy và chất tiết khác gây kích thích dây thần kinh phía sau cổ họng và gây ho để tống xuất chất nhầy kèm virus ra khỏi cơ thể. Ho có thể tự hết mà không cần dùng thuốc. Thuốc giảm ho có thể được sử dụng nếu người bệnh cảm cúm bị ho nhiều và gây khó chịu. Cụ thể như sau:

  • Với trường hợp ho khan có thể dùng thuốc chứa codein, pholcodin, benzonatate hoặc dextromethorphan. Các thuốc giảm ho chỉ nên sử dụng khi có đơn của bác sĩ với liều lượng phù hợp.
  • Nếu ho có đờm dùng các thuốc làm loãng đờm, tiêu đờm như bromhexin, ambroxol, guaifenesin, acetylcysteine, carbocysteine…giúp làm loãng dịch tiết trong đường thở để cơn ho dễ dàng tống xuất chất nhầy cùng virus ra khỏi cơ thể hơn.
  • Các sản phẩm tự nhiên như:
    • Menthol (trong bạc hà) có tác dụng làm thông thoáng đường hô hấp, làm dịu cơn đau họng và giúp giảm ho.
    • Chiết xuất lá thường xuân.
    • Mật ong giúp làm giảm ho và làm loãng chất nhầy nhưng không nên dùng cho trẻ dưới 1 tuổi.

Không nên dùng thuốc ho cho trẻ dưới 6 tuổi. Hãy hỏi bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn trước khi cho trẻ từ 6 đến 11 tuổi dùng thuốc ho.

3. Thuốc kháng histamin

Thuốc kháng histamin là nhóm thuốc giúp giảm triệu chứng khó chịu do hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi,… Thuốc kháng histamin H1 được sử dụng trong trong các trường hợp như hắt hơi, sổ mũi, ho, các triệu chứng dị ứng như nổi mề đay,… Thuốc được dùng dưới nhiều dạng khác nhau như viên nén, dạng lỏng, dạng xịt hay dùng qua đường trực tràng. Một số loại thuốc thường dùng của nhóm này là: Chlorpheniramine, Dexchlorpheniramine, Fexofenadine,…

4. Cảm cúm hắt hơi sổ mũi uống thuốc gì? Thuốc chống sung huyết mũi

Cảm cúm uống thuốc gì? thuốc thông mũi

Cảm cúm uống thuốc gì? Nếu cần điều trị triệu chứng cảm cúm như hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, bạn có thể sử dụng thuốc trị cảm cúm nghẹt mũi là thuốc chống sung huyết mũi (hay thuốc thông mũi).

  • Thuốc chống sung huyết mũi thường là các thuốc có công dụng co mạch (naphazolin, xylometazolin,…) giúp co tĩnh mạch hang, động mạch nhỏ, mao mạch, thúc đẩy tuần hoàn máu. Từ đó, làm cho hốc xoang mũi thông thoáng hơn, giúp hết nghẹt mũi và dễ thở hơn. Tuy nhiên, không nên dùng thuốc quá 3 ngày liên tục trừ khi được bác sĩ chỉ định. Việc sử dụng thuốc kéo dài trên 3 ngày có thể gây ra tình trạng phụ thuộc vào thuốc, gây viêm mũi, phù nề cuống mũi, làm trầm trọng tình trạng nghẹt thở, giảm khứu giác, đau đầu.
  • Thuốc chống sung huyết mũi có chứa pseudoephedrine, phenylephrine, oxymetazoline hoặc xylometazoline không được sử dụng ở trẻ dưới 6 tuổi, người bị huyết áp cao. Người bệnh tiểu đường, tăng nhãn áp, bệnh tim, bệnh tuyến giáp, bệnh tiền liệt tuyến cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

5. Cảm cúm có nên uống kháng sinh không?

Kháng sinh chỉ có tác dụng chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nên không có hiệu quả trong điều trị bệnh gây ra do virus như cảm cúm. Vì vậy, cảm cúm thông thường không uống kháng sinh.

Kháng sinh chỉ được sử dụng khi đã có sự cho phép của bác sĩ trong trường hợp cảm cúm bội nhiễm vi khuẩn, hoặc dùng trên nhóm đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao với mục đích dự phòng bội nhiễm (suy giảm miễn dịch, người cao tuổi có nhiều bệnh nền,…). Không tự ý sử dụng kháng sinh để tránh tác dụng phụ và tình trạng kháng thuốc.

6. Cảm cúm uống thuốc gì? Thuốc kháng virus gây cảm cúm

Cảm cúm uống thuốc gì? Thuốc kháng virus

Ở người bệnh bị nhiễm trùng nặng hoặc có nguy cơ biến chứng cao, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus cúm kết hợp cùng với các thuốc điều trị triệu chứng. Các đối tượng có nguy cơ biến chứng cao và có thể cần điều trị bằng thuốc kháng virus bao gồm:

  • Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 12 tháng tuổi trở xuống
  • Người lớn từ 65 tuổi trở lên
  • Phụ nữ mang thai
  • Người mắc một số bệnh lý mạn tính như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim…

Thuốc kháng virus hoạt động tốt nhất khi bắt đầu điều trị sớm, tốt nhất là trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi các triệu chứng bắt đầu.

Cảm cúm uống thuốc gì? Các loại thuốc kháng virus cúm bao gồm:

  • Oseltamivir (Tamiflu): Oseltamivir tồn tại dưới dạng thuốc viên hoặc dạng lỏng. Bạn thường dùng thuốc trong vài ngày. Thuốc được dùng đường uống để điều trị sớm bệnh cúm ở trẻ từ 14 ngày tuổi trở lên.
  • Baloxavir (Xofluza): Bạn dùng baloxavir bằng đường uống dưới dạng thuốc viên hoặc dạng lỏng. Bạn chỉ dùng một liều duy nhất. Baloxavir không được khuyến cáo dùng cho phụ nữ đang mang thai, cho con bú, bệnh nhân đang nhập viện hoặc mắc một số bệnh lý nhất định.
  • Zanamivir (Relenza): Thuốc được dùng đường hít bằng thiết bị tương tự như ống hít hen suyễn. Thuốc được phê duyệt để điều trị sớm bệnh cúm ở người từ 7 tuổi trở lên. Bạn thường phải dùng nó trong vài ngày. Thuốc không nên được sử dụng cho bệnh nhân mắc các vấn đề về hô hấp mạn tính, chẳng hạn như hen suyễn, COPD và bệnh phổi.
  • Peramivir (Rapivab) tiêm tĩnh mạch: Thuốc được chấp thuận để điều trị sớm bệnh cúm ở những người từ 6 tháng tuổi trở lên. Bệnh nhân nằm viện có thể được kê đơn loại thuốc này, tiêm trực tiếp thông qua tĩnh mạch và với một liều duy nhất.

Thuốc kháng virus thường được kê đơn điều trị trong 5 ngày hoặc với 1 liều duy nhất. Thuốc có tác dụng rút ngắn thời gian bệnh khoảng 1 ngày, giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Tác dụng phụ của thuốc kháng virus có thể bao gồm buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy. Những tác dụng phụ này có thể giảm bớt nếu dùng thuốc cùng với thức ăn. Thuốc hít có thể gây co thắt làm thắt chặt và thu hẹp đường thở (co thắt phế quản).

Lưu ý khi dùng thuốc cảm cúm

Ngoài việc biết rõ cảm cúm uống thuốc gì thì khi dùng thuốc, bạn cũng nên lưu ý rằng:

  • Bổ sung vitamin C hoặc khoáng chất như kẽm có thể giúp nâng cao sức đề kháng chống lại virus gây bệnh cúm.
  • Các thuốc trị triệu chứng cảm thường ở dạng phối hợp. Cần xem kỹ thành phần tránh dùng quá liều thuốc (ví dụ như thuốc hạ sốt chứa paracetamol và các thuốc dạng phối hợp có chứa thành phần mang tên acetaminophen hoặc paracetamol).
  • Các thuốc giảm ho (codein, benzonatate) và các thuốc chống sung huyết mũi (pseudoephedrine, phenylephrine, oxymetazoline, xylometazoline,…) không dùng được cho một số đối tượng. Các thuốc này cần có đơn của bác sĩ và lưu ý đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.
  • Không phải ai cũng nên dùng các loại thuốc cảm cúm nêu trên, các thuốc này cũng có khả năng tương tác với các thuốc/thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng. Vì vậy, hãy hỏi kỹ dược sĩ trước khi sử dụng.
  • Đọc kỹ hướng dẫn và trao đổi với bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng thuốc cảm cúm cho trẻ em.

Chăm sóc người bệnh cảm cúm tại nhà

Ở trên, chúng ta đã có câu trả lời cho câu hỏi “Cảm cúm uống thuốc gì?”. Tuy nhiên, ngoài dùng thuốc, bạn cũng có thể thực hiện những điều sau đây để bệnh nhanh khỏi:

  • Nghỉ ngơi
  • Uống nhiều nước, ăn trái cây và bổ sung điện giải nếu cần
  • Xịt mũi và rửa mũi bằng nước muối
  • Uống mật ong và một số loại trà thảo mộc giúp giảm đau họng
  • Giữ ấm cơ thể
  • Giữ ẩm không khí
  • Xông hơi với tinh dầu.

Đồng thời, người bệnh nên ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt, tránh tiếp xúc với người khác, che miệng khi ho và hắt hơi bằng khăn giấy, rửa tay thường xuyên, làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật có nguy cơ lây nhiễm để hạn chế lây lan virus gây bệnh.

Lưu ý, cảm cúm là bệnh thông thường và sẽ tự khỏi nhưng trong một số trường hợp, bệnh có thể trở nặng gây các biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Những người có yếu tố nguy cơ biến chứng cao cần được thăm khám và điều trị với bác sĩ. Nếu có các dấu hiệu nguy hiểm cần đến cơ sở y tế ngay.
Xem thêm bài viết sau để biết các yếu tố nguy cơ và triệu chứng nặng của bệnh cảm cúm: Bệnh cảm cúm là gì? Hiểu rõ để không quá xem thường!

Cảm cúm là bệnh thông thường và có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Bệnh sẽ tự khỏi, tuy nhiên, trong một số trường hợp cần điều trị bằng thuốc. Hi vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Cảm cúm uống thuốc gì?”. Thông thường, người bệnh chỉ cần dùng các thuốc điều trị triệu chứng như thuốc hạ sốt, giảm ho, long đờm, thuốc trị hắt hơi, sổ mũi. Trong các trường hợp có nguy cơ cao gặp biến chứng, bạn có thể cần điều trị đặc hiệu với thuốc kháng virus cảm cúm.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn chuyên môn:

Thạc sĩ Dược học Nguyễn Thị Hương

Dược · Công ty cổ phần dược phẩm Gia Nguyễn


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 04/03/2024

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo