backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

3

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Thuốc trị lao và những thông tin hữu ích bạn nên biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 19/02/2024

Thuốc trị lao và những thông tin hữu ích bạn nên biết

Lao là một bệnh rất nguy hiểm nhưng bạn có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu dùng thuốc trị lao theo đúng phác đồ điều trị. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc điều trị bệnh lao nào cũng có nhiều tác dụng phụ, vì vậy điều quan trọng là bạn cần thông báo với bác sĩ về các loại thuốc và tình trạng sức khỏe mà mình đang gặp phải, nhằm điều trị bệnh lao hiệu quả và an toàn.

Trong hầu hết trường hợp, người mắc bệnh lao có thể chữa khỏi nếu sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị. Bác sĩ sẽ giúp theo dõi diễn tiến bệnh, tác dụng phụ và hiệu quả quá trình điều trị của bạn. Để điều trị bệnh, bạn cần dùng thuốc trị lao phổi liên tục trong vòng ít nhất 6 tháng, một số người có thể cần điều trị lâu hơn. Vậy làm thế nào để hạn chế tác dụng phụ của thuốc chữa bệnh lao và sử dụng thuốc đúng cách? Mời bạn cùng tìm hiểu thêm qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau nhé!

Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc trị lao

Khi bắt đầu một liệu trình điều trị bệnh lao bằng thuốc, bạn cần lưu ý:

  • Thông báo cho bác sĩ về bệnh sử trong quá khứ và bất cứ loại thuốc nào bạn đang dùng.
  • Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngưng dùng thuốc, ngay cả khi bạn cảm thấy khá hơn. Việc uống thuốc không đúng chỉ định có thể làm các vi khuẩn lao kháng thuốc.
  • Uống một liều thuốc duy nhất mỗi ngày, tại cùng một thời điểm và trong một khoảng thời gian nhất định theo đúng hướng dẫn. Bạn hãy nhớ rằng việc quên uống thuốc có thể dẫn đến thất bại trong điều trị.
  • Một số loại thuốc như rifampicin phải được uống khi đói vì thuốc này tương tác với thức ăn.
  • Hãy chắc chắn rằng bạn uống chính xác liều mỗi loại thuốc.
  • Tránh uống rượu trong thời gian điều trị.
  • Tình trạng rối loạn tiêu hóa nhẹ có thể xảy ra trong thời gian đầu điều trị nhưng thường đỡ hơn sau vài ngày. Nếu tình trạng này không cải thiện hoặc ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, hãy liên hệ với bác sĩ điều trị.
  • Nhiều người thường thắc mắc tác dụng phụ của thuốc lao là gì hay uống thuốc lao có hại dạ dày không? Theo các chuyên gia sức khỏe, không có bất  kỳ loại thuốc nào mà không có tác dụng phụ, kể cả thuốc trị lao. Tuy nhiên, mỗi người có thể gặp phải các tác dụng phụ khác nhau với mức độ không giống nhau. Hầu hết mọi người không gặp bất kỳ vấn đề gì khi dùng các thuốc trị lao.
  • Bác sĩ sẽ theo dõi quá trình điều trị của bạn để kiểm tra hiệu quả và các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc điều trị lao.
  • Bạn sẽ cần tái khám định kỳ trong quá trình dùng thuốc. Nếu bạn không thể tái khám đúng lịch hẹn, hãy đi khám ngay khi có thể, tuyệt đối không được bỏ lịch tái khám.
  • Giữ thuốc xa tầm tay trẻ em, người già và bảo quản chúng ở một nơi khô ráo, thoáng mát.

Các thuốc điều trị lao thường được sử dụng

thuốc trị bệnh lao

Bác sĩ thường kê toa thuốc kháng lao cho một đợt điều trị kéo dài 6 tháng. Bạn phải dùng thuốc liên tục theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được bỏ một cữ thuốc nào. Việc uống thuốc trị lao phổi thường được thực hiện tại nhà. Thuốc được chấp thuận điều trị lao gồm rifampin, isoniazid, pyrazinamide và ethambutol. Sự kết hợp và thời gian sử dụng thuốc để điều trị phụ thuộc vào việc bệnh nhân mắc bệnh đang hoạt động hay tiềm ẩn.

Dưới đây là tóm tắt về liều dùng và các tác dụng phụ của thuốc lao.

1. Isoniazid

Mỗi viên nén nhỏ màu trắng có chứa 100mg isoniazid. Liều cho người lớn là 300mg mỗi ngày.

Một số người thắc mắc tác dụng phụ khi uống thuốc lao isoniazid là gì hay uống thuốc lao bị mệt là do đâu? Theo các chuyên gia, các tác dụng phụ của thuốc trị lao này thường không phổ biến. Tuy nhiên, một số người dùng thuốc có thể cảm thấy cáu kỉnh, mệt mỏi, thiếu tập trung và làm tình trạng mụn trứng cá nặng hơn.

Isoniazid còn có thể ảnh hưởng đến gan. Nếu bị buồn nôn (cảm giác ốm), nôn mửa, đau dạ dày, vàng da hoặc mắt, nước tiểu sẫm màu trong quá trình dùng thuốc, bạn nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Đôi khi tình trạng ngứa ran các ngón tay và ngón chân cũng có thể xảy ra nhưng rất hiếm. Trường hợp này, bác sĩ sẽ kê toa vitamin B6 để giúp hạn chế phản ứng bất lợi.

Isoniazid có thể tương tác với các thuốc chống co giật được kê cho bệnh động kinh. Vì vậy, bạn hãy thông báo cho bác sĩ điều trị biết về bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng hay bất kỳ vấn đề sức khỏe nào mà bạn đang mắc phải.

2. Thuốc trị lao phổi Rifampicin hay rifampin

Rifampicin là một thuốc trị lao phổi khác mà bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng. Thuốc thường được uống khi bụng rỗng; nên uống thuốc 1 giờ trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn.

Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc điều trị lao Rifampicin là gì? Rifampicin có thể được bài tiết trong nước tiểu, mồ hôi, nước mắt, tinh dịch, nước bọt và khiến các dịch này có màu cam đỏ. Tác dụng phụ này là vô hại. Nếu bạn dùng kính áp tròng mềm, nó có thể bị đổi màu. Các tác dụng phụ khác của thuốc điều trị lao rifampicin có thể kể đến như:

  • Rối loạn tiêu hóa và cảm giác khó chịu, buồn nôn, mất cảm giác ngon miệng.
  • Ói mửa và tiêu chảy có thể xảy ra nhưng rất hiếm.
  • Tác dụng phụ của thuốc điều trị lao có gây ngứa không? Theo các chuyên gia, tình trạng bừng đỏ nhẹ, ngứa da và phát ban nhạt thường là các tác dụng phụ ngắn, vì vậy bạn không nên lo lắng và tự ngưng thuốc điều trị nếu gặp các tác dụng phụ này. Đôi khi, các triệu chứng trên có thể nghiêm trọng hơn và có liên quan với sốt. Khi điều đó xảy ra, bạn hãy thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.
  • Viêm gan thường hiếm gặp trừ khi gan đã bị tổn thương do các bệnh lý khác hoặc do uống rượu.

Rifampicin có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai. Những phụ nữ uống thuốc ngừa thai cần thảo luận về các hình thức tránh thai khác với bác sĩ. Rifampicin có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác. Bạn nên kiểm tra với bác sĩ để tránh rifampicin tương tác với các thuốc đang sử dụng. Một số loại thuốc phổ biến có thể tương tác với rifampicin, bao gồm:

3. Pyrazinamide

Sử dụng thuốc trị lao

Pyrazinamide có dạng viên nén màu trắng lớn, chứa 500mg hoạt chất pyrazinamid. Bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng thuốc điều trị bệnh lao này tùy theo cân nặng của bạn. Pyrazinamide có tác động mạnh mẽ trong việc chống lại các vi khuẩn lao trong giai đoạn đầu điều trị.

Vậy tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc điều trị lao pyrazinamide là gì? Câu trả lời là cũng như các loại thuốc trị lao khác, pyrazinamide cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ thường gặp như chán ăn, buồn nôn và đỏ bừng. Một số người cũng bị đau các khớp. Tình trạng đau khớp do pyrazinamide thường nhẹ và bác sĩ có thể chỉ định các thuốc giảm đau như aspirin hoặc paracetamol để giảm đau.

Nhiều người thường thắc mắc uống thuốc lao có hại dạ dày không, có hại gan không? Theo các chuyên gia sức khỏe, viêm gan là tác dụng phụ không phổ biến khi dùng thuốc điều trị bệnh lao nhưng nếu bạn bị buồn nôn (cảm giác ốm), nôn mửa, đau dạ dày, vàng da hoặc mắt, nước tiểu sẫm màu, hãy liên hệ với bác sĩ ngay.

Các phản ứng ở da như ngứa, phát ban và nhạy cảm ánh sáng (dễ bị cháy nắng) cũng có thể xảy ra, nhưng không phổ biến.

4. Ethambutol

Rthambutol có dạng viên nén với hai hàm lượng 400mg và 100mg. Bác sĩ chỉ định liều thuốc này theo cân nặng của bạn.

Trong quá trình dùng thuốc, bạn cần thông báo cho bác sĩ nếu gặp bất kỳ thay đổi về thị lực nào, đặc biệt nếu nhận thấy sự thay đổi về khả năng nhìn màu sắc hoặc thị lực bị mờ. Hãy liên hệ với bác sĩ ngay khi bạn nhận thấy hoặc thậm chí nghi ngờ bất kỳ vấn đề nào liên quan đến thị lực. Tác dụng phụ hiếm gặp khác bao gồm đau các khớp, ngứa hoặc phát ban.

5. Thuốc trị lao phổi hàng 2

Bốn thuốc nêu trên là các thuốc đầu tay trong điều trị lao. Một biến chứng đáng sợ của bệnh lao là bệnh lao đa kháng thuốc. Lao đa kháng thuốc được phân biệt nhờ khả năng kháng thuốc hàng thứ nhất là isoniazid và rifampin.

Các loại thuốc hàng thứ hai được sử dụng phổ biến để điều trị lao đa kháng là kháng sinh nhóm amynoglycosid gồm kanamycin, capreomycin và amikacin qua đường tiêm. Các fluoroquinolone như levofloxacin, moxifloxacin và gatifloxacin cũng nằm trong số các thuốc bậc hai phổ biến được sử dụng khi tình trạng kháng thuốc phát triển ở các thuốc bậc một. Các loại thuốc gần đây đã được FDA chấp thuận cho bệnh lao đa kháng thuốc là pretomanid, được sử dụng cùng lúc với bedaquiline và linezolid.

Một số tác dụng phụ phổ biến của các thuốc trị lao?

Nếu gặp phải các tác dụng phụ của thuốc lao, bạn cần báo cho bác sĩ điều trị ngay lập tức. Một số tác dụng phụ tiềm ẩn bạn cần biết khi dùng thuốc trị lao, bao gồm:

  • Ngứa, mất cảm giác, tê hoặc nóng rát ở tay hoặc chân
  • Phát ban da, Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu
  • Vàng da, vàng mắt
  • Rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy
  • Thay đổi thị lực, đặc biệt những thay đổi về khả năng nhìn màu đỏ hoặc màu xanh lá cây
  • Tầm nhìn mờ hoặc tầm nhìn thay đổi
  • Nước tiểu có màu sậm
  • Suy nhược dai dẳng, mệt mỏi, sốt hoặc đau bụng

Tất cả các loại thuốc chống lao đầu tay (rifampin, isoniazid, pyrazinamide và ethambutol), đều có thể gây độc cho gan. Nếu xét nghiệm cho thấy các chỉ số chức năng gan tăng liên tục có thể cần ngưng điều trị. Thuốc aminoglycosid (hàng 2) gây độc tính trên thận. Độc tính trên thận phụ thuộc vào bệnh thận tiềm ẩn, liều lượng thuốc đang dùng và sẽ hồi phục khi ngừng thuốc.

Xử trí tác dụng phụ của thuốc lao

Việc quản lý các tác dụng phụ của thuốc trị lao rất khó do phối hợp nhiều thuốc và bản thân các thuốc có nhiều tác dụng phụ. Người bệnh trong quá trình điều trị sẽ được kiểm tra đánh giá thường xuyên. Nếu gặp tác dụng phụ nào, hãy báo cho bác sĩ của bạn. Bác sĩ sẽ xem xét các phản ứng phụ, phân loại (không nghiêm trọng – nghiêm trọng), xác định nguyên nhân và đưa ra hướng giải quyết cho bạn.

Ví dụ: Bệnh nhân có thể gặp tình trạng đỏ bừng mặt. Đây được coi là tác dụng phụ trên da không nghiêm trọng và tự khỏi mà không cần điều trị. Nếu bệnh nhân khó chịu khi cơn đỏ bừng mặt có thể dùng thuốc kháng histamine để điều trị hoặc ngăn ngừa. Bên cạnh đó không nên ăn thực phẩm chứa isoniazid + tyramine (phô mai, rượu vang đỏ) hoặc một số loại cá (cá ngừ, cá ngừ vằn) trong khi điều trị với Isoniazid.

Một ví dụ khác là bệnh nhân bị phát ban. Đây được coi là phản ứng trên da mức độ vừa đến nghiêm trọng. Trường hợp này bác sĩ có thể xem xét cho bạn ngưng thuốc để tìm hiểu nguyên nhân.

Một số tương tác của các thuốc trị lao với các thuốc khác

Uống thuốc lao có uống thuốc khác được không?

Bạn cần trao đổi với bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn các thuốc có thể và không thể dùng chung với thuốc lao. Một số tương tác cần lưu ý:

  • Isoniazid làm tăng nồng độ phenytoin và disulfiram trong máu.
  • Rifamppicin và Rifapentine làm giảm nồng độ trong máu của nhiều loại thuốc bao gồm thuốc tránh thai đường uống, warfarin và một số thuốc chống đông máu khác, sulfonylureas (điều trị tiểu đường) và methadone.
  • Rifamppicin và Rifapentine chống chỉ định ở những người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ức chế protease và hầu hết các thuốc ức chế men sao chép ngược nonnucleoside.

Bệnh lao là một căn bệnh nguy hiểm và bạn cần uống thuốc trị bệnh lao đúng cách theo chỉ định của bác sĩ để điều trị hiệu quả và an toàn. Bất cứ thuốc trị lao nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ. Vì vậy, bạn cần thông báo với bác sĩ ngay khi nhận thấy các tác dụng không mong muốn này và đặc biệt không được tự ý ngưng thuốc hay giảm liều.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 19/02/2024

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo